*

TẠP GHI



 

Một chuyến đi

"Đúng ra chúng tôi đã có dịp quen nhau từ lâu,
từ những ngày..."

 Lần đầu gặp, nghe ông kể đã từng tới "đỉnh cồn", Đài Liên Lạc Vô Tuyến Điện Thoại Quốc Tế, cũng là nơi các phóng viên ngoại quốc tới đọc tin về trụ sở chính của họ; ông lúc đó làm cho hãng tin nước ngoài, còn tôi, một chuyên viên kỹ thuật của Đài:
-Như vậy là ông làm việc ở đó? Sao tôi không gặp nhỉ? Tôi vẫn còn nhớ những lần tới, thang máy thường là hỏng, cứ phải lội bộ. Đúng là còn xa hơn cả London, cái đỉnh cồn của ông! Đọc ông, tôi cứ ngờ ngợ, như thế là chúng ta đã san sẻ cùng một nỗi bực mình, cùng những cơn thở dốc!
 Nơi tôi làm việc là tầng lầu trên cùng một building..., tôi đã viết về nơi chốn đó, nhưng... cái thang máy, ờ nhỉ, tôi còn nợ nó quá nhiều kỷ niệm. Tôi bật cười thầm, như nhìn thấy mấy người phóng viên đang ì ạch leo lên mấy tầng thang lầu. Nói ì ạch, kể hơi quá - cho thỏa nỗi bực bội, ghen tức - bởi vì họ leo nhanh lắm, để tranh đưa tin, trước đồng nghiệp! Thế ra là trong số đó, có cả cái ông bạn mới quen này, tóc bạc trắng như những sợi cước, chiếc tẩu thuốc luôn luôn nhả khói, mớ tóc bồng bềnh như bờm sư tử, chẳng thấy một chút già nua nào, trong bất cứ một cử chỉ. Thú nhất, là cách ông nâng ly...Tôi có cảm tưởng, bây giờ ông bạn mới có thì giờ thưởng thức cuộc đời, thưởng thức văn chương bằng cách bịa đặt ra nó, bởi vì cả một thời trẻ: còn lo chạy trước đồng nghiệp!
"... cay nghiệt đó."
Cay nghiệt, chắc không đâu, với ông. Làm hãng tin ngoại, bất cứ lúc nào ông cũng có thể nhẩy ra khỏi lò lửa, tôi đã từng thèm khát một chân phóng viên như vậy, thèm làm một người gia nhập cuộc chiến, không phải vì bắt buộc, mà là tự nguyện. Chết là do mình chọn.
Còn nhiều "đặc ân" khác nữa: những đặc ân về thông tin, biết những điều có khi chỉ mình mình biết. Đọc ông, tôi có cảm tưởng, ông viết cho một người đọc không còn nữa, cho phần người ở trong ông nay cũng không còn nữa: Đừng hỏi chuông đổ vì ai (1)... tôi như nhìn ra con-người-nhỏ-nhen-tôi. Nhỏ nhen, vì nghĩ những ký giả chân trong chân ngoài đối với cuộc chiến như ông "sướng hơn, may mắn hơn" tụi tôi; nếu muốn, họ có thể phủi bụi, bỏ đi bất cứ lúc nào. Nhìn ông tôi hiểu, đừng hỏi...
Bởi vì người chết không bắt buộc chỉ là người đã chết, mà còn có kẻ sống sót, nhất là những người "biết quá nhiều"...
Gần mực thì đen, tôi còn nghĩ, với những đặc quyền thông tin như vậy, người phóng viên thật dễ trở thành điệp viên. Không chỉ phóng viên, mà luôn cả nhà văn - như một người được thông tri đầy đủ những dữ kiện của thời đại. Graham Greene, George Orwell đều làm việc cho phản gián Anh. Orwell tin ông đúng, cả trong việc dò xét những đồng nghiệp. Ở Việt Nam, là trường hợp Phạm Xuân Ẩn. Không hiểu hồi đó, ông bạn của chúng ta có biết vụ CIA "giả đò" làm Mặt Trận Giải Phóng thả con vịt cồ, sẽ họp báo ở trong chiến khu, tuyên bố ly khai với Miền Bắc. Hầu hết các báo chí phương Tây đều mắc hỡm, trừ Mỹ. Họ không, có thể do CIA vờ đi, không gửi thiệp mời, hoặc Phạm Xuân Ẩn, lúc đó làm cho tờ Time, báo động ông chủ chi địa, và cũng muốn lập công. Phạm Xuân Ẩn, sau được Nguyễn Khải hư cấu thành nhân vật Quân, trong Thời Gian Của Người. Lạ một điều, không phải kết cục của Quân - sau khi công thành danh toại, nghe nói bị thất sủng, dù đã được Đảng cho đi "thiền" một thời gian, để dứt nọc độc khi nương náu nơi cửa Thời (Time) - nhưng chuyện Mặt Trận Giải Phóng ly khai với miền Bắc đã thực sự xẩy ra, qua sự kiện câu lạc bộ kháng chiến của đám CS miệt vườn Miền Nam.

Nhân lúc vui câu chuyện, bữa gặp nhau ở nhà ông Tôn, tôi chêm vô: "thằng này" cũng đã từng biết trước một cuộc đảo chính sắp sửa xẩy ra...
-Ông nói sao, ông biết trước có đảo chính?
-Chỉ mỗi một lần. Do tình cờ...
Thời gian dân Sài-gòn thay vì đi ciné không được, do giới nghiêm, nên đành ở nhà chờ coi đảo chính. Bữa đó phiên trực, nửa đêm không biết làm gì, tò mò theo dõi hai anh chàng Mẽo nói chuyện qua cái máy viễn ấn:
-Sài-gòn đảo chính chưa?
-Chưa thấy gì hết.
-Sao lại chưa, bên này đã được thông báo rồi?
Chỉ một lát sau, "sự thực" xẩy ra.

