Mùa Xuân nói chuyện Mậu Thân
Những người Cộng sản rất khôn khéo trong việc giấu diếm những tội ác
của họ. Và
càng giỏi hơn, khi chối tội, khi không dám nhận ai là tác giả những tội
ác đó.
Khi chiến tranh chấm dứt, họ dễ dàng có được những "Viện Bảo Tàng, Nhà
Trưng Bầy Tội Ác Mỹ Ngụy", phần lớn hình ảnh, tài liệu là do báo chí,
giới
truyền thông Tây Phương cung cấp. Nhưng thật khó mà kiếm ra, và chắc là
vô
phương có được những hình ảnh về cảnh giết người hàng loạt, trong biến
cố Mậu
Thân tại Huế chẳng hạn, khi người Cộng Sản phải bỏ chạy. Đã từ lâu, dư
luận đồn
đại, đằng sau tội ác đó có bóng dáng của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng
ông chẳng
bao giờ lên tiếng, cho dù chỉ để phủ nhận (1). Cũng vậy, vụ giết hại
những người
theo Trotsky. Chẳng ai là đao phủ. Chỉ có nạn nhân. Ở đây, những người
Cộng Sản
Việt Nam
có vẻ như không chấp nhận lối của giải thích, về sự dung tục của cái ác
(the
banality of evil, chữ của Hannah Arendt khi bàn về tính tình, thái độ
của những
tên đao phủ Nazi).
Trước khi chết, tổng thống Pháp, Francois Mitterrand đã "chiến đấu với
chính mình", để có được lời nói cuối, về việc ông đã tham gia trong
chính
phủ Vichy, trước khi gia nhập lực lượng kháng chiến. Việc ông cho tới
năm 1986,
là bạn thân của René Bousquet, một viên chức trong chính quyền Vichy
theo Đức
Quốc Xã, bị kết án năm 1989 về tội ác chống lại nhân loại, khi đẩy
người
Do-thái vào lò thiêu. Trong cuốn "Hồi Tưởng qua hai giọng nói"
(Memory in two voices), với người đối thoại là Elie Wiesel - một nạn
nhân sống
sót tại lò thiêu người, Nobel Hòa Bình 1986 - khi nói ra những tội ác
đó, ông
chỉ làm một sửa soạn bất khả tri trước khi chết, một cái chết không có
sự an ủi
của một niềm tin. Tôi không biết tôi có "biết" không. Tôi không biết
tôi có "không biết" không: điều không thể quy định một cách ngay thẳng,
công bằng trong từ "niềm tin", ông nói. Và ông nói thêm, dẫn lời ghi
trên bia mộ Willy Brand, cựu thủ tướng Tây Đức: "Tôi đã làm cái điều
tôi
có thể làm".
Những người Cộng Sản Việt Nam,
tuy không có niềm tin về một Đấng Toàn Năng, nhưng thừa sức làm điều họ
có thể
làm.
Nhưng đối với chúng ta, đâu là điều chúng ta có thể làm? Sau này, những
con
cháu đời thứ năm, thứ "mười mí" của đám lưu vong, khi phải truy tìm
nguyên nhân bỏ nước ra đi của những ông cố bà cố, họ sẽ hoang mang giữa
đống
tài liệu chứa trong thư viện. Và càng hoang mang hơn, giữa đống hồi ký,
được viết
ra với quá nhiều niềm tin, của những người quốc gia, khi phải giải
thích vai
trò của họ trong biến cố lịch sử, trong việc làm mất Miền Nam.
Nếu có chăng, một chứng cớ hiển nhiên về tội ác của những ngưòi Cộng
Sản, thì
chỉ là một bức hình đăng trên trang bìa tờ Time (Thời Báo) thời gian
sau khi
ông Diệm bị giết ít lâu, chụp một ông xã trưởng Miền Nam bị du kích
chặt đầu, rồi
đặt cái đầu lên bụng tử thi, bên dưới là bản án. Bức hình đã làm cả thế
giới
sáng đó không thể uống cà phê, ăn điểm tâm. Và đây có thể coi như "niềm
tin còn một chút này", đối với những quân nhân Hoa Kỳ, Đồng Minh, khi
họ
tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng cũng chẳng biết ai là đao phủ.
Cũng vậy,
thủ phạm hạ sát những ký giả ngoại quốc trong vụ Mậu Thân tại Chợ
Thiếc. Hình
như sau đó, khi được hỏi, Trần Bạch Đằng trả lời không biết, y hệt Trần
Văn
Giàu trả lời, trong vụ giết hại Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu.
