*

Cá Rô Cây
1 2 3 4 5 6 7 8 9
10 11 12

Nước Mắm Lá Chuối
1


Cá Rô Cây và Nước Mắm Lá Chuối
hay là
Cái Giả Sẽ Cứu Chuộc Thế Giới.

5

Chuyện Hai Lúa vô học trường Quốc Gia Bưu Điện, ra trường, làm một gã chuyên viên vô tuyến điện, và bây giờ, cuối đời nhìn lại những... chiếc máy cũ  [thay cho những trang viết cũ], thấy ly kỳ vô cùng, cứ như là có sự sắp xếp của... Thượng Đế vậy!

Ông già HL, hồi còn sống, làm nghề dạy học. Ông bị ngay một ông học trò làm thịt. HL, ngay từ khi còn nhỏ, đã tự hứa với mình, và với hồn ma của ông bố của mình, là lớn lên, sẽ tiếp tục công việc của ông bố bỏ dở.
Khi đậu được cái bằng Tú Tài Hai, khóa hai, HL mệt lử cò bợ. Mấy tháng hè thức trắng đêm, đánh vật với bài vở, thi xong, đậu xong, là hết hơi. Thành thử, vừa ngồi phòng thi Tú Tài xong, nhẩy sang phòng thi vô trường Đại Học Sư Phạm, ban Toán, chương trình ba năm, Hai Lúa đành chịu trận, không làm hết bài thi, bỏ câu chót, vốn là câu hắc búa nhất.
Thi "con-cua" [concours], nó không giống như thi Tú Tài, cứ đủ điểm là đậu. Ở đây, họ lấy, thí dụ, mười thằng đứng đầu, muời thằng điểm cao nhất. Cắn bút một câu, là ô hô ai tai!
Năm học sau đó, HL ghi tên học Toán Đại Cương, Đại Học Khoa Học. Học thầy Monavon. Ông thầy này, hóa ra là, không chỉ dậy HL toán, mà còn chỉ cho HL một trong những bí kíp, hay, một trong ba búa của Trình Giảo Kim, không phải về Toán, mà về văn chương, về chuyện viết lách. Nhất là viết phê bình!

Cuối năm đó, do nhà nghèo, HL chỉ có mỗi một tập bài học, là những bài quay ronéo của ông thầy, không hề biết, không hề làm, một bài tập toán nào. Nên nhớ, cái chuyện làm bài tập này, ở năm Toán Đại Cương là không có trong chương trình, là việc của sinh viên, tự biên tự diễn. Ông thầy chỉ giảng bài học.
Thành thử đến lúc đi thi, đó là lần thứ nhất, Hai Lúa nhìn thấy một bài toán đại cương, nó mặt mũi ra làm sao.
Chưa từng nhìn thấy một bài toán, làm sao giải bài toán?
Năm đó, Hai Lúa lừng lững khốc liệt bỏ phòng thi, ra về.
Toán Đại Cương, ai đã từng học, thì biết, hắc búa vô cùng. Phải có, cái gọi là tinh thần toán học. Tinh thần toán học là gì? Nó là như thế này.
Năm đó, có hai anh cùng học với Hai Lúa. Một anh ngay sau khi ra phòng thi, nói, tao làm hết cả bài toán, không bỏ một câu nào. Kết quả: Rớt.
Một anh, không làm được một câu nào. Đậu!
Anh thứ nhất, HL hỏi, trả lời: Ông Thầy Monavon viết trong bài thi của tao là: Làm hết cả muời câu hỏi, nhưng đều theo kiểu chó ngáp phải ruồi! Không có một tí gì, cái gọi là tinh thần toán học!
Anh thứ nhì, ngạc nhiên không kém, khi thấy mình đậu, nói: Đến hết giờ, mà tao vẫn chưa biết cách làm bài toán. Tao bèn viết vài dòng, bài toán này, thưa thầy, theo ý em, là phải giải theo kiểu này....
Ông Thầy Monavon viết: "Kiểu này" sai, nhưng nghĩ ra được một kiểu giải toán, của riêng trò, như thế đó, là đáng đậu Toán Đại Cương rồi!
Sau này, Thầy nghĩ, em sẽ có, những kiểu giải toán đúng, của em, do em nghĩ ra!