Phải nói thêm: phần vụ của đám chuyên viên Đài, là kiểm tra mạch viễn ấn, vô tuyến điện thoại, mỗi khi có sự cố; không liên can gì đến chuyện kiểm duyệt báo chí.
 Trong bữa tiệc ở nhà ông Tôn, bào đệ ông bạn chúng mình đang nhắc tới, tôi là một kẻ "ngoại đạo", một "intruder" (2), một kẻ xâm nhập lén lút, trong cái "Thi Văn Đoàn" này. Họ coi tờ báo (3) như là một cái cớ, cho những cuộc vui chơi của riêng họ, vào những ngày cuối tuần.
Tôi dự cuộc họp, thứ bẩy tuần trước tại tư gia ông bạn văn có nhã ý cho tụi này tá túc. Một dịp giới thiệu khách phương xa, sẵn cuối tuần gặp mặt theo thông lệ. Bữa đó thiếu mấy bậc trưởng thượng, nhưng thêm tôi, và cuốn sách vừa xuất bản. Khi tặng sách, họ đều giúi vào tay tôi một tờ giấy bạc; riêng chủ nhà, là một bản thường nhưng đặc biệt, vì rất phong nhã, và cũng rất có ý nghĩa, cả về tình lẫn tiền.
Trong khi vui câu chuyện, nghe nói tôi còn ở thêm vài ngày, ông Tôn mời, tuần tới lên nhà ông. A, thì ra luân phiên! Tôi buồn cười, tự dưng nhớ đến một ông chú, ông Năm của tôi.
Dòng họ Nguyễn tôi có mấy anh em: Bác Cả Hoán, thân sinh chị Giậu, phu nhân ký giả Hiếu Chân. Tôi thuộc dòng ông Ba. Bà cô, cô Dung, người nuôi nấng tôi thời gian học Hà-nội, là con ông Tư. Bà lấy chồng Pháp, một ông kỹ sư sở Hỏa-xa Đông-dương. Ông Năm, một người nổi tiếng "ăn học, ăn chơi", tứ đổ tường gì cũng biết. Nghe kể lại, ông có một bảng danh sách những bạn bè, và cứ theo đó, đến hẹn lại lên, tùy theo gia tư nạn chủ mà ăn vạ, vừa cơm trắng vừa cơm đen. Không ngờ "quí tướng" của ông "ứng" luôn vào thằng cháu: suốt thời gian ở Cali, tôi đóng vai thực khách, hết ông bạn này mời tới ông bạn khác... có ông, như Đỗ còn bực bội, vì đã mời mà không chịu tới, để cho ông và người bạn từ Paris qua chờ mấy tiếng đồng hồ!
Nhân đây, cũng xin ông bạn Đỗ tha lỗi, về bữa tụi này hụt ăn, và về cái trí nhớ tồi tệ của tôi. Tôi cứ nghĩ, tôi quen ông những ngày ở Sài-gòn, nhưng thực ra là từ thuở học Hà-nội. Sau chuyến đi, ông có liên lạc: đọc ông nhớ Hà-nội quá, thêm chi tiết "động trời" về "văn nghiệp" của tôi: đã từng ở trong thi văn đoàn Trường Bác Cổ (4)! Ông kể một vài tên; ngoài ông ra, tôi biết thêm một, cùng học Nguyễn Trãi. Cùng lớp.
Về ông bạn cùng lớp này, tôi có một kỷ niệm thật dễ thương. Số là, ông giáo dậy Anh văn Nguyễn Trãi lúc đó tên là Xuân, dậy đám Đệ Lục chúng tôi, rất vui tính, và cũng rất nghiêm. Một bữa tới lớp, thấy trên bảng nguệch ngoạc vài nét chân dung, với cái tên ở dưới: Mr. Spring, thầy giận dữ truy cho ra thủ phạm. Tính bắt phạt, anh học trò láu lỉnh cãi: Thưa thầy, Spring đâu phải tên thầy! Ông bật cười gật gù, đúng rồi, tên thầy là Xuân, đâu phải Spring. Kỷ niệm dễ thương kia, liên quan đến người bạn cùng lớp. Bữa đó, thầy Xuân gọi anh lên trả bài, hóa ra anh chẳng hiểu tại sao Spring không phải tên thầy, đại khái như vậy. Thầy Xuân bữa đó, thay bài giảng Anh văn sống động, L'anglais vivant, bằng bài học về sự quan trọng của ngoại ngữ (biết thêm một ngoại ngữ là một người biến thành hai người). Giờ Anh văn sau, ông xin lỗi người học trò: Lần trước, tôi có lớn tiếng về anh bạn, thực không đúng, vì sau đó, khi ra về, tôi được anh tặng một tập thơ, anh là tác giả. Thầy nói tiếp, không có vẻ chi chế diễu, theo đó, khi người ta có thiên tài về ngôn ngữ mẹ đẻ, ngoại ngữ có khi không còn cần thiết. Thầy Xuân tiên đoán dúng, về người học trò của mình, sau là một thi sĩ nổi tiếng. Tiếng Anh bây giờ nhà thơ chắc đã rành rẽ. Học ngoại ngữ lúc nào mà chẳng được. Nhưng thơ, đâu bạ ai, bạ lúc nào cũng học được?
Giáo sư Anh văn năm học Đệ Ngũ sau đó, là thầy Kỳ, luôn luôn dậy cuốn "Nàng nhún mình để chinh phục" (5). Tôi có một kỷ niệm về thầy Kỳ: sau khi Cộng Sản tiếp thu Hà-nội, những ngày đầu, hai thầy trò vẫn tiếp tục tới trường. Một bữa thầy và tôi cùng đi muộn, chưa đầy năm phút, ông cán bộ gác cổng đã không cho vào lớp, sau đó thầy còn bị làm tờ kiểm điểm. Đây là một lý do, trong nhiều lý do, khiến thằng học trò của ông từ biệt Nguyễn Trãi, từ biệt Hà-nội.
 Bữa tại nhà ông Tôn, có thêm một vài người, trong số đó là một vị nữ lưu, bạn đồng nghiệp với mấy ông bạn của tôi còn ở lại Sài-gòn. Bà biết Huỳnh Phan Anh, nhưng tỏ ra ngạc nhiên khi nghe tôi nói về Nguyễn Nhật Duật, và cái lần anh đụng độ với một thi sĩ nổi tiếng: ông bạn chúng mình chẳng có vẻ chi là người đam mê văn chương! Tôi bật cười thầm, nghĩ bụng, ông bạn này còn là chủ nợ của đám chúng tôi, những lần cháy túi vì tật nặn xì. Chắc chắn là bà không biết, Nguyễn Nhật Duật khởi đầu không phải bằng phê bình mà bằng một truyện ngắn, đăng trên đặc san văn nghệ của trường Sư Phạm Đà-lạt. Tên truyện là Huyền, và trong truyện ngắn, anh không hề thay Huyền, bằng bất cứ một chữ nào khác, thí dụ như nàng, cô ta, người nữ muôn đời, thánh nữ... Báo hại Huỳnh Phan Anh phải nhẩy xe đò về Sài-gòn, chỉ để mang lên một mớ chữ "Huyền" cho một nhà in ở Đà-lạt vốn không thể lường trước một sự thiếu hụt lạ lùng, bất ngờ, và cũng thật lý thú như vậy!
Nhân lúc Bạch Mao Sư Vương, sư tử bờm trắng bỏ ra ngoài, tôi nói, rất thích những bài viết của ông, ông Tôn ghé tai tôi nói nhỏ, tôi biết là anh thích, vì cũng một dòng mà ra: Ông anh tôi rất mê Nguyễn Tuân.
Có lẽ như vậy thật, văn Trúc Chi phảng phất không khí tùy bút Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân nổi tiếng với tùy bút, và tùy bút Nguyễn Tuân, nổi đình nổi đám vì chất khinh bạc của nó. Những người viết sau này, không thể nào tới được cái chất khinh bạc "ròng" như vậy, đành phải thay bằng giọng thầy đời, giọng uyên bác, giọng có đi Tây, đi Tầu, có ở Paris, có biết khu "dân sinh" Saint-Germain-des-Prés... Ra cái điều đi hơn Nguyễn Tuân! Trúc Chi có thể "hơn" Nguyễn Tuân ở cái khoản đi, nhưng "may thay", chân truyền Nguyễn Tuân ở cái khoản khinh bạc: khinh bạc như là cực điểm của lòng nhân hậu. Lòng nhân hậu, hay hồn nhân hậu này, theo tôi nên "dịch ra tiếng Tây" bằng chữ la nostalgie, vốn thường được hiểu là hoài hương. Nó ngấm vào ông Adam và bà Eva, ngay phút đầu tiên bị văng ra khỏi vườn Địa Đàng. Tôi đã viết về Nguyễn Tuân thứ xịn này: Cảnh Huấn Cao phán, những con người như ông, những chữ như thế này, phải tìm đất khác để mà tụ lại, chẳng thèm nghe viên cai ngục lí nhí, xin bái lĩnh, ông đã nhập vào những chữ chưa khô mực.

Sẽ có người bực mình, đã đọc Chữ Người Tử Tù, đâu có thấy những dòng chữ bịa đặt trên? Thiển nghĩ, đọc là mô phỏng, là tưởng tượng, là thêm thắt... Nếu như bạn muốn trung thành với văn bản, xin thưa đây: Chiếc Lư Đồng Mắt Cua, theo như kể lại, là cuốn họ Nguyễn đắc ý nhất, đắc địa chỉ có mỗi một câu: "Xuyến người bên lương hay người bên giáo?" Ôi chao, phải đốt bao nhiêu nhân sinh hệ luỵ, phải nghe bao nhiêu lần tiếng cười ở nơi cổ họng cái chết (6) phải tàn bao nhiêu ngọn đèn dầu lạc, phải tu tận hoan (7) bao nhiêu lần, bỉnh chúc (8) bao nhiêu phen, phải để cho nhân vật của mình ngã ngửa ra giẫy đành đạch ngay giữa sân đình, rồi cứng đơ người, rồi á khẩu, sau khi "lụy" một nước cờ, mới có thể phán một câu nhẹ nhàng như vậy: "Xuyến người bên lương hay là bên giáo?"

