Ba cung nức nở
(A lament in three voices)
Helen Vendler, trên tờ Điểm sách New
York, số đề ngày 31
tháng Năm, 2001, qua bài viết "Nức nở bằng ba giọng" (A lament in
three voices) cho rằng, đôi khi, một bài thơ mãnh liệt đến nỗi phá bung
mọi câu
thúc về ngôn ngữ, địa lý, và thời đại. Và theo tác giả, đó là trường
hợp bài
thơ Hoang Địa (The Waste Land) của Eliot.
Đôi khi: Hoang Địa được viết năm 1922.
Bây giờ, theo Helen
Vendler, lại có một bài thơ mãnh liệt chẳng kém. Đó là Luận về thơ
(Treatise on
Poetry), của Milosz (sinh năm 1911, Nobel văn chương 1980). Nguyên bản
tiếng Ba
Lan, bản dịch tiếng Anh do nhà thơ Robert Haas và chính tác giả (nhà xb
Ecco,
2001).
Đôi khi: Treatise được viết thời gian
1955-1956.
***
Những độc giả tiếng
Anh của Milosz đã từng sửng sốt, vào năm
1988, khi một đoạn chừng năm trang của bài thơ trên xuất hiện trong
Tuyển tập
Thơ của ông. Họ nhận ra rằng, ở một nơi chốn nào đó tại Ba Lan có cất
giấu một
cõi thơ, được ấp ủ bởi một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của thế kỷ
20. Cõi thơ
đó nói gì về thời trai trẻ của người coi vườn, tức thời kỳ trước chiến
tranh?
Về thơ Ba Lan? Về thế giới? Về chiến tranh mà Milosz chứng kiến tận mắt
tại Ba
Lan bị Đức chiếm đóng? Về nghệ thuật, nói chung? Về những rằng buộc của
người
nghệ sĩ? Về mối liên hệ giữa chất (matter) chính trị và dạng (form) mỹ
học?
Đó là những đề tài mà
Milosz quan tâm, ai đọc thơ ông đều
nhận ra, nhưng chưa có một bài thơ nào mãnh liệt ôm lấy tất cả những đề
tài
trên, và cùng lúc muốn bung ra, như là Treatise on Poetry.
Khi viết Treatise,
Milosz ở giữa cuộc đời (44 tuổi), một
quãng đời cực kỳ bất trắc, cực kỳ khốn đốn về tiền bạc, và cảm xúc cực
kỳ căng
thẳng. Ông đã đốt bỏ mọi cây cầu nối liền với nơi chốn ông ra đời, bốn
năm
trước đó, khi xin tị nạn tại Pháp trong khi là Bí thư thứ nhất của Toà
Đại sứ
Ba Lan ở Paris. Đây là một hành động thật thê lương bi đát đối với một
nhà thơ,
bởi vì như người ta được biết, thi sĩ thật khó mà đoạn tuyệt với ngôn
ngữ của
mình; và Milosz thật khó mà được cái xã hội di dân quốc gia Ba Lan ở
Paris chấp
nhận: họ nghi ngờ ông, một cựu viên chức ngoại giao của chế độ Cộng sản
Ba Lan.
Chính vào thời điểm căng thẳng, rã rời, chán ngán đó, nhà thơ xoáy sâu
vào
mình, những câu hỏi về chính quá khứ của riêng ông, và của văn chương
Ba Lan;
và từ đó bật ra Treatise, như là đỉnh cao cõi thơ ông, với tất cả quyền
năng
của nó.
Phần đầu, ‘Những Đoạn
Đời Tuyệt Vời’ (Beautiful Times) mô tả
Krakow và văn hóa Ba Lan ở vào khúc quanh của thế kỷ 19 (tiểu đề của
Milosz:
‘Krakow, 1900-1914’). Phần hai, ‘Thủ Đô’ (‘The Capital’) miêu tả Warsaw
(1918-1939), và đưa ra một thẩm định – giữa thi sĩ với thi sĩ - về thi
ca Ba
Lan trong ba hoặc bốn thập niên đầu thế kỷ, đặc biệt là sự thất bại của
nó, khi
không đếm xỉa tới thực tại tràn ngập phố phường (its failure to account
the
reality that overwhelmed that city). Phần thứ ba,‘Tinh thần của Lịch
sử’ (‘The
Spirit of History’), về những năm chiến tranh (1939-1945), là một suy
tưởng về
bản chất lịch sử, về ngôn ngữ, và về sức mạnh thô sơ… Phần thứ tư,
‘Natura’
(1948-1949), là một bước nhẩy vọt ngỡ ngàng. Chiến tranh kết thúc.
Người kể
chuyện ngồi trên thuyền, trên mặt hồ ở phía bắc Pennsylvania, đợi một
viễn ảnh
từ những cuốn sách đọc thời thơ ấu. Đây là một suy tưởng về thiên
nhiên, về Âu
Châu và Mỹ Châu và về vai trò của nhà thơ trong một thế giới hậu chiến.
