*






Tội ác từ hơn một thế kỷ vẫn còn nóng hổi: Nước Bỉ chạm trán những quỉ dữ thời kỳ thuộc địa của nó.


Walter Benjamin, triết gia Đức gốc Do Thái cho rằng, với lịch sử, cho dù chỉ một chi tiết cỏn con, cũng không bị mất mát, rồi cũng có ngày lòi ra ánh sáng. Hơn một thế kỷ, kể từ khi Hoàng Đế Bỉ Leopold II biến xứ Congo thành thuộc địa của riêng mình, một cuộc điều tra hiện nay đang được mở ra để tìm hiểu về những tội ác đã lâu ngày bị bỏ quên, mà nước Bỉ, qua Hoàng Đế và quân đội riêng tư của ông, đã đối xử với dân chúng thuộc địa ở đây. Viện Bảo Tàng do nhà nước quản lý, the Royal Museum for Central Africa, trước đây được biết dưới cái tên Viện Bảo Tàng Congo thuộc Bỉ, đã giao cho một số sử gia nổi tiếng nhất trong nước một nhiệm vụ, hãy đem đến cho dân chúng một điều mà họ bị tước đoạt đã quá lâu: sự thực.
Những con số đáng sợ, gây phẫn nộ,  thường là từ những tài liệu được nghiên cứu kỹ càng: rằng trên 10 triệu người Congo đã, hoặc bị sát hại, hoặc bị buộc làm việc cho đến kiệt lực rồi ngã ra chết, bởi quân đội riêng của Vua Bỉ; rằng đàn bà đã bị hãm hiếp một cách có hệ thống, rằng dân chúng, tay chân bị cắt, bị bắt cóc, bị cướp phá, nhà cửa, làng mạc bị đốt: những tội ác như thế đó đã hơn một thế kỷ chưa từng được đem ra bàn cãi một cách nghiêm túc tại nước Bỉ, đừng nói đến chuyện xin lỗi.
Rất nhiều những lời tố cáo trên đây đã được tác giả người Mỹ Adam Hochschild đem vào trong cuốn sách của ông nhan đề “King Leopold’s Ghost”. Khi cuốn sách được xuất bản vào năm 1999 tại Bỉ, nó đã gây một sự phẫn nộ tại đây, nhất là khi tác giả đã so sánh con số những người chết tại Congo thuộc Bỉ với Lò Thiêu, và thanh trừng cải tạo dưới thời Stalin tại Liên xô. Nhưng cuốn sách cũng không tạo ra được một cái nhìn nghiêm chỉnh về vấn đề này.
“Chúng tôi sẽ nhìn vào những lời tố cáo, những con số người chết, những tội ác đã phạm phải, chúng tôi sẽ điều tra, và vào năm 2004 chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra được câu trả lời cho cuốn sách của Hochschild,” Guido Gryseels, giám đốc Viện Bảo Tàng tuyên bố. “Chúng tôi không thể tránh né trả lời những câu hỏi này. Nó đã trở thành nhức nhối, một giải pháp là hết sức cần thiết cho vấn đề. Ai cũng nêu ra câu hỏi, không phải một chốc một lát, mà hầu như luôn luôn, bất cứ lúc nào, và chúng tôi không biết ăn nói ra làm sao.”
Cuộc điều tra sẽ bắt buộc xứ sở này chạm mặt với những quỉ dữ thời kỳ thực dân thuộc địa của nó. Và như vậy là đụng vào một điều cấm kỵ từ hơn một thế kỷ, tính từ khi nhà thám hiểm Henry Morton Stanley, vào năm 1885, đã tìm ra xứ Congo cho Vua Bỉ. Một thuộc địa giầu có, với hai mỏ vàng là cao su và ngà voi, chưa kể mỏ vàng con người, mặc sức mà khai thác.
Cuộc điều tra được cầm đầu bởi Giáo sư Jean-Luc Vellut, sẽ khởi sự trong hai tháng tới và sẽ trình bầy những gì mà họ tìm kiếm được vào năm 2004 (kỷ niệm 100 năm Stanley mất).
