*

TẠP GHI



Quê Hương Tưởng Tượng

Trong tập tiểu luận Quê Hương Tưởng Tượng, (Patries imaginaires), Salman Rushdie có nhắc tới một hình ảnh theo ông thật là tuyệt vời trong tác phẩm Mùa Đông của ông Khoa trưởng của nhà văn Mỹ, Saul Bellow, Nobel văn chương. Nhân vật chính, ông khoa trưởng, Corde, nghe tiếng chó sủa một cách man rợ ở đâu đó. Và ông ta tưởng tượng ra được rằng, tiếng sủa đó là sự nổi loạn của con chó chống lại sự hữu hạn của kinh nghiệm loài chó. "Thượng Đế hỡi, con chó nói, xin làm ơn mở rộng thế giới ra một chút xíu nữa". Rồi Rushdie kết luận: Bởi vì Bellow thực sự không nói chuyện mấy con chó, hoặc không phải chỉ nói chuyện về chúng mà thôi, tôi có cảm tưởng cơn cuồng nộ, và khát vọng của con chó cũng là của chúng tôi, của chúng ta, những người ở trên thế gian này.

Không hiểu sao, khi đọc bài phỏng vấn nhà văn Thảo Trường trên Văn, số tháng Chạp, 1996, tôi bỗng nhớ đến S. Rushdie, cùng cơn cuồng nộ, và khát vọng của ông. Nhà văn Thảo Trường khẳng định một điều: "Văn Học Việt Nam thì phải viết bằng Quốc Ngữ. Viết bằng chữ khác thì không nên gọi là văn học Việt Nam." Không ai có thể phủ nhận điều này. Và bởi vì ngay cả khi khẳng định, chúng ta vẫn còn tra hỏi, bởi vì câu hỏi nhiều khi cần thiết hơn là câu trả lời; cho nên ở đây, người viết chỉ xin đưa ra một đề nghị, liệu chúng ta có nên thêm vào Văn Học Việt Nam một "mảng văn chương viết bằng tiếng Anh".

Bởi vì Thượng Đế quả tình đã nghe được lời khẩn cầu của S. Rusdhie, và thế giới đối với ông quả có rộng thêm, không phải một chút xíu, mà thật rộng, ít ra cũng rộng hơn nhiều, so với đám di dân, tỵ nạn chúng ta.

Cùng với những nhà văn như Michael Ondaatje, Kazuo Ishiguro... họ đang đại diện cho dòng văn chương thế giới hiện đại: dòng văn chương viết bằng tiếng Anh của những người di dân. Họ cũng đã từng đoạt giải thưởng The Booker, một giải thưởng văn chương của "đế quốc Anh". Nếu không có những người như họ, liệu tiếng Anh, dòng văn chương viết bằng tiếng Anh có trở nên giầu có, trở thành niềm hãnh diện không phải của một số sắc dân mà coi như của toàn thể nhân loại. Bản thân người viết, khi đọc họ, thí dụ như nhà văn nữ Amy Tan, chỉ thấy đây là một người đàn bà Trung Hoa, viết về những đề tài muôn thuở của con người, và những xung đột, những mâu thuẫn... khi họ, những "đứa con của Trung Nguyên, của ông Trời", phải đụng đầu với thế giới Tây Phương; trong niềm tin tưởng mãnh liệt, chỉ cho họ đặt chân xuống đất Trung Hoa là họ trở thành người Trung Hoa "một trăm phần trăm".

Trong cuốn "Tàn Ngày", (The Remains of the Day), tác phẩm đoạt giải The Booker, nhà văn gốc Nhật, Kazuo Ishiguro đặt thẳng vấn đề, "người ta không thể có nhân phẩm, một khi là một tên nô lệ", và có nên trung thành với "ông chủ", Lord Darlington, một nhân vật biểu tượng cho vương quốc Anh, cho sự cao cả, la grandeur, của vương quốc đó, đến nỗi đẩy người yêu vào tay kẻ khác, cuối cùng khám phá ra ông chủ chỉ là một kẻ cộng tác với Nazi.

