Đà Lạt

3


-Hôm nay em tập. Anh không định cho em uống tại sao gọi hai cái ly?
-Em không uống, một mình anh sẽ uống hai ly.

Từ đầu truyện, TTT sử dụng những từ ngữ miền bắc, khi chúng khác biệt với những từ ông thường dùng hàng ngày. Đây là lần thứ nhất "ly" xuất hiện. Do không còn nguyên bản 1974, [ở đây, là bản xb tại hải ngoại, nhưng chắc chẳng khác], thành thử không hiểu, lý do nào tác giả lại dùng một số từ miền bắc, khi viết Một Chủ Nhật Khác?
Liệu đây có phải là do linh cảm....?
Liệu, tất cả những "cốc" trước đó, để phân biệt ra, một bên là anh chàng Bắc Kỳ di cư, và một bên là cô gái Miền Nam, và đây là cuộc tình tự ý tự nguyện, em đến thăm anh một chiều mưa và quên mất đường về; sau đó, là những cuộc tình ép buộc, giữa kẻ thắng và người bại?

Những Oanh sau đó, nếu có, thì đều là... chiến lợi phẩm?

Ôi choa ơi, lại tẩu hoả nhập ma đến nơi rồi!

Nhưng câu văn tiếp theo như "xác nhận" một linh cảm như thế đó.

Tất cả hạnh phúc nằm trong hiện tại, tràn đầy, bấp bênh.

Oanh càng lúc càng vui vẻ, điệu bộ ngôn ngữ linh hoạt. Nhiều lúc nửa say nửa tỉnh, nàng bộp chộp gấp gáp khiến Kiệt phì cười. Đó là những phút vui thê thiết. Những lúc ấy Kiệt nắm tay Oanh, níu nàng lại, không cho tiến thêm. Chàng cũng có cảm tưởng hai người đang tựa nhau trong cơn lảo đảo để khỏi té nhào. Và Oanh cười long lanh nước mắt.

Hai Lúa do type cuốn truyện để post trên Tin Văn, nên tình cờ nhận ra sự khác biệt. Nhớ, lần nhà xb Văn Học, văn phòng miền nam, đề nghị tái bản cuốn Mặt Trời Vẫn Mọc, do NQT dịch, một trong những yêu cầu, sửa lại tất cả những từ ngữ miền nam ở trong đó. Phải sử dụng từ trung ương, tức của Hà Nội.
*


Anh có khoẻ không? Có gì vui không? Anh vẫn thích nghe Kenny G. và Yanni phải không? Em sẽ gửi cho anh tập thơ đầu tiên... Em gửi cho anh ba bài thơ mới nhất nhé, anh đọc và chia sẻ với em.
Trích mail từ Hà Nội, lần về đầu 2001.

Kenny G. và Yanni, là mãi sau này. Lạ một điều, có liên quan tới.. Đà Lạt.

Không phải Hai Lúa khám phá ra hai ông này. Một người khác. Một cô bé. Con của... cô bạn.
Cô bạn đã từng học Đà Lạt.
Gấu cũng đã từng "lừng lững khốc liệt" từ Sài Gòn lên Đà Lạt, vô một ký túc xá, chắc cũng giống như những ký túc xá mà anh chàng Kiệt ghé qua, để tìm gặp cô bạn, nhưng cô đã về Sài Gòn.

....Nghe cô kể những năm học trường quận lỵ, trung học Mỹ Tho, đại học Đà Lạt. Nghe cô giảng giải về một miền đất không hoàn toàn giản dị. Phải nhạy cảm lắm mới nhận ra chút dấu hiệu thật mơ hồ, mong manh: Mối tình lúc đầu giống như chớm thay đổi thời tiết. Tự nhủ thầm cô bạn chắc không nhận ra, và sẽ chẳng bao giờ dám thú nhận. Sau này nhớ lại, đã thực sự yêu thương, không phải lần vì quá cô đơn, lén viết lên trang tiểu thuyết Tô Hoài cô đang đọc, trong lúc cô lui vào trong, Je vous aime, nhưng khi tới báo tin đứa em trai tử trận, không gặp, đành nhờ một cô bạn ở chung nhà nói giùm, tin chắc cô sẽ hiểu.
*

Chàng nắm một bàn tay, bao nhiêu năm không thay đổi: thuôn dài, hơi khô.
Một Chủ Nhật Khác.
*

Hai Lúa có một kỷ niệm khủng khiếp về cái vụ nắm bàn tay, cổ tay này.
Cũng với cái cô ở Đà Lạt. Học nội trú năm nào.

Hai Lúa quen cô ít lắm thì cũng là bốn, hay năm năm. Lâu như thế đấy. Đêm nào cũng tới nhà ngồi nói chuyện tào lao tới giờ giới nhiêm mới về. Đúng thời gian trước và sau Mậu Thân.  Đi ăn, đi chơi, đi ciné... búa xua. Nhưng chỉ cầm tay... xuông vậy thôi. Cầm tay là thấy ấm áp hết cả người, hoặc mát rượi hết cả người, thành thử không nghĩ đến ba cái chuyện không thể ấm áp, mà là nóng bỏng, khác.

Nhưng chủ yếu là do ý nghĩ này:

"Sự thực, riêng với anh, có lẽ là, anh đã tưởng tượng ra em. Như một đối đầu, thách đố. Như thể, anh may mắn được gặp em, vậy là quá đủ rồi. Như thể anh quá sợ, cuộc chiến lúc nào cũng soi mói, rình mò. 'Mày chê tao nhơ bẩn, chắc gì mày đã hơn tao?', anh nghe như nó nói, với ánh mắt cười cợt, với nụ cười đe dọa. Như thể, anh càng yêu em trong sạch, thánh thiện, nghĩa là bình thường, giản dị chừng nào, cuộc chiến thua chúng ta chừng đó."
Cầm Dương Xanh

Rồi bao nhiêu năm sau, gặp lại. Có lần nghe ai đó, hoặc do chính cô [bây giờ trở thành bà nội, bà ngoại] kể, là, có lần bị đau gân tay, không cử động được, phải giải phẫu, sau đó thì OK, nhưng vụ giải phẫu đó để lại một cái sẹo ở cổ tay.

Thế rồi, Hai Lúa cứ tưởng tượng ra một vết sẹo mình chưa từng nhìn thấy đó, khổ như thế đấy.
Một lần đang ngủ với... bà xã, rồi...  đồng sàng dị mộng, dị mộng thế nào lại cầm tay bà xã lần lần tới chỗ có cái sẹo mà Hai Lúa tưởng tượng ra là nó ở chỗ cổ tay đó, không thấy, bèn la lên, ơ kìa, cái sẹo đâu rồi, thế là giật mình tỉnh dậy, thế là toát mồ hôi, vì xấu hổ!
Ôi chao ôi, chưa bao giờ Hai Lúa thấy mình có lỗi, với cả hai bà nội bà ngoại, như là lần đó!