Viết Báo Ngoại Ở Sài Gòn
Khoảng
năm 1988, do sinh kế, gia đình tôi mở ngay một sạp báo trước ngõ. Chủ
nhân đích thực, ông cán bộ nhà kế bên. Như một cách giữ chỗ, trước khi
về hưu, và cũng muốn giúp đỡ gia đình ngụy. Cư xá nơi tôi ở vốn thuộc
nhà nước cũ, đa số là công chức có nghề chuyên môn, được chính quyền
mới cho lưu dụng, sau ba ngày cải tạo.
Đó
là những chuyện ngay sau ngày 30 tháng Tư, 1975.
Thời
điểm 1988-89 đã có chủ trương cởi trói cho những nhà văn cách mạng, có
thể nhờ vậy, văn chương, văn nghệ sĩ nguỵ cũng được ăn theo. Một số
sách trước 1975 nay thấy tái bản, dưới tên khác. Do biết chút ngoại
ngữ, tôi được một người quen làm nghề xuất bản mướn dịch, những tác
phẩm, thí dụ như của nhà văn y sĩ người Anh, Cronin. Rồi một người
quen, trước 1975 cũng có viết lách, lúc đó làm chân sửa mo-rát cho một
nhà xuất bản nhà nước, cho biết, ông chủ của anh muốn tái bản cuốn Mặt
Trời Vẫn Mọc, dịch Hemingway, của tôi.
Tới gặp, ông
cho biết cần phải sửa. Thứ nhất, bản dịch của tôi dùng nhiều tiếng địa
phương, như "bồ tèo", "xập xệ"... Thứ hai, có rất nhiều chỗ dịch sai.
Tôi coi lại, quả như thế thật.
Trước 1975,
sách dịch chạy theo thị hiếu người đọc, theo nhu cầu thương mại. Cứ
thấy một tác giả ăn khách là đua nhau dịch. Hồi đó, tôi làm cho nhà
xuất bản Vàng Son của ông Nhàn, một chi nhánh nhà xuất bản Sống Mới.
Nhà in số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần nhà tôi, là của linh mục Cao Văn
Luận. Trước đó, cuốn Ngày Dài Nhất do tôi dịch cũng đã đụng với một nhà
xuất bản khác. Thế là, dịch chối chết, cốt sao ra trước kẻ địch! Rồi
tới Hemingway đang được mùa. Huỳnh Phan Anh, ông bạn tôi "chớp" ngay
Chuông Gọi Hồn Ai. Tôi "vớ" thế hệ bỏ đi, tuy Mặt Trời Vẫn Mọc! Ngồi
ngay tại nhà in, dịch tới đâu, thợ sắp chữ tới đó.
Đọc
lại, ngượng chín người. Thí dụ như câu: cuối năm thứ nhì (của cuộc hôn
nhân), at the end of the second year, tôi đọc sao, thành: cuối đệ nhị
thế chiến, at the end of the second war!
Sau
đó, tôi làm việc với nhà xuất bản, sửa lại bản dịch, dưới sự "kiểm tra"
của Nhật Tuấn, ông em của Nhật Tiến. (Làm việc ở đây không có nghĩa nhà
xuất bản trả lương, nhưng tôi có nhận một số tiền tạm ứng, tính vào
nhuận bút cuốn sách, khi tái bản). Lâu lâu ghé trụ sở "phía Nam", của
nhà xuất bản, tôi có lần được biết mặt một số nhà văn Miền Bắc, trong
số đó có Nguyễn Khải. Cũng ở nơi đây, tôi gặp một số người viết trẻ như
Đỗ Trung Quân, khi đó làm chân chạy việc cho nhà xuất bản nọ. Rồi cứ
thế, tôi biết thêm một số anh em khác, như Nguyễn Đông Thức, con trai
bà Tùng Long (nhà văn, chủ nhân tạp chí Phụ Nữ Diễn Đàn tại Sài-gòn
trước 1975) lúc đó làm cho tờ Tuổi Trẻ. Rồi Đoàn Thạch Biền, đã viết ở
Văn, dưới bút hiệu Nguyễn Thanh Trịnh. Họ đều biết tôi, trước 1975.
Tôi
không nhớ rõ, ai trong số họ, đề nghị tôi viết, cho tờ Tuổi Trẻ, mục
điểm sách. Bài đầu tiên là về cuốn Thám Tử Buồn. Một truyện dịch từ một
tác giả Liên-xô. Thảm cảnh nước Nga sau đổi mới. Băng hoại tinh thần,
đạo đức đưa đến tội ác. Có những cảnh như con cháu đưa bố mẹ tới huyệt,
chưa kịp chôn, đã tranh nhau chạy về nhà giành giật của cải, gia tài.