Bài học trên, theo Hai Lúa, là một bài học thật tuyệt vời, cho cái gọi là, viết tiểu luận! Cả hai thứ tiểu luận, một, "nặng về" sáng tác, một, "mang tính" phê bình.
*

Sau Toán Đại Cương, tới mùa học năm sau, nhân trường Bưu Điện vừa thành lập, mở khoá đặc biệt, học hai năm thay vì ba năm, điều kiện bằng tú tài hai thay vì bằng trung học, chỉ số luơng 350 bậc cán sự kỹ thuật, thua kỹ sư tương đương giáo sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, bèn nộp đơn thi.
Cùng lúc, ghi danh Toán Lý Hoá thay vì Toán Đại Cương.
Hai Lúa biết, vừa tài sức của mình, vừa phận nghèo của mình, đành từ giã Toán Đại Cương.
Toán là một môn học trừu tượng, cần mơ mộng, tưởng tượng. Nếu bạn có những lo âu về đời sống, về tiền bạc... là đừng nên học nó!
Nó cũng đòi hỏi bạn phải sung túc, để chẳng bao giờ phải thắc mắc lo âu đến cái đời sống tiền bạc.
Trong đời Hai Lúa, bỏ Toán là nỗi đau lớn nhất, những ngày còn đi học. Sau này, khi đã đi làm, đã có tiền, Hai Lúa vẫn mua cours Toán của Đại Học bên Tây, [tiệm Lê Phan ở gần Chợ Bến Thành chuyên bán những món này], sách Toán của những ông thầy trứ danh như Bouligand [?], và đêm đêm, đợi mọi người an giấc, lôi ra, tự đọc, tự học!
Lời thầm hứa với hồn ma của ông bố như vậy là đành phải bỏ. Hai Lúa biết mình không giống ông cụ. Ông cụ đẹp trai, cao lớn, chững chạc, tốt nghiệp Sư Phạm thời còn Tây, giáo viên hiệu trưởng trường tiểu học. Tướng như thế, làm thầy mới được. Còn ông con, vừa lùn tịt vừa lé xệch, đứng trên bục giảng bài chẳng giống con giáp nào!
*
Rớt Toán Đại Cương do nghèo quá, không có tiền mua sách Toán, sách bài tập Toán, cả năm không hề biết đến một bài toán của Toán Đại Cương, nó như thế nào, nhưng cours Monavon, thằng bé hiểu, có thể nói, tới cái gọi là bản chất của nó, tức của Toán Đại Cương, của cái gọi là Tinh Thần Toán, và nhất là, của cái gọi là Tân Toán Học, và tất cả những định nghĩa khởi đầu, mở ra Tân Toán. Sau này, Hai Lúa sử dụng những ý niệm phần tử, élément, vòng, anneau, nhóm, groupe, tập hợp, ensemble, miền, domaine.....  vào trong phê bình. Và, khi đã có tiền, có nhiều tiền là đằng khác, Hai Lúa trả thù cái nghèo, khiến tao không có tiền mua sách, bằng cách... mua sách báo! Sàigòn không có cuốn này hở? Mua bên Tây cho "tao"! Hai Lúa đã từng "order" tiệm sách Xuân Thu, những cuốn sách Mác xít, theo kiểu đó.

Nhờ có tiền mua sách, Hai Lúa đọc rất sớm những phê bình gia, ngay cả ở Tây khi đó còn "ớn", thí dụ Barthes, Genette... và "thằng bé" lại rất "ưa" mấy ông này, trong khi bạn bè, thí dụ như HPA, lại.. chê!
Tại sao chê?
Theo Hai Lúa, mấy ông phê bình gia này, và nói rộng ra, cơ cấu luận, sử dụng rất nhiều ý niệm, thuật ngữ... của toán học, kỹ thuật. Trong khi các "bạn ta", học ban C, rất yếu cái khoản này!
Dân toán, kỹ thuật rất rành những thuật ngữ mà Barthes muợn từ bên kỹ thuật, thí dụ shift, shifter, code, décoder, réception, transmission... Những từ này, chúng đều chỉ việc thực, người thực, trong khi mấy ông bạn của Hai Lúa, học ban C, đọc Sartre, Camus, Heidegger, tối ngày lo cãi chữ, thế nào là hữu, thế nào là vô, thế nào là hiện sinh, sinh tồn, hiện thể, tại thế... Theo ý đó, Steiner, khi mấy ông toán học nói, cái đó đẹp thật, nhân một định luật toán hắc búa nhất đã có người giải, bèn than, mấy ông này nói, đẹp, là nó có tính cụ thể, người không học toán không làm sao san sẻ được!
Cũng nghĩa đó, René Thom cho rằng toán học gia là những người rất buồn vì họ không thể chia sẻ niềm vui với những người không phải là toán học gia.
Hôm nay nhân loại nói chung một tiếng nói

Về già, nhìn lại những cái máy móc cũ, Hai Lúa nhận ra là, giá như không có vụ thi vô trường Bưu Điện, ra làm gã chuyên viên, tại Cơ Xưởng Trung Ương số 11 Phan Đình Phùng, chuyên sửa chữa máy móc từ các đài vô tuyến điện gửi về, sau đó qua bên "quốc ngoại", làm Đài Liên Lạc VTĐ thoại quốc tế số 5 Phan Đình Phùng, làm sao có chuyện làm bồi cho Mẽo, làm sao có tiền rủng rỉnh, do cầy hai jobs, tiền đâu mà mua sách mua báo, tiền đâu mà kè kè cặp nách tờ L' Express, cuốn sách bỏ túi, de poche, lừng lững khốc liệt sáng ghé Quán Chùa, nhâm nhi ly cà phe sữa, cái bánh croissant..., tối ngồi Givral, và nếu như thế, đâu có bị mấy ông mũi tẹt nhưng học trường Tây chửi, đồ... Mít mà cũng bầy đặt đọc Cà Mụt Cà Miệc! Có hiểu không đấy, cha nội?

Cái ông chửi Hai Lúa đó, mãi gần đây Hai Lúa mới biết, chứ trước đây, hồi còn Quán Chùa,  lâu lâu ông có ra, Hai Lúa vẫn nghĩ, bạn mình!
Hóa ra là không phải.

Biết cũng do tình cờ. Và do cái vụ Hai Lúa về nước "bắt tay với VC", lên báo VC trả lời phỏng vấn, làm bực mình một ông bạn, và ông ta mới xì ra, "mày" tưởng cái thằng đó đó, là bạn mày hả, tao xin bài nó, nó nói, nó không thèm viết chung cùng một tờ báo có đăng bài mày!

Cái ông chửi Hai Lúa, cũng nổi danh dịch thuật, cũng dịch đủ thứ tác giả, nhưng chưa hách bằng cái ông bạn của ông ta. Ông này, nổi danh trong giới giang hồ là "đao phủ thủ", chuyên "làm thịt" thi sĩ. Một ngày, ông ta thể làm thịt [dịch] rafale, hàng loạt, [ông là "serial killer" tên sát nhân hàng loạt] chừng, từ năm đến mười bài thơ ngoại, của đủ loại thi sĩ khác nhau, trường phái, tuổi tác, thế hệ.
Ông này quả thực Hai Lúa quá nể, quá sợ.
Còn một ông nữa, HL cũng quá nể, quá sợ. Ông không dịch, mà sáng tác, viết văn không cần sửa. Viết một lần, là khỏi sửa.
Ông này, là NMG. Chính ông nói với Hai Lúa, tôi viết văn không cần sửa, và để chứng minh, ông lôi bản thảo cuốn SCML cho coi: không hề có một chữ bị sửa, không hề có gạch, có xoá!
Khủng khiếp thật!

Hai ông trên đều thuộc loại siêu nhân. Chữ này của Sartre, để chửi mấy ông nhà văn hiện thực chủ nghĩa, viết văn theo kiểu bê nguyên đời sống vào trong văn chương. Sartre nói, giả sử có một người làm được như vậy, thì phải là siêu nhân.

Hai Lúa có tật, chưa viết ra đã hăm he... sửa rồi!

Còn nhớ một lần chuyển một cái ý kiến ngắn, cho một "bà nhà văn ra đi từ miền bắc", bà trả lời, "tui" post đó, nhưng "hổng" được làm corrections nhe, cha nội!

Đêm, vẫn đêm đêm, như hồn ma cố tìm cách nhập xác, như tên trộm muốn đánh cắp thời gian đã mất, mi một mình trở lại Sài-gòn, quán Cái Chùa. Những buổi sáng ghé 19 Ngô Đức Kế, nếu không có Radiophoto cần chuyển, thay vì như người ta trở về nhà chở vợ đi ăn sáng rồi đưa tới sở làm, mi chạy xe dọc đường Tự Do, ngó con phố bắt đầu một ngày rồi ghé quán Cái Chùa làm người khách thứ nhất, chẳng cần ra dấu, người bồi bàn tự động mang tới ly cà phê sữa, chiếc bánh croissant, và mi ngồi trầm ngâm tưởng tượng cô bạn chắc giờ nầy đang ngó xuống trang sách, cuốn tập tại giảng đường Văn Khoa khi đó đã chuyển về đường Cường Để, cũng gần nơi làm việc, tự nhủ thầm buổi trưa có nên giả đò ghé qua, tuy vẫn ghi danh chứng chỉ Triết Học Tây Phương nhưng gặp ông thầy quá hắc ám đành chẳng bao giờ tới Đại Học, nếu có chăng thì cũng chỉ lảng vảng ở khu chứng chỉ Việt Hán. Rồi lũ bạn rảnh rỗi cũng dần dần tới đủ... Lại vẫn những lời châm chọc, khích bác lẫn nhau, đó cũng là một cách che giấu nỗi sợ, nếu đủ tay thì lại kéo tới nhà Nguyễn Đình Toàn làm canh xì.
Cõi Khác

Hồi giữ mục Tạp Ghi cho báo Văn Học, NMG lúc đầu cũng nực lắm, vì cái tật sửa đi sửa lại, gửi đi gửi lại bài viết. Sau ông nghĩ ra một cách, thật đơn giản, mỗi lần HL gửi bài tới, là ông... delete! Ông chờ, lấy cái mail mới nhất của HL, kèm bài viết, vào cái ngày sau cùng, sáng hôm sau đem đi in.

Ông khó khăn, khó chịu nhất vì cái tật sửa bài của HL, là nhà văn, họa sĩ KT, "cựu" chủ báo Hợp Lưu [cựu, vì bị chôm mất tờ báo rồi!]. Gửi bài cho ông, chỉ được quyền gửi một lần. Gửi lần thứ nhì, cũng bài đó, bản revised, là bị ông chửi liền, cho dù còn lâu báo mới ra. Ông mắng: Tôi đâu có thì giờ! Khi nào anh gửi bài cho tôi, anh suy nghĩ cho kỹ, sửa chán sửa chê đi, rồi hãy gửi. Đã gửi rồi, là thôi!

Người tuyệt vời nhất, trong cái vụ này, là Phạm Chi Lan. Sửa hoài, gửi hoài, nhận hoài. Ngay cả khi bài đã post trên VHNT, vẫn lấy xuống, sửa, rồi post lại.
Một lần thấy ái ngại, vì sửa đi sửa lại nhiều lần quá, cô chủ báo nói, không sao, anh dám sửa, tôi dám nhận, đâu có khó khăn gì chuyện, delete một cái text cũ, thay bằng text mới.
Còn sửa, là còn trọng độc giả. Cô chủ báo nói.

Sở dĩ có trang Tin Văn này, là nhờ PCL. Nhưng mọi chuyện phát xuất, là cũng từ chuyến đi Cali, vào năm 1998, thăm Tiểu Sài Gòn, nhân cuốn sách vừa mới ra lò.
Hai Lúa muốn nhân dịp này, gặp gỡ tận mặt, nhìn tận tay một số bạn văn, nhất là ông chủ báo Văn Học, và chỉ nhìn tận mặt như thế, mới có thể hiểu được thái độ của ông, với một số bài viết Tạp Ghi, nhất là một số bài dịch, nhất là những bài của Steiner, mà Hai Lúa đang tính chào hàng với Văn Học.

NMG từ chối đăng. Ông nói, cao quá. Độc giả của Văn Học đọc không nổi những bài này. Một ông khác, cũng trong ban biên tập của tờ báo, cho biết thêm, đây là một tác giả ông đã từng được dậy, nghĩa là bắt buộc phải đọc, khi còn là sinh viên tại một đại học ở Mỹ. Theo ông, những tác giả như vậy đó, không phải để dành cho đại chúng, mà chỉ để cho giới chuyên môn.