"Pictures to be killed" (Những tấm hình để giết đi), là một thuật ngữ
được giới báo chí Mỹ dùng, khi gửi những hình ảnh họ biết không thể sử
dụng, ít
ra vào thời điểm đó. Trong chiến tranh Việt Nam, đã có những bức hình
chụp cảnh
Việt Cộng dùng mã tấu, binh sĩ Mỹ dùng búa, tàn sát lẫn nhau, như trong
một phim,
thời kỳ "khai hóa" dân da đỏ. Cảnh tàn sát ở Mỹ Lai... tất cả những
hình ảnh đó, sau này đã được sử dụng, khi cần một cái cớ để rút khỏi
Việt Nam
"trong
danh dự" đối với tổng thống Nixon. "Nghe nói", phong trào phản
chiến ở Mỹ cũng do CIA bỏ tiền ra, thuê người đi biểu tình
Những người Cộng Sản vẫn thường nói, hãy quên quá khứ, xúm nhau lại xây
dựng
tương lai. Chúng ta sẵn sàng quên quá khứ, và có khi cũng chẳng cần
điều họ có
thể làm, như tổng thống Pháp F. Mitterrand đã làm. Nhưng chỉ cần họ
không quên
tinh thần "chống Mỹ cứu nước", không phải của họ, mà là của những người
dân Miền Nam, của những người họ gọi là Ngụy, giống như những người họ
gọi là Tề,
ở Miền Bắc, trong cuộc chiến tranh chống Pháp.
Trong thời gian người Mỹ tham chiến tại Miền Nam, có những gia đình cấm
con em
không được làm sở Mỹ, có những công chức, ngày đi làm, tối chạy xe ôm,
nhưng nhất
định không để cho người Mỹ vô nhà của họ, với những hợp đồng thuê mướn
thật hấp
dẫn. Nghe nói, vẫn chỉ là nghe nói, Ngô Đình Nhu đã từng cho người ra
ngoài Bắc,
bảo thẳng với ông Hồ, nếu còn tiếp tục đánh phá Miền Nam, thì chính ông
là người
có tội ác với lịch sử, trong việc đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam, và nếu
cần, ông
sẽ gửi con tin, là hai người con ruột của ông, qua một nước trung gian
là Thụy
sĩ.
Nhiều viên chức Cộng Sản đã cay đắng thú nhận, họ thắng người Mỹ trên
chiến trường,
nhưng thua trên thị trường, thua đồng đô la.
Chỉ mong họ đừng bao giờ gây ra cảnh cả nước Việt Nam
cay đắng vì Mỹ, như Miền Nam
đã từng cay đắng.
Như các cô gái bán ba đã từng cay đắng khi người Mỹ, bắt chước ông Tú
Vị Xuyên,
chơi trò đổi tiền đô la đỏ.
Vườn
Thú Tuổi Thơ
Ông Hồ muốn trong thơ phải có
thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong. Sau khi
lấy được Miền Nam, những người Cộng Sản đã từng lên lớp về thái độ an
phận thủ
thường, chỉ muốn làm một phó thường dân của những nhà văn Miền Nam. Bây
giờ
trong số người viết ở trong nước, có người đã bằng lòng với vai trò
khiêm tốn,
làm một nhà văn bình thường.
Những bài viết ngắn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, trên tuần báo Thanh Niên,
cho thấy
một văn tài, nhất là khi ông trở lại với tuổi thơ của ông.
Bài viết ngắn, về những đồ chơi con nít bằng tre, bằng đất; dưới con
mắt trẻ
thơ của ông, chúng thật tuyệt vời, chúng đẩy trí tưởng tượng non nớt
tới những
vùng trời xa lạ. Miền của những giấc mơ mà loài người có lẽ còn lâu lắm
mới thực
hiện nổi. Nhưng buồn thay, chỉ chơi được một chốc một lát là chúng bị
gẫy, bể.
Tôi không hiểu khi viết như vậy, ông có muốn ám chỉ những giấc mộng lớn
mà những
người như ông đã từng theo đuổi, cuối cùng vỡ ra như những thứ đồ chơi
con nít.
Những giấc mộng càng lớn lao bao nhiêu, càng phù du bấy nhiêu. Chúng
bắt buộc
phải như thế, để cho nhân loại cứ trẻ thơ mãi, về những giấc mơ chẳng
bao giờ đạt
được.
Hay là ông tự trách móc những con người như ông đã không đủ khả năng
tạo ra được
một thiên đường bền vững ở trên trái đất này.
Tôi vẫn nghĩ, nếu có một thành quả nào đó, của việc "giải phóng" Miền Nam,
đó là nó đã cho chúng ta được đọc những trang sách như của Hoàng Phủ
Ngọc Tường,
về vườn thú tuổi thơ của ông. Hoặc của một số người viết ra đi từ Miền
Bắc, về
một Hà-nội giấu kín tận đáy sâu tâm hồn những đứa con của nó, không
phải chiến
thắng Miền Nam, mà chính những đợt bom B. 52 đã khui quật lên.
