*

TẠP GHI





Đỉnh Cồn,
Vòng Đai Xanh, Ngô Thế Vinh, và tôi

 

 Tôi quen biết Ngô Thế Vinh rất sớm, từ cái thuở anh còn là sinh viên ở cư xá Minh Mạng. Anh học y khoa, chữa bệnh cho từng con người. Anh làm báo Tình Thương, toan tính chữa bệnh cho một thời đại. Anh viết văn, mơ tưởng chuyện chữa bệnh cho một dân tộc. Nhân làm báo Tình Thương, với tư cách một phóng viên, anh khám phá ra một cuộc chiến trong một cuộc chiến: Cuộc chiến của những đồng bào Thượng. Độc giả đọc Vòng Đai Xanh, có thể coi đây là một ân sủng, đối với tác giả. Ông đã tìm ra cái cõi của riêng ông. Trong cõi đó, không chỉ có văn chương mà còn có những đứa con của núi rừng.

 Đó là lần gặp gỡ đầu tiên, và cuối cùng của hai đứa tại Việt Nam. Chúng tôi xa thật xa mà cũng gần thật gần. Tôi xa anh thì đúng hơn. Anh vẫn thường xuyên theo dõi những bài viết của tôi. Tôi còn nhớ có một lần, khi tôi phụ trách trang Văn học Nghệ Thuật cho báo Tiền Tuyến, trong một bài viết, tôi sử dụng giọng văn khề khà, và tôi nhận được ngay một lời trách cứ của anh, qua một người bạn, đại khái như vầy: Bạn chưa già đâu, đừng giở cái giọng văn "mệt mỏi" đó ra. Lẽ dĩ nhiên, đây là cách diễn đạt của riêng tôi, về lời ân cần nhắc nhở của anh. Ai đã từng quen biết Ngô Thế Vinh, đều biết rõ con người nhỏ nhẹ từng lời nói, trân trọng từng cử chỉ đó. Tôi chưa hề nói cho anh biết tôi đã cảm động và biết ơn anh như thế nào, khi đó, và sau này, khi tôi bị cuộc sống cá nhân hành hạ đến trở thành sống dở chết dở, có những lúc muốn buông xuôi, nhưng trong tiềm thức, vẫn oái oăm một câu trách cứ của anh ngày nào, và tất nhiên của những người thân, của một hồng nhan tri kỷ (cũng có thể)... đã khiến tôi đành phải bò dậy.

 Tôi xa anh, xa anh thật. Hồi đó tôi làm UPI, chuyên viên chuyển vô tuyến viễn ảnh. Máy đặt ngay tại Đài Liên Lạc Vô Tuyến Điện Thoại Quốc Tế, tầng lầu trên cùng, tòa nhà số 7 Phan Đình Phùng Sài-gòn. Ở trên đỉnh cồn đó, đọc đủ thứ văn chương "viễn mơ", chứng kiến - qua hình ảnh - cuộc chiến từ khắp nơi, từ khắp các vùng chiến thuật, quen biết, chuyện trò với đủ thứ tinh anh hào nhoáng của giới truyền thông Tây-phương, nhìn cuộc chiến từ phía hậu trường của nó... tôi vẫn tự cho mình là kẻ thấy hết, hiểu hết: Tôi đã đọc Vòng Đai Xanh, như một kẻ chân không chấm đất... như thế đó, khi cuốn truyện được xuất bản lần thứ nhất, tại Sài-gòn.

 Nói hết ra: Khi đó tôi không sống, anh sống.

 Qua đây, anh cũng lại là người đầu tiên chú ý đến những bài viết của tôi. Tôi biết là anh rất mừng khi thấy tôi viết lại. Và anh gửi cho tôi, những cuốn sách của anh, những cuốn tôi chưa hề đọc tuy đã từng được anh gửi tặng. Hay đúng ra, đã từng đọc, khi không sống. Anh cũng gửi tập truyện mới nhất của anh, Mặt Trận ở Sài-gòn.

 Như trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Bách Khoa, nay được dùng thay cho lời tựa của cuốn Mặt Trận ở Sài-gòn, Ngô Thế Vinh cho biết, ông có ý định viết một cuốn sách sưu khảo về cao nguyên, thay vì cuốn tiểu thuyết Vòng Đai Xanh. Lý do, theo ông là để tránh kiểm duyệt. Nhưng sau đó, báo Tình Thương bị bắt buộc phải đóng cửa, ông có thì giờ tưởng tượng hóa tư liệu, cho nó chết đi để rồi sống lại, trong tiểu thuyết.