"Nguyễn Tuân hỏi tôi
:-Có nhớ Két không?
-Tay Két trinh sát tiểu đoàn 54?
-Cứ đến ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao.
Thì ra cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị chút nào, chính Nguyễn Tuân mới đang hồi tưởng..."
(Cát Bụi Chân Ai, trang 12. Tô Hoài, nhà xb Thanh Văn, Cali, không ghi năm).

 Mắt xanh hay mắt trắng (To be or not to be?). Văn là người, nhưng văn cũng để giấu người: chất khinh bạc vốn lồ lộ trong Nguyễn Tuân, là để giấu con người thực của ông. Người đọc sướng điên lên, vỗ đùi bành bạch, vì nét tài hoa, vì con mắt trắng dã của Nguyễn Tuân, nhưng để lọt mắt xanh của ông, phải là độc giả của những câu văn nhẹ khôn kham: "cứ đến ngồi đây là mình lại nhớ đến nó. Không hiểu sao."

Tiện đây, tôi xin chép lại cả một đoạn phố, (cái đầu đường đêm hôm chẳng thú vị gì), với những người ngợm của nó: cái đống rác của cả một miền đất, sau "Mùa Thu", một thứ Xóm Cầu Mới (9):

"Ở cái ngã sáu đường đời ấy vẫn leo lắt ngọn đèn con của lão cà phê 81, ánh đèn chai và bếp lửa thùng cháo bác Chữ. Mấy bác xích lô tã chốc lại lạch xạch lượn lờ qua. Trông mặt người đạp xe cũng đoán được tung tích, mỗi người đều hằn nét bộ mặt thời gian và tờ lịch hàng ngày của thành phố. Có lão râu xồm khuya về uống rượu húp cháo rồi nằm vắt người trên đệm xe, sàn xe ngủ bên gốc cây. Đấy là các ông chánh, ông lý tề vừa chạy tây càn, vừa sợ Việt Minh trả thù đã bỏ các vùng trắng ven nội vào đây. Đám cơ sở hốt (10) chết bỏ vào thành, trẻ hơn, đỡ lầm lỳ, có thể lại công tác bí mật, không ác ôn như mấy lão xích lô râu rậm kia...
-Lão xế lô, lão lục tào xá này nhất định cũng tề ngụy cũ. Cả lão cà phê bít tất, lão cháo gà cứ dấm dớ thế nhưng trông tay thoăn thoắt nhặt tiền, xếp tiền thế kia đủ biết.
Nguyễn Tuân hỏi tôi:
-Có nhớ Két không?..."
Tôi trích một đoạn, trong Cát Bụi Chân Ai, chỉ để chứng minh: nhà văn - ở đây là Tô Hoài - quan sát giống hệt một điệp viên, và Nguyễn Tuân đã giải tỏa cả một đoạn văn đầy những chi tiết chết người như vậy, bằng một hồi tưởng về người đã chết. Nghe nói Tô Hoài viết Cát Bụi Chân Ai, là để "tạ lỗi" với vong hồn bạn, nhưng nhờ vậy, chúng ta thấy một Nguyễn Tuân "không chính thức", và bằng cách nào ông sống sót...
Trong hai nhà văn tiền bối kể trên, Tô Hoài mới là người thân cận với tuổi thơ của tôi, của "chúng tôi". Làm sao quên được cảnh tượng chú dế mèn võ sĩ được thiền sư xén tóc "cải hóa". (Hãy mường tượng ra, nghi lễ xuống tóc cho một tín đồ nào đó!). Làm sao quên hương ngọc lan của một buổi hẹn hò. Ôi nỗi đắng cay phải từ giã "quê người" đi tìm một "quê mình", đâu đó giữa đồn điền cao su bạt ngàn của một nước Nam-kỳ xa lắc, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng, không còn những cơn gió buốt lạnh căm, không phải từ thiên nhiên ác nghiệt, mà từ lòng người thổi ra, không cần giờ giấc, không đợi mùa màng, ngày tháng... Làm sao mà hiểu nổi, một nhà văn với một thiên lương như vậy, với những quan sát tinh vi về loài vật, về một con người như Cu Lặc, lại có thể cay nghiệt như thế về một cõi tề, nguỵ? Đành phải giải thích bằng kinh nghiệm đọc Primo Levi, một nạn nhân của Lò Thiêu, qua bài viết: "Những cuốn tiểu thuyết do dế kể" (11).
Primo Levi nhắc tới một bài essay của Aldous Huxley, qua đó, nhà văn người Anh này, khi phải trả lời một người trẻ tuổi muốn nhờ ông ban cho một lời khuyên, bắt đầu viết như thế nào: hãy mua một đôi mèo, quan sát, rồi miêu tả chúng. "Nếu tôi (Levi) nhớ không nhầm, ông nói với người trẻ tuổi, rằng loài vật, và đặc biệt động vật có vú, đặc biệt hơn nữa, những loài vật nuôi trong nhà, chúng như chúng ta, nhưng 'bỏ cái nắp đí ('with the lid off'). Cư sử hành động của chúng giống như của chúng ta, một khi mà chúng ta mất đi được (thiếu, lack) sự kiềm chế."
Thế giới con người trong Cát Bụi Chân Ai, lạ thay, là đảo ngược thế giới loài vật Tô Hoài mô tả, những ngày trước Mùa Thu. Những con vật của ông "người" hơn, so với những con người sau này (so với cách ông miêu tả con người sau này). Vẫn theo bài viết của Levi, từ tiếng nhạc dế có thể suy ra khí hậu của môi trường sống. Người ta còn nhận ra một điều: dưới những điều kiện thiên nhiên bình thường, dế đực và dế cái cùng một nhiệt độ, nhưng nếu thân nhiệt của dế đực (thí dụ vậy) tăng lên chỉ một hay hai độ, tiếng nhạc của nó tăng lên bán-cung, và bạn lòng của nó sẽ không trả lời: con cái không còn nhận ra dục tính ở con đực. Môi trường thay đổi chút xíu, thế là có một "thảm họa", một bất toàn, một khiếm khuyết, một bất xứng đôi, nẩy sinh: phải chăng chúng ta có một mầm (germ) tiểu thuyết ở đây? Levi tự hỏi.
Nguyễn Tuân buông một câu: Không hiểu sao, tôi cứ loay hoay tìm cách giải thích "vấn nạn này", và đành phải mượn Levi, mượn Kim Dung. Bằng một cách nào đó, Nguyễn Tuân đã giữ thân nhiệt của mình không bị môi trường Mùa Thu làm thay đổi. Và nếu ông nghĩ đến Két, thực ra là (còn) nghĩ đến bạn mình. Ở đây, ta lại thấy vị thiền sư xén tóc, và anh chàng võ sĩ dế mèn hăm hở với giấc mơ trừ hết ác ôn tề nguỵ. Và cái câu "Cứ đến ngồi đây..." đâu có khác gì hành động của vị sư già chuyên việc quét dọn Tàng Kinh Các, khi thấy hai ông sư giả cầy Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn xào xáo lung tung kinh kệ tìm cho đủ 72 tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm, đã cố nhét những kinh Phật xen vô, để hy vọng cải hóa...
Tôi đọc Trúc Chi, và tưởng tượng, mình cũng đang ngấm chất văn chương của ông, theo kiểu nhân vật cái bang ngấm chất trà của một thời vang bóng, theo kiểu Trúc Chi ngấm chất rượu bữa gặp mặt, hay như... nhân vật xưng tôi ngấm tiếng đàn của một người đẹp không thể đàn được nữa. Tôi cứ hồi hộp, cái ông này, làm thế nào bây giờ, làm sao lại làm khó người yêu xưa, ở xứ người, bằng tiếng Cầm Dương Xanh (12) ngày nào, ngày nào...
Nghe Đàn (13) mở ra bằng một lời nhạc: Dạo ấy đời đẹp thiệt, đẹp hơn bây giờ...
Tôi nghiệm ra một điều, trí nhớ của ông bạn là một nhạc viện, hơn là một thư viện. Hình như cái tật của ông, mỗi lần hồi tưởng, là phải bắt đầu bằng một lời nhạc. Tôi đã từng "nhờ ông nhớ giùm" một câu hát, để choàng lên ý thơ cổ mà ông vua mê gái Tự Đức đã mô phỏng, tất cả chỉ để "choàng hoa" cho một cô bạn "của mình":
Đâu con phố đơn côi,
Như tên thường gọi
Nơi bóng cũ,
Gương xưa,
Gặp gỡ?
(Where is that street,
called lonely street,
where broken dreams
and memories
meet?
... Đập cổ kính ra tìm lấy bóng).

