logo



 

Giả 

Kỳ trước Jennifer giới thiệu nhà văn Nga, Andrei Makine, viết văn bằng tiếng Tây, được hai giải thuởng văn chương lớn của Pháp, Goncourt và Médicis, trong cùng một năm (1995),  cùng một tác phẩm, Di chúc Pháp (Le Testament francais); chưa kể giải Goncourt của giới học sinh trung học. Khi chưa nổi tiếng, ông đã phải bịa ra những “nguyên bản ma”, tức là coi những tác phẩm của ông, là những bản dịch, từ tiếng mẹ đẻ, bởi vì chỉ như vậy, nó mới gây được sự chú ý ở giới xuất bản và độc giả Pháp: Họ muốn tin rằng, đây là một “Kẻ Xa Lạ” (tên một tác phẩm của Camus), viết văn bằng tiếng Pháp, về nước Pháp! Và nước Pháp “của chúng ta” sẽ còn tuyệt vời tới mức nào, ở trong nguyên bản bằng… tiếng Nga!

Nhưng trái với quan niệm thông thường, theo đó, dịch là phản, nhà văn người Argentina, Jorge Luis Borges, cho rằng: nguyên tác không trung thực bằng bản dịch (the original is unfaithful to the translation).

Chứng cớ cũng nhiều: Truyện Kiều của Nguyễn Du chẳng hạn, “bản dịch” ăn đứt nguyên bản, của Thanh Tâm Tài Nhân. Nguyên bản bám chặt vào “hiện thực” của một thời đại Gia Tĩnh nhà Minh. Phó bản vượt ra khỏi những câu thúc mang tính lịch sử, thời đại, và nhập vào một cõi người, như là một nơi chốn tương tranh, mà sau cùng cái đẹp sẽ cứu chuộc nó (thế giới). Cũng vậy, những tác phẩm của Garcia Marquez đã vượt hẳn nguyên bản, của Faulkner. Nói một cách khác, Garcia Marquez làm sống lại Faulkner, nhưng không phải một Faulkner của cuộc nội chiến Nam Bắc nước Mỹ, mà là một Faulkner của vùng đất Nam Mỹ với những vấn nạn của nó.

Trường hợp James Joyce cũng vậy. Những phó bản của Ulysses, nói rõ hơn, dòng văn chương độc thoại nội tâm, vốn thật tối tăm, thật khó hiểu, ở Joyce, đã được “tục hoá”, bởi những nhà văn như Faulkner, Hemingway, Claude Simon…  Theo nghĩa đó, Borges cho rằng, chính học trò khám phá ra thầy: mỗi nhà văn ‘sáng tạo ra’ những tiền thân của riêng mình. Tác phẩm của anh ta sửa đổi quan niệm của chúng ta về quá khứ, như nó sẽ sửa đổi tương lai (every writer ‘creates’ his own precursors. His work modifies our conception of the past, as it will modify the future). 

Nhận định “bản dịch trung thực hơn nguyên tác” của Borges, là do thuở nhỏ, ông học tiếng Anh trước khi có thể đọc được tiếng Tây Ban Nha. Ông sống trong cả hai ngôn ngữ: tiếng Anh là để nói chuyện với bố mẹ, tiếng Tây Ban Nha, trong cuộc sống thường nhật. Chính vì vậy, sau này, khi đọc Don Quixote bằng nguyên bản Tây Ban Nha, ông thấy đây là một bản dịch dở, so với bản tiếng Anh của thời thơ ấu. (When later I read Don Quixote in the original, it sounded like a bad translation to me). Và, “thừa thắng xông lên”, ông bèn coi tác phẩm Don Quixote, của Cervantes, là một tác phẩm giả. Ông chứng minh, đồ “zin”, là của một tác giả tên là Pierre Menard (do ông bịa ra). Ông được coi là một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất của thế kỷ 20: một người viết những bài điểm sách, về những cuốn sách không hề có, của những tác giả “giả” (a man who wrote book reviews of nonexistent books by imaginary authors).

Truy tìm thật giả trong văn chương quả là một công việc nguy nan. Mới đây thôi, một cây viết hải ngoại la bai bải, “tài liệu giả, bà con ơi!”, khi đọc một số bài viết ở trong nước. “May quá”, đây chỉ là một báo động hoảng! 

Và cũng mới đây thôi, báo chí Tây Phương, tờ Time chẳng hạn, đã ‘thông báo” về một mất mát trong giới văn chương: chuyến tầu suốt, vào ngày 12 tháng Chín, 2000, của nhà văn Konrad Kujau. Còn tờ Người Kinh Tế (The Economist, số Sept 23-29, 2000), thì đi cả một đường ‘cáo phó’.

Nhưng Konrad Kujau là ai vậy?

Xin thưa, đây là người đã ngụy tạo tác phẩm: Nhật Ký của Hitler.