Bố mẹ trẻ ham chơi, bỏ con chết đói: khi khám phá, miệng đứa bé còn con
gián chưa kịp nuốt thay cho sữa. Cuốn tiếp theo, là Ngôi nhà của những
hồn ma, của Isabel Allende. Tới cuốn thứ ba, là bị đụng. Một cuốn của
Hoàng Lại Giang, "ông chủ" bất đắc dĩ của tôi. Bài viết, đọc lại trên
báo, tôi thấy không được. Trong có từ "ngụy".
Thật
tình mà nói, không biết do tôi, hay đã bị sửa. Có thể do tôi. Bởi vì
vào thời điểm đó, ngụy là một từ chúng tôi rất ưa dùng, nhất là khi
được ngồi với một hai đấng quan cách mạng. Nhưng một khi xuất hiện
chính thức trên một bài viết như thế, vấn đề lại khác hẳn. Tôi ngưng
viết cho Tuổi Trẻ.
Một
bữa đang đứng bán báo, Đ. ghé. Tôi quen anh qua Huỳnh Phan Anh, cả hai
cùng dân nhà giáo, trước 1975. Lúc này anh làm cho tờ Tuổi Trẻ. Chuyện
đôi câu, anh đưa tôi mớ tiền. Hỏi, tiền gì. Tiền nhuận bút, đưa trước.
Hỏi, báo nào? Anh mỉm cười, báo hải ngoại!
Hóa
ra là, lúc đó có chủ trương, nhà nước làm "báo chui", ở hải ngoại, do
mấy quan cách mạng ở trong nước cầm chịch. Bài viết, theo Đ., tha hồ
đập nhà nước, y chang báo phản động ở hải ngoại, chắc vậy! Khó mà nói
được, đây là nhằm giải tỏa áp lực ở trong nước, hay nhân cơ hội tóm bắt
thành phần chống đối.
Đúng
thời gian này, một khách hàng quen sạp báo nhờ kiếm giùm bản dịch tiếng
Pháp Tội Ác và Trừng Phạt của Dostoevsky. Kiếm được rồi, như để trả ơn,
ông khách úp mở chìa cho xem một tờ Time được ngụy trang bằng cái vỏ
bọc là trang bìa tờ Đại Đoàn Kết. Tôi hỏi mượn. Trong số báo có bài
tiểu luận: Sách, những đứa con của trí tưởng (Books, children of the
mind).
Bài
trên Time là nhân vụ cháy một thư viện nổi tiếng ở Nga, hình như thư
viện thành phố St. Petersburg. Thiệt hại, theo tác giả, không thể tưởng
tượng, và "không thể tha thứ" được. Ông tự hỏi, tại sao lại xẩy ra một
chuyện "quái đản" như thế. Rồi ông tự giải thích: cái nước Nga nó vốn
vậy. Chỉ ở nơi đó mới xẩy ra những chuyện tréo cẳng ngỗng như thế. Ông
dẫn chứng: thời gian thành phố bị quân đội Đức Quốc Xã vây hãm 900
ngày, cuộc vây hãm dài nhất lịch sử hiện đại; trong khi nhân dân thành
phố lả vì đói và lạnh, tiếng thơ Puskhin vẫn ngân lên từ đài phát thanh
thành phố cho cả nhân dân Nga cùng nghe. Nhưng theo ông, cũng chính
nước Nga là quốc gia đầu tiên, dưới thời Nữ hoàng Catherine, đã đưa ra
lệnh kiểm duyệt báo chí, và đầy văn nghệ sĩ đi Siberia... Đọc bài báo,
lén lút, những khi vắng khách, nhìn những cuốn sách đang nằm trên sạp,
tôi chợt nhận ra một điều: chúng đều mới tái sinh, từ đống tro than, là
cuộc phần thư 1975. Cuốn Khách lạ ở thiên đường, của Cronin đang nằm
kia, vốn đã được dịch. Nhiều cuốn khác nữa, chúng đang nhìn tôi mỉm
cười: Hà, tưởng gì, chúng mình lại gặp nhau!
Tôi
viết về nỗi vui tái ngộ, về cuộc huỷ diệt trước đó. Về những đứa con
của trí tưởng, có khi cần phải được tẩy rửa bằng "lửa". Tuy đau xót,
nhưng đôi khi thật cần thiết. Nhân đó, tôi viết về những tác giả đang
nổi tiếng, và tiên đoán, một cuộc phần thư "thứ nhì" sẽ xẩy ra, do
chính họ, tự nguyện, nếu muốn lịch sử văn học Việt Nam lại có một cuộc
tái sinh!