"... Bây giờ, phút này tôi đang nhớ đến cái dáng trang trọng của Hương Cơ khi nàng bưng một lư trầm nhỏ ra đặt trên cái bàn con trong phòng khách, khẽ nhắc Phấn:
-Anh tắt bớt đèn đi.
Xong nàng đỡ cây đàn tranh trên chiếu, thong thả ngồi xuống, rồi bắt đầu vặn trục so dây. Vẻ đẹp của người đàn bà vốn có sẵn nhan sắc thiên phú, lúc dịu dàng kéo lại tà áo cho thẳng thớm trước khi đem tấm lòng của mình ra mà ngỏ với một người mà nàng cho là biết nghe nhạc cổ của đế đô, tôi không đủ tài tả hết. Nhưng mà tôi cảm động lắm, cảm động đến độ vọt miệng nói ra một câu thật ngớ ngẩn:
-Nãy giờ chưa thấy chị ăn uống chi cả. Để chị dùng cơm rồi mới đàn chứ.
-Dạ không, bụng có trống thì tiếng đàn mới thanh thoát được, mới hư được. Thầy dậy tôi vậy. Là vì tiếng đàn, cái nhấn là để cho nó một phần thực thôi, còn thì phải là chín phần hư mới trúng cách.
... Phấn bạn tôi đã nằm xuống rồi. Người sĩ quan thiện chiến và tài hoa ấy vào phút cuối cùng đã trối với một người bạn tù..."
Còn Hương Cơ (14), qua kể lại của người con trai... "trong những ngày đói khó sau khi cha nó bị đem ra ngoài Bắc để cho người ta sửa đổi tạo một cái gì mới đó (tôi cũng không biết rõ) mẹ nó ở nhà xoay sang mở quán ăn để độ nhật. Trong khi nấu nướng củi lửa dầu mỡ sao đó mà Hương Cơ bị phỏng nặng... khiến cho ba ngón tay chết cứng..."

Đọc là liên tưởng, là mò mẫm tìm sợi giây vô hình nối kết những con chữ, nối kết những linh hồn, những tâm hồn... tôi cứ tưởng tượng ra rằng Hương Cơ, trong một phút quá hoảng sợ những ngày sắp tới, quá nhớ nhung người chồng ở trại tù... đã "lơ đễnh" thò tay vào chảo dầu cũng nên! Trong Trăm Năm Cô Đơn, bà cụ ngoại-ngoại của Ursula Iguarant, khi Sir Francis Drake đánh chiếm Riohacha vào thế kỷ 16, nghe tiếng chuông trống báo động, tiếng đại bác, bà mất vía, ngồi ngay lên cái bếp than hồng. Những vết phỏng biến bà thành một người vợ vô dụng suốt quãng đời còn lại. Ngay trong Nghe Đàn, Trúc Chi vẫn còn bị ám ảnh bởi biến cố Mậu Thân ở Huế, khiến ông phải "mở ngoặc đóng ngoặc", và chính nó làm cho ông nhớ đến Hương Cơ...
Về tai nạn, Trúc Chi đành đổ cho lịch sử, cho cuộc nồi da nấu thịt. Nhưng mượn cái cớ mà Nguyễn Du vin vào đó bắt Kiều mười lăm năm lưu lạc, người viết xin được đưa ra một hai lời bàn Mao Tôn Cương ở đây.

Là bởi vì, ngay khi đọc ông tả một nhan sắc, một tiếng đàn như thế, người đọc đã "hốt" rồi: làm sao mà "lão tặc thiên" (chữ của Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn) không quen thói má hồng đánh ghen cho được?

Sẽ có người bực mình, bỏng có ba ngón tay mà làm rối lên, nhất là sau một cuộc nồi da nấu thịt. Thật ra, chẳng thể nào mà trả lời cho một sự bực bội "thuần lý" như vậy, như Nabokov khẳng định, khi đọc Hóa Thân của Kafka: biến thành con bọ, rồi sao? Nhưng ông cho rằng trước nỗi sững sờ "thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt", con người đành thốt lên: Beauté plus pitié, Cái Đẹp cộng Thương Hại (15). Đây cũng là tâm trạng cùng một lứa bên trời lận đận, đồng bệnh tương lân giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ. Và đó cũng là cách chúng ta tiếp cận nghệ thuật: Nơi nào có cái đẹp nơi đó có thương hại, bởi vì một lý do thật giản đơn, cái đẹp phải chết: Mỹ nhân tự cổ như danh tướng...

Vả chăng, cái tai nạn đó, là bắt buộc phải có, như một chia sẻ cùng Nạn Lớn, Kinh Hoàng Lớn. Ở đây, tôi lại mượn Kafka, và "con bọ" của ông, và cứ nói "xưng xưng" ra rằng: Phải có tai nạn đó, nhan sắc tiếng đàn của Hương Cơ mới được vẹn toàn.