Cũng trong Quê Hương Tưởng Tượng, S. Rusdhie, trong bài viết Luận về phê bình, Essai de critique, bàn về vấn đề di dân, về những tác phẩm văn học thế giới, và của nhà văn Đức, Gunter Grass. Ông viết: Có những tác phẩm mở ra những cánh cửa cho độc giả, những cánh cửa ở trong đầu, những cánh cửa mà họ chẳng bao giờ nghi ngờ đến sự hiện hữu của chúng. Và có những độc giả mơ ước trở thành nhà văn; họ tìm kiếm một cánh cửa lạ lùng nhất trong số tất cả những cánh cửa... Lại có những độc giả khác đọc và bắt đầu mơ mộng. Với những Alice như vậy, họ ao ước "di cư" từ Thế Giới vào trong Những Cuốn Sách. Đối với họ, có những cuốn sách (nếu họ may mắn) cho phép họ du lịch, cho phép họ trở thành "nhà văn có sẵn ở trong họ"... Một cuốn sách cũng giống như một tờ thông hành, và những tờ thông hành của tôi, gồm có Hồi Ký của Serge Eisentein, Con Quạ của Ted Hugues, Những Giả Tưởng của Borges, và trong mùa hè 1967, Cái Trống, của Gunter Grass.

G. Grass là đứa trẻ nổi tiếng nhất của Danzig (Lech Walesa, người độc nhất có thể tranh giành với ông danh hiệu này, thực ra sống ở Gdansk). Ông cũng là nhân vật quan trọng "trung tâm" của dòng văn chương di dân, và di dân lại là nhân vật trung tâm và quyết định của thế kỷ 20 này. Như rất nhiều di dân, như rất nhiều người đã mất một thành phố, ông tìm lại được nó trong hành trang của ông, dấu kỹ trong một cái hộp cũ bằng sắt. Thành phố Prague của Kundera, Dublin của Joyce, Danzig của Grass: Ôi chao, cái đám lưu đầy xứ người, cái đám tỵ nạn, cái đám di dân gói ghém không biết bao nhiêu là thành phố trong hành trang của họ theo suốt những cuộc hành trình "lang thang Do thái" đó! Và đừng coi thường sự cứng đầu của họ, những nhà văn như thế. Họ không cho phép bất cứ ai được "Gdansk hóa" quá khứ của họ. Trong cái thành phố mà Grass mang theo, Labesweg vẫn là Labesweg, và những xưởng đóng tầu nhìn thấy sự ra đời của Solidarnosc không gọi là Lénine, nhưng mà là Schichau.

Theo một nghĩa nào đó, Grass chỉ có một nửa "di dân". Một di dân chính hiệu đau nỗi đau ba lần "đứt phim": mất nơi chốn, sống ở một nơi có một tiếng nói xa lạ hoàn toàn, sống với những người xa lạ hoàn toàn, nhiều khi còn tỏ vẻ thù nghịch đối với người đó. Chính ba lần đứt phim này đã biến di dân trở thành quan trọng vì ba điều vừa kể trên là ba thành phần quan trọng nhất để định nghĩa một con người. Mất cả ba, họ bắt buộc phải tìm những cách thức mới để tự diễn tả, những cách thế mới để là người.

Di dân dâng hiến cho chúng ta "ẩn dụ" giầu có nhất của thời đại. Từ "ẩn dụ", métaphore, theo gốc Hy Lạp của nó, có nghĩa "mang qua", diễn tả một trạng thái thiên di, từ ý tưởng qua hình ảnh. Di dân do đó là những sinh vật ẩn dụ tự bản chất.

Grass còn là một di dân đối với quá khứ của ông. Không phải đợi đến khi người Mỹ tới, và cuộc chiến chấm dứt ông mới nhận ra chuyện gì thực sự đã xẩy ra ở Đức. Một kinh nghiệm mới đắng cay làm sao khi khám phá ra rằng hình ảnh toàn diện về thế giới mà người ta có được là giả, không những giả mà còn được tạo nên từ Quỷ, từ Ma. Và trách nhiệm mới lớn lao làm sao đối với chỉ một cá nhân: xây dựng lại, tái tạo thực tại từ những mảnh vụn, những điêu tàn. Theo nghĩa đó, Grass là một di dân trong Lịch Sử. Ông là di dân "kép", chứ không chỉ một nửa.

Quê Hương Tưởng Tượng, tại sao vậy?
Trong bài viết được dùng làm tên cho cả tập, S. Rushdie viết về một kỷ niệm lần ông trở lại Bombay. Như những di dân, những kẻ lưu đầy xứ người, ông luôn bị ám ảnh bởi một nỗi mất mát, và sự cần thiết phải "tái chinh phục" quá khứ, phải quay về với nó, cho dù có bị biến thành tượng muối. Nhưng nếu chúng ta quay lại, chúng ta phải biết rằng là, sự xa mặt đã làm cho chúng ta không thể nào tái chinh phục được cái đã mất; một cách ngắn gọn, chúng ta sẽ chỉ xây dựng được, không phải những thành phố, những làng mạc thực mà là những quê hương tưởng tượng.

Những Việt Nam, Sài-gòn, Mỹ Tho, Cai Lậy... của trí tưởng.

NQT