*

TẠP GHI



Kẻ bán xới 

"Đã lâu, đã nhiều lần, tôi đang nằm ngủ bỗng giật mình thức giấc.Lần nào cũng chỉ một giấc mơ, nhưng chi tiết mỗi lần một khác. Tôi không ở Paris, mà đang ở Sofia (thủ đô Bulgarie), nơi tôi ra đời; vì một lý do nào đó, tôi trở về, và cảm thấy thật hạnh phúc khi gặp lại những bạn cũ, gia đình, bà con. Rồi tới lúc từ giã, trở lại Paris; khi đó, mọi chuyện cứ rối bét cả lên. Ngồi trên xe buýt ra ga, tôi chợt nhận ra quên vé xe lửa, nếu quay lại, xe lửa chắc chắn sẽ chẳng chờ tôi. Hoặc xe buýt đột nhiên ngừng, không hiểu tại sao; mọi người đều xuống, tôi cũng vậy; với chiếc vali nặng nề trên tay, tôi cố gắng luồn lách, nhưng đám đông như vô cảm, dửng dưng, một khối lạnh toát không sao lọt qua. Có lần may mắn, tới được ga, tôi chạy vội qua cửa, vì đã trễ giờ; nhưng ơ kìa, ga ghiếc gì đâu, chỉ là cảnh giả, như một décor dàn dựng phim kịch; phía bên kia, chẳng có sảnh đường, hành khách, đường rày, toa tầu... Chỉ là cánh đồng lút ngút đến hụt hơi, hụt tầm nhìn; một mầu, một cảnh: cỏ vàng dật dờ trước gió. Hoặc một anh bạn lấy xe chở đi, để tranh thủ thời gian, anh chọn một con đường tắt, nhưng lạc lối, và cứ thế, những con đường mỗi lúc một thêm xa lạ, vắng tanh, tận cùng là những vùng đất hoang liêu, cô quạnh; Nói tóm lại, giấc mơ nào cũng tận cùng như nhau: tôi phải ở lại Sofia. Thế là tôi giật bắn người, thức dậy, lấy tay quờ quạng, rờ rẫm, mắt ráng phân biệt đồ vật. Khi đụng vào người bà xã, biết chắc đang ở Paris, tôi tự nhủ thầm, cứ thoải mái hưởng thụ cuộc sống thực của mình: một gã bán xới."

 "Gã bán xới", tạm dịch "L'homme dépaysé", (nhà xb Seuil, France, 1996), tác phẩm của Tzvetan Todorov. Để giải thích, ông cũng phải chua thêm vài hàng lấy từ từ điển Larousse:

 Bán xới (dépayser) tha động tự:

 1. Thay đổi xứ sở, môi trường, khung cảnh

 2. Gặp khó khăn, trắc trở, mất định hướng, do thay đổi thói quen.

 Theo ông những người tới Âu châu từ phía Đông thường có cùng giấc mơ này. Nó ám ảnh tới độ, 18 năm sau, vào năm 1981, có dịp trở lại Bulgarie, ông đã làm đủ mọi cách, để cho quê hương đừng giữ dịt lấy ông: khách mời dự lễ kỷ niệm ngày thành lập nhà nước Bulgarie, nhân viên chính thức của phái đoàn Pháp; nếu cần, họ sẽ đòi người của họ. Cẩn thận hơn nữa, ông ra tòa đô chính, ký giấy hôn thú cho chắc ăn, với vợ, tức người đàn bà hiện đang chung sống.

 Todorov rời quê hương không vì chính trị, hay kinh tế. Ông đi du học, khi còn trẻ. Lần trở về là kinh nghiệm của một kẻ thực sự thuộc về hai nền văn hóa. Malraux, nhắc lại kinh nghiệm của đại tá Lawrence d' Arabie, theo đó, thuộc về hai văn hóa là đã mất linh hồn; Todorov không coi đây là một sự trù ẻo. Kẻ bán xới bị bứng ra khỏi môi trường, khung cảnh sống quen thuộc, quê hương, xứ sở... thoạt đầu rất đau khổ. Anh ta chỉ cảm thấy thoải mái khi sống giữa những người quen thuộc. Tuy nhiên anh ta sẽ có lợi nhờ kinh nghiệm đó. Nó dậy anh ta, đừng lầm lẫn, giữa cái thực và điều lý tưởng, giữa văn hóa và thiên nhiên. Không phải có những người cư xử, suy nghĩ khác mình, rồi suy ra rằng, họ không phải là người. Có khi anh ta tự giam mình vào nỗi mất mát thua thiệt, giận thân giận đời... những tình cảm nẩy sinh từ sự miệt thị, khinh khi, và thù nghịch, của chủ nhà. Nhưng nếu vượt qua được tình trạng này, anh bắt đầu tò mò, và học được sự khoan dung (tolérance). Sự hiện diện của anh lúc này gây ra một tâm trạng bán xới ở chủ nhà. Họ bắt đầu tra hỏi, tò mò về họ.