Walter Benjamin, trong bài viết về Kafka (16), nhận xét: "điều lạ là, đàn bà nòi đĩ ở trong truyện Kafka không hề tỏ ra đẹp (these whorelike women never seem to be beautiful)... Hơn thế nữa, cái đẹp ở trong thế giới Kafka thường chỉ xuất hiện tại những nơi u tối nhất - ở giữa đám "tề nguỵ" (cho phép tôi liều lĩnh dịch chữ "accused persons" như vầy, cho đúng với "tinh thần bài viết"!)... "Vụ Án cho thấy những thủ tục là vô hy vọng đối với tội nhân, vô hy vọng ngay cả khi họ có hy vọng để trắng án. Có thể chính cái gọi là vô hy vọng đã làm lộ ra cái đẹp ở nơi họ; chỉ có họ là được ông ưu ái" (17). Benjamin nhớ lại một cuộc trò chuyện giữa Max Brod (18) và Kafka. "Tôi nhớ lại", Brod viết, "một lần trò chuyện với Kafka, bắt đầu bằng Âu-châu ngày-này và sự suy tàn của nhân loại. 'Chúng ta là những tư tưởng hư vô, những tư tưởng tự sát vốn đến từ cái đầu của Thượng Đế', Kafka nói. Điều này thoạt đầu làm tôi (Brod) nhớ tới ý niệm Gnostic (19), về cuộc đời: Thượng Đế chỉ là một ác thần. Thế giới: Sự Sa Ngã của Người. 'Ô, không phải đâu,' Kafka nói, 'thế giới chúng ta chỉ là một cơn xấu tính, bad mood, của Thượng Đế, một ngày xấu của người.' 'Vậy thì có hy vọng ở bên ngoài cái thế giới mà chúng ta biết'. Ông mỉm cười. 'Ôi, nhiều hy vọng, hằng hà sa số hy vọng - nhưng không cho chúng ta, dù chỉ một'. Những lời nói này đã tạo cây cầu tới những nhân vật thực là kỳ quái của Kafka: những kẻ độc nhất đã thoát ra ngoài cái vòng tròn gia đình, chỉ với họ may ra có thể có hy vọng. Những kẻ không phải là loài vật; ngay cả giống lai hoang (hybrids), hay nhân vật giả tưởng như Cat Lamb hay Odradek cũng không luôn; họ vẫn còn ở trong cái vòng tròn gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà Gregor Samsa thức giấc như là một con bọ ở trong nhà bố mẹ, mà không ở một nơi nào khác, và cái con vật khác thường nửa mèo nửa cừu đó, là thừa hưởng từ người cha. (Một nhân vật) Odradek như thế là mối quan tâm của người cha trong gia đình. "Những kẻ trợ giúp", tuy nhiên, là ở bên ngoài vòng tròn này. (The "assistants", however, are outside this circle). (20).
(Hãy đặt câu hỏi: Một nhân vật "toàn bích" như Tiêu Phong, tại sao là người Khiết Đan, mà không phải người Hán, tại sao lại xâm hình con cáo ở trước ngực...? Hãy tưởng tượng Trung-nguyên/Hán/Tây-vực/Khiết-đan... là những nơi chốn, giống dân khác...)
Tôi trích dẫn, cả một đoạn dài Benjamin viết về Kafka, là để nhấn mạnh hai điều, có liên can đến Hương Cơ, đến chúng ta.
Thứ nhất: Hương Cơ, một nhan sắc của cố đô, "vầng trăng mười bốn", chỉ tuyệt vời "nhờ" tai nạn, và tiếng đàn của người n "tượng trưng cho cả một dân tộc", chỉ tuyệt vời khi nàng không còn có thể đàn được nữa, như lần đàn sau này...
Thứ hai: đã đến lúc chúng ta phải có một cái nhìn khác, về phi nhân.
Nguyễn Tuân, trong một truyện ngắn, cho rằng trăng mười bốn hơn trăng rằm: trong cái chưa chín có cái chưa tàn lụi. Nghe nói ở bên Nhật, có những cảnh chùa dở dang: cứ để dành một khoảng trống cho tín đồ nhập vào. Đây là sự khác biệt rất cơ bản giữa Đông và Tây. Charles Moore, trong lời giới thiệu tác phẩm Ca Ngợi Bóng Tối (21) của nhà văn Nhật Tanizaki, cho rằng đồng minh mãnh liệt nhất (the most powerful ally) của chúng ta (Tây phương) là ánh sáng. Dẫn Louis Kahn, một nhà kiến trúc: 'Mặt trời chẳng bao giờ hiểu được nó tuyệt vời như thế nào, cho tới khi nó ngã xuống bức tường của một tòa nhà'; do đó việc xây nhà dựng cửa (là một trong những đòi hỏi cơ bản, đòi hỏi trú thân, nối kết, quần tụ với nhau, cho dù theo kiểu ăn xổi ở thì với nơi chốn thuộc về con người, hay con người thuộc về nó, nhưng) đối với chúng ta, cái nhà phải tương hợp với mặt trời, đồng minh số một, phải giúp đồng minh ban ánh sáng. Và ông cho rằng Tây phương đã "tá hoả" khi nghe chuyện ca ngợi bóng tối và bóng đen; và đã sững sờ thích thú khi nhận ra rằng, nhạc sĩ, ở đâu đâu cũng thế thôi, tạo nên những âm thanh của họ, là để nắm bắt sự im lặng, và kiến trúc sư, khi tạo ra nhà cửa, là để ôm lấy quãng không.
Thành thử cái thuyết tài mệnh tương đố mà Nguyễn Du vin vào đó để làm khổ cô Kiều, là nằm trong truyền thống Đông-phương: không phải ông Trời ghen cái đẹp, mà là: ông Trời chỉ đẹp, khi té xuống, khi nhập vào một con người luân lạc như Kiều. Với Hương Cơ của Trúc Chi, tiếng đàn, trong chín phần hư cần một phần thực, và phần thực này, chỉ có cuộc đời - cuộc nồi da nấu thịt, củi đậu đun hạt đậu, chúng ông "chơi" chúng mày... - mang lại cho nó thôi.
Có lần, người viết nhắc tới nữ văn sĩ người Nga Tatyana Tolstaya, và bài viết Những Thời Ăn Thịt Người qua đó, bà cho rằng cái chế độ toàn trị, cái tư duy chuyên chế không phải tự trên trời rớt xuống, mà đã nhô lên từ những tầng sâu hoang vắng của lịch sử Nga. Cũng theo tinh thần đó, người dân Đức bây giờ đã hiểu ra một điều: Hitler là một phần của họ, dù có muốn rũ bỏ cũng không thể được.
Cuối thế kỷ, tờ Time lo sửa soạn danh sách một trăm nhân vật nổi cộm, những người để dấu ấn nặng nề lên thế giới, và lên cách sống của chúng ta, ngay cả trong tương lai, từ đó lọc ra Nhân Vật của Thế Kỷ (The Person of the Century). Tờ báo mời độc giả tham gia, và đưa ra một danh sách đề nghị, với những tên tuổi như: Churchill, Roosevelt, Stalin, Lenin, Henry Ford, Bill Gates... Gordon A. Craig, khi điểm cuốn "The Hitler of History", tác giả John Lukacs (279p. nhà xb Knopf) cho rằng, theo Lukacs, người xứng đáng hội đủ điều kiện nhất do tờ báo đưa ra, phải là Adolf Hitler.
Thế kỷ của chúng ta, thế kỷ của bạo động; Hitler chính là hiện thân của nó, kể từ ngày ông kéo nước Đức ra khỏi Hội Nghị Tài Giảm Binh Bị, và Hội Quốc Liên, vào năm 1933, cho tới khi ông ta chết, giữa những hoang tàn đổ nát của Bá-linh, mười hai năm sau đó. Cuộc chiến tranh lớn nhất của thế kỷ sẽ không thể hiểu được, nếu thiếu sự hiểu biết về Hitler, vai trò của ông khi phát động nó. Trong một nghiên cứu, "Anmerkungen zu Hitler", cách đây 20 năm, Sebastian Haffner viết: Thế giới hôm nay, cho dù chúng ta yêu, hoặc ghét nó, là tác phẩm của Hitler. Không có Hitler, không có vụ chia cắt nước Đức và Âu châu;... không có Hitler sẽ không có Israel; không có chuyện xóa bỏ thuộc địa; ít ra cũng không nhanh như vậy; không có chuyện "đứng vùng lên, gông xích ta đập tan" tại Á châu, Ả rập, Phi châu Da đen; Âu châu vẫn ở thế "thượng phong". Câu nói "Chúng ta chưa xong đâu, với Hitler", của sử gia Đức Gerhard Schreiber, bây giờ càng thực hơn, so với thời điểm 1980, khi nó được viết ra.
Cuốn sách giá trị đầu tiên, theo Lukacs, là một tiểu sử về Hitler, của Konrad Heiden (Zurich, 1936). Do sớm sủa, nó không cho chúng ta biết, về chế độ độc tài, nhưng có nhiều thông tin chính xác, chi tiết, về những năm đầu đời, cho tới khi Hitler lên cầm quyền. Vì quá sớm nên cuốn sách cũng chưa đề cập đến một Hitler "bịnh", hay là hiện thân của cái ác, như những cuốn tiếp theo sau. Heiden cũng phê bình thẳng thừng, những huyền thoại gán cho Hitler. Và Lukacs cho rằng cuốn sách vẫn còn có giá trị, nhất là vào lúc này, khi tác giả của nó tin rằng "Hitler đã trở nên thực sự nguy hiểm, vì đã bị địch thủ, và đồng minh nhất thời, đánh giá quá thấp, nói rõ hơn, đã coi thường ông."
Sau khi nhìn lại một số sách vở, một số tác giả, Lukacs đã giữ lại hai quan điểm, mang tính tương đối và khôi phục (rehabilitation); qua đó, ông tin rằng, sau 50 năm chúng ta nhận ra một điều, Hitler đa dạng, rắc rối hơn nhiều, so với con người một chiều, một kẻ cơ hội, như người ta vẫn thường nghĩ về ông.
Gordon A. Craig cho rằng, cái nhìn của chúng ta về quá khứ không bao giờ "chỉ là một cái nhìn thường trực, hoài hoài, bất biến". Nhìn lại (revision) là một phần của tiến trình lịch sử, không thể tránh né được, theo bước đi của thời gian, và theo sự tích luỹ những tri thức, hiểu biết mới. Nó còn được dẫn dắt bởi cơ may. Việc thăm viếng nghĩa trang Waffen-SS, tại Bitburg, vào năm 1985, của Tổng thống Reagan đã "đủ" để khuyến khích niềm thống hối, ân hận tại Đức, đưa đến những cuộc bàn luận về Nazi sau đó.
Một trong những hệ luận rút ra được, đó là, người ta đã không công bằng, khi lọc riêng ra nước Đức, để mà chê trách: hệ thống Xô-viết đâu có chịu thua Quốc xã, về sự tàn nhẫn, độc ác? Tại sao người ta bỏ qua thái độ bài-Bolshevik, của Hitler? Thời điểm nào, ông trở thành "the Hitler of history", hay rõ hơn, khi nào thì tư tưởng của ông thăng hoa, con người của ông tới độ chín mùi, trưởng thành?
Khía cạnh ăn khách, bình dân của ông cũng đáng được lưu tâm. Nước Đức của Hitler thường được coi như là một quốc gia toàn trị hay cảnh sát trị, điều này chỉ tới một mức độ nào đó. Hitler họa hoằn mới dùng từ toàn thể, "total", và phủ nhận ông ta là nhà độc tài. Tinh thần quốc gia nở rộ, khi Hitler lên cầm quyền; nhân dân Đức có chung cảm giác, đây là lúc để tự hào về chính chúng ta, về vai trò của nước Đức trên thế giới, như diễn văn của Hitler vào năm 1934: Tại Đức, lưỡi lê chẳng làm cho dân chúng khiếp sợ. Đây là một chính quyền được hỗ trợ bởi niềm tin tưởng của toàn dân... Đối với họ, tôi không bị rằng buộc bởi bất cứ một cá nhân nào. Tôi trưởng thành từ dân chúng, và tôi luôn ở với họ, tôi trở về với họ. Niềm hãnh diện của tôi, đó là, tôi biết rằng, không một chính khách nào trên thế giới có đủ quyền hơn tôi, để mà tuyên bố rằng ông ta là người đại diện cho dân chúng." Hay như diễn văn vào năm 1923: Vì sự giải phóng của dân chúng, (chúng ta) cần (một điều gì đó) hơn cả một chủ trương kinh tế, hay một nền kỹ nghệ, nếu dân tộc trở thành tự do, điều nó cần, đó là niềm tự hào, quyền năng của ý chí, sự thách đố, hận thù, hận thù, và một lần nữa hận thù". Khi hô hào hận thù, Hitler biết ông tạo nên kẻ thù là những quốc gia láng giềng, và luôn cả thế giới, nhưng ông biết chắc chắn một điều, dân chúng Đức ủng hộ ông. Lukacs, theo Craig, có vẻ đã chọn Hitler là "Nhân Vật của Thế Kỷ", khi viết: Ông ta có thể được coi như một nhà lãnh đạo cách mạng bình dân nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Cần nhấn mạnh khía cạnh bình dân, bởi vì Hitler không thuộc về thời đại dân chủ, quí tộc. Không thể so sánh ông ta với một Caesar, hay Cromwell, hay một Napoleon. Hoàn toàn khác biệt, hơn hẳn họ, ông ta có thể đem đến nghị lực cho đa số người dân, hầu hết là có học, thuyết phục họ đi theo ông, vì những thành quả gây kinh ngạc, hay những cố gắng khác thường, ông làm cho họ tin rằng họ đứng đây là để thách đố với cái xấu, với điều ác. Rồi cuộc chiến, và thất trận sau đó đã đem đến chua xót, cay đắng; và Hitler đã được coi như quỷ dữ, phản-Ky tô (anti-Christ), một hiện tượng vượt ra ngoài tri thức, hiểu biết của con người, rằng con quỷ (sau đó) biến mất vào trong những đám mây siêu hình. Sự thối lui vào một... địa ngục siêu hình được coi như một hình thức khuây khỏa, như thể người ta không muốn chấp nhận phần trách nhiệm "của mình" trong "việc này".
Đã có nhiều lý do tốt đẹp đưa đến hy vọng, tin tưởng, rằng quan niệm phủi tay chua xót nói trên đã mất dần. Nếu không, người ta không thể giải thích được thái độ của dân chúng Đức, đối với những tác giả như Daniel Goldhagen, khi ông cho rằng, những tội ác của Hitler đã được thực hiện đúng theo ước muốn của dân chúng Đức. Điều này cho thấy, tiến trình lịch sử hóa Hitler đã có những thành quả tốt đẹp: coi Hitler như là một phần của lịch sử nước Đức - không phải là một sức mạnh không thể giải thích nổi, ở bên ngoài lịch sử. Những người Đức vẫn còn cảm thấy khó khăn chấp nhận Hitler như là một phần của quá khứ của họ, sẽ chẳng thế nào cảm thấy có được một chút cơ may hạnh phúc, về một hình ảnh Hitler tái lâm, một thứ Diocletian (22), một kiến trúc sư bất hạnh cuối cùng của một trật tự vương giả.
(Hiểu theo tinh thần trên, Tạ Chí Đại Trường trong một bài viết, đăng trên Văn Học mà tôi không còn nhớ số mấy, tháng mấy, đã thật có lý khi cho rằng, Hồ Chí Minh là một "ông vua bất hạnh nhất" của chế độ cung đình ở Việt Nam).