 Thật kỳ cục, đọc Vòng Đai Xanh, tôi vẫn có cảm giác đây là một cuốn biên khảo, một thứ khảo cổ học (1). Ở đây là khảo cổ học về nguồn gốc một cuộc chiến (trong một cuộc chiến). Hoặc có thể coi đây là chương mở đầu của một trường thiên tiểu thuyết về cuộc chiến Việt Nam.

 Là những kẻ sống sót, tuy do những lý do hoàn toàn khác biệt, một kẻ chui rúc trên đỉnh cồn, đọc, ngốn bất cứ thứ gì vướng vào mắt, như loài trâu bò, để mong rằng sau này nhai lại, nếu sống sót, hoặc mang đi sang thế giới bên kia, như những kỷ niệm tức tưởi về một đời "lầm lỡ đầu thai", "hết thuốc chữa"; còn một kẻ, đã từng mường tượng ra thế giới (Miền Nam) sẽ phân ba: Những đứa con của núi rừng, những người CS miền Bắc, những người quốc gia ở miền Nam, ngay từ khi còn ở trong "lều cỏ" là khu cư xá sinh viên Minh Mạng. Đã từng là y sĩ trưởng của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, "chẳng bao giờ sai hẹn, như chu kỳ hàng năm, cứ vào đầu mùa mưa, chúng tôi cùng những đơn vị bạn từ vùng đồng bằng châu thổ, ùn ùn kéo lên Cao nguyên (Tây Thục, người viết thêm vô), để tao ngộ với những đại đơn vị địch quân - để tranh nhau một vài ngọn đồi trơ trụi hay giành giựt một khúc lộ trống... Rồi Mùa Mưa cũng phải qua đi, không hẹn mà định, chiến cuộc điên cuồng lại tạm ngưng nghỉ khi thời tiết bắt đầu mùa khô ráo... chúng tôi trở về đồng bằng -với những chiếc xe trống trải hơn, cùng những người lính mỏi mệt xác xơ hơn nhưng may mắn còn được sống sót." (Mặt Trận ở Sài-gòn). Hai cái sống sót thật khác xa nhau. Nhưng cuộc gặp gỡ qua điện thoại giữa hai đứa chúng tôi gần như bắt thời gian quay ngược lại, cùng với lần gặp gỡ tại cư xá Minh Mạng. Anh có giấc mộng năm 2000. Còn tôi, hầu như chẳng có gì. Nếu có chăng, vẫn là lời nhắn nhủ của anh ngày nào: Bạn chưa già đâu...

 Hy vọng được như vậy.

 
(1) Từ "khảo cổ học" (archeology) ở đây, được sử dụng theo nghĩa của Michel Foucault, không họ hàng gì với địa chất học (geology), hoặc phả hệ học (genealogy), và chỉ là phân tích bản văn/nói trong dạng thức thư khố của nó (it's the analysis of discourse in its modality of archive). M. Foucault cho biết, ông luôn bị "săn đuổi" bởi một cơn ác mộng từ hồi còn nhỏ: Dưới mắt ông là một văn bản mà ông không làm sao đọc được, hoặc chỉ một phần rất nhỏ của bản văn có thể được "giải mã"; "Tôi làm bộ như đang đọc nó, nhưng tôi biết là tôi đang bịa đặt; rồi bản văn bỗng nhiên mờ hẳn đi. Tôi không còn đọc được gì nữa, ngay cả bịa đặt cũng không, cổ họng tôi thắt nghẹn, và tôi tỉnh dậy..." (M. Foucault, The Discourse of History, Foucault Live, nhà xb Columbia University, 1989). Chúng ta (những độc giả của Ngô Thế Vinh) cứ "giả dụ" rằng, ông cũng bị một bản cổ văn (cuộc chiến trong một cuộc chiến) ám ảnh, và chỉ một phần rất nhỏ của nó được giải mã (Vòng Đai Xanh, Mặt Trận ở Sài-gòn...), và ông cũng làm bộ đọc nó, mà sự thực là đang bịa đặt...

  NQT