 Cuốn sách của Todorov là một kinh nghiệm của một kẻ bán xới - về địa dư, và về một vài cái nhìn bán xới - đối với quê hương Bulgarie, hai vị chủ nhà - Pháp, nơi chứa chấp ông, và Mỹ, nơi ông hành nghề giáo sư.

 Kinh nghiệm lần đầu trở lại quê hương vừa có tính tương đối, vừa tuyệt đối. "Tương đối, vì tôi phải chấp nhận: điều không phải, không được quyền xẩy ra, thì cứ xẩy ra hoài hoài tại xứ sở tôi. Tuyệt đối, vì cái thế giới toàn trị mà tôi lớn lên từ đó, có thể coi như khuôn mẫu của cái ác (étalon du mal), đối với tôi.

 Khuôn mẫu của cái ác.

 Hãy nói về sự khủng bố. Trong thế giới toàn trị, khủng bố không lững lờ đâu đó, mà ăn sâu vào mọi ngõ ngách xã hội, tâm hồn. Xã hội nào thì cũng vậy, con người không bất thần sướng điên lên, vì hạnh phúc của kẻ khác; nhưng chính sự bất hạnh, nỗi đau của kẻ khác là niền vui bất chợt của con người. Trong thế giới toàn thể chân lý này được nâng lên thành quốc sách, cùng với nó là sự khủng bố, bạo lực cách mạng, ai thắng ai, đâu đâu cũng có con mắt của nhân dân... Phương tiện không lúc nào thiếu, nhà nước luôn luôn khuyến khích, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể ban bố đau khổ cho người trên, kẻ dưới, láng giềng, thằng em, địch thủ, tình địch... Làm cho toàn xã hội đều "dính trấu", đó là nhờ khủng bố. (Trotski: Cách mạng phải được dẫn dắt như một cuộc chiến, khi giết một vài cá nhân riêng lẻ, hàng trăm ngàn người khác khiếp sợ). Bạo lực cách mạng được biện minh bằng giai cấp đấu tranh, chuyên chính vô sản. Kẻ thù của nhân dân là một "excuse". Nhà nước toàn trị không thể tồn tại, nếu hết kẻ thù. Nếu thiếu, nếu khan hiếm, phải bịa đặt ra. Bớt đi một kẻ thù là thêm một miếng bánh cho tổ quốc. Tất cả cho... quyền lợi.

 Đối với người dân trong thế giới toàn trị, cuộc đời không tuân theo những khẩu hiệu; đây là một cuộc chiến không xót thương, để có được phần bánh ngon nhất.

 Theo Todorov, cách hành xử của Staline cho thấy, ông ta là đệ tử của Nietzsche nhiều hơn là của Marx; bởi vì tất cả cho quyền lợi không liên can gì đến ý thức hệ của Marx, cũng như chính trị của Lénine. Mọi người đều biết, Staline thanh toán liền những lính gác của cách mạng, những Cộng Sản cựu trào, và những người tin vào lý tưởng. Ba nàng tiên hiền hậu Marx, Lénine, Staline cùng ghé xuống cái nôi, trong có nhà nước toàn trị còn đỏ hỏn, và ban cho nó những đức hạnh của họ. Ai, trong xã hội đó, cho rằng mình chẳng có điều chi để mà tự trách? Sống trong sự dối trá, cá nhân trở thành đồng lõa. Theo Vaclav Havel, đây là chủ nghĩa tự động-toàn trị (auto-totalitarisme) của xã hội. Vẫn theo ông, chế độ toàn trị đặc biệt ở chỗ: khác hẳn những chế độ bạo chúa truyền thống, ở đây không có thiểu số áp bức đa số, mà là, mỗi cá nhân đều bị cuốn hút vào guồng máy: họ vừa là đao phủ, vừa là nạn nhân, tuỳ theo mức độ nào đó. Mỗi cá nhân là một bộ "nạn nhân-đao phủ", "tù nhân-cai ngục". Mấy ông Trung Ương Đảng cũng không thoát khỏi "qui luật" này: Một phần thân thể, tôi chịu đựng hệ thống; phần kia, tôi điều khiển nó, làm cho nó hoạt động. Đây chính là phần số bi thảm mà chế độ toàn trị đã áp dụng lên mỗi cá chân.

 Về trại tù.

 Một xã hội không có trại tập trung cải tạo không thể được coi là một thế giới toàn trị. Đây là con ách chủ bài của nó, nơi hiện thân, của "địa ngục có thực". Hơn cả cái chết, nó được sử dụng như là nền tảng của khủng bố. Nó là xã hội toàn trị được cô đặc lại, được yếu tính hoá, khuôn vàng thước ngọc cho cái thế giới xô bồ rộng lớn ở bên ngoài. Ai bị đưa đi trại cải tạo? Kẻ thù của nhân dân. Nhưng kẻ thù đều đã bị trừ khử hết rồi. Nhà nước đành phải coi là kẻ thù tất cả mọi người. Trại cải tạo ở Bulgarie có tên là: Tổ ấm, nơi phục hồi con người thông qua lao động. Hậu quả ra sao, xin ghi lại nhận định của David Rousset, từ năm 1951: "Nhằm nhò chi ba chuyện đau khổ, chết chóc trong thế giới trại cải tạo. Thê thảm hơn thế nhiều: con người sống ở đó. Đó là nơi con người biến thành một cái rẻ rách, hoàn toàn vứt đi, đối với chính họ. Không phải tù nhân, mà luôn cả cai tù cũng chịu đựng cuộc "hóa thân" khủng khiếp này. Những nhà nước, xứ sở có trại cải tạo đều thối rữa đến tận xương tuỷ".