"Ngày mai là ngày hôm qua", đó là câu mở đầu cuốn tiểu thuyết "Gặp gỡ ở Westphalie" của nhà văn Đức, Gunter Grass. Sau Cuộc Chiến Lớn 1939-45, những gì còn lại của nước Đức của ông chỉ là những điêu tàn, và một nền văn chương đã phát sinh từ đó: văn chương của những mảnh vụn, và phản ứng của một nhà văn trước những mảnh vụn đó: Làm thế nào, sau Hitler, những ngòi bút Đức viết lại sự sống, Vũ Trụ Luận? Làm thế nào con chim phượng hoàng thò cái mỏ của nó ra khỏi biển lửa? Heinrich Boll, Nobel văn chương (1972), nhà văn người Đức cùng thời với ông, đã viết: Chúng ta chẳng có bất cứ lý do gì để mà hổ thẹn về một nhãn hiệu như thế... Chúng ta nhìn sự vật như nó là, với con mắt trần tục, thường không hoàn toàn khô, và cũng không hoàn toàn ướt, nhưng mà là ẩm, bởi vì đừng quên, từ La-tinh diễn tả ẩm là humor, diễu cợt*. Nếu Grass không thể chọn một văn phong nào khác, ngoài văn phong ẩm (theo tôi có thể giải thích văn phong của Phạm Thị Hoài trong Marie Sến), ông cũng không thể nào chọn lựa những đề tài khác: những đề tài của tôi đã có sẵn, đã được "chỉ định": chế độ Nazi, hậu quả của nó (theo như người viết được biết, đề tài, nhân vật trong Marie Sến, đều "thực" cả, tác giả của nó không hề hư cấu ra những nhân vật như thế).

