Trong
một bài viết về Brodsky, Milosz trầm trồ kinh ngạc, đi bụi sớm, từ ngay
năm đầu trung học, tú tài đơn đếch có, lấy chi tú kép, cử nhân "như tao
đây", còn khuya, vậy mà làm được toàn những việc tầy trời. Đang
đầm mình trong "con kinh ta đào chưa có nước chảy qua", tại một nông
trường tập thể ở gần Arkhangelsk, chỉ vài năm sau, ông lượm được đủ thứ
vinh quang, kể cả giải thưởng Nobel văn chương. Thật chẳng khác chuyện
thằng khờ được vợ đẹp trong dân gian.
Mười lăm tuổi
cậu bỏ học. Từ 1956 đến 1962, làm mười ba nghề. Theo cả đoàn thám hiểm
tới biên giới Trung-hoa,
Siberia, đỉnh băng
sơn. Làm trợ tá tại nhà xác, cưa xẻ, moi bộ đồ lòng tử thi... "Vậy mà
tôi lại thích nghề đó, ông có tin tôi không?", Ông nói với ký giả David
Remnick. "Thật xấu hổ khi bỏ nghề."
Bước vào
tuổi 20, ông bắt đầu làm thơ. Ông nhập vào một đám người viết trẻ, có
Y. Rein, D. Bobyshev và A. Naiman. "Ý tưởng về cá nhân, một người của
riêng người đó, đó là tài sản đáng tự hào của chúng ta", sau này ông
viết: "Nhưng khả năng thực hiện thật nhỏ nhoi, nếu kể như sau cùng,
điều đó hiện hữu".
Con đường độc nhất là văn chương và kinh nghiệm riêng tư về đọc sách.
Và Brodsky nổi loạn chống lại chế độ bạo chúa bằng cách trầm mình vào
ngôn ngữ, vào Pushkin, và Baratynsky, Mandelstam và Tsvetayeva,
Pasternak và Akhmatova.
Ông học tiếng Ba-lan và đặc biệt, tiếng Anh. Thật khó mà có những cuốn
sách tiếng Anh. Sau cùng ông có được hai tuyển tập thi ca do Oscar
Williams, và Louis Untermeyer tuyển chọn; thật là quí giá, trong đó có
hình đen trắng những người hùng của ông, trên tất cả, có Auden, Frost,
và Hardy. Qua những bức hình nhỏ xíu đó, ông tưởng tượng ra họ, tiếng
nói, nhân cách của họ.
Tôi hết còn tin vào nơi chốn đó.
Hai Lúa, khi vớ được cuốn "Những lời hứa phải giữ, Promises To Keep"
cuốn sách đầu tiên bằng tiếng Anh ở trong trại tị nạn, tình trạng chẳng
khác Brodsky, khi mầy mò học tiếng Anh ở trong trại tù là quê hương của
ông, và vớ được hai tập thơ. Nhờ nó, ông sau này viết văn làm thơ bằng
tiếng Anh, được Nobel... Như một câu chuyện thần tiên, như chuyện thằng
khờ được vợ đẹp trong nhân gian. Sướng thế đấy.
Hai Lúa,
cũng "suớng thế đấy": Vớ được "những lời hứa phải giữ"!
Trong những
lời hứa phải giữ đó, là những kinh nghiệm về cái đói, về cá rô cây, về
nước mắm lá chuối.... và chúng đều qui về một điều, chính cái giả mới
cứu chuộc thế giới, chứ không phải cái đẹp!
Trong một kỳ
trước, HL có kể về một số, gọi kỷ niệm cũng được, kinh nghiệm cũng
được, của Hai Lúa. Kinh nghiệm lần đầu được ăn một củ khoai lang, đào
trộm ngoài đồng, khi còn là một đứa con nít, ở một cái làng ở ven đê
sông Hồng, nơi người lớn đun nước muối sôi rồi bỏ vào đó ít lá chuối
khô cho nó ra mầu giả làm nước mắm. Lần đầu dùng vợt tóm được một con
ốc nhồi, nằm dưới một cánh bèo trên ao, lôi lên bờ, nổi lửa lên thằng
mắt lác, và, khi nghe con ốc xèo xèo, mùi thơm bốc lên,
chẳng cần biết còn sống hay "còn" chín, bỏ ngay vô miệng!
Cái ao đó, vẫn là cái ao sau này, cô Hồng Con của Hai Lúa đã gục chết ở
ngay bờ ao, chắc cũng đúng chỗ thằng bé bé tí mà đã biết mê gái ngày
nào vớt lên
được một con ốc nhồi!
*
Em còn nhớ Cô Hồng Con không?.... Bà chị hỏi thằng em sau hơn nửa thế
kỷ xa cách.
Nhớ chứ. Sao không nhớ... Thế chị có còn nhớ, cái lần em đào trộm
khoai, ăn ốc sống, lần câu được con cá chuối bị thằng lớn hơn cướp
mất....
Ôi chao, bà chị nhớ hết, nhưng do
chẳng hề được đọc Những Lời Hứa Phải Giữ, có thể như vậy, cho nên, cái
nhớ của bà chị và thằng em khác hẳn nhau.
Bà chị giải thích về cái chết của Cô
Hồng Con.
-Lúc đó làng mình còn mê phong trào!
Phong trào tức là Cộng Sản? Mê phong
trào là ăn phải bả Cộng Sản? Bà chị tính nói với thằng em như vậy?
Chắc thế!
*
Như ăn phải bả CS, như ông sau đây, mới ghê, mà vẫn tự giải độc được.
Thế mới lại càng ghê!
Tởm [bis]
Trong bài Tởm I, Milosz nói
về nỗi tởm lợm khi
phải sống dưới chế độ cộng sản.
Trớ trêu thay,
chủ nghĩa cộng sản chính là giấc mơ hoành tráng nhất,
một giấc đại mộng của nhân loại, về một con người hoàn toàn, về một thế
giới hoàn toàn, không còn một chút tởm lợm.Trong bài viết
"George Steiner and the errata of history", nhà văn Mỹ, Cynthia Ozick
nhắc tới một nhà văn nổi tiếng của Ý là Ignazio Silone. Ông này ngay từ
khi còn trẻ tuổi đã ăn phải bùa mê cách mạng, như ông đã từng khai báo
[testify].
Chuyện xảy ra
trong một cuộc động đất. Bà mẹ của ông bị chôn
sống, chỉ ló có một cánh tay ra ngoài. Ông chú của ông, một người mà
trước đó, luôn luôn là một mẫu mực đạo đức trong gia đình, đã cuỗm sạch
của cải tiền bạc mà bà mẹ ông dành dụm được. Chứng kiến sự tởm lợm đó,
ông gia nhập Đảng Cộng Sản, và suốt đời nhìn thấy tiền bạc là muốn mửa.
Chủ
nghĩa Cộng
Sản, như ước mơ của những người đã từng một lòng một dạ với nó, là làm
sao cho Lịch Sử nhân loại không bao giờ còn, dù chỉ một "errata" [lỗi
lầm].
Nhưng,
rốt
cuộc, Silone đã thực hiện một cú ngoạn mục là rời Đảng [famously left
the Party], và nói về nó: "Cái chuyện vờ mục đích cho phương tiện, chấp
nhận hy sinh vì đảng, do cần thiết của lịch sử, ba trò này, theo tôi,
là một thảm họa. Và con đường đi ra của tôi [My "way out"] đã dẫn tôi
tới trại tập trung cải tạo."