*





*


*

*

*

Note: Đây là bản đăng báo Vấn Đề, số Xuân Kỷ Dậu, của cái truyện ngắn Mộ Tuyết của Gấu, viết về lần đi lấy xác thằng em ở Sóc Trăng, Ba Xuyên, Khánh Hưng [Sóc Trăng khi đó là tên phi trường, Khánh Hưng, thị xã, Ba Xuyên, tên tỉnh]
Lần đầu, chỉ có 1 mẩu, đăng trên trang VHNT Tiền Tuyền, bị ông anh TTT cảnh cáo, mục của mày, là chỉ lo chuyện đọc sách, phê bình.
Sau in trong Những Ngày Ở Sài Gòn, tập truyện, và được Gấu chọn, đại diện Gấu, trong Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta, tức Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam, nhà xb Sóng, của Nguyễn Đông Ngạc.
TV sẽ đi thêm mấy bài trong số báo Xuân Vấn Đề, như trong mục lục có ghi tên tác giả.
Cám ơn BVVC của Gấu!
NQT

Có khá nhiều dấu chỉ, hướng về Ba Xuyên, và chuyến đi xa mang xác thằng em trai về an táng nghĩa trang quân đội Gò Vấp, chuyến đi thăm Việt Nam của 1 ông Đức gốc Mít, đứa con nít bị bỏ rơi ở bên ngoài cô nhi viện của các bà xơ ở Khánh Hưng ngày nào, và có thể, còn hướng về chuyến đi xa sắp tới của Gấu!

Vậy mà vẫn hung hăng con bọ xít, vẫn không chịu buông dao đồ tể, để thành.... Gấu, đích thực Gấu, như K chúc:

Chúc anh Trụ một ngày SN thật thoải mái, không nghĩ chi về ai hết, không lo chi chuyện tây, chuyện ta gì hết , chỉ nghĩ tới mình và những bài thơ đã làm, đang làm, và sẽ làm thôi!

Tks again.

NQT

Mộ Tuyết


Ba Xuyên, lần viếng thăm hồi bắt đầu đi làm, những năm tập sự của cuộc đời gã chuyên viên kỹ thuật, ngày hai buổi, tại Ty Trung Ương, Cơ Xuởng Vô Tuyến Điện, số 11 đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn; chuyên lo việc sửa chữa, tu bổ máy móc, đồ dùng kỹ thuật từ các nơi gửi về; lâu lâu, do nhu cầu công vụ, được biệt phái tới những đài địa phương, để giúp đỡ người trưởng đài, thường chỉ là những hiệu thính viên, biết sử dụng máy móc, nhưng không biết, và cũng không có phận sự sửa chữa khi trục trặc, cần làm gấp tại chỗ, đại loại như máy nhận bỗng yếu, rè, nhiều tạp âm, khi nghe được, khi không; máy phát đột nhiên ngưng, không chịu phát tín hiệu, không biết vì lý do gì, hoặc bị cháy, nổ, cần gấp một máy khác thay thế cùng chuyên viên lắp đặt... Tất cả những công việc như thế thường chỉ mất một hai ngày làm, do đó thời gian trù tính cho mỗi chuyến đi thường trên dưới mười ngày, nhiều lắm nửa tháng. Trừ những ngày mới tới, bắt tay ngay vô việc, cặm cụi lo tìm kiếm, sửa chữa, những ngày còn lại, là để viếng thăm, làm quen thành phố. 

Một thành phố không có gì đáng nhớ (khi cố gắng muốn nhớ lại), có một người trưởng đài người loắt choắt nhưng tính tình thật niềm nở, đã lập gia đình, sau bữa ăn, hoặc khi rảnh rỗi, người chồng (người trưởng đài) ưa kể cho khách nghe, về quãng đời đã qua của mình (thời còn trẻ, những năm tháng giang hồ, những năm phục vụ trong quân đội Pháp, lý do giải ngũ, trường hợp lập gia đình...), hỏi khách tốt nghiệp đã lâu chưa, hồi còn ở Bắc quê vùng nào, khi đã tới giờ ngồi vào bàn làm việc, thường là với đài chính (Sài Gòn), hoặc khi đã hết câu chuyện để kể, hay để nói, như sực nhớ tới hiện tại, ông khuyên khách đừng đi quá xa vượt phạm vi châu thành, cười cười, khi người vợ ít nói cùng mấy đứa nhỏ đã lui vào nhà trong, nói, ở đây chỉ có những cô Mai Liên, khách phải nghĩ một hồi lâu mới hiểu chủ nhà định nói tới những cô gái nước da ngăm đen ở vùng này (1). 