Nếu Congo, nơi xẩy ra những tội ác ghê tởm nhất đã đi vào quên lãng, thì Viện Bảo Tàng tại Bỉ, được Vua Leopold II cho xây cất bằng tiền lấy từ Congo, bao lâu nay bị hờ hững, chẳng ai đoái hoài, lại là nơi trưng ra những tội ác đó, qua những nghệ phẩm hiếm quí, những kỳ hoa dị thảo của xứ thuộc địa, nơi mà Nhà Vua chưa từng một lần thăm viếng. Nó được dùng để tưởng niệm những sĩ quan thuộc Lực lượng Công cộng (Force Publique officers), những người này bây giờ bị buộc tội là dã man. Về sự độc ác, tàn nhẫn và những đau đớn khổ sở mà nhân dân Congo phải chịu đựng, thì chưa thấy nói tới.
Chính là do mong ước hiện đại hóa Viện Bảo tàng đã phát sinh cuộc điều tra kể trên. Ngoài ra còn là mong ước, kéo nó ra khỏi cái quá khứ một chiều, sai trái về mặt chính trị.
“Viện Bảo Tàng đã chẳng thay đổi gì trong vòng 44 năm qua,” viên giám đốc cho biết. “Nó ôm riết lấy cái tinh thần, nếu không muốn nói là cái bóng ma thực dân thuộc địa ở trong nó. Một khi bước vô là bạn nhìn thấy bức tượng một cậu bé da đen ngước mắt nhìn lên nhà truyền giáo da trắng, với hàng chữ “phụ đề” (legend): “Bỉ quốc mang văn minh tới Congo.” Đây là cái thông điệp mà Bỉ cần phải thay đổi, để nó không chỉ phản ảnh cái nhìn của nước này vào trước năm 1960 (là năm Congo được độc lập). Chúng tôi cần cả những cái nhìn của người Phi Châu, như vậy những du khách sẽ thay đổi cái nhìn của riêng họ.”
Hơn một thế kỷ đã qua đi, nhưng nước Bỉ cho tới nay vẫn còn nhức nhối vì những tội ác mà họ đã phạm phải tại Congo. “Đây là một thực tại đụng tới cái phần sâu thẳm nhất của linh hồn Bỉ,” Vị giám đốc Viện Bảo Tàng nói. “Chúng tôi vẫn chưa xong với nó, thực sự là vậy. Và những phát giác đã tới với chúng tôi như một cú sốc. Chúng tôi được nuôi dưỡng, trưởng thành với ý nghĩ rằng Bỉ đã đem văn minh và điều tốt lành tới Congo. Ở trường lớp, chúng tôi không hề được dậy bảo, cho biết có những lời tố cáo, về những điều tàn ác đó.”
“So sánh nó với Lò Thiêu, là một sỉ nhục sự thực,” Giáo sư Vellut tuyên bố. “Chúng tôi cần đưa lịch sử của đất nước chúng tôi lên bàn mổ, nhưng chúng tôi cũng cần phải hết sức thận trọng”.
Ông cho biết, rất nhiều điều tố cáo có tính đặc thù không thể được bàn tới, nhưng ông khẳng định rằng, xác định rõ rệt ngày nào tháng nào những điều độc ác như vậy đã xẩy ra, là một điều quá sức khó khăn. “Những con số thống kê thời kỳ đó thật khó tin cậy. Người ta cũng không thể nào có con số chính xác và dân số Congo vào lúc đó. Ngay cả con số những người Do Thái bị chết tại Lò Thiêu, khi đem so sánh, cũng thay đổi. Ai biết được, rằng 10 triệu hay là 15 triệu người Congo đã bị giết hại?”
Jennifer Tran
(Theo bài viết của Andrew Osborn, phóng viên tại Brussels của tuần báo Guardian, số đề ngày 18-24 tháng Bẩy, 2002)