Người tình của Văn Cao
Trên báo Hợp Lưu, số tháng 6&7,
2000, có bài viết "Cái gì thúc đẩy Thơ" của Hoàng Cầm. Ghi là tùy bút,
nhưng theo tôi đây là một dạng hồi tưởng, về một kỷ niệm liên quan tới
văn, thơ, đàn bà, và thời cuộc…
Thời cuộc: thời kỳ cuối 1954, đầu 1955; các anh ở rừng về thủ đô Hà
Nội, và được các em hậu phương o bế hết chỗ nói: "Những chàng trai như
từ thần thoại anh hùng bước ra, uy phong lẫm liệt mà vẫn tình tứ đậm
đà. Chả thế mà Phùng Quán… chiếm ngay được trái tim một cô giáo…. Trần
Dần được ngay một thiếu nữ nhu mì mời đến làm chồng…" Đen bạc thì đỏ
tình: "bước đường sáng tạo nghệ thuật vốn đầy chông gai, Giai Phẩm Mùa
Xuân vừa ra đời đã bị phê phán nghiêm khắc…"
Cái cảnh các em hậu phương đón chào các anh từ rừng về, như kể ở trên
là có thật, như Jennifer tôi đã từng chứng kiến, những ngày đó. Nhưng
chỉ là những ngày đầu, sau thì… chán chết!
Bởi vì ngoài mấy ông văn nghệ ra, vốn cũng không đến nỗi mán xá, đa số
là dân Hà Nội trước 1945, những ông lính rừng kia thì thật là một nỗi
khổ cho dân Hà Nội. Đảng ta lại có chính sách: cứ chiều cuối tuần là
chỉ định anh này anh kia đến thăm nhà này nhà nọ, để tam cùng với đồng
bào vùng địch tạm chiếm chưa được biết tới ánh sáng cách mạng. Thế là
xẩy ra màn đon đả: mời mấy anh ngồi chơi, chúng em có tí việc bận phải
đi ra ngoài… xin các anh cứ tự nhiên như người… Hà Nội nhá!
Người tình của Văn Cao, theo Hoàng Cầm, là cô em vợ của Hoàng Cầm.
"Trời! Một thiếu phụ chừng ba mươi tuổi, chững chạc, trông đoan trang
mà còn kiều diễm khác thường" (từ "mà còn" thi sĩ dùng "đắt" thật. Tôi
viết lại,"đắt" chứ không phải "đạt").
Rồi Hoàng Cầm tới gặp bạn. Lúc này Văn Cao đang được anh em yêu cầu làm
cho xong một bài thơ. Có được câu mở: Sinh ra tôi đã có Hải Phòng. Rồi
xong Chương Một thì tắc.
-Có cô em họ vợ mình muốn gặp cậu, đòi mình đưa xuống đây, nhưng thấy
không tiện. Vợ cậu biết thì mình có mà độn thổ. Thôi, lên nhà tao. Cô
ấy đang chờ…
Văn Cao cũng dè dặt, và cũng hơi làm cao:
-Thiếu gì người thích văn nghệ? Cô này thế nào? Có cần (nói theo kiểu
nam: có đáng, có bõ công…) để mình nói chuyện? Sợ nhạt nhẽo mất thì giờ!
Và đoạn cuối câu chuyện tình: "Đêm ấy,
tôi đọc hết bài thơ dài: Những người trên cửa biển. Có những câu đầy
khí thế, rất Văn Cao… mà từ hôm tôi dẫn anh lên gặp cô em họ của vợ
mình đến hôm nay, Văn Cao "trình diện" toàn văn bản sử thi hào hùng,
nhiều kịch tính với một điệu ngôn từ mới mẻ, tôi bấm đốt ngón tay, mới
có 14 ngày!"
Trên đây, là một trong những câu chuyện chứng tỏ: ở trong và ở ngoài
câu thơ, đều có những mỹ nữ "nhan như ngọc".
Giả sử có một "em" mê văn chương, nhưng không mê nhà văn, thì sao?
Có một trường hợp, do Lawrence Durrell kể, trong Bộ Tứ Alexandria: Một
em rất đoan trang, và rất diễm lệ. Em viết văn hoài mà không thành. Đi
coi bói. Ông thầy nói, đó là do em "còn đoan trang" quá. Thế là em đến
gặp một văn sĩ, năn nỉ: Anh ơi, hãy làm cho em trở thành đàn bà đi, để
em làm văn sĩ!
Cái ông nhà văn người Anh này thật là lếu láo!