nqt 

Tác Giả Việt Nam














Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư:

"Tuổi trẻ đang khẳng định mình là chủ nhân của tương lai"

 Chiều 22-3 vừa qua, tại Văn phòng Chính phủ, đã diễn ra Lễ trao giải thưởng cho "10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2003". Đây là giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh các gương mặt thanh niên xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Sau lễ trao giải, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có cuộc trò chuyện sau.

 * Là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của năm, lại được trao giải vào tháng thanh niên, chị nhìn nhận thế nào về thế hệ trẻ Việt Nam nói chung?

 - Tôi ở "vùng sâu, vùng xa" ít được tiếp xúc với những vấn đề thời sự của cuộc sống trẻ, và cũng là người duy nhất thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, lĩnh vực trầm hơn tất cả. Trong lễ trao giải, tôi thực sự thấy các bạn cùng được giải trong đợt này rất năng động và đáng khâm phục vì những gì họ đã làm được, nhất là với các lĩnh vực thể thao, công nghệ thông tin... Họ đang được thử thách và khẳng định mình là chủ nhân của tương lai.

 * Sau chuyến đi này thông điệp chị mang về cho các bạn trẻ ở bán đảo Cà Mau của chị là gì?

 - Tôi hy vọng sau chuyến đi này trở về khi đặt bút viết, tôi sẽ nghĩ nhiều hơn đến những vấn đề thời sự nóng hổi của cuộc sống. Thực sự thì miền đất của chúng tôi cách xa các trung tâm quá nên thông tin rất thiếu. Ngay cả nguồn sách báo, không phải lúc nào cũng đầy đủ và dồi dào như ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Nói riêng như nguồn sách văn học, đôi khi đọc báo, thấy người ta tranh luận một vấn đề về sách nhưng chúng tôi đâu biết mặt mũi cuốn sách đó ra làm sao đâu. Tôi nghĩ là một sự thiệt thòi lớn đối với những người trẻ tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, ở sự lựa chọn nghề nghiệp, hay theo đuổi một niềm đam mê.

 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của năm 2003 được bình chọn là những điển hình thanh niên tiên tiến trên mọi lĩnh vực của xã hội. Trên lĩnh vực học tập và công nghệ thông tin có ba gương mặt trẻ là Lê Hùng Việt Bảo (học sinh lớp 11 khối phổ thông chuyên Toán - Tin, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), Nguyễn Khánh Ánh Hoàng (học sinh lớp  6 A1 Trường THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Công Kha (Công ty truyền thông Vinacom). Hai gương mặt tiêu biểu trong lĩnh vực an ninh quốc phòng là Lý A Lò (dân tộc Sán Chỉ, trạm Kiểm soát biên phòng Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh) và Nguyễn Mạnh Hùng (cảnh sát phòng chống tội phạm Công an tỉnh Nghệ An). Lĩnh vực sản xuất kinh doanh có chị Nguyễn Thị Vinh (Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Thịnh Hưng, Thái Nguyên), Bùi Văn Long (Bí thư chi đoàn thôn Thành Phú, xã Định Tường, Yên Định, Thanh Hóa).

Lĩnh vực thể thao có hai gương mặt tiêu biểu là Phạm Văn Quyến (cầu thủ bóng đá Đội tuyển U23 Việt Nam, CLB Sông Lam Nghệ An) và Nguyễn Thị Tĩnh (VĐV điền kinh). Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có duy nhất một gương mặt, đó là nhà văn nữ Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976), hiện là phóng viên tạp chí Bán đảo Cà Mau.

 * Gần đây người ta thấy Nguyễn Ngọc Tư viết truyện không còn theo "bản năng" như ngày xưa nữa, điều đó có ngoại cảnh nào tác động không vậy?

 - Tôi nghĩ đến một giai đoạn nào đó người ta cũng phải thay đổi, có lẽ đó cũng là quy luật tự nhiên thôi. Ai tự tô vẽ cho văn chương một sự mầu mè quá đáng, giả tạo thì người đọc nhận ra ngay. Ngày trước tôi là một cô bé vừa chân ướt chân ráo từ vườn rau muống của ngoại chạm chân vào tác phẩm đầu tay, còn giờ đây, đã là mẹ của một cậu con trai hơn 20 tháng tuổi rồi cơ mà. Phải có sự khác nhau chứ!

 * Hình như lần ra này chị có mang theo một món quà cho Hà Nội?

 - Đó là cuốn sách mới in Nước chảy mây trôi của Hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Thực ra đây là tập sách tôi thích vì có một nửa là phần bút ký tôi viết về những gì thân thuộc nhất chung quanh mình.

 * Chị có đọc nhiều những tác phẩm của bạn bè mình không, chị thấy nền văn học trẻ của Việt Nam hiện nay như thế nào?

 - Tôi đọc họ không nhiều, như lúc đầu tôi nói đấy, tôi chỉ được đọc qua báo chí hoặc khi họ gửi tặng. Họ viết khác tôi. Lúc viết tôi thường để ý đến nội dung câu chuyện định viết và có một ý nghĩ rằng phải để truyện đó gắn bó từ đầu đến cuối. Truyện bắt buộc phải có nội dung. Tôi không tán thành kiểu viết mà đọc lên các ý tưởng mông mênh, không rõ ràng, tôi nghĩ đó là bút ký, hoặc tản văn chứ không phải là truyện ngắn. Tôi nghĩ hiện nay văn học trẻ vẫn chưa đi theo một xu hướng nào cả. Từng cá nhân vẫn đi theo cách nhìn, cách nghĩ của họ.

 * Chị sẽ "cầm cự" để thành danh với truyện ngắn, hay cũng như những nhà văn trẻ khác, khẳng định mình ở một thể loại dài hơi, như tiểu thuyết chẳng hạn?

 - Tôi nghĩ viết tiểu thuyết phải có sự tích lũy, vốn kiến thức lớn, không đơn thuần là chuyện yêu đương, chia lìa, đau khổ... Để thành tiểu thuyết, nó phải mang được một thông điệp gì đó lớn hơn thế. Tôi chưa có dự định viết tiểu thuyết trong vài chục năm tới.

 * Cảm ơn chị.

 TRẦN HOÀNG THIÊN KIM thực hiện

Theo Thể thao và Văn hóa