(Làm thế nào con phượng hoàng thò cái mỏ ra ngoài... Làm thế nào hoa sen trong biển lửa? Làm thế nào nàng Hương Cơ lại có thể đàn?...)

 Văn phong của Trúc Chi không hẳn mang tính khinh bạc của Nguyễn Tuân (sau một cuộc chiến đó, khó mà còn có thể khinh bạc), nhưng mà là "ẩm", theo nghĩa của Henrich Boll. Cái kiểu nhớ khói tỏa lên từ những đám lá nhà ai đang đốt xưa kia, rồi buồn vì nhân sinh ở đây giờ này không diệu nghệ với con người. Hay như đoạn trò chuyện với vợ, nhân một câu chúc tết hơi sớm của người bạn:

-Hôm nay là mấy ta rồi?
-Mới hăm mấy tháng mười.
-Sớm hơn vua Quang Trung hai tháng.
-Anh nói chi?

Đoạn đối thoại làm tôi liên tưởng tới Nguyễn Tuân, khi "bị" vợ thỏ thẻ có bầu, và lần này có thể sinh đôi:
-Đại bất hạnh!
-Anh nói gì?
-Không!

Như vậy là chúng ta đã từng san sẻ...

Chúng ta còn san sẻ những kỷ niệm về đất Phật.

Ngay khi đọc ông, về những kỷ niệm xứ Phật, tôi cứ tự nhủ, cái giọng văn này có thể là đã được lọc, rửa, bằng khí hậu, con người, thời tiết Lào. Hình như con người của tôi cũng đã trải qua những lọc rửa như vậy, khi chạy trốn quê hương. Dùng một hình ảnh thô bạo của xứ văn minh, đối với một con người từ những xứ mọi rợ tới, nhân viên y tế có thói quen khử trừng, trước khi cho vô đất nước của họ: hình như đó là ý của Phật khi chọn lựa cho tôi một đất tạm.

Tôi vốn không có thói quen cất giữ báo Việt, thí dụ tờ Văn Học. Mỗi lần muốn viết, tôi đi tìm ông để đọc (để hỏi) lại, nhưng...

Đúng ra, tôi đã cố từ bỏ thói quen đó. Bởi vì muốn giữ cũng không được: cứ nhìn ánh mắt dò hỏi, hoặc ra vẻ ngần ngại, của một vị khách tình cờ gặp gỡ, là lại tắc lưỡi, "thôi ông cứ lấy đi, khi nào cần sẽ xin thưa lại..."

Lần đọc ông viết về một ông bạn tá túc tại một cảnh chùa nơi đất Phật: tôi cũng đã từng tá túc ở một cảnh chùa, chùa Long Vân, Paksé, trong những ngày chờ đợi vượt sông Mekong. Ông bạn của ông sau ở lại luôn với chùa, với Phật; còn tôi, sau đó nhập vào đám người cùng số phận, trong một trại cấm Thái-lan...

Bức hình Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu mà tôi đã đem theo cùng với tôi suốt cuộc chạy trốn quê hương, là từ ngôi chùa Long Vân ở Paksé. Không hiểu ông có biết nhà thơ tu sĩ Tuệ Sĩ vốn sinh ra và trưởng thành tại Lào. Cho tới lúc tôi vượt sông Mekong, gia đình, thân nhân của nhà thơ vẫn sinh sống tại đó.

Tôi cứ lẩn thẩn so sánh những nhận xét của ông, với của tôi, về xứ Phật. Và tôi cũng thực sự tin rằng, ông còn giữ riêng cho mình, nhiều chi tiết đặc biệt về người về cảnh.

Cứ mỗi lần nghĩ đến đất Phật, tôi lại muốn san sẻ với ông.

Trong chuyến "hành phương Nam", tới Tiểu Sài-gòn, tôi gặp hai người bạn văn mà có thể chúng tôi đã từng gặp nhau mà chẳng hay. Trúc Chi, và Tạ Chí Đại Trường. Ông sử gia này học cùng năm với tôi, cùng ban B, chỉ khác lớp, tại trường Chu Văn An, khi đó còn ăn nhờ ở đậu bên cạnh trường Pétrus Ký; miếng đất sau trở thành Trung Tâm Học Liệu. Dân toán mà mê sử; còn tôi, văn chương. Hay là người ta cứ phải mê toán đã, rồi muốn mê gì thì mê: con số tuyệt đối, bài thơ tuyệt đối, trang sử tuyệt đối, là một?

Ôi về già, mà làm sao còn hăng say, và hết lòng với nhau như vậy: Tôi sẽ chẳng bao giờ quên được, ông vội vàng bỏ ra về, ngay khi vừa gặp, để lục lọi cho được một cuốn sách cho tôi. Cuốn này là cuối cùng còn lại trong nhà; không phải để tặng, mà chỉ ký tên trang đầu: cuốn sách do lỗi kỹ thuật, thiếu một trang.

Đó cũng là lần đầu tôi gặp vợ chồng ông bạn văn đã có nhã ý cho tụi này tá túc. Riêng ông chồng, tôi đã có dịp "đụng độ", trên trang giấy.

Kỷ niệm về một lần đụng độ, tôi quên sạch. Cho tới khi ngồi tại nhà một ông bạn họa sĩ, với ông bạn mới quen, Vũ Huy Quang, vừa là tài xế tắc-xi vừa là một khám phá tuổi già đối với tôi, về một tình bạn chẳng cần quen biết trước. Ôi quá nửa đêm, nghĩa là đã sang ngày hôm sau, ông bạn này cố níu kéo đêm hôm trước, bằng cách tới tận cửa, réo dậy đi mày, đi uống bia với tao. "Ông bà ấy ngủ rồi...". Chơi với Vũ Huy Quang là nhiều lúc bực mình lắm đấy, hắn có thể tới 'mộ' mình dựng dậy, nếu cần, chỉ để đi uống với nhau một lon bia; ấy là tôi suy diễn nỗi bực rất đáng yêu, về người bạn vừa mới gặp đã xoắn xuýt lấy nhau này, qua lời cảnh cáo của vị chủ nhà.

Khi nghe tôi nói hiện đang ở tại... ông bạn họa sĩ la lớn: Quên rồi hả, hồi xưa mày "đập" anh ta nặng lắm mà? Tôi ngớ người, không nhớ là đã đụng độ với ông bạn chủ nhà trong trường hợp nào. Ôi chao, lần tới Cali đầu tiên lại là lần phải đối diện với quá khứ, những ngày tuổi trẻ hăng máu Đông Ky-xốt, bạ ai cũng đập, chẳng cần có lý do gì hết. Hoá ra lần này phải trả cả vốn lẫn lời!

Thấy mặt tôi buồn so, ông bạn họa sĩ lại còn gật gù: "Phê bình" là phải vậy! Mũi tên đặt trên cây cung, phải bắn thôi!

Sau đó, tôi hỏi lại ông bạn. Ông xác nhận có, nhưng đó là một bài phê bình thực sự, không có ác ý. Thực sự, nhưng sai, theo ông. Qua bài viết, tôi cho rằng ông không thể viết truyện dài, nhưng ông là tác giả của hai thiên truyện dài tại hải ngoại.

