Cá
Rô Cây và Nước Mắm Lá Chuối
10
Đêm Tận Thất Thanh.
Văn Học số Xuân Đinh Sửu
[129&130], trong phần Tạp Ghi, ông Nguyễn
Quốc Trụ viết: "... rằng sau Auschwitz, 'nếu cá nhân nào đó mà còn làm
được thơ thì thật là dã man' (sic), và 'mọi văn hóa sau Auschwitz chỉ
là rác rưởi'.
Tôi chưa từng được quen
biết, trong lãnh vực văn học, ông Adorno này,
nên không lạm bàn rông rài. Chỉ "trộm" nghĩ rằng câu nói của ông [ta]
có vẻ như... "vung tay quá trán". Có thể đổi được chăng những câu phê
phán này thành... "sau Auschwitz mà
còn làm thơ... Trời ơi, Tuyệt!"? Hay là, "Mọi văn hóa sau
Auschwitz là những nhánh
kỳ hoa bung lên từ bãi dơ bầy nhầy, ruồi nhặng sâu bọ lúc nhúc, thối
um"?
Đêm Tận Thất Thanh
là một nhánh kỳ hoa đó...
Tôi không may mắn (?) từng
đọc tác giả Adorno nói trên....
Loxahatchee, Florida 5-2-97
24 tiếng trước Tết Đinh Sửu, ở Việt Nam
Võ Đình
Trên đây trích từ bài viết của Võ Đình, ở cuối cuốn
Đêm Tận Thất Thanh của "bạn ta" là
Phan Nhật Nam. Trong cuốn sách bạn ta tặng, buổi tối tại nhà Nguyễn
Đình Thuần. Với lời đề tặng:
Của Ông Sơ Dạ Hương [1] với tình thân 30 năm Nguyễn Quốc Trụ, La Pagode.
CA Oct/28/2003.
PNN ký tên.
Hai Lúa quả đã từng ngồi với nhà văn người tù hiển hách này ở Quán
Chùa, thời gian liền sau khi PNN cho ra lò cuốn đầu tay, Dấu Binh Lửa
[?], chắc vậy, vì HL còn nhớ rõ, đây là tác phẩm đầu tay, và chắc đó là
lần ra Quán Chùa cũng "đầu tay" [đầu tiên] của chàng, để trình diện.
Lính Mới mà!
Nhớ rõ, đó là thời gian ra đời Thuế Kiệm Ước, và do thuế đó, giá giấy
sẽ tăng.
Chàng mừng quá, nói, đại khái:
May quá mình là nhà văn rồi! Có tác phẩm trình diện anh em rồi. Nếu
không, thì bỏ mẹ với Kiệm Ước!
Nhớ, bữa đó, "bạn ta" mặc đồ nhà binh, một bộ quân phục kaki mầu vàng.
Trông chàng còn trẻ măng!
[1] Sơ Dạ Hương là bút hiệu của Hai Lúa, khi mới tập tành viết.
*
Nguyễn Quốc Trụ, La Pagode!
Hai Lúa chưa từng được quen biết, trong lãnh vực văn học, ông Võ Đình
này, nên không lạm bàn rông rài. Nhưng với riêng bạn ta, thì, với tình
thân 30 năm - một quãng đời cũng khá dài, của tên sa đích văn nghệ, chữ
của Nguyên Sa tặng Hai Lúa ngày nào - Nguyễn Quốc Trụ, La Pagode, quả
là có quá nhiều chuyện vui buồn để mà bù khú. Chỉ xin bật mí một tí ở
đây, là khi Dấu Binh Lửa ra lò, lập tức Phan Nhật Nam nổi lên như cồn,
nhưng tách biệt hẳn ra với đám văn nhược ở Quán Chùa, cái đám nhà
văn nhà thơ chẳng bao giờ dám ra khỏi thành phố, chưa hề biết mùi thuốc
súng là gì, khoan nói chuyện mùi chiến tranh, mùi cái chết...
Còn điều này nữa. Như bìa sau
Đêm
Tận cho biết,
Dấu Binh Lửa ra
lò năm 1969. Còn
Những Ngày
của Hai Lúa, 1970. Như vậy, là bạn ta còn đi trước Hai Lúa, trong
cái việc trình làng tác phẩm.
Lính mới hả? Tôi cho anh nói lại...
"Tôi cho anh nói lại.", là câu nói của anh chàng sinh viên Luật, làm
cái công việc thẩm tra, thanh lọc Hai Lúa, coi có được coi là một thứ
tị nạn chính trị, hay chỉ là một di dân kinh tế, và trong trường hợp
sau, là bị trả về Việt Nam. Lần hỏi cung bữa đó, còn rất nhiều chi tiết
thú vị, liên quan tới cả văn chương lẫn cuộc đời!
*
Tiểu thuyết chính là thể
loại văn chương của sự trưởng thành hùng tính (Le roman est la forme de
la maturité virile).
G.
Lukacs, Lý
thuyết về
Tiểu thuyết.
Lưu Vong và Tiểu Thuyết.
Đêm Tận Thất Thanh
là một nhánh kỳ hoa đó...
Võ Đình
Thành thực mà nói, cho dù "vung tay quá trán" tới tận
đâu đâu, "Đêm tận thất thanh" cũng không thể nào là
một nhánh kỳ hoa "bung lên từ bãi dơ bầy nhầy, ruồi nhặng
sâu bọ lúc nhúc, thối
um", nhưng Dấu Binh Lửa thì quả thật xứng
đáng là một cuốn "tiểu thuyết", theo như định nghĩa của G.
Lukacs: Rất đàn ông, rất vững vàng, giữa một
bầy than khóc "kỳ khu" [chữ này tôi muợn của Đặng Tiến, trong bài viết
về Trịnh Công Sơn]: Nào nỗi buồn da vàng, thân phận nhược tiểu, nào nỗi
bơ vơ của bầy ngựa hoang.... Nó tách biệt hẳn ra khỏi cái tâm thức khốn
nạn đó...