logo

2


Hoá Thân

Một trong những cách đọc Kafka, là coi ông là một nhà văn tôn giáo. Theo cách đó, Weinberg coi hiện tượng Samsa sáng ngủ dậy thấy biến thành con bọ, là hiện tượng "Chúa Sẩy Thai" (1). Thay vì Chúa Giáng Sinh, Chúa đầu thai làm người để cứu độ nhân loại, thì lại có một... con bọ!
Vào những ngày kỷ niệm 30 năm Lò Cải Tạo, Gấu tui hơi bị liên tưởng tới một giấc mơ khác của nhân loại: Sáng ngủ dậy thấy biến thành một người Việt Nam.
Liệu có thể coi đây là hai giấc mơ, một trước, và một sau, Lò Cải Tạo? Và vẫn chỉ là một? [Như D.M. Thomas, trong cuốn tiểu sử Solzhenitsyn, đã coi Quỉ và Kẻ Cứu Rỗi, chỉ là một? Xin coi Tuổi Bụi ]
Ông Hồ chẳng đã từng mơ tưởng: Thắng trận giặc này, sẽ làm một cái nhà Việt Nam to lớn hơn đàng hoàng hơn.
Rút cục, chỉ có một con bọ "VC Đỏ"! hay "VC Đen", tức Mafia Việt Nam.
Đỏ hay Đen, thì cũng một thứ!

(1) Weinberg khai triển biểu tượng tôn giáo ngầm chứa trong câu chuyện, đã coi  đây là một chuyển hoá tiêu cực, a negative transfiguration, một nghịch đảo hiện tượng Chuá nhập thân làm người phàm, một Khổ nạn Giê-xu sẩy thai [the Passion of an abortive Christ figure]
[Hoá Thân của Kafka, bản tiếng Anh, Bantam Books; phần phụ lục, Explanatory Notes To The Text].


Đã có lần, Gấu tui liều cùng mình, khi cho rằng, đối với người dân miền bắc, khi tin vào chủ nghĩa Cộng Sản, họ tin rằng đây chính là thứ khi giới tuyệt hảo để chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt khiến con người khắc nghiệt. Nó là cứu tinh của một miền đất, một thứ Thiên Sứ, đại khái vậy. Chính giấc mơ Thiên Sứ này biến con người thành... khùng.
Đây là cách V.S. Pritchett, một nhà văn nhà phê bình người Anh, đọc Don Quixote, bằng cách đặt nó kế bên cuốn Những Linh Hồn Chết  của Gogol, và từ đó, ông giải thích được một câu hỏi nhức nhối, từ lâu chưa ai trả lời được: Tại sao mà Gogol không thể hoàn tất phần thứ hai của cuốn sách tuyệt tác của ông, và của nhân loại?

Chính cái giấc mơ phải tìm cho được, một "Thiên Sứ" cho một nước Nga khốn khổ khốn nạn, đã biến Gogol thành khùng.
"Don Quixote đã không sụp đổ, như là Phần Hai của Những Linh Hồn Chết của Gogol sụp đổ, bởi vì Cervantes không khùng. Ông trở nên [vẫn luôn luôn là] con người thực dụng, hồ nghi nếu không muốn nói là bi quan, và khoan dung; trong khi đó, Gogol bị giấc mơ Thiên Sứ cắn trúng, và bị nọc độc của nó biến thành khùng".
V.S. Pritchett: Miguel de Cervantes [1965], [được in lại trong The Essential Pritchett, Vintage, 2004].

[Liệu, có thể vì vậy, mà PTH để cho Thiên Sứ của bà... ngỏm củ tỏi?]

Chúng ta cứ thử tưởng tượng, Miền Nam sẽ không sụp đổ, và biến cả nước cùng với nó trở thành hiện thực, một thứ hiện thực chủ nghĩa giầu có như Miền Nam mầu mỡ...