 Sự sụp đổ đế quốc Cộng Sản xuất hiện một số tác phẩm của những người đã từng "ăn nằm" với nó. So với những hiểu biết tương đối nhiều về Nazi - sự tầm phào, dung tục của cái ác (the banality of evil), đao phủ bàn giấy, cá nhân quyền thế, vâng lời cấp trên... bây giờ người ta mới được biết về mặt sau "cung đình", nhưng trớ trêu là, những tài liệu mới mẻ này thường "trái ngược" nhau. Mới đây thôi, trùm mật vụ Nicaguara, Tomas Borge, còn "mê hoặc" nhà văn Đức Gunter Grass, và rất nhiều du khách Hoa-kỳ. Paul Hollander, tác giả bài viết "Bạo động chính trị trong hệ thống Cộng Sản" (Partisan Review 3, 97), cho biết, bạn của ông, một giáo sư triết học, đã coi Borge là một thi sĩ "tốt", và là chủ nhân một nhà tù tiến bộ nhất thế giới. Lương tâm trùm KGB cuối cùng, Vladimir Krychkov, người toan tính cách "mạng" Gorbachev vào năm 1991, cũng thật là trong sáng. Ông nói chuyện với David Remnick, ký giả Mỹ: Nếu cần sám hối, hãy cho mọi người được sám hối. Thái độ của tôi đối với Stalin rất rõ ràng: Tôi kết án sự đàn áp, kết án những hình thức tập trung quyền lực ông ta đã phát triển... Khi ông ta lên cầm quyền, chỉ có người thay trâu cày, khi ông ta ra đi, nước Nga có bom nguyên tử... Tin tôi đi, chỉ trong vòng hai mươi năm nữa thôi, ông ta sẽ được nhắc tới như một vị thánh"

 G. Lukács, bản thân không dính dáng gì tới việc bẩn, dirty business, khẳng định: Bổn phận cao cả nhất, đạo đức cách mạng Cộng Sản, đó là chấp nhận sự cần thiết phải hành động một cách vô đạo đức. Đây là hi sinh lớn lao nhất cách mạng đòi hỏi ở chúng ta. Niềm tin của người Cộng Sản chính hiệu, đó là, ngay cả cái ác, tự thân nó, thông qua cách mạng, cũng biến thành ân sủng, hạnh phúc thánh." (P. Hollander trích dẫn). Orwell, qua Torodov, coi đây là "tội ác cần thiết", bắt buộc phải có. Nhưng ông tin rằng, những người giết người "trên giấy", tức là những người chưa từng chính mắt nhìn thấy người giết người, chưa từng cận kề một cái xác chết, chỉ những người đó mới ngợi ca tội ác cần thiết. "Điều này chỉ được miêu tả bởi một kẻ, giết người thiết yếu chỉ là một từ. Nếu có người nghĩ trái lại, thì đó không phải là một trí thức lỗi lạc, mà đây cũng là một viên cảnh sát, hay là một người lính".

 
Ralkolnikov, trong Tội ác và Trừng phạt (Dostoevsky), chủ trương tội ác cần thiết, nhưng khi giết bà già cầm đồ, anh nhận ra sự thực, "tôi đang xả những nhát búa lên chính tôi..." Bạn của Todorov đã từng than thở với ông, ông ta thấy mình như một nhân vật giả tưởng, trong một truyện ngắn của Maupassant: Người đàn bà mức thu nhập khiêm tốn, mượn bà bạn giầu chuỗi hạt để đi dự đám cưới, không may để mất. Bà ta đã vay mượn một số tiền lớn, mua một chuỗi hạt tương tự, và sau đó kéo cày trả nợ. Khi đã xác xơ, già cằn, gặp lại bạn cũ, bà hãnh diện kể lại câu chuyện..." Tội nghiệp bạn quá, xâu chuỗi của tôi hồi đó là đồ dởm".

 Maupassant vẫn bị chê là viết chuyện "cường điệu", biến đời sống thành phường tuồng. Cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa CS, đây là lúc "thanh toán quá khứ". Khi mà người ta còn thấy trước mặt, một sức mạnh không làm sao tránh né, khi đó, sự đau khổ vẫn còn có ý nghĩa. Ngày mà chúng ta chấp nhận ý nghĩ bi thảm, khi tuyên bố, chủ nghĩa CS là con đường nhức nhối (tortueuse) dẫn từ "chủ nghĩa tư bản" đến "chủ nghĩa tư bản", khi đó, những người dân tại những nước cựu-toàn trị chẳng thể nào nhìn ra, ý nghĩa cuộc đời này (Todorov, p.69, sđd).

 
Nguyễn Quốc Trụ