Hết hai năm tập sự, đổi qua làm việc tại một đài chuyên duy trì những đường dây liên lạc quốc tế, về viễn ký, viễn ảnh, điện thoại đường dài [điện thoại viễn liên], giữa Sài Gòn và một số thủ đô trên thế giới, không còn dịp ra khỏi thành phố, quên dần những chuyến đi, những cuộc phiêu lưu vặt, lâu lâu mơ hồ nhơ nhớ về một thành phố một hai lần ghé qua, một vài ngày ở lại, những chi tiết vụn vặt không liên quan, không ăn nhập vào đâu cả, nhưng không thể rũ bỏ, (hình như) kiến trúc phảng phất nhau, khu trung tâm gồm Toà Hành Chánh, một chợ nhỏ vây quanh bởi một vài khách sạn chệt, một vài quán nước, tiệm cà phê, hủ tíu, quán bi da, banh bàn; những sáng thứ hai toàn thành phố phải đứng nghiêm chào cờ theo lệnh một chiếc loa công cộng [thời còn ông Diệm], (thành phố lúc đó có một bộ mặt trang nghiêm thật tức cười, những thực khách đang dùng điểm tâm vội vã đứng dậy, miệng còn mẩu bánh chưa kịp nuốt, dáng lúng túng của mấy bà già nghễnh ngãng chưa kịp hiểu chuyện gì đang xẩy ra), tiếng hát vọng cổ khoảng chập tối, hay trong khi chập chờn ngủ, được chiếc tây ban cầm họa theo, từ đám thanh niên tụ tập trong quán cà phê phía trước khách sạn, theo gió lọt vào căn phòng, nghe như tiếng thở than, hoặc tình tự, của linh hồn tỉnh nhỏ, thay cho lời từ biệt chẳng hề nói của cô gái lúc nãy, vội vàng rời căn phòng, chân đi đất không gây một tiếng động, như khi lén lút tới, phả hơi nóng thành phố vào tận sâu trong cơ thể người khách lạ còn trẻ tuổi, rồi sau đó lén lút rời căn phòng, thay vào đó, là một con mèo đen, không biết tới nằm trên thành cửa sổ từ lúc nào, mắt xanh biếc trong bóng tối, tiếng nước nhỏ giọt từ buồng tắm phòng kế bên, một người khách lơ đễnh không vặn chặt vòi nước, tiếng còi những chiếc xe hàng đánh thức giấc ngủ khoảng ban mai, đánh thức luôn mùi ẩm mốc hình như toát ra từ những bức tường loang lổ, từ chiếc nệm giường mục nát, vẻ tiều tụy của căn phòng thường làm dậy một nỗi trắc ẩn vô duyên cớ, một cảm giác bực bội, buồn bã không đâu... 

Trở lại Ba Xuyên khi được tin đứa em trai chết.
Tử trận.
 *

 Gia đình một mẹ, một chị, ba anh em trai. Bố làm nghề dậy học, và là hiệu trưởng trường tiểu học trong những năm Pháp thuộc, tới 1945 hoặc 1946. Bốn sinh của bốn anh chị em khác nhau, do bố bị thuyên chuyển liên tục. Đứa em trai tử trận sinh tại Gia Khánh, Ninh Bình. Nơi tử trận: một quãng sông thuộc địa phận xã Trường Khánh, tỉnh Ba Xuyên. 

Trích báo cáo một quân nhân (CLQ/BP: Chủ lực quân/Biệt phái) tử trận (chết), do Bộ chỉ huy tiểu đoàn... ngày 23 tháng 11 năm 1967:

Họ và tên:
Cấp bậc: Chuẩn Úy (CLQ).
Số quân:
Chức vụ: Trung đội trưởng.
Ngày và nơi sinh:... năm 1942, tại Gia Khánh, Ninh Bình.
Tên cha:.... