*











    

30 tháng Tư  đọc lại Milosz: Cầm Tưởng. 

Trên báo Partisan Review số Mùa Hạ 2000, Adam Michnik, khi viết về Jan Kott, một nhà văn Ba lan đào thoát qua Tây phương, đã nhắc tới bài “Về Nọc Độc” (On Venom, 1982), qua đó, Kott ghi nhận:

“Rắn cắn làm hư cái đầu. Bên trong cái vòng tròn huyền hoặc, cái đầu luẩn quẩn trong một thế giới ảo. Cái đầu tin vào những lời dối trá, và không thể phân biệt thực với ảo.”

(A snake bite disables the mind. Inside a magic circle, the mind moves in a fictitious world, believes in lies, and cannot distinguish reality from illusion).

Ông cho rằng, những mắc míu của tầng lớp trí thức với chủ nghĩa cộng sản, gia nhập rồi rời bỏ – trong chán chường và vỡ mộng: “thời điểm vỡ mộng có lẽ là quan trọng nhất” (“the moment of disullusion is perhaps the most important”). 

Milosz viết Cầm Tưởng (La Pensée Captive) ở Paris, khi còn Stalin. Cuốn sách gây những biến động khó lường ở Ba Lan, quê hương nhà thơ. Thoạt tiên bị coi là “phạm thánh”, và chỉ được đọc lén, dần dà tới năm 1956 được vinh danh qua việc trích dẫn bởi sách báo nhà nước. Sự thực, ngay vào thời kỳ đó, đã có những người chỉ trích, rằng cuốn sách muốn giải thích, và từ đó, biện minh, về những hành xử, thái độ của tầng lớp trí thức vốn đã quen được dẫn dắt bởi nhà nước và chế độ. Một số người lại coi nó quá bi quan, không đếm xỉa gì tới đà tiến lên của thế hệ trẻ, vốn độc lập so với đám già, gì thì gì cũng há miệng mắc quai, tay đã nhúng chàm. Một thời gian sau, nó lại được đưa vào danh sách đen, những tác phẩm nguy hại.

Thời kỳ 1951/52, chủ nghĩa Cộng Sản đang ở một trong những đỉnh cao của nó. Trong lời mở đầu, bản tiếng Anh, tác giả đưa ra một số nhận xét về nước Pháp, khi tác giả ngồi viết Cầm Tưởng: đa số trí thức Pháp cảm thấy xứ sở bị lệ thuộc vào Mỹ, đã đặt hy vọng vào một thế giới mới từ phía Đông, dưới sự lãnh đạo của Stalin, một nhà lãnh đạo khôn ngoan, đạo hạnh không ai có thể sánh được. Khi Albert Camus dám nhắc tới những trại tập trung, như là những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, ông đã bị những đồng nghiệp trí thức xỉ vả không tiếc lời.

Triết gia Karl Jaspers, trong lời mở đầu bản tiếng Pháp (nguyên bản tiếng Ba Lan 1951; bản tiếng Pháp nhà xuất bản Gallimard, bản tiếng Anh của Knopf, New York, cùng được xuất bản năm 1953), coi những bài tiểu luận ở trong “Cầm Tưởng” là một tài liệu, và cùng lúc, một dẫn giải thuộc loại hảo hạng. Ông giải thích thêm:

Về chuyện nô dịch tinh thần trong chế độ toàn trị, chúng ta, những người Đức thời kỳ quốc xã, đã có kinh nghiệm. Chúng ta đã từng biết những sắc thái bề ngoài (những khẩu hiệu, thái độ, cách hành xử hàng ngày) và chúng ta cũng đã nhận ra điều gì đang xẩy ra ở bên trong chúng ta, vào thời kỳ đó. Cuốn sách bầy ra cho chúng ta thấy chuyện gì xẩy ra ở những chế độ dân chủ nhân dân ở phía Đông, đặc biệt là ở Ba Lan. Nó gây ấn tượng đối với chúng ta, chắc là nhiều hơn so với những người khác, bởi vì chúng ta đã từng trải qua, cái điều đang xẩy ra ở đó.

Thường thường, người ta có thói quen áp dụng những bản kẽm cũ mòn, về những chuyện đang xẩy ra ở đó: dối trá/sự thực; phản động/phản kháng… Với cuốn sách, không giản dị như vậy, mà là hoàn cảnh, thực tại ‘thực’. Bằng cách nào, những con người thay đổi, một khi không ngừng cảm thấy, đè nặng lên họ, là một hiểm họa hủy diệt, và cùng lúc, họ còng lưng gánh vác lịch sử, theo nghĩa, đây là niềm tin, đây là chân lý: lịch sử cần thiết như thế đó. Và đó là Niềm Tin Mới. Milosz nhớ lại thời kỳ 1945, mốt thời thượng trong những câu lạc bộ trí thức ở Varsovie, là so sánh chủ nghĩa cộng sản với sự ra đời của thiên chúa giáo. [Người viết còn nhớ, một ký giả đã từng hỏi Stalin, bao giờ thì đảng cộng sản có một Đức Giáo Hoàng.]

*** 

Chắc chắn một điều, Milosz viết Cầm Tưởng từ những kinh nghiệm ông đã từng trải qua, kể luôn cả cái kinh nghiệm cay đắng của một nhà văn nhà thơ bị rứt ra khỏi tiếng nói mẹ đẻ. Nhưng đây mới là điều tuyệt vời: Cầm Tưởng đã được gợi hứng từ những tư tưởng của một vị thánh, một bậc nữ lưu số một của thế kỷ 20: Simone Weil.

*** 

Trong “The Poet’s Work” (“Tác phẩm của Nhà Thơ”, một dẫn nhập thơ Milosz, nhà xb Harvard, 1991), hai tác giả Leonard Nathan và Arthur Quinn cho rằng, thật khó mà bỏ qua tầm quan trọng của Weil đối với Milosz, thời gian ông viết Cầm Tưởng. Ngay cả cái tên Cầm Tưởng, cũng đã được lấy ra từ một trong những tiểu luận sau cùng của Weil, nhan đề là “Human Personality” (“Cá nhân tính của con người”), được xuất bản năm 1950, sau khi bà mất (24 tháng Tám, năm 1943; 34 tuổi).

Trong tiểu luận trên, Weil khẳng định, có một điều gì thật thiêng liêng ở tâm khảm của mỗi con người; rằng cái “tâm thiêng” này (this sacred center) không phải là cá nhân tính (personality), vốn là kết hợp (combination) của những thói quen, những thái độ do hoàn cảnh lịch sử tạo nên. Đây là một đốm lửa thần thánh, một cái nhân vô ngã, nhờ nó mà con người tạo nên âm nhạc Gregorian (chant), kiến trúc Romanesque, [hùng ca] “Iliad”: “Những con người mà qua họ, những tác phẩm này đã được đem lại cho chúng ta - những con người đó đã không coi đây là những cơ hội để biểu bỏ cá nhân tính.” Những con người không để ý tới tia lửa uyên nguyên nội tại này [thường] giản lược họ, như  là sản phẩm của những sức mạnh xã hội. Họ bị vây khổn (traped) ở trong ngôn ngữ, như là những cái đầu bị giam cầm:

“Nói rõ hơn, một cái đầu bị vây khổn ở trong ngôn ngữ, là ở trong nhà tù…. Nếu một cái đầu bị cầm tù, mà lại không nhận ra điều này, như vậy là sống trong lầm lẫn. Nếu nó nhận ra điều này, dù chỉ một phần mười của một giây, và rồi sau đó quên đi, để trốn đau, như vậy là sống trong giả trá. Những con người - ấy là cực kỳ thông minh - vẫn có thể sinh ra, sống, rồi chết trong lầm lẫn và giả trá. Thông minh ở trong họ chẳng [được coi là] tốt, [coi là] một tài sản cũng không luôn. Sự khác biệt giữa những con người, thông minh hơn kém nhau, thì cũng giống như sự khác biệt giữa những tên tội phạm bị kết án chung thân ở trong những phòng giam lớn hoặc nhỏ. Người tự hào thông minh thì cũng giống như tù tự hào phòng giam rộng rãi.”

(Trích dẫn tác phẩm Weil, trang 330-331)

“Cầm Tưởng” của Milosz có thể đọc như một chứng minh luận đề trên đây của Weil, nhất là bốn chương giữa, trong đó đưa ra chân dung bốn cầm tưởng, tự hào vì cái chuồng giam Xô viết của họ. Bốn cái đầu mang vòng kim cô ở trong Cầm Tưởng là: A., hay là một kẻ đạo đức; B., một tình nhân bất hạnh; C., tên nô lệ của lịch sử; D., nhà thơ hay là gã hát rong. Được ý thức hệ rủ rê mời chào, từng người đã đem quá khứ của mình ra để buôn bán, nhằm kiếm chút quyền lực hão huyền. C., tên tù của lịch sử, đã “theo đuổi một cuộc chiến chống lại chủ nghĩa đế quốc, tuyên truyền hoà bình, nhưng thực ra - như một cư dân ở Varsovie nói về ông – chỉ mơ tưởng chiến tranh. Bởi vì nếu chiến tranh bùng nổ, ông sẽ đọc diễn văn, đi du lịch bằng phi cơ, viết phóng sự chiến trường, và sẽ chẳng phải ngồi vào bàn để mà cố nặn ra một cuốn tiểu thuyết. Nhưng buồn thay cho ông, lúc này đương hoà bình…”….”Ông rất nghiêm túc về chuyện viết tiểu thuyết. Nhưng khi cá đã mắc mồi, người ta lôi nó lên khỏi mặt nước. Những nhà văn, một khi đã là thành viên của Hội, phải viết, phải trình tác phẩm, nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi Hội, mất đặc quyền đặc lợi.”

Cả bốn người đã biến sự yếu đuối của họ thành một sức mạnh bề ngoài, và cả bốn cuối cùng đã mất đứt linh hồn trong cuộc mà cả nói trên, như Milosz đã cay đắng nhận xét số phận của họ, những ngườøi bạn của ông, và cũng là số phận của ông: “Những khổ đau của con người bị nhận chìm trong tiếng ré kèn đồng của đội giao hưởng trong trại tập trung; và tôi, như là một thi sĩ, chỗ ngồi của tôi đã được dánh dấu sẵn, trong đám những tay đàn vĩ cầm hàng đầu.”

Phòng triển lãm nho nhỏ những tù nhân thê thảm của ý thức hệ, đã được Milosz nhắc tới trong một, hai bài thơ làm vào cuối thập niên 1940, như “Đứa trẻ của Âu Châu”, hay “Chân dung giữa thế kỷ 20” (Mid-Twentieth Century Portrait”), nhưng sau đó, cái chỗ đã được đánh dấu sẵn dành cho ông, không còn nữa. Nói rõ hơn, ông không còn coi mình là một “cái đầu bị vây khổn”. Chính điều này làm cho Cầm Tưởng trở thành một cuốn sách mê hoặc và gây bực (a fascinating and disturbing book), “ảm đạm tự mãn về mình” trong khi nặng nề chỉ trích những người khác, theo đánh giá của Paul Coates, một trong những độc giả chịu khó đọc ông vào lúc đó (1).

Chắc chắn, ở đây Milosz tự biện minh, về quyết định “chạy làng” (to defect) của ông. Chính cái hành động chạy làng đó đẩy ông vào một vị trí đạo đức cao hơn người khác, một khi biết rõ mọi mũi dùi sẽ chĩa vào ông, chưa kể thái độ khinh khi, rè bỉu của những người cộng sản mà ông bỏ lại sau lưng. Nhưng điều mà những người chỉ trích không nhận ra, đó là, bằng cách nào, ông tin rằng cái đầu của ông hết còn bị vây khổn. Và đây chính là một “hạnh ngộ”, nếu coi tầm quan trọng của Weil trên tư tưởng của ông, những ngày ở Paris.

Ngay từ thoạt kỳ thủy, Milosz vẫn nhấn mạnh, cuộc chạy làng của ông mang tính bản năng, hơn là một vấn đề liên quan tới trí thức hay ước muốn. Có lần ông diễn tả quyết định trên của mình, là “cuộc nổi loạn của cái bao tử”.

Milosz được cứu thoát là bởi vì có một lần trong đời, như Weil nói, ông nhận ra rằng mình đã sống trong lầm lạc. Nhưng, thay vì ôm lấy kinh nghiệm này, ông trốn đau một thời gian, bằng một cuộc sống “phù du”, ở New York, Washington, Warsaw; và”không dám rờ tới thơ” (nguyên văn: ít viết thơ, rồi ít viết thơ hơn nữa). Ngay cả những gì ông viết ra cũng ngày càng cay đắng, cho đến một lúc, ông hết còn chịu đựng nổi. Điều này, Simone Weil cũng đã tiên đoán, trong bài tiểu luận đã dẫn ở trên:

“Một con người mà cái đầu của người đó cảm thấy rằng [đang] bị vây khổn, thường tự an ủi mình bằng cách chùm chăn [nguyên văn: tự làm mình mù trước sự kiện]. Nhưng nếu người đó thù ghét sự giả trá, anh ta sẽ không làm như vậy; và trong trường hợp này anh ta phải chịu đau nhiều hơn nữa. Anh ta sẽ đập đầu vô tường cho tới khi bất tỉnh. Tỉnh dậy, anh ta khiếp sợ nhìn bức tường, cho tới một ngày, anh ta lại tiếp tục đập đầu vô tường; và lại bất tỉnh. Cứ thế mà làm, đừng trông mong, hy vọng. Và tới một ngày, anh ta sẽ thức dậy, ở bên kia bức tường. Có thể, anh ta vẫn ở trong phòng giam, may ra rộng hơn một chút. Nhằm nhò chi chuyện đó, anh ta đã tìm ra chiếc chìa khoá phòng giam; anh ta đã biết được điều bí ẩn; cái điều bí ẩn này sẽ phá vỡ mọi bức tường. Anh ta đã vượt lên trên cõi mà người đời gọi là thông minh, là trí tuệ, để bắt đầu cái cõi được gọi là minh triết (wisdom).”

Điều mà Milosz không thể “chạy làng”, không thể ngưng tìm kiếm, đó là phía bên kia bức tường. Và cái điều mà ông kiếm thấy vào năm 1953 có thể coi là khởi đầu của minh triết (2).

 

Chúng ta phải coi cái đẹp như là trung gian giữa cái cần và cái tốt (mediation between necessity and the good), giữa trầm trọng và ân sủng (gravity and grace). Milosz cố triển khai tư tưởng này trong tác phẩm “Sự Nắm Bắt Quyền Lực”, tiếp theo “Cầm Tưởng”. Đây là một cuốn tiểu thuyết viết hối hả, với ý định cho tham dự một cuộc thi văn chương, nghĩa là vì tiền, và cuối cùng đã đoạt giải! Viết hối hả, vậy mà chiếm giải, nhưng thật khó mà coi đây là một tuyệt phẩm. Ngay chính tác giả cũng vờ nó đi, khi viết Lịch Sử Văn Học Ba Lan. Tuy nhiên, đây là câu chuyện của thế kỷ. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết tìm cách vượt biên giới Nga, để sống dưới chế độ Nazi, như Milosz đã từng làm như vậy. Ông mô tả những động cơ của nhân vật của mình:

Vào lúc đó, anh từ chối thừa nhận lý do, với chính mình, rằng đây là ước muốn được thanh hóa, được chia sẻ những bất hạnh của một dân tộc bị lăng nhục. Anh ta cũng ôm ấp một hy vọng hoàn toàn phi lý, rằng từ cái mớ hỗn mang, một điều gì mới mẻ sẽ nhô lên, một ngày nào đó. Một điều gì chưa có vóc dáng rõ rệt nhưng chắc là tốt đẹp hơn. Nhưng bao trùm lên tất cả những động cơ này, là một ước muốn lớn lao, và riêng với anh, có vẻ vị kỷ: tái sắp xếp chính mình, làm sao có một thời gian, một không gian đâu đó ở bên ngoài cái cuộc đời chính thức (official life); ở đó, anh có thể bắt đầu lại mọi chuyện; ở đó, tha hồ mà suy tư mà chẳng bị cấm đoán gì hết (nguyên văn: nơi mà tư tưởng thì tự do bởi vì nó hoàn toàn không bị cấm đoán).

Như giấc đại mộng phần thư chính thân xác của mình, của Nguyễn Tuân (3), ở đây là cái đầu bị cầm đánh lừa chính nó. Nó ôm ấp giấc đại mộng tiến hoá của thế kỷ 19, và coi chủ nghĩa phát xít có lẽ là giai đoạn cuối cùng, và cần thiết để “lịch sử sang trang”, nghĩa là chấm dứt chủ nghĩa tư bản. Nhưng, như Nguyễn Tuân với thói ngông của một nghệ sĩ, cái đầu tuy bị cầm nhưng vẫn cho ta là nhất: nó vẫn thờ phụng cái tôi tàn khốc đang trông chờ một cơ hội làm mới lại chính nó. Tuy nhiên đằng sau những ảo vọng, là bờ bên kia, tức niềm ân sủng: động cơ mơ hồ, tiềm ẩn mong được tẩy trần (purified), thông qua đau khổ, nhục nhã, và từ đó, cảm nhận ra rằng có một điều gì thiêng liêng, ở bên kia bờ ảo vọng. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, như Milosz, sẽ sống sót chế độ Nazi, sẽ cố gắng làm việc với chính quyền mới bị Liên xô thống trị, và sau cùng sẽ đào thoát qua Tây phương để lại bắt đầu cuộc đời của mình. Nhưng chúng ta không thể biết, liệu anh ta có tới được cõi minh triết hay không.

Tuy nhiên, một nhân vật ở trong cuốn tiểu thuyết đã hoàn tất được cuộc hành trình này: giáo sư Gil. Những suy tưởng hậu chiến của ông mở ra và chấm dứt cuốn truyện. Gil đã mất người vợ và đứa con trai độc nhất của họ trong chiến tranh. Ông bị tống ra khỏi chức vụ của mình ở đại học bởi những người cộng sản và sống sót bằng sự bố thí của họ, qua công tác dịch thuật. Đám trẻ Ba Lan coi ông như một thứ tàn dư trưởng giả. Thế là ông được yên thân để làm công tác dịch thuật. Ông cảm thấy như bị cơn dịch ở Athens cuốn băng đi, như nó đã từng cuốn băng cư dân và hứa hẹn của một miền đất. Không phải sức mạnh ở nơi Gil đã cứu thoát cư dân; cứu thoát gia đình của riêng ông, lại càng không phải. Nhưng ông thử “bằng cách sử dụng tất cả sức mạnh của tưởng tượng” để tái tạo (recreate) “những dáng dấp, điệu bộ của người đàn bà, đau thương của một miền đất, nét mặt người đàn ông khi nhìn đứa con bị chết, vóc dáng những ngón tay, độc nhất, không thể bắt chước được, trong khi ôm vò rượu vang.” Nếu ông có thể làm được này, như vậy là [con người sẽ vượt] được thời gian (nguyên văn: thời gian sẽ bị vượt): “Hàng hàng con người riêng lẻ, sẽ cùng hiện diện, và như vậy sự đồng hiện diện sẽ lớn lao biết là chừng nào: những con người đã từng sống, và chưa có được một cơ may chia sẻ cho nhau, cùng một lời than thở”. Giáo sư Gil như vậy là đã tới được cõi minh triết cao nhất của ông.

Chú thích:

(1)        Coates: Irony and Choice, (Trớ trêu và Chọn Lựa), trang 140. Cách nhìn rõ rệt nhất phòng triển lãm những cái đầu bị giam cầm của Milosz, là của Madeline Levine, trong “Báo động đối với Tây phương: Văn xuôi của Milosz trong thập niên 1950. Giữa Bồn Chồn và Hy Vọng (Between Anxiety and Hope), trang 112-133. Như Levine chỉ ra, người ta có thể nhận diện được những khuôn mặt quen thuộc của sân khấu văn chương Ba Lan thời kỳ đó, qua phòng tranh của Milosz.

(2)        Sau khi xuất bản Cầm Tưởng, Milosz nhận được thư  khen ngợi của một tu sĩ (an American Trappist monk), Thomas Merton, cũng vừa nổi tiếng qua tác phẩm tự thuật về mình. Cả hai bắt đầu trao đổi thư từ, và chỉ chấm dứt khi tu sĩ mất. Ngay trong những lá thư đầu tiên, Milosz đã thúc giục Merton hãy tìm đọc Weil, và ông đã trích dẫn Camus; nhà văn người Pháp này, tác giả của những cuốn như “Con Người Nổi Loạn”, đã coi Weil là một tâm linh thuần khiết nhất (the purest spirit) của thế kỷ 20. Qua trao đổi, Milosz đã kết án chính cuốn sách Cầm Tưởng của mình, khi cho rằng đã tỏ ra tức giận đối với những trí thức chọn lựa thái độ để cho cái đầu bị cầm tù, trong giả trá và lầm lẫn; và ông đã không chuyển tình yêu thương mà ông vẫn dành cho họ. [Ghi chú 1 và 2,  là của Leonard Nathan và Arthur Quinn, tác giả cuốn “Tác Phẩm của Nhà Thơ” đã nói tới trong bài viết].

(3)        “Cái giờ nghiêm trọng của đời mày đang điểm. Bây giờ hoặc là không có bao giờ nữa. Mày phải cương quyết. Không có thứ nhân đạo nào cấm mày không được tàn nhẫn ngay với mày. Mày hãy diệt hết những con người cũ ở trong mày đi – những con người mà mày mệnh danh là cố nhân, theo một cái cố tật ưa du dương với kỷ niệm. Đào thải, chưa đủ. Phải tàn sát. Giết, giết hết. Thò đứa nào ở dĩ vãng hiện về đòi hỏi bất cứ một tí gì của mày bây giờ, là mày phải giết ngay. Mày phải tự hoại nội tâm của mày đi đã. Mà hãy lấy mày ra làm lửa mà đốt cháy hết những phong cảnh cũ của tâm tưởng mày”… Chàng chạy ra đường. Ngoài đường, cuộc Cách Mệnh đang bước dài trên khắp ngả phố. Trên các cửa sổ mở, gió đời lùa cờ máu bay theo một chiều… Nguyễn thấy mệt mỏi trong lòng và trên thân chàng thì xót nhức vô cùng. Thì ra, lúc ở nhà ra đi, chàng vừa chịu xong một cái nhục hình. Lý trí đã lột hết lượt da trên mình Nguyễn… Cái luồng gió ban nãy thổi cờ máu, thổi mãi vào thịt non Nguyễn đang se dần lại. Nguyễn thèm đến một con rắn mỗi năm thoát xác một lần…

Trích “Lột Xác”, của Nguyễn Tuân, in trong tuyển tập Nguyễn Tuân, tập I, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, ấn bản năm 2000.

Nguyễn Quốc Trụ