TẠP GHI
|
Hình Bóng Cũ
Trong
những tác phẩm của Sơn Nam, có một, ít được nhắc
tới,
nhưng đối với cá nhân người viết, có lẽ đây là cuốn hay nhất của ông:
Hình Bóng
Cũ. Những tác phẩm như Hương Rừng Cà Mâu, Chim Quyên Xuống Đất... là
một Miền Nam
sau này,
hoặc vẫn tiếp tục còn đó, tuy đã tang thương dâu bể. Hình Bóng Cũ là
một Miền
Nam đã mất hẳn, như một Viễn Tây của lịch sử Hoa Kỳ. Ở đó, huyền thoại
lấn át
thực tại, và khi huyền thoại biến mất, nó kéo theo cùng với nó, những
con người
nửa hư nửa thực. Tất cả biến thành thần. Những vị phúc thần (anges
gardiens).
Tôi
đọc cuốn sách đã lâu. Sau cố tìm gặp lại nhưng không
thể. Như thể cái duyên giữa cuốn sách và tôi đã trọn vẹn: Một đứa bé di
cư, một
mình xuống tầu há mồm vào Nam
tìm gặp Hòn Ngọc Viễn Đông, vô tình khám phá viên quặng làm nên hòn
ngọc đó.
Câu
chuyện một xóm nhỏ, có một "thầy ký nhựt
trình", như dân trong xóm vẫn thường trầm trồ về một anh chàng ngụ cư.
Bản
thân anh ta lâu lâu có một bài thơ được nhà báo thương tình đăng lên,
thay vì
để trống một khoảng nhỏ.
Một
bữa có một bà tới kiếm, tính mướn anh viết hồi ký cho
"bả". Người đàn bà ôm trong mình cả một kho tàng. Đã từng là đào hát,
chủ gánh, sau bỏ hết, gá nghĩa cùng một ông tây thuộc địa, một trong
những
người khai phá ra những cánh đồng thẳng cánh cò bay, tiền thân của
những ông
Hương, ông Cả trong những cuốn tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, tiền thân của
những
cô Ba, cô Tư trong những câu chuyện ngồi lê đôi mách, cà kê, dê ngỗng
của một
số tác giả Miền Nam hiện nay. Một nhân vật kiểu Faulkner, sự tàn bạo,
dã man
không thua, số người bị giết do ông, bởi chính ông chắc cũng không kém.
Người
đọc chỉ đoán lờ mờ những chi tiết "thực" đó. Chỉ lờ mờ biết được quá
khứ của một Lọ Lem một bữa biến thành Công chúa Thuộc địa. "Bả" có
cay đắng khi phải "bó thân về với triều đình", khi phải đồng hóa Miền
Nam
với chủ nghĩa thực dân khai hóa... nào ai biết được. Tất cả chỉ là
những
"tầng kiến giải" về một huyền thoại. Về một Hình Bóng Cũ.
Người
xưa thường nói, nếu vẽ rồng chớ có "điểm
nhãn". Vẽ mắt rồng, bữa nào hứng lên, rồng vàng, hạc vàng... bay mất,
để
trơ lại một thành Thăng Long mất cả Gươm Thiêng lẫn Rùa Thần, một Hoàng
Hạc Lâu
biến thành tiệm chả cá Lã Vọng...
Tôi
nghĩ, Sơn Nam
đã quên lời dặn đó của cổ nhân,
khi viết Hình Bóng Cũ.
Mối
tình đầu của tôi với Miền Nam ngày xửa ngày xưa chỉ
có vậy.
Số mệnh khiến tôi suốt đời lẽo đẽo chạy theo mối tình đầu đó, khăng
khăng cứng
đầu, cố biến nó thành hiện thực. Sau này, đọc những nhà văn Miền Nam,
cũng là để
cố tìm lại chút văn minh, "tư tưởng man rợ" (pensée sauvage, chữ của
C. Lévi- Strauss), của một thuở miệt vườn.
Nhưng
có lẽ không giản dị như vậy, Miền Nam, mối tình
đầu, và tôi.
Ngay
từ khi học trung học ở Hà-nội, đọc Tô Hoài, tôi đã cố
mường tượng ra một "nước Nam Kỳ" xa xôi, chốn đầy ải, nơi trốn chạy
của những anh đàn ông, con trai "Bắc Kỳ" của một Xóm Giếng, một Trăng
Thề, một Quê Người - một làng Nghĩa Đô đã không còn là quê mình - nên
đành hy
sinh đi làm phu đồn điền cho Tây, nếu không may thì làm phân bón cây
cao su,
còn may ra thì lại có phen áo gấm về làng. Có thể khi xuống tầu há mồm
vào Nam,
giấc mơ
của chú bé di cư vẫn chỉ là giấc mơ cũ kỹ đó. Giấc mơ của một Nguyễn
Hoàng về
một Hoành Sơn nhất khoảnh, hay khiêm tốn hơn, một tương lai bên ngoài
lũy tre
làng.
Khi
còn ở Trại Cấm, nhân có một cán bộ Cộng Sản thất sủng,
bị anh em đồng chí tính cho đi mò tôm, nên đành phải vượt biển, và được
đậu
thanh lọc, rồi sau đó xẩy ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa một số
người.
Người cán bộ đã nói thẳng ra một điều: tại sao các anh không giải phóng
chúng
tôi, tại sao các anh tạo ra tình cảnh cả nước phải đi ăn mày tình
thương của
toàn thể nhân loại... Khi lấy được Miền Nam, có thể giấc mơ muôn
đời của
Miền Bắc đã được thực hiện: Giải phóng cho chính mình, rồi sau đó, cho
cả nước.
Đối với lịch sử, Miền Nam
chỉ có công: Thất trận.
Qua
đây, đọc những nhà văn hải ngoại, tôi nhận thấy chỉ có
dòng văn chương chứa đựng tư tưởng "miệt vườn" là không bị cuộc chiến
làm xấu đi, huỷ hoại, hoặc tiêu diệt. Như là một đối trọng với gánh
nặng hội
nhập.
Ở
trong nước, dòng văn chương hiện thực tiền chiến, ở những
tác giả như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Tô Hoài... đã đầu tư hết mọi ước
mơ,
hoài vọng và năng lực cho những ngày đầu cách mạng, đã hy sinh hết cho
Đảng, dù
có phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn, đã bị kiểm thảo, học tập nghị
quyết, học
tập cách ngồi, cách suy tư, cách đi thực tế, cách viết dưới ánh sáng
của Đảng...
cuối cùng nhường chỗ cho dòng văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa,
chết bất
đắc kỳ tử ngay những ngày đầu chiến thắng Miền Nam.
Độc
giả trong nước bây giờ đổ xô tìm đọc những tác phẩm của
Hồ Biểu Chánh... là cũng nằm trong ý nghĩa đó: Tha hóa không phải chỉ ở
đây,
vào lúc này. Chất nghĩa khí, cõi công bằng, tình bà con lối xóm... vốn
đầy rẫy
trong những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh là những hình bóng cũ mà người
dân hai
miền đang trân trọng.
Nguyễn
Quốc Trụ
|