Hai Lúa không nghĩ như vậy, nhưng đồng ý với NMG, chỉ một nửa, khi ông không đồng ý cho đăng trên VH. Bởi vì, một tác giả như thế, muốn đăng, là phải có một chiến dịch quảng cáo giới thiệu... bằng một số bài viết nho nhỏ, dễ dễ trước. Bài lần đó, HL đề nghị đăng trên VH, là một trong những bài hắc búa nhất của Steiner. Bài này không phải ở trong tập tiểu luận trước đó, Ngôn Ngữ và Câm Lặng, mà tập sau.
[Tuyệt Bi, Absolute Tragedy, viết năm 1990, được in lại trong Mê Đắm Chẳng Hoài, No Passion Spent, essays 1978-1995, nhà xb Yale University Press, 1996].
Và như người ta nói, gừng càng già càng cay: Những bài viết sau của Steiner, nặng nề hơn những bài trước nhiều.

Không thể đăng ở VH, thì đăng ở đâu bây giờ? Đó là câu hỏi làm Hai Lúa nhức đầu, cho tới khi gặp được tờ VHNT ở trên lưới của PCL.
Đúng rồi, chỉ có thể đăng ở đây thôi!

Bởi vì, Hai Lúa thành thực tin rằng, Steiner là một tác giả người Việt rất cần đọc.
Nhất là sau "chiến thắng" 1975 và những hậu quả của nó, như tất cả mọi người đều biết.

Không chỉ tờ Văn Học. Sau đó, Hai Lúa thử một lần thứ nhì với tờ TK21. Anh Phạm Phú Minh, lúc đầu đã nhận đăng bài Nhân Văn, nhưng sau cùng đành cáo lỗi, không thể đăng được. Anh đề nghị gửi những bài dễ đọc hơn.
Những bài dịch Steiner sau đó đều được Hợp Lưu của Khánh Trường cân hết. Hai Lúa làm quen với HL qua Steiner. Nhân đây, đi một đường cảm tạ bạn ta. (1)
NQT
(1) Sự thực, HL đã cám ơn tờ Hợp Lưu, và Ê KT, một lần rồi, theo cái kiểu không thốt nên lời, lần về Hà Nội, gặp 'người ấy', nghe người ấy nói, em đọc anh, biết đến anh, là qua bài của anh trên tờ Hợp Lưu!
*
Với VHNT, và PCL còn một điều tuyệt vời khác nữa.
Một lần, sau khi đăng bài, tôi thấy có hai chữ bị sửa. Rồi, nhân một chuyện khác, tôi nhắc chuyện trên, cô trả lời, như vậy là trục trặc kỹ thuật khi đổi font, chứ L. chưa bao giờ làm chuyện sửa bài của người khác. Nếu cần, đều báo cho tác giả, trước khi đăng.

Thú thực, Hai Lúa rất ghét bị sửa bài, bị biên tập, edit. Dù chỉ một chữ. Mấy ông bà chủ báo, cậy có tờ báo, luôn vô tư sửa bài, đây là quyền của chúng tôi. Bạn không thích? Xin đi chỗ khác!

Đây cũng là một trong những lý do khiến Tin Văn ra đời. Tha hồ viết, tha hồ viết đi viết lại, tha hồ sửa. Nhưng không cho phép bất cứ một ai được quyền sửa, dù chỉ một dấu phẩy, một dấu chấm, một chữ trong bài viết của ta.
Và của các bạn ta.
Thế mới được chứ!
Làm sao có chuyện kiểm duyệt được ở đây!

Ấy vậy nghe nói, hiện đang có 'khuynh hướng', hải ngoại mang tác phẩm về in ở trong nước!
Cũng mừng! Vì nếu như thế, có nghĩa, trong nước không còn kiểm duyệt, ít ra là với những tác phẩm hải ngoại!
Nếu không, tại sao lại làm cái chuyện làm nhục nhã chữ nghĩa như vậy?

Có một câu chuyện talaCu, một chú chó Đông Đức một bữa du ngoạn Tây Đức. Gặp một chú chó bị chủ xiềng trước nhà, chú lên giọng chửi, khổ thân chưa, khốn nạn chưa. Chú kia kính cẩn nằm nghe. Chú chó Đông Đức nhân đó bèn ca ngợi thiên đàng xã hội chủ nghĩa. Chú kia lại càng tủi. Nhưng chú chợt nghĩ ra một điều, và... sủa:
-Bên đó, sướng như thế, sao còn qua đây?
Chú kia bèn lấm lét nhìn quanh, và sủa thật nho nhỏ: Thì mày cũng cho phép tao lâu lâu qua đây sủa bậy vài tiếng chứ!

Đã tha hồ sủa bậy, lại còn muốn chuyện nhục nhã... kia sao?
NQT