Qua bài cáo phó, đối với ông vua xài bạc giả này, thế giới đúng như Shakespeare nhận định, “một sàn diễn lớn của những tên khùng” (The world is a ‘great stage of fools’). Bởi vậy cho nên, ông chẳng hề tỏ vẻ ngạc nhiên, khi đám khùng rối rít khen nhặng cả lên tác phẩm của ông: Nhật Ký Hitler, đã được vồ vập (bought), bởi báo Stern (Đức), Thời Báo Chủ Nhật (Sunday Times, Anh), và Tuần Tin Tức (Newsweek, Mỹ). Theo họ, đây là một ‘tin động trời’ (a scoop), của thế kỷ. Nó còn được một trong những chuyên gia số một thế giới về thời kỳ Hitler, là Hugh Trevor-Roper ca ngợi. Ông la bai bải: thứ thiệt, thứ thiệt! Tuy nhiên, sau đó, người ta khám phá ra rằng, thứ giấy dùng để viết nhật ký, được chế tạo sau khi Ông Trùm Nazi đã ngỏm củ tỏi. Ông vua xài bạc giả đã nhuộm nó bằng nước trà cho có vẻ… xa xưa!

Chuyện thiên hạ vồ vập nhật ký của ông trùm Nazi, cũng dễ hiểu: Hitler đã, và sẽ mãi mãi còn là một trong những con quỉ ‘hớp hồn’ (intriguing) người đọc. Người ta còn tò mò muốn biết, người đẹp của ông trùm, là Eva, có ‘sexy’ không?

Konrad thực có tài, (he did have a gift), theo bài viết trên Người Kinh Tế. Ông có thể vẽ, và có một con mắt tốt (a good eye), về chi tiết, theo thuật ngữ của giới hội họa. Khi còn trẻ, ông học nghệ thuật ở Dresden, khi đó còn thuộc Đông Đức. Dời qua Tây phương vào năm 1957, làm ba việc vặt vãnh, dành dụm tiền bạc, và mở được một cửa tiệm ở Stuttgart. Mỏ bạc giả của ông: hồi tưởng, hình ảnh tướng lãnh, những nhân vật nổi tiếng thời Nazi. Mấy thứ này dễ ợt, làm kèm với phiếu ăn trưa (luncheon vouchers). Ngửi thấy mùi, thiên hạ mê những món dính tới chính Hitler, ông bèn chế tạo dăm ba bài thơ, một vở opera, tranh mầu nước Fuhrer là tác giả. Rồi tới nhật ký về vài tháng trong năm 1935. Gerd Heidermann, một nhân viên của tờ Stern, và cũng là người đỡ đầu tiệm của Mr. Kujau, rất quan tâm tới nhật ký. Ở đâu ra vậy? Còn nhiều nữa hay chỉ có ngần này?

Ông này sau đó đã thuyết phục Stern, và vài chục triệu đô la đã được tờ báo chi ra, tiền hoa hồng cho người trung gian cũng khá bộn, và sau đó ông cũng đi tù vì tội đồng lõa.

Konrad Kujau bị kết án 4 năm rưỡi, nhưng gỡ ba cuốn lịch thì được thả. Hầu hết mọi người cho rằng, ông ta chẳng làm hại ai (no real harm). Chính ông ta cũng rất tự hào về tài năng của mình, và sẵn sàng đưa ra một bài học, khi được phóng viên hỏi. Ông rất bực, khi một nhà chuyên môn nghiên cứu thư khố, cho rằng ‘tác phẩm’ của ông ‘hời hợt’. Ông đã mất hai năm trời cặm cụi, tại căn phòng ở phía sau cửa tiệm. Chính cái bề dầy của nó, 62 tập, đã làm những chuyên gia choáng váng. Hugh Trevor-Roper ghi nhận: chúng tạo nên một toàn thể hài hòa. Đủ thứ ở trong đó: nào là những tiểu sử của Hitler, những nhật báo thời kỳ đó… Đôi khi, trong khi viết, tác giả thắng bộ đồ ‘hành quân’ của một tướng lãnh Nazi, để nhập đồng, và có lúc ông cảm thấy, mình chính là Hitler! “Khi viết về Leningrad, tay tôi run run,”, tác giả thú nhận. Đây là một kinh nghiệm những tay chuyên môn xài bạc giả đã từng trải qua. Một trong những bậc thầy trong ngành, là Thomas Chatterton, một nhà văn thế kỷ 18, đã giả mạo những bài thơ của một Thomas Rowley, một nhà sư thời trung cổ, và được rất nhiều người đọc ái mộ.

Ở Việt Nam, sau 1961, và sau 1975, có những tài liệu ngụy tạo về gia đình họ Ngô, nhất là về Trần Thị Lệ Xuân. Nào nhật ký, nào hình “khỏa thân” khi đang tắm biển, hoặc đang làm tình. Có thể, kẻ thắng trận còn e sợ những tình cảm luyến tiếc nhà Ngô, ở người dân Miền Nam. Nhưng do ngụy tạo quá lộ liễu, đầy sơ hở (thí dụ như khi ghép mặt bà Lệ Xuân với một thân hình khoả thân khác…), cuối cùng đã gây phản ứng ngược: người dân càng thương nạn nhân, và càng tởm chế độ. Người viết còn nhớ, ngay sau khi nhà Ngô sụp đổ, tại một phòng triển lãm ở đường Tự Do, một ông làm phòng thông tin đã cho chơi một bản nhạc chế nhạo miền Bắc, đúng ra là chế nhạo ông Hồ, nhại theo điệu “son son son, mì son đố mì, son son son mình yêu nhau đi, nhờ Bác Hồ mà ta mê ly”, nhưng chỉ được một hai bữa, là có lệnh dẹp, vì người dân không có thói quen sỉ nhục đối phương.