Một sự ngây thơ trọn vẹn.
Phượng, tên một nhân vật trong phim gián điệp "Người Mỹ trầm lặng" đang
được quay tại Sài Gòn, dựa theo tiểu thuyết của nhà văn người Anh,
Graham Greene, bị một số báo chí Việt ngữ viết sai là Phương, trong khi
chính tác giả đã giải thích ở trong truyện, đây là tên một loài chim
quí, phượng hoàng"Phuong," I said – which means Phoenix, but nothing
nowadays is fabulous and nothing rises from its ashes. "Phượng", tôi
nói, "Phượng có nghĩa là Phượng hoàng, nhưng những ngày này chẳng có
chi là huyền hoặc, và chẳng có gì tái sinh từ mớ tro than của loài chim
đó": Câu văn như một "lời nguyền" cho một cuộc chiến sắp sửa tái diễn.
Nhưng nói cho cùng, chẳng có chi là huyền hoặc, về chuyện người Mỹ sẽ
hất cẳng người Pháp, và cuộc chiến sẽ biến tất cả thành tro than, và
chẳng có gì mọc lên từ đó.
Lời đề tặng ở trang đầu, là dành cho một nhân vật Phượng "có thể" có
thật ở ngoài đời:
"René và Phượng thân mến, Tôi xin phép được tặng cuốn sách này cho các
bạn, không chỉ để tưởng nhớ những buổi chiều hạnh phúc mà chúng ta đã
cùng trải qua tại Sài Gòn, trong hơn năm năm qua, nhưng còn bởi vì tôi
cảm thật hổ thẹn đã mượn căn hộ của các bạn, làm chỗ trú ngụ cho một
nhân vật của tôi, và tên của bạn, Phượng, để độc giả dễ dàng theo dõi,
bởi vì đây là một cái tên giản dị, đẹp, và dễ phát âm, so với những tên
đàn bà khác, của đồng bào bạn. Cả hai bạn sẽ nhận ra một điều, tôi còn
vay mượn thêm chút đỉnh, nhưng chắc chắn không phải từ phía Việt Nam.
Pyle, Granger, Fowler, Vigot, Joe – những người này chẳng có chút dây
mơ rễ má với cuộc đời của Sài Gòn hay Hà Nội, và Tướng Thế thì đã chết:
bị bắn từ phía sau lưng, như người ta nói. Ngay cả những biến động thực
sự xẩy ra, cũng đã được dàn dựng lại, ít ra là trong một trường hợp.
Thí dụ như vụ nổ lớn gần khách sạn Continental, đã xẩy ra trước những
vụ nổ do bom cài trên những chiếc xe đạp. Tôi chẳng cần phải đắn đo, về
những thay đổi nho nhỏ như vậy. Đây là một câu chuyện tiểu thuyết, chứ
không phải là một mẩu lịch sử, và tôi hy vọng câu chuyện về vài nhân
vật giả tưởng sẽ mua vui cho đôi bạn được một vài trống canh, trong một
đêm nóng nực của Sài Gòn."
Và đây là nhận xét của Fowler về đàn
bà "Annamite", ngay ở đoạn mở đầu, khi anh ta đang chờ Pyle tại căn
phòng của mình ở đường Catinat, rồi Phượng tới: "Ngủ với một người đàn
bà Annamite là như ngủ với một con chim: họ líu lo và hát bên gối bạn."
(To take an Annamite to bed with you is like taking a bird: they
twitter and sing on your pillow).
Như lời giới thiệu ở trang bìa (nhà xuất bản Penguin): "Người Mỹ trầm
lặng" là một bức chân dung đáng sợ về sự ngây thơ trọn vẹn. Trong lúc
Quân đội Pháp tại bán đảo Đông Dương vật lộn với Việt Minh, ở hậu
phương Sài Gòn, một người Mỹ trẻ, cao cả (high-minded) lo chuyện viện
trợ kinh tế cho "Lực lượng thứ ba".
Cao cả, có thể như vậy chăng, khi người Mỹ thay chân người Pháp ở Việt Nam?
Như nhân vật Fowler, người Pháp, một ký giả làm theo mùa, nhận xét:
"Tôi chưa từng gặp một người nào có những động cơ tốt đẹp hơn, [nếu
nói] về những rối loạn mà anh ta đã gây ra." Và khi rối loạn tiếp theo
rối loạn, máu đòi máu, tay ký giả già thấy thật khó mà đứng bên lề, như
một quan sát viên. Nhưng những động cơ của Fowler thật đáng nghi, đối
với cảnh sát, với chính anh ta, và với độc giả: bởi vì Pyle, "người Mỹ
trầm lặng", đã "chôm" mất người tình của anh Tây già.
"Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã không hề tin vào một cái gì trường cửu,
tuy nhiên tôi lại ước vọng nó. Luôn luôn, tôi sợ mất hạnh phúc. Tháng
này, năm sau, Phượng sẽ rời bỏ tôi…
-Tha lỗi cho tôi, vì
đã đoạt cô Phượng của anh, giọng Pyle nói.
-Ô, tôi không biết
nhẩy, nhưng thích ngắm nàng nhẩy.
Người ta luôn luôn
nói về nàng, bằng ngôi thứ ba, như thể nàng không hề có ở đó. Đôi khi
nàng có vẻ vô hình, như thanh bình."
Anh Tây già nhận xét
Pyle, người Mỹ trầm lặng, bằng những từ: "Tôi ngạc nhiên không biết hai
người nói chuyện gì với nhau. Pyle thì rất hăm hở, và tôi đã đau khổ vì
những bài thuyết trình của anh ta về Viễn Đông, mà vốn liếng của anh ta
chỉ có chừng vài tháng, trong khi của tôi, hàng năm. Dân chủ lại là một
đề tài hăm hở khác của anh – anh ta có những quan điểm thật quá khích
về những gì Hoa Kỳ đang làm cho thế giới. Ngược lại, tuyệt vời thay,
Phượng nàng chẳng biết gì hết: nếu Hitler tới, nhập vào câu chuyện,
nàng sẽ chẳng bao giờ ngắt lời, để hỏi, ông ta là ai ("Người Mỹ trầm
lặng", trang 12, ấn bản Penguin)….
"Nếu Hitler tới nhập
cuộc…", liệu câu này, giống như một thai đố, bao trùm lên cuộc chiến,
với những tội ác của nó, thí dụ như vụ Thanh Phong đang nóng bỏng trên
bàn tay bạn, qua tờ báo mới ra lò?
"Thai đố", là được
"gợi hứng" từ câu trả lời phỏng vấn của nhà đạo diễn điện ảnh Oliver
Stone, tác giả một số phim nổi tiếng về Việt Nam, và cũng từng tham gia
cuộc chiến tại đây, trên tờ Time số May 7, 2001: "Chuyện này (Thanh
Phong) làm tôi nhớ rất nhiều tới những khó khăn của cuộc chiến, những
hàm hồ của nó. Tôi đã ở trong những làng nơi người dân quê bị giết và
bị lạm dụng. Giận dữ, sợ hãi, từ đó mà ra. Có những vụ hãm hiếp, đánh
đập, và sát nhân. Tôi nghe được những câu chuyện [như vậy] từ những
người thân cận với tôi. Bạn ở trong một vùng lửa đạn nóng bỏng. Một
người dân làng tiến tới từ phía sau bạn, thí dụ như từ một đụn cát.
Người đó đầu hàng, nhưng đôi khi, một kẻ nào đó nổ súng, và làm toi một
mạng người.
Chuyện xẩy ra với Thượng Nghị Sĩ Kerry, đó là: liệu có tiếng súng bắn
về hướng họ hay là không. Đây là câu chuyện (giống như trong phim) Địa
Ngục Môn….". Đây là phim nổi tiếng của Nhật, câu chuyện về một cái chết
của người chồng là một kiếm sĩ, qua lời kể của từng nhân vật liên quan.
Mỗi người nói một cách, và cuối cùng chẳng biết đâu là sự thực.
Người viết làm quen với Greene những
ngày học trung học, qua tác phẩm "Người thứ ba", câu chuyện về một
người đàn ông truy tìm thủ phạm đã sát hại bạn thân của mình, rút cục
khám phá ra, chính cái tay bạn thân của mình, đã dùng kế kim thuyền
thoát xác, tức là giết địch thủ, rồi để lại giấy tờ của mình cho cái
xác chết, và tiếp tục giết hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới, qua
trò sản xuất, và tung ra khắp thế giới, loại thuốc trụ sinh dởm…
Qua tin báo chí, viên tướng tình báo Cộng Sản, Phạm Xuân Ẩn, trước nằm
vùng tại miền nam, có gặp gỡ phái đoàn quay phim, và cho biết, ông có
chứng kiến vụ nổ bom trên, và cho biết thêm, ông biết nhà văn Graham
Greene là gián điệp Anh. Điều này thế giới đều biết, vì Greene cũng
chẳng giấu. Nhưng chi tiết trên chứng tỏ, Ẩn đã hoạt động gián điệp từ
lâu. Và cái việc, vào giờ chót, ông ta đưa Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ
thời ông Diệm, lên máy bay ra nước ngoài, chứng tỏ một điều: hai người
có thể đã hiểu rõ nhau từ khuya!