logo



 

Malraux: Thiên tài của sự lòe bịp.

Đó là nhan đề bài viết của Didier Sénécal trên tờ Đọc (Lire), số tháng Năm 2001, về cuốn tiểu sử Malraux, mới ra lò, của Olivier Todd ("Malraux: một cuộc đời"; 690 trang; nhà xuất bản Gallimard, Paris.)
Sự thực, tất cả sự thực, chỉ sự thực: tôn trọng công thức này, Olivier Todd đã biến mình thành một nhà khảo cổ. Ông dẹp bỏ huyền thoại, đào sâu những tầng nửa-dối trá (demi-mensonges), hoàn toàn bịa đặt, thuần chỉ là ghi chú tài liệu, được tích luỹ theo năm tháng, của Malraux và những tiểu sử gia khác viết về Malraux. Ông đối chiếu đủ các nguồn thông tin, chưa từng in ấn, hồ sơ CIA, Quai d’Orsay. Kết quả thật đáng kể. Và cũng đáng nể: ông không hề "làm thịt" Malraux, cho dù, theo như tên bài viết của Didier Sénécal, đây chỉ là một thứ thiên tài của sự lòe bịp. Ông thừa nhận những tài năng sáng chói của Malraux.
Khởi từ một chàng thanh niên hai mươi tuổi, và một lời tuyên bố nẩy lửa, "Tôi sẽ tạc pho tượng của chính tôi". Để bắt đầu [tạc pho tượng của chính tôi], chàng bèn "chôm" mấy pho tượng nhỏ tại một ngôi đền ở Cambodge. Mấy tay tổ trong nghề buôn chữ, Gaston Gallimard, Paulhan… ngửi thấy mùi tiền qua thiên tài lòe bịp này, bèn giúp đỡ Malraux tự đánh bóng hình ảnh của chính mình. Sau thành công của [cuốn tiểu thuyết] Người Chinh Phục, tới vinh quang của Phận Người. Đâu cần biết thiên tài văn chương được giải Goncourt này hiểu biết Trung Hoa và cuộc Cách Mạng ở đó tới mức nào! Ba năm sau, cuộc chiến Tây Ban Nha cho Malraux cơ hội bằng vàng để ném vào đó tất cả nghị lực của mình. Todd coi thời gian 1936-38 là đỉnh cao trong cuộc đời Malraux: ông đã đóng một vai trò không thể chối cãi được trong những chiến dịch hành quân, chứng tỏ lòng can đảm, tình chiến hữu, và viết Hy Vọng, cuốn tiểu thuyết khá nhất của ông. Hào quang tỏa sáng tới thế cũng là quá xá rồi, vậy thì tại sao ông lại làm hỏng những trang sách này, bằng một vết thương dởm vì trúng đạn, và phải nằm dưỡng thương tại bệnh viện? Y hệt như Hemingway, địch thủ của ông, cả hai cùng nổi tiếng vì thêu dêät những huyền thoại về họ, và thường là liên can tới súng đạn; cả hai đều rút những cuốn tiểu thuyết ra từ cuộc đời của mình, và sống [cuộc đời của họ] ở trong những cuốn tiểu thuyết đó.
Thế cũng chưa đủ tệ. Tài liệu cho thấy, Malraux gia nhập lực lượng Kháng Chiến vào cuối tháng Ba năm 1944, sau khi hai anh/em của ông bị bắt. Chỉ vài tháng sau đó, không biết anh binh nhì xoay sở ra sao mà được gắn lon trung tá! Ông trung tá này xun xoe quanh những chiến tướng thứ thiệt, và thành công trong việc mập mờ đánh lận con đen, biến mình thành một thứ gan dạ có thừa! Ngụy tạo hồ sơ, biến thời gian gia nhập lực lượng trở thành tháng Chạp 1940, cộng thêm nhiều tài liệu ngụy tạo khác nữa, cuối cùng được trao tặng huy chương Người Bạn Giải Phóng, một trong những mề đay cao quí nhất của Pháp và Đồng Minh. Trong khi đó, hai anh/em của ông đã chiến đấu và chết, như là những người lính thực thụ, hoàn toàn trong vô danh…
Vào năm 1945, người bạn đường của những người cộng sản "cải giáo", chuyển qua phò De Gaulle, và hết sức "ngoan đạo", cho tới ngày chết. Thật dễ dàng hiểu được chuyện ông thờ phụng một trong những vị anh hùng của nước Pháp, và của thời đại chúng ta; ngược lại, người ta tự hỏi vị đại tướng nghĩ gì về "đệ tử" của mình. Todd đưa ra nhiều câu trả lời: đối với De Gaulle, Malraux được coi như một đảm bảo của tả phái; cùng với Bernanos và Mauriac lại là một đảm bảo văn chương; nhiều người nhìn Malraux như là "nữ diễn viên" của Đại tướng (la danseuse du Général).
Malraux là một trong những khuôn mặt của thế kỷ. Thành thử có những cái nhìn khác hẳn Todd, về ông. Những cuốn tiểu thuyết của ông đã đem những giấc mộng lớn đến cho nhiều thế hệ những người trẻ tuổi đam mê công lý và phiêu lưu. Những bài diễn văn của ông, chứa đầy điện, cứ thế truyền qua người nghe/người đọc.
Khi khép lại cuốn tiểu sử của Todd, người ta còn giữ lại, ít ra là hai lời phẩm bình về Malraux, một của bạn thân của ông là Raymond Aron: "Một phần ba thiên tài, một phần ba dởm, phần ba còn lại: không thể hiểu được (incompréhensible)." Một của nhân viên Quai d’Orsay, khi thầm thì với bạn bè, trước chuyến đi Ấn Độ của Malraux: "Cầu cho ông ta đừng táy máy gì ở đó!" 