Trong những lời ai điếu dành cho Kafka, có một của bạn gái của ông. Nhân loại được đọc ké, những bức thư Kafka gửi cho bà. Bà mất ở trong trại tù Nazi. Nhân loại cũng được biết những ngày tù của bà, qua một người bạn gái. Hai người đã từng hẹn hò, sẽ viết chung một tác phẩm, nếu cùng sống sót. Và nếu chỉ một còn sống, thì người này có bổn phận phải kể lại cho mọi người nghe số phận của người đã mất.
Trong những lời chia buồn khi Con Bọ qua đời, có một của một tay Humes, mà Gấu tui tình cờ đọc được trên lưới, và xin dịch ra ở đây để mọi người cùng đọc. Bởi vì cách nhìn cái chết của Con Bọ, và hậu quả của nó, của ông, xem ra lại có gì nhắn nhủ người Việt chúng ta.

"Gregor Samsa vừa mới qua đời do một hiện tượng không thể giải thích nổi. Samsa, một người bán hàng vải luôn phải nay đây mai đó, rất chịu thương chịu khó, công việc làm ăn đang trên đà thuận lợi, thế mà tự dưng lăn ra chết."
"Dư luận xì xào, Samsa là nạn nhân của một chứng bịnh lạ, chỉ trong một đêm, nó biến đổi hẳn hình dạng người bệnh. Người ta tin rằng chỉ trong một đêm, Samsa biến thành một con bọ ghê tởm (a "monstrous vermin")."
Ai điếu Samsa

"Anh mệt quá, chẳng thèm nghĩ gì hết, chỉ mong được gục đầu vào lòng em, cảm thấy tay em trên đầu mình, và cứ gục đầu như thế, cho tới mãi thiên thu".
Kafka: Thư gửi Milena
[Bản tiếng Anh: I'm tired, can't think of a thing, and my sole wish is to lay my head in your lap, feel your hand on my head, and stay that way through all eternity - Yours]
*

Chúng ta đều biết hình dáng con bọ khủng khiếp, hoá thân của một ông VC thực tình tin vào Đảng, ngay sau ngày 30 Tháng Tư.
Nhưng ngay cả Kafka cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi con bọ của ông. Ông không bao giờ muốn hình dạng của nó được phô bầy ra trước độc giả.
Flaubert đã từng muốn văng tục, khi nhà xb muốn một cuốn sách của ông có hình minh họa. "Minh họa là phản văn chương". "Thà chết còn hơn là minh họa". Kafka đành phải chấp nhận bìa cuốn Hoá Thân có hình, nhưng năn nỉ [Marthe Robert dùng chữ supplier] nhà xb, bằng mọi cách, không được trương hình con bọ ở ngoài bìa. "Gì cũng được, nhưng chuyện này nhất định không" ["Surtout pas cela, surtout pas cela!"], ông khiếp hãi trước một chuyện thô bỉ như thế, trong thư gửi nhà xb. Cuối cùng, độc giả có một con bọ Gregor vẫn còn mang dạng người, đứng trơ cu lơ một mình, trong một căn phòng trần trụi, quay lưng về phiá một cái cửa hé mở, trên một cái nền đen, tay ôm đầu.

Gấu tui có đọc báo trong nước ở trên lưới [tờ Người Lao Động thì phải], câu chuyện một nữ cán bộ, trong lúc mệt nhọc vì công chuyện, bật cái máy TV nghỉ xả hơi, và một giọng nói vùng địa phương của bà khiến bà chăm chú theo dõi, câu chuyện một bà, suốt từ 30 Tháng Tư, đi khắp một nửa đất nước, tìm hài cốt người yêu. Bà đau lòng nghĩ, mình may mắn hơn, mà sao thê lương quá. Bởi vì chồng bà có về, nhưng đã biến thành một... con bọ. Đúng lúc đó, con bọ bò về nhà, sặc sụa mùi rượu Tây, mùi nước hoa nữ loại thượng hảo hạng...