Đ.
nhận bài hí hửng mang về. Đâu hai ba bữa sau, anh trở lại, trả bài
viết, lắc đầu: không được! Nhưng thôi, tiền tạm ứng, biếu anh luôn!
Hỏi,
anh cho biết, ông chủ nhiệm của tờ báo "hải ngoại", sau khi đọc bài
viết, đã đi gặp thủ trưởng, yêu cầu: nếu cho đăng những bài như thế
này, phải cấp cho ông một "cái bùa hộ mệnh", chứng nhận nhà nước cho
phép ông làm chủ nhiệm hoặc chủ bút một tờ báo "phản động"! Nếu không
sau này, cả ông lẫn người viết đều đi tù!
Lệnh
"miệng" thì được, bố ai dám thò tay ký một lá bùa "quái đản" như thế!
Đoàn
Thạch Biền loáng thoáng nghe, chạy lại: để tôi, đăng trên "báo nhà", tờ
Công Luận, trụ sở ở khu thuộc nhà thờ Đức Bà, đối diện Bưu Điện thành
phố, nơi có mấy quán cà-phê, đám văn nghệ sĩ thường la cà, tụ tập.
Nhưng rồi cũng lắc đầu. Người viết thử lại một lần nữa, với tờ Kiến
Thức Ngày Nay, trụ sở lúc đó ở đường Trần Hưng Đạo. Tuần sau trở lại,
gặp một anh thư ký trẻ măng, kính cận dầy cộm. Anh nhìn, ngạc nhiên ra
mặt: ông là ai mà tôi chẳng biết? Chẳng nghe nói? Anh giải thích:
Thường ở đây, bài chỉ cần đánh máy hai bản, một lưu, một đưa sắp chữ.
Bài của ông, phải ba. Một đưa qua mấy anh bên Hội Nhà Văn thành phố, để
mấy anh quyết định, nếu cần xin ý kiến thành uỷ! Các anh cho biết, cho
đăng, nhưng phải sửa lại rất nhiều.
Tôi
xin lại bài viết.
Bài
sau đó, nằm trong tay một trong số những người thuộc ban chủ biên tờ
Tuổi Trẻ. Anh nói: tôi giữ lại đây, hy vọng sau này có dịp đăng. Như
một cách giúp đỡ, anh đề nghị, vì tôi có sạp báo, mỗi tuần anh nhờ tôi
điểm hết những đầu sách mới ra, theo kiểu tóm tắt nội dung, không cần
phê bình. Tòa báo sẽ cộng giá bán những cuốn sách, thành tiền nhuận bút.
Liền
sau đó, tôi gặp lại một người bạn, trước là nhiếp ảnh viên cho một hãng
tin nước ngoài. Qua anh, gia đình chúng tôi thực hiện chuyến đi dài,
chạy trốn quê hương.
Viết
lại câu chuyện, tôi bỗng nhớ những ngày làm việc tại nhà xuất bản nọ.
Ngoài Nhật Tuấn, và Hoàng Lại Giang tôi có dịp trò chuyện, những người
khác đều không biết tôi, và tôi cũng chẳng biết họ. Nghĩa là hai bên
chẳng có chuyện gì dể nói. Nhớ thái độ cởi mở, quí mến, và thân thiện,
của mấy người bạn trẻ. Những lời ân cần của anh phụ trách tờ Tuổi Trẻ
(hình như tên Thức, nhưng không phải Nguyễn Đông Thức. Thời gian còn
Kim Hạnh).
Những
người viết Miền Nam trước 1975, ở lại, hình như đều viết trở lại. Tôi
có lẽ là người đầu tiên được một nhà xuất bản nhà nước đề nghị tái bản,
tuy là bản dịch, tác phẩm Mặt Trời Vẫn Mọc.
Trường
hợp Sông Côn Mùa Lũ, của Nguyễn Mộng Giác, một tác giả hải ngoại, được
xuất bản (tái bản) ở trong nước làm nhớ tới nhận định của ký giả người
Mỹ David Remnick, như ở trên đã nói: Đâu cần phải biết ơn kẻ trộm!
Có
người đặt vấn đề, về ý nghĩa một bộ sách như Sông Côn Mùa Lũ, bầy kế
bên những tác phẩm thuộc dòng chính thống như Lênin toàn tập, Nhật Ký
Trong Tù... Ở đây, theo tôi, nếu có sự thất thế, tủi nhục, thì phần lớn
là thuộc về kẻ trộm, không phải người mất trộm!
Kẻ
mất trộm, không chỉ là tác giả cuốn sách.
NQT