Tôi đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường rất ít, trước và sau 1975. Cũng lại do
thành kiến.
Hoặc do kỷ niệm một lần đọc Vũ Hạnh. Một truyện ngắn đăng trên Bách
Khoa, kể
chuyện một người làm công cho một ông chủ ở thành phố. Nhân dịp nhà
nước phát
hành giấy bạc mới, người làm công xin phép ông chủ về quê chơi, thăm bà
con họ
hàng, và xin chủ cho mượn tờ giấy bạc mới đó. Về nhà, ông cho con chơi,
như một
bức tranh con gà con chó, cho phép con mang khoe với con ông địa chủ kế
bên,
nhưng không được đổi lấy bất cứ một thứ gì.
Đến đây, chắc độc giả nhận ra ẩn dụ độc địa của câu chuyện: ông địa
chủ, do biết
giá trị của tờ giấy bạc, xúi con đổi đủ loại đồ chơi cho thằng nhỏ hàng
xóm
nghèo.
Trở lại thành phố, ông làm công trả lại chủ, kèm theo lời kết luận:
giấy bạc mới
ra, ở nhà quê chẳng ai biết, cứ tưởng là đồ chơi con nít; ông chủ đất
kế nhà
tôi cũng lầm.
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, tình cờ qua bài viết kể trên, tôi nhớ đến
tuổi thơ của
tôi và những món đồ chơi đầu đời của một đứa con nít nghèo nhà quê.
Trong đó,
có cây viết chì mầu. Ôi chao, lần đầu tiên, tôi thấy được cây chì mầu,
vẽ hình
con gà, con chó lên giấy, nó khác hẳn cái mầu đen của cây viết chì tôi
vẫn có.
Bởi vì cây viết chì mầu là của một ông cậu tôi, bà ngoại tôi đi tận Hà
Nội mua
về. Thấy tôi năn nỉ mãi, nhìn cặp mắt thèm thuồng của thằng cháu, rốt
cuộc ông
cậu nói, thôi tao cho mày, nhưng giấu kỹ đi, kẻo mẹ tao nhìn thấy.
Kỷ niệm về cây viết chì mầu, tôi nhớ lại, khi đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Đọc
Rushdie, và giấc mơ về một quê hương, một thành phố Bombay mầu
Cinémascope,
Technicolor của ông.
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi còn nhớ đến Vũ Hạnh. Và André Gide. Nhà
văn Pháp
này, sau khi đi Liên-xô về phang một câu: Tất cả những tình cảm tốt đẹp
chỉ đẻ
ra một thứ văn chương tồi. (C’est avec les plus beaux sentiments qu’on
fait de
la mauvaise littérature). Đúng là một lời trù ẻo văn chương hiện thực
xã hội.
Có một thời gian dài, tôi tâm đắc với câu văn, nhưng dần dần, theo tuổi
đời,
sau bao giấc mộng, bao tình cảm đẹp hao hụt dần, tôi nhận ra một sự
thực cay đắng:
câu của Gide không phải trù ẻo văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa
không
thôi, mà là tất cả những tình cảm tốt đẹp của con người.
Đặt ngược lại vấn đề, với câu chuyện của Vũ Hạnh làm một cái cớ, chúng
ta có thể
hỏi: ai cho phép anh nhân danh những tình cảm đẹp để quyết định số phần
của cả
một đất nước? Và liệu có phải đó là những beaux sentiments thực sự
không?
Ai cho phép anh... Solzhenitsyn cũng đã từng đặt câu hỏi như vậy, trong
Khu Ung
Thư. Nhân vật của ông được một bác sĩ hết lòng chữa trị, nhưng anh ta
cứ lắc đầu
bai bải, không được, không được. Con người tôi có đây, là nhờ một tí
bịnh, một
tí xấu đó. Nó là một phần thân thể của tôi. Chữa hết bịnh rồi, tôi làm
sao sống,
tôi ở với ai.
Đọc những tác phẩm hậu-Solzhenitsyn, từ một nước Nga rã rời sau Cách
Mạng,
chúng ta mới cảm thấy sự trớ trêu, mà chủ nghĩa Cộng Sản bầy ra cho
toàn thể
loài người: Chưa có một chế độ nào lại đẩy con người tới một mức thoái
hóa thê
thảm như chế độ toàn trị.
Chủ nghĩa CS, và những trại cải tạo của nó, là thử nghiệm tối hậu về
đạo đức con
người. (Tzvetan Todorov).