"Rời mắt khỏi màn hình máy vi tính, chị bỏ con chuột, với tay lấy điều khiển từ xa [remote control], bấm kênh truyền hình giải trí, tính xả hơi một chút cho đỡ mỏi cổ. Sao hôm nay lên giao lưu toàn những phụ nữ trông cũ kỹ thế nhỉ? Các hoa hậu, ngôi sao màn bạc, người mẫu hoặc các nhà khoa học đi đâu hết cả rồi? Định chuyển kênh, nhưng không hiểu sao, có phải là chất giọng miền Trung quê hương hay nỗi thống khổ trong ánh mắt người phụ nữ đang nói đã níu kéo chị lại.
Chưa một lần được biết đến niềm hạnh phúc làm vợ, làm mẹ, suốt 30 năm qua người phụ nữ ấy chỉ sống với hy vọng tìm đưa được hài cốt người yêu về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Vóc dáng tàn tạ, cử chỉ thô phác, vụng về, song những lời thủy chung, tình nghĩa của người phụ nữ bất hạnh ấy khiến chị trào nước mắt.
"Cứ làm lụng dành dụm được vài trăm ngàn đồng, là tui lại lên đường đi tìm anh ấy... Còn sống ngày nào, tôi còn tìm anh ngày đó!"
Đang lặng đi trong xúc cảm, chị bỗng giật bắn mình vì tiếng xô cửa quá mạnh. Anh đổ xầm vào như một khúc gỗ, mặt tím lịm, miệng nồng hơi men lẫn mùi nước hoa phụ nữ rất gắt...
Chị cũng từng yêu anh, từng chờ đợi anh qua suốt cuộc chiến tranh. Anh của chị đã trở về, đã thành đạt... vậy mà chị vẫn chỉ là một hòn vọng phu mòn mỏi đợi chờ.... "
Ái Quyên: Vọng Phu
*
Trong một bài viết về Hóa Thân của Kafka, trong Cuốn sách của những Lời Tựa, viết năm 1938, Borges, trong một tiểu chú, đã nhắc tới Virgile, khi hấp hối, yêu cầu bạn bè đốt bỏ cuốn Enéide, một tác phẩm chưa hoàn tất, nhưng bạn bè đã không làm như vậy, y hệt như Max Brod sau này, đối với Kafka. Borges cho rằng, trong cả hai, bạn bè đã làm đúng theo lời yêu cầu thầm kín của bạn mình.
Bởi vì, như trong trường hợp Kafka, ông không hề muốn đẻ ra... con bọ. Nói rõ hơn, ông chỉ muốn viết một tác phẩm hạnh phúc, thanh thản, heureuse et sereine (1). Thay vì vậy, lại là những ác mộng, "mà sự chân thực của ông đã đọc cho ông ta viết ra", [que sa sincérité lui dicta].
Thay vì một cái nhà Việt Nam to lớn hơn, đàng hoàng hơn. Thay vì một con người Việt Nam hạnh phúc và thanh thản. Chỉ có một con bọ, "mà Hai Lúa chân thành nêu ra ở đây."
Thảm chưa!
Chỉ xém một chút, là tới được đỉnh cao thời đại, xém chút nữa, là Đức Phật trở lại với nhân gian qua [nhờ] cuộc chiến thần thánh đó. Nhưng than ôi, cuối cùng chỉ con bọ ra đời.
Thảm chưa!
(1) "Sereine" là chữ Phạm Duy Khiêm sử dụng, khi viết [bằng tiếng Tây], Truyền Kỳ Về Những Miền Đất Thanh Thản, Légendes des terres sereines , những chuyện như Sơn Tinh, Thuỷ Tinh....
*
Quỉ Của Quỉ
*