Nhà thơ và đồng thời
dịch giả Robert Haas, qua tóm tắt một
nửa thế kỷ như trên – Krakow thời hoàng kim; khí hậu văn chương Warsaw
những
năm trước chiến tranh; Warsaw bị Nazi chiếm đóng trong thời chiến;
thiên nhiên
trong Thế Giới Mới hậu chiến – cho thấy ‘sự kiện’ (matter), chứ không
phải
‘thái độ’ (manner) – khổ hạnh, trăn trở, bức xức – của bài thơ, theo
nhận định
của tác giả bài viết "Ba cung nức nở". Nhưng chia bài thơ thành những
phần như trên đã giúp chúng ta nhận ra "thái độ" của Milosz qua những
chọn lựa của ông. Thí dụ như bài thơ sau đây, thời hoàng kim của Krakow
[một
thành phố ở Ba Lan], vào năm 1900 – những công trình tưởng niệm, những
thi sĩ,
những nhật báo-treo-trên gậy ở quán cà phê, những người bồi bàn của nó:
"Cabbies were dozing
by St. Mary’s tower.
Krakow was tiny as a
painted egg
Just taken from a pot
of dye on the Easter.
In their black capes
poets strolled the streets.
Nobody remembers
their names to-day,
And yet their hands
were real once,
And their cufflinks
gleamed above a table.
An Ober brings the
paper on a stick
And coffee, then
passes away like them
Without a name."
(Tạm dịch:
"Những ông tài tắc xi
ngủ gà bên tháp nhà thờ St. Mary.
Krakow nhỏ xíu như
trái trứng mầu
Vừa lấy ra từ lọ
nhuộm vào dịp lễ Phục Sinh
Trong chiếc áo choàng
đen, những nhà thơ dạo phố.
Bây giờ chẳng ai nhớ
tên họ,
Mặc dù đã có lần
những bàn tay của họ có thực,
Và những tay áo của
họ đã ánh lên trên mặt bàn.
Một Ober mang tờ
báo-trên cây gậy tới
Và cà-phê, rồi bỏ đi,
giống như họ
Không một cái tên").
Bài thơ cho thấy
những nét đặc biệt của Milosz khi mô tả
bước đi của lịch sử bằng những hình ảnh của nó: thu nhỏ thành phố vào
một trái
trứng, nỗi u hoài muốn thời gian đừng trôi, đời vẫn đẹp như thuở nào
(‘chẳng ai
còn nhớ…’), sức nóng bỏng của chi tiết (‘những tay áo ánh lên’), bước
chuyển từ
quá khứ vào hiện tại gần như chẳng ai có thể nhận ra (những bàn tay của
họ ‘đã’
có lần có thực, những tay áo ‘đã’ ánh lên), một Ober mang tờ báo…/rồi
bỏ đi giống
như họ/Không một cái tên…. Giữa những chi tiết hình ảnh nhìn/đã nhìn
đó, là nỗi
bức xức của nhà thơ thời kỳ 1900-1955.
Phần hai: Thủ Đô
Warsaw, 1918-1939, cho thấy nhiệm vụ của
nhà thơ [Milosz] khi làm công việc ghi nhận theo kiểu biên niên, nỗ lực
của văn
chương, từ chủ nghĩa quốc gia Ba Lan thế kỷ 19 nhập vào dòng văn chương
hiện
đại thế giới. Ông nói: Ở Ba Lan, thi sĩ là một phong vũ biểu. Ông chỉ
ra từng
trường hợp thất bại của những thi sĩ Ba Lan, ngay cả những người mà ông
mến mộ,
khi họ đụng đầu với thực tại Ba Lan sau Đệ Nhất Thế Chiến:
"Chẳng thể nào có
được một Nhị Thập Bát Tú!
Tuy nhiên trong những
lời nói của họ có một điều gì nứt rạn
Một nứt rạn của sự
hài hòa, như là ở những sư phụ của họ.
Bản đồng ca đã được
thi vị hoá
Chẳng khác gì lắm, so
với sự hỗn độn của đời thường."
Sau đây là một số nhà
thơ đã từng toan tính vượt thực tại
thời của họ, và thất bại, được Milosz mô tả bằng những mẩu, đoạn thơ.