Trong cái "nghiệp" phê bình của tôi, tôi đã đụng độ với quá nhiều người. Riêng trường hợp ông bạn, tôi quên, nhưng rất nhiều lần tôi nhớ. Có khi vừa nhớ, vừa cầu mong, hy vọng rằng bài phê bình của mình có thể có ích nào đó. Ngay cả trường hợp ông bạn, tôi cứ tự hào một cách thật tếu là, biết đâu, nhờ lời nói "khích" của tôi, ông đã để lại cho đời hai đại tác phẩm.
Mà có thể thế thật! Thí dụ như lần đụng độ với Nguyễn Thị Hoàng, khi bà xuất bản cuốn Vào Nơi Gió Cát. Tôi đang giữ mục điểm sách cho phụ trang Văn Học Nghệ Thuật của nhật báo Tiền Tuyến. Trang báo do Thanh Tâm Tuyền phụ trách (sau ông giao lại cho Huỳnh Phan Anh và tôi; Huỳnh Phan Anh, sau bực bội với thằng bạn "láu cá' Bắc-kỳ, cũng dãn ra). Nguyễn Thị Hoàng vừa thành lập nhà xuất bản, làm một tuyển tập truyện ngắn, trả tiền nhuận bút rất xôm, có thể nói là cao nhất, so với các nhà xuất bản khác. Tôi cũng được mời tham gia. Ngoài tiền nhuận bút còn một bữa ăn linh đình, như để giới thiệu tuyển tập truyện ngắn và nhà xuất bản. Rồi tới Vào Nơi Gió Cát.
Cuốn truyện quá tệ, nhưng chưa tệ hại bằng bài điểm sách. Sau khi tóm tắt nội dung phần đầu, tôi kết luận: phần đầu cuốn sách, theo tôi thật là khủng khiếp! (Chấm xuống dòng đàng hoàng!).
Và sự khủng khiếp cứ thế kéo dài cho đến hết cuốn truyện.
Chưa hết, người phụ trách trang báo lại tỏ ra rất thích từ "khủng khiếp". Ông cho đăng, dưới cái tít: Văn Chương Khủng Khiếp.
Nguyễn Thị Hoàng hết sức giận dữ về bài viết. Nhưng thật khác người, bà trả lời sau đó bằng tác phẩm Cuộc Tình Trong Ngục Thất. Đây là một tác phẩm tuyệt vời nhất, nói "không" về cuộc chiến, theo tôi. Hình ảnh một người đàn bà, một người vợ tất tả chạy ngược, chạy xuôi, trong địa ngục để cứu chồng. Một ấn bản khác về chàng Orphée. Tôi lại là người được cả hai người, là Thanh Tâm Tuyền và Mai Thảo, trao cho vinh dự viết bài điểm sách, trên tờ Vấn Đề: Nếu Dostoevsky muốn kéo Thượng Đế xuống cho ngang bằng con người, ở đây Nguyễn Thị Hoàng muốn kéo địa ngục lên ngang tầm trái đất...(23)
(Riêng về ông bạn, xin cho tôi nợ một chuyến đi, tới đất Phật, vượt dòng Cửu Long, vào Trại Cấm Thái Lan...).
Nguyễn Quốc Trụ

(Bài viết đã đăng trên Văn Học (Hoa Kỳ), số Xuân Kỷ Mão; người viết có sửa lại một vài chi tiết).

Chú thích:
1. Thơ John Donne, Hemingway dùng làm tựa đề Chuông Gọi Hồn Ai:... any man's death diminishes me, because I am involved in Mankind; And therefore never send to know for whom the bell tolls; It tolls for thee (Meditation XVII). Tạm dịch: Bất cứ một người nào mất đi là tôi mất đi một phần, bởi vì tôi mắc míu với Nhân Loại; Do đó đừng hỏi chuông gọi hồn ai; Chuông gọi hồn anh đó.
2. Mượn chữ của George Steiner; trong Tuyệt Bi, Absolute Tragedy, ông coi con người là những "unwanted intruders on creation": chui vào đời chỉ để uống rượu phạt!
3. Một tạp chí văn học, xuất bản tại Cali, Hoa-kỳ.
4. Địa điểm những nhà văn nhí gặp gỡ, nói chuyện văn chương!
5. She Stoops to Conquer (1773): kịch của nhà văn Ái-nhĩ-lan, Oliver Goldsmith (1728-74).
6. Chữ của G. Steiner trong Tuyệt Bi nhân nói về Shakespeare.
7. Nhân sinh đắc ý tu tận hoan: Cao Bá Quát trích dẫn Lý Bạch, (trong bài Tương Tiến Tửu).
8. Sực nhớ chữ cổ nhân bỉnh chúc, thơ Cao Bá Quát (Bỉnh chúc dạ du: Đốt đuốc chơi đêm).
9. Nhan đề một tác phẩm của Nhất Linh.
10. Sợ.
11. Novels dictated by crickets, trong Other people's trades (Bản tiếng Anh của Raymond Rosenthal, nhà xb Summit Books, 1989).
12. Nhan đề một chuỗi thơ của Joseph Huỳnh Văn.
13. Tạp chí Văn Học, Cali, số tháng Giêng 1998.
14. Hương Cơ, cô gái của sông Hương, xứ Huế, theo Trúc Chi, là người Nam, tên Khương. Không hiểu tác giả có biết "mật ước" của các vị vua nhà Nguyễn: Nên chọn "Đệ Nhất Phu Nhân", người Miền Nam, nếu được người đẹp Gò Công, là nhất. (Đức Từ Dụ, Hoàng hậu Nam Phương đều là người Nam).
15. Beauté plus pitié: Trong bài viết của Nabokov về Hóa Thân, in trong phần phụ lục, bản tiếng Pháp, tủ sách bỏ túi.
16. Franz Kafka: Nhân ngày giỗ thứ mười, trong Illuminations, Essays and Reflections, Hannah Arendt giới thiệu, nhà xb Shocken Books NY, ấn bản bìa mỏng in lần thứ nhất: 1969
17. Tôi đi ngang xóm chị em như đi ngang nhà người yêu thương của mình (Kafka, nhật ký 1910; Kundera trích dẫn, trong Những Di Chúc Bị Phản Bội, bản tiếng Pháp, nhà xb Gallimard, 1993. Câu này đã bị Brod kiểm duyệt, cắt bỏ).
18. Bạn thân của Kafka, người đã không theo di chúc yêu cầu huỷ bỏ tác phẩm, của bạn mình.
19. Tôn giáo thần bí.
20. Người viết bài nhấn mạnh.
21. In Praise of Shadows, bản tiếng Anh của Thomas J. Harper và Edward G. Seidensticker, nhà xb Jonathan Cape, London, 1991.
22. Diocletian (245-313): Hoàng đế La-mã (284-305), vào năm 303 đã khởi xướng những vụ bách hại tín đồ Ky-tô.
23. Hương Cơ của Trúc Chi làm nhớ tới một Điêu Thuyền của Miêng (trong tuyển tập những nhà văn hải ngoại). Làm nhớ tới "người đàn bà ngoại tình" của Miêng trong Biển. Từ đó suy ra, nhân vật nữ, tượng trưng một giải thoát khả hữu cho cuộc nồi da nấu thịt, cho thế kỷ đọa đầy. Hãy tự hỏi, tại sao nhân vật tỏ mắt độc nhất trong Mù Lòa của José Saramago, lại là nữ? Hãy tự hỏi, những Thanh của một tiếng hát làm ấm Bếp Lửa (Thanh Tâm Tuyền), những Phương của những Nỗi Buồn Chiến Tranh (Bảo Ninh)... Hãy nhớ lại một A Châu, của riêng một Tiêu Phong. Em hy sinh không phải vì đại cuộc, không vì muốn giải oan cho mối hận thù về một kẻ Đại Ác... Nhà họ Đoàn có môn Lục Mạch Thần Kiếm, nếu anh giết Đoàn Chính Thuần, họ sẽ giết anh. Em hy sinh là vì anh đó!
*Y khoa cổ điển Hy-lạp phân con người thành bốn loại khí chất. Humor đưa đến từ "humide", ẩm ướt, hay (ở đây là) rướm lệ. Văn phong của những tác giả Đức như Boll hay Grass, là bi-hài theo nghĩa của G. Steiner, trong Tuyệt Bi: Hữu cơ là bi hài, ở nơi chắt chiu nhất của nó (The organic is tragi-comic, in its very essence).

Nguyễn Quốc Trụ