Trên tờ Thế Giới ngoại giao, số Tháng Tám, 2005, Eduardo Galeano làm một bản liệt kê những bộ mặt khác nhau của Quỉ Vương.
Quỉ là: Hồi giáo [Chính vì quá sợ Bin Laden, mà dân Mẽo bầu cho Bush]. Do Thái. Đàn bà. Đồng tính. Da đen. Kẻ Lạ. Kẻ Nghèo.
Còn thiếu một con quỉ.
Hay, con bọ
*
Nếu bạn tò mò một chút, chắc là nhận ra, trong hầu hết những hồi ký của đám biệt động thành sống sót trong vụ Tết Mậu Thân, đều có chi tiết này: họ đều được dặn dò, hãy quyết tử, hãy bám trụ, đừng rút lui, đừng đầu hàng, sẽ có đại quân tiếp viện.
Nhưng, như "lịch sử" cho thấy, làm gì có đại quân tiếp viện.
Hai Lúa có đọc đâu đó, rằng thì là, vụ Tết Mậu Thân là một cú nướng người anh em giải phóng, của VC miền bắc. Có thể như vậy.
Nhưng, những nông dân miền bắc, những trai làng, liệu chính họ, cũng bị nướng? Và đó là lý do thực sự của cuộc chiến: Huỷ sạch, tẩy sạch đám nông dân ngu đần, để có giai cấp mới, con người mới?
Chuyện đã từng xẩy ra, tại Liên Xô, cái nôi của Cách Mạng Vô Sản.

"Bởi vì đối với Stalin, như Khrushchev cho chúng ta biết, nông dân chỉ là cặn bã, và đám cặn bã này, là 90% dân chúng Nga."
"Nhà nhân bản [The humane] Maxime Gorky, vào năm 1922, đã diễn tả niềm ao ước của ông, 'đám dân chúng không văn hoá, ngu đần, huênh hoang, bốc phét, ở trong những làng mạc Nga, sẽ chết sạch, tất cả cái đám dân ngu cu đen đáng khiếp, đáng sợ này.... và một giống mới, có học, biết đường hơn thiệt, có nghị lực, sẽ thế chỗ.'"
"Ao ước của ông đã được Stalin ngó xuống, chấp thuận, và biến thành hiện thực."
D.M. Thomas: Solzhenitsyn, thế kỷ trong ta. Chương 9: Một Con Sói đối với Con Người. Sự ngu xuẩn của cuộc sống làng xã [The idiocy of village life... Karl Marx]

D.M. Thomas cho rằng sự chuyển hoá từ Christ qua Demon, [ông viết, Christ và Devil đổi chỗ cho nhau], Kẻ Cứu Rỗi thành Quỉ Sứ, đã xẩy ra vào thời kỳ đầu Cách Mạng Vô Sản ở Nga, và được khắc họa, bằng những tác phẩm văn học, như "Demons" của Pushkin, "Twelve" của Blok (1), và Bài Thơ Không Có Anh Hùng, "Poem Without a Hero", của Akhmatova. Trong khi tại Việt Nam, vào lúc kết thúc cuộc chiến. Sau một đêm 30 Tháng Tư, ngủ dậy, thay vì thấy một cái nhà Việt Nam to đẹp hơn, một con người Việt Nam hạnh phúc hơn, thanh thản hơn, thì chỉ có một con bọ. Nguyễn Huy Thiệp đã nhìn thấy sự chuyển hóa này qua con quỉ chuồng heo [cũng một hình tượng văn học khác, từ Kafka, trong Y Sĩ Đồng Quê], biến thành con bọ phố phường.

 (1) Năm 1918, Blok xuất bản trường thi 12 Vệ Binh Đỏ, thô bạo và hung dữ, chỉ với một ước muốn trả thù tụi trưởng giả, đi giữa cơn bão tuyết trên đường phố Petrograd, cướp và giết, được dẫn dắt bởi một sức mạnh vô hình. Ở đoạn thơ cuối, bóng dáng Jesus Christ xuất hiện trong bộ đồ trắng dẫn đầu đám người hung bạo. Blok coi việc Bôn-sê-vích nắm quyền, được "chúc phúc" bởi Chúa.
Nơi Người Chết Mỉm Cười.
D.M. Thomas viết, ... đằng sau 12 Vệ Binh Đỏ là một con chó đói - hình ảnh cựu thế giới, trước khi có Cách Mạng Vô Sản. Đám vệ binh đỏ tính thọc cho con chó một mũi lê, nhưng quay qua chú ý tới lá cờ đỏ mờ mờ hiện ra trong màn tuyết dầy đặc. Người cầm lá cờ, dẫn đầu đám giết người, bước như bay trên mặt tuyết đó, là...  Chúa Giê Su.