***

 Trên tờ Điểm sách London, số đề ngày 9 tháng Tám 2001, lại là một bài điểm khác cuốn tiểu sử Malraux của Todd. Tác giả bài điểm, John Sturrock, biên tập viên (consulting editor) báo trên. Nhan đề bài viết: Người từ không đâu (The Man from Nowhere), với tiểu đề, ở bìa báo: Mai táng Malraux (Burying Malraux).

 Tại lễ mai táng Malraux vào tháng 11 năm 1976, có hai vòng hoa được chuyển (delivered) tới nghĩa địa, một của Đảng Cộng sản Pháp, một tổ chức mà Malraux chưa từng tham dự; vòng hoa kia là từ Lasserre, chủ một nhà hàng ba sao ở gần Grand Palais. Đây là nơi Malraux thường lui tới dùng bữa trưa – và ‘đành’ móc bóp trả tiền nếu không có ai đi cùng. Malraux còn được hưởng vinh dự, là có tên trong tờ menu (thực đơn) của nhà hàng này – món "bồ câu Malraux" – ngay từ khi còn sống. Vinh dự này chỉ dành cho nhà văn, mà phải là "những con người hành động".

 Bài viết trên tờ Điểm sách London cho biết rõ thêm về những ngụy tạo hồ sơ cá nhân tham dự kháng chiến của Malraux – một tay kháng chiến thứ thiệt, a résistant of stature, đã từng bị bắt, bị tra tấn, bị bịt mắt trước đội hành quyết… rồi tìm cách thoát được… - hai người anh em của Malraux chỉ là những anh em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; và có lẽ do xấu hổ vì những trò anh hùng dởm kể trên, Malraux đã thực sự tổ chức một toán kháng chiến có tên là Alsace-Lorraine Brigade (Đội quân vùng Alsace-Lorraine). Cho dù trang bị thô sơ, họ đã chiến đấu thật can trường, chịu tổn thất nặng nề, bên cạnh những toán quân chính quyï của tướng De Lattre de Tassigny ở vùng phía đông nước Pháp vào mùa đông cuối cùng của cuộc chiến. Bài điểm cũng cho biết thêm chi tiết về những hoạt động của Malraux, tại Đông dương, ngoài cái chuyện ‘tháo gỡ’ mấy bức tượng nho nhỏ tại một ngôi đền từ thế kỷ thứ mười tại Cambodge, bị bắt, bị tống giam và bị toà án thuộc địa kêu án ba năm tù, nhưng do bạn bè ở Pháp can thiệp, án giảm còn một năm, và là tù treo. Chỉ hai tháng, sau khi được thả, trở về Paris, Malraux cùng Clara trở lại Sài Gòn, tính xuất bản một tờ nhật báo, với mục đích làm cho nước Pháp và nước An Nam nhích lại gần nhau (a ‘daily paper of franco-annamite rapprochement’), lấy tên là "Đông dương", sau đổi thành "Đông dương bị xiềng", cho có vẻ ‘dấn thân’ (engagé, chữ của tác giả bài viết). Dự định nhật báo, nhưng chỉ là bán nguyệt san. Theo tác giả bài viết, Malraux tự chứng tỏ, ông là một quan sát viên, phân tích gia sắc bén về chế độ thực dân thuộc địa. Tờ báo của Malraux trình bầy, ghi nhận những điều bất công mà chế độ thuộc địa đối xử với dân bản xứ, cùng là hạ tầng cơ cấu xã hội nghèo nàn, điều kiện sinh sống tệ hại… Không theo một ý thức hệ nào, sự quan tâm của Malraux hoàn toàn là do cảm tình của ông đối với người dân, và cuộc sống ở đây. Ông là một người chống chế độ thực dân thuộc địa, nhưng theo kiểu của ông: sứ mệnh khai hóa của nước Pháp đã không được thực hiện tốt, nhưng đúng là một thất bại, nếu bỏ chạy. Như trong Phản Hồi ký, ông đã từng viết: Người Pháp ra đi, nhưng nước Pháp ở lại [Đông dương; Việt Nam nói riêng].

 Đây có lẽ là một trong những lý do khiến một số nhà văn Việt Nam tại miền Nam trước 1975, đã từng say mê Malraux.