Nhà thơ
đầu tiên, Jan Lechon, tác giả bài thơ viết năm 1918, ‘Herostrates’ (từ
tên một kẻ
đốt dền thờ Artemis), đã quyết định từ bỏ lịch sử và chọn lựa thiên
nhiên để
rồi ngậm ngùi trong hoài nhớ (nostalgia); nhà thơ thứ nhì, Antoni
Slonimski,
dâng hiến đời mình cho chủ nghĩa duy lý thời kỳ Soi Sáng, mà theo nhà
thơ, đã
được bạo lực làm cho sống động, tràn trề sinh lực. Thứ ba là Julian
Tuwim một
nhà thơ viễn tưởng khổ vì những viễn tưởng của chính mình, cuối cùng
trở thành
láp nháp (rơi vào những suy tư ước lệ của chính mình). Cả ba nhà thơ
đều bị
vướng bẫy và rớt vào những tuyệt lộ cho chính họ tạo ra:
Lechon-Herostrates
mắc bẫy quá khứ
Ông muốn nhìn mùa xuân
Chứ không phải Ba Lan.
Thế là cứ trầm ngâm
cả đời về chiếc áo dài của một Ba Lan Cổ
Và những thói xưa…
Buồn, và cao cả phong
nhã,
Slonimski thì sao?
Kẻ nghĩ rằng thời của
lẽ phải đã điểm
Tự hiến mình cho
tương lai
Xưng tựng nó
Theo kiểu của Well,
Hoặc một kiểu nào
khác.
Khi bầu trời của Lý
Trí đỏ như máu,
Ông ta đem những năm
tháng xanh xao của mình
Cho Aeschylus…
[Tuwim] mơ những
trường ca,
Nhưng tư tưởng của
ông ta thì ước lệ, cũ mòn
"Vô tư" như âm điệu
thơ ông.
[Bằng những thứ đó,
ông muốn] choàng lên những viễn mộng của
mình,
Những viễn mộng mà
ông ngày càng cảm thấy hổ thẹn.
Từ những nhà thơ đặc
biệt, Milosz trở qua những nhóm thơ.
Nhóm tiền phong bị phế bỏ vì bị coi là thoái hoá, cuối cùng ôm lấy bóng
trăng
"nghệ thuật vị nghệ thuật", cộng thêm ý thức quốc gia hư ruỗng. Rồi
tới nhóm những nhà thơ hò theo Stalin, dửng dưng trước những tội ác của
ông
trùm đỏ, tiêu biểu là nhà thơ Lucjan Szenwald, ‘một trung uý Hồng
quân’, mặc dù
niềm tin bị xúc phạm, vẫn viết ra những vần thơ ‘tốt’:
"Thi ca chẳng mắc mớ
gì tới đạo đức,
Như Szenwald, một
trung uý Hồng quân đã chứng tỏ.
Vào lúc ở những trại
tù gulags nơi miền bắc,
Những thân xác của
một trăm dân tộc trở thành trắng hếu,
Nhà thơ ngồi viết
khúc ca dâng Mẹ Hiền Siberia,
Một trong những bài
thơ tuyệt vời bằng ngôn ngữ Ba
Lan."
Trong khi làm công
việc của một người biên niên, ghi lại
tinh thần, ở trong nó, là một chủ nghĩa hiện đại bị ức chế cố tìm cách
thể
hiện, và rồi nhận ra, chỉ là manh mún, hoặc chẳng là gì - Milosz cho
thấy sự
bối rối của chính mình, như một người đàn ông trẻ tuổi, trong khi tìm
kiếm
những thể loại mỹ học có tính thuyết phục, chỉ thấy những kiểu mẫu bất
toàn
không làm sao thỏa mãn những ham muốn của mình. Rồi thì chiến tranh
bùng nổ tại
Âu Châu, cuộc đời, và cùng với nó, nghệ thuật của ông, vĩnh viễn thay
đổi.
(còn tiếp)
Chú thích: The Waste
Land (Hoang Địa): Tập thơ của T(homas)
S(tearns) Eliot (1888-1965) ra đời vào năm 1922, nói về cảm thức bàng
hoàng của
trí thức phương Tây tỉnh mộng sau Đại Chiến 1914-18. Ảnh hưởng khắp thế
giới,
nhất là những vùng thuộc địa cũ của Âu Châu, vì giấc mộng tiến bộ khoa
học và
ngày mai tươi sáng bị ngay chính giới ưu tú của "mẫu quốc" chối bỏ.
Người ta có thể lấy năm tác phẩm này được dịch ra các ngôn ngữ khác, để
đánh
dấu sự bước vào đương đại (tức hậu hiện đại) của các dòng văn học địa
phương -
chẳng khác nào lấy dịch bản của tác phẩm Tractatus Logico-Philosophicus
(1921),
Luận Lý Triết Học Luận, của Ludwig Wittgenstein (1889-1951), triết gia
người
Áo, để đánh dấu dòng triết học mới của thế kỷ thoát khỏi những lộng
ngôn duy
tâm và siêu hình vô căn cứ.
Bách Khoa từ điển
Encarta coi Hoang Địa là một bản phân tích
tan hoang (devastating analysis) cái xã hội thời Eliot.