Một Linh Hồn Lưu Vong
Gửi Dương Thu Hương
JT
Alexander Solzhenitsyn ăn mừng 81 tuổi vào ngày 11 tháng Chạp, năm
1999. Ông sống sót Cuộc Nội Chiến, Cuộc Chiến Lớn, và Cuộc Chiến Lạnh;
kinh qua trại tù Stalin, gọng kìm (repressions) Brezhnev; chiến đấu với
bệnh ung thư khi lưu đầy nội xứ, như một người được lệnh trình diện học
tập cải tạo 10 ngày, tức là như cái bang một túi, tại vùng đất
Kazakhtan xa xôi; cưỡng lại mọi mùi vị của chủ nghĩa duy vật Tây
Phương; xoáy hết đời mình vào công việc viết lách, như là tay lưu vong
giầu có, tại một tư thất được bảo vệ bằng camera, hàng rào điện tử, tại
vùng Vermont. Như ông đã tiên đoán về chính mình: ta sẽ sống, cho tới
ngày chứng kiến sự sụp đổ của Đế Quốc Ma Quỉ (chữ này của tổng thống Mỹ
Reagan). Và sau đó, trở về quê hương trong chiến thắng.
Nhưng chiến thắng nào thì cũng có mùi vị cay đắng của nó! Những tác
phẩm của ông đã một thời mang Tin Mừng: Hãy Hy Vọng Dù Không Còn Hy
Vọng (Hope Against Hope), nay nằm nhấm bụi bặm, nhường giá sách cho
những "mầm non văn nghệ" chẳng có một cơ may sống dai hơn, ngay cả cuộc
đời của chính họ. Những tân lãnh tụ của một nước Nga mới, chính họ thúc
giục Solzhenitsyn hãy mau mau trở về với đất mẹ, đã mau chóng thay đổi
thái độ, sau khi nghe những lời chỉ trích khó nuốt của ông trên màn ảnh
TV, đa số khán thính giả khác đã vội vàng đổi kênh, khi vừa mới thấy
bóng dáng của ông ló ra. Ông hiện sống lặng lẽ kế bên bà vợ Natalya
trong một căn nhà gần Moscow, yên trí một điều: ta sẽ có chỗ đứng, ở
trên đỉnh, trong lịch sử đất nước của ta, trong thế kỷ 20.
Con người này đã từng phát điên lên, khi nghe triết gia người Pháp,
Jean-Paul Sartre, sau một lần viếng thăm ngắn ngủi cái nôi của cách
mạng thế giới, đã tuyên bố: "tha hồ phê bình ở Xô Viết" (there is total
freedom of criticism in the USSR); rằng những công dân Xô Viết không có
ý định đi du lịch ở hải ngoại, bởi vì họ quá yêu thương quê hương, làng
mạc, bà con lối xóm, đến nỗi không thể rời bỏ, dù chỉ dăm ba ngày!
Không hiểu ngày nay, ở quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta, còn có
những đồng bào hong hóng chờ tới giờ phát thanh bằng tiếng Việt của một
VOA, một BBC?… Những người dân Nga đã có thời trải qua những giờ phút
như vậy, và Solzhenitsyn hiểu rằng, những đồng bào của ông, đâu phải ai
cũng có cơ may, hoặc có đủ can đảm, cầm trong tay một ấn bản in lén lút
tác phẩm của ông. Họ biết về Hy Vọng Dù Không Còn Hy Vọng, biết những
sự thực nóng bỏng ở trong những tác phẩm của ông, những cuốn tiểu
thuyết, và nhất là tác phẩm mang tính tài liệu lớn lao của ông, Quần
Đảo Gulag: họ biết chúng, qua những tiếng còn tiếng mất, của những làn
sóng ngắn các đài phát thanh Tây Phương.
Tuy gần như phát điên vì những nhận xét của Sartre, ông vẫn biết, ở Tây
Phương, ít nhất cũng có hai người đã thực sự hiểu rõ yếu tính của Chủ
Nghĩa Cộng sản Xô Viết; một là George Orwell (tác giả những cuốn sách
như là Trại Loài Vật, 1984…); người kia là Robert Conquest, một sử gia
về (thời kỳ) khủng bố của Stalin. Ông này còn là một thi sĩ.
Solzhenitsyn đã từng nhờ Conquest chuyển thành thơ vần (verse), tác
phẩm đầu tay của ông, Những Đêm Phổ (the Prussian Nights), một bài hùng
ca được làm trong khi ông ở tù, và chỉ được ký ức ghi nhớ.
Solzhenitsyn: Một Linh hồn Lưu vong, là một tiểu sử
mới nhất về ông, của Joseph Pearse (nhà xb HapperCollins, 334 trang).
Theo người điểm sách trên tờ TLS December 10, 1999, có một điều thật là
ngạc nhiên: cuộc đời của Solzhenitsyn, đầy bão tố, đầy biến động như
thế, trải dài suốt thế kỷ… vậy mà không được mấy tay chuyên môn viết
tiểu sử quan tâm. Trước đây đã có cuốn Alexander Solzhenitsyn: A
Century in His Life (một thế kỷ ở trong ta), của một nhà văn người Anh
D. M. Thomas, (583 trang, nhà xb St. Martin’s Press, NY, 1998). George
Steiner, khi điểm cuốn này (NY Times Book Review March 1, 1998), đã cho
rằng, do thiếu tính khách quan của một sử gia, và thiếu khả năng sàng
lọc dữ kiện, những trở ngại này đã khiến Solzhenitsyn không thể miêu tả
đất nước của ông, trong cơn đọa đầy sa xuống tình trạng dã man… nhưng
ông đã thành công trong việc lật tẩy, cái gọi là đạo đức Cộng sản, và
từ đó, nhìn ra sự sụp đổ của nó. Cuộc đời của ông cho thấy, ngay cả ở
trong thế kỷ hung bạo, là thế kỷ của chúng ta, sự can đảm của một cá
nhân không thôi, đã làm nên điều phi thường.
"Một linh hồn lưu vong" chấm dứt bằng bản dịch một số thơ xuôi của
Alexander Solzhenitsyn. Đoạn thơ xuôi sau đây được ông viết, sau khi
nhìn sét đánh, chẻ đôi một thân cây cổ thụ:
Khi lương tâm vùng vẫy [mong] thoát khỏi kiếp xiềng, nó
lay động hết một cõi người của chúng ta. Sau một cú khủng khiếp như
thế, chẳng có thể nói được, ai là người trong số chúng ta sẽ thoát ra
khỏi cơn bão tố, mà còn giữ được tâm hồn phẳng lặng.
Nước Nga cần những con người như thế này, hơn bao giờ hết!
Jennifer Tran