*

TẠP GHI




Little Saigon,
Nghiêm, Thảo Trường, và tôi

 Thảo Trường: Phải luôn luôn nhớ rằng...
Theo một nghĩa chung, và rất đỗi thiêng liêng, tên gọi Little Saigon có, ngay sau khi thành phố mất.
            Nhưng xét về mặt tầm nguyên học, Nghiêm (1), ông bạn tôi, là người thực sự khai sinh ra nó.
            Anh đi ngay hồi 1975, do phút chót gặp may. Ở lại chắc "chết": ông thân anh mất năm 1954 ("có thể có bàn tay CS, nhưng không phải thủ tiêu", như Nghiêm xác nhận với tôi).
Tôi nói đùa:
-Tớ với cậu như vậy là hai kẻ thù.
Thấy anh tỏ vẻ ngạc nhiên, tôi giải thích:
-Ông già tớ bị "Đảng" của cậu thủ tiêu.
Thấy anh có vẻ lúng túng, tôi "hoà giải":
-Nhưng ông anh rể tớ (2) là người cùng phe với cậu. Vậy kể như huề.
Nhưng "huề" làm sao được cơ chứ!
Bởi vì "hai đứa tôi" nếu không kẻ thù, thì cũng là địch thủ.
Môn chơi: cờ tướng.
Trong những ngày ở Cali, buổi sáng tôi thường ghé cà-phê Diễm, ngồi chầu rìa chờ tới  phiên mình trong cái hội cờ tướng ở đây.  Nghiêm lúc này có bổn phận đưa bà xã tới tiệm. Tới trưa, anh tới đó, nếu còn thời giờ, hai đứa lai rai một hai bàn, rồi tôi theo anh lên trường đua. Đây mới là thú vui của riêng anh.
            Vốn là một giáo sư Anh văn, chân ướt chân ráo nơi xứ người, anh đã lo giúp đỡ đồng hương, gầy dựng cộng đồng. Cái tên Little Saigon, là do anh chọn, khi hoàn tất thủ tục ghi danh (registration form) tham dự Đại Hội Giáo Dục Việt Mỹ, sau đó được in trong Chương Trình Đại Hội (Program), năm 1984.
Loay hoay với mẫu ghi danh, anh suy nghĩ: Little Vietnam, ồ không được (2), nhưng tại sao không là Little Saigon nhỉ...
            Chính thức xuất hiện sau đó, là khi Sở Lục Lộ Hoa-kỳ, theo nhu cầu phát triển Quận Cam, đã cho xuất hiện những tấm bảng chỉ đường. Bạn chạy trên xa lộ Cali, nếu thấy biển đề Exit: Little Saigon, xin hãy nhớ một điều, ông bạn Nghiêm của tôi là người đầu tiên viết ra hai chữ thân thương đó: Little Saigon.
            Tôi gặp Nghiêm, và sau đó gặp Thảo Trường ở "văn phòng" của anh, một Car Wash của con trai, sang Mỹ từ 1975.
Tại Little Saigon, lẽ dĩ nhiên
Như thể Nghiêm, Thảo Trường và tôi đã có hẹn gặp lại, từ thuở còn Sài-gòn.
            Anh kể chuyện "ngày xưa": Bữa đó, mình đưa mấy mẹ con đi trước, tính đi chuyến sau. Thế là dính luôn 8 năm tù Bắc, 9 năm tù Nam.
Tếu thật, tôi vẫn nghi, anh chàng này rồi khổ với tính tếu: Nếu không tếu, không viết nổi Bà Phi, rồi bị sếp hành lên hành xuống, do có kẻ "mét": Thằng đó nó tả "Quí Phu Nhân" đấy, cho nó xuống hầm P.48 (4) đi!
Nếu không bị tính tếu xúi dại, đã đi cùng vợ con...
            Kể ra nói chuyện ngày xưa lúc này là quá hợp: Little Saigon đang ngợp một mầu cờ, nhân vụ Trần Trường.
            Quên không nói cho các bạn biết, cà phê Diễm ở ngay sát cạnh tiệm Hi-Tech của Trần Trường, và cái hội cờ tướng ở đây đa số thành viên đều cựu quân nhân, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Họ vừa đánh cờ vừa có nhiệm vụ "điều nghiên" chiến trường: vào những lúc chúng tôi đang say sưa trên mặt trận cờ, "mặt trận Miền Nam Cali" ở bên ngoài tiệm cà phê vẫn yên tĩnh! Nhưng chỉ cần một dấu hiệu nho nhỏ từ phía Hi-Tech lọt vô, là tất cả ùa ra hết bên ngoài. Đây cũng là nơi được cảnh sát "chiếu cố" nhiều nhất, để ghi giấy phạt: hút thuốc lá trong tiệm.
            Trước 1975, Thảo Trường thuộc loại đàn anh của tôi. Anh có tên trong tờ Sáng Tạo, nhưng theo "một nghĩa nào đó", anh chẳng mắc mớ gì với chủ trương "đạp đổ", làm cách mạng văn học của nhóm này. Tôi vẫn không hiểu được tại sao anh có mặt "ở đó"?
            Bởi vì truyện ngắn của Thảo Trường "hiền khô", lại không "mới". Cái cũ "nhất" ở anh, là kỹ thuật truyện ngắn. Thứ truyện ngắn không nhắm vào tiểu sảo, không mà mắt người đọc với những kỹ thuật mượn từ độc thoại nội tâm, điện ảnh... vốn rất được ưa chuộng hồi đó, kể luôn cả chuyện, cho nhân vật tuôn ra đủ thứ tư tưởng, hoặc ăn nói theo kiểu ba phải (nghĩa là lạm dụng nghịch lý, ra cái điều thông thái: Đời chẳng đáng gì nhưng đâu có gì đáng (như) đời, la vie ne vaut rien mais rien ne vaut la vie, André Malraux).
Ngay hồi đầu đọc anh, tôi đã ngạc nhiên, anh cứ một mình đi một đường, an nhiên tự tại, thong dong mà viết.
Bây giờ thì tôi hiểu. Với một chút tếu, với chút thong dong tự tại, vậy là có thể qua được địa ngục. Đá Mục, cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh, xuất bản ở hải ngoại (nhà xb Đồng Tháp 1998) cho thấy điều này. Như thể Sáng Tạo hô hào lật đổ, là để sửa soạn cho giai đoạn hậu-Sáng Tạo: giai đoạn Đá Mục.
Theo nghĩa đó, Thảo Trường là người "đại diện độc nhất", của dòng văn chương vốn nổi tiếng là "bí hiểm, hũ nút" này.
Câu chuyện hình như chỉ có hai nhân vật. Và ba đoạn đời. Người ta có thể dựng một cuốn phim chỉ với những tình tiết "đơn giản" như vậy: Tên của cuộc chiến: Đá Mục.
Đoạn đầu: Anh chuẩn uý mới ra trường, trấn một đồn biên. Đệ tử, một anh lính truyền tin, có vẻ khôn hơn thầy, và như mang dáng dấp anh nông dân Ivan  của Solzhenitsyn.
Đoạn hai: Họ gặp lại nhau trong trại tù.
Đoạn ba: Anh sĩ quan, sau 17 năm tù, tái ngộ vợ con, và đệ tử tại xứ người.
Và đây là "thông điệp" của Thảo Trường: Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả (Đá Mục).
Và đây là quang cảnh trận đánh cuối thế kỷ, qua miêu tả của Thảo Trường:
Trận chiến diễn ra trên đường Bolsa, thành phố Westminster. Một bên là Việt Cộng rất thủ đoạn nhưng có lực lượng cảnh binh sắc phục đẹp và oai phong nhất thế giới, trang bị bằng những khí cụ hiện đại tối tân cũng nhất thế giới, hộ tống. Một bên là dân di cư chạy loạn, nạn nhân của Việt Cộng...
Mẹ cháu cũng bị bắt trong nhấp nháy.... Và cháu cũng bị bắt dẫn đi. Cháu vẫn nằm trong nôi.... Cháu trở thành tù binh... Một thứ tù binh của hòa bình... Trận đánh cuối thế kỷ.
(Người tù binh nằm trong nôi).
"Có một bản thảo đưa ông đem về mà cũng đánh mất, đòi gửi tờ khác thì tôi gửi đây (Người tù binh nằm trong nôi)... tôi kèm thêm một ít trang bản thảo tập truyện sắp in, ông đọc đỡ buồn!
Tôi không hiểu sao các ông lại không ở "Saigon" này mà đi tuốt luốt sang mãi "Tây Ninh, Đồng Tháp" xa xôi chi vậy để rồi thỉnh thoảng lại phải "về phép" tốn tiền tốn sức. Sang "Saigon" này mà ở cho nó tiện việc ra quán cà phê cà pháo mỗi ngày. Xin gửi lời kính thăm quí bằng hữu ở bên đó.
Nói vậy chứ ở đây cũng chán bỏ mẹ!"
(Thảo Trường, trích thư riêng).

Người giới thiệu tờ báo Sáng Tạo với tôi, là Nguyễn Hải Hà, bạn học trường Hồng Lạc, của thầy Đoàn Viết Lưu, khi thầy mở lớp tư đầu tiên, tại một căn phố ở đường Sương Nguyệt Anh, gần vườn Bờ-Rô, Sài-gòn. Chỉ là một lớp dậy hè, cho chương trình lớp Đệ Tam cho những học sinh đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp kỳ thứ nhất. Học xong hè nhẩy lên lớp Đệ Nhị, cuối năm thi Tú Tài I.
Tôi không có trong số này, vì thi rớt kỳ I.
(Tất cả những bạn bè còn lại của lớp học xa xưa đó, hiện nay đều ở Little Sài-gòn, nhờ chiến dịch H.O.
 Tôi gặp lại Lãng, và anh cho biết đã qua những đêm biểu tình ở trước tiệm Hi-Tech. Đúng là số mệnh "kỳ cục": tôi cũng ở trong số đó. Như vậy là cả hai, sau lần biểu tình thứ nhất trong đời, tại khách sạn Majestic ở Sài-gòn, khi còn là con nít mới lớn, mấy chục năm sau, đã già, hai đứa lại đi biểu tình, ở nơi xứ người!)
Nguyễn Quốc Trụ
Chú thích:
(1) Nghiêm là tên bịa, vì chưa được phép của tác giả.
(2) Ồ không được: Một cái tên như Little Vietnam, theo anh, không mang tính lịch sử, như là nguyên nhân sự ra đời của khu Little Saigon ở Mỹ, và sau này, ở nhiều nơi trên thế giới.
(3) Ông anh rể: ký giả Hiếu Chân, mất tại khám Chí Hòa, lúc đầu có tin tự tử, nhưng bạn tù sau này cho biết, anh mất vì cao áp.
(4) Thảo Trường trước 1975, là sĩ quan VNCH, nơi anh làm việc: cục số 8 An Ninh Quân Đội, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng không xa Sở Thú. "Thiên hạ" đồn: ở đó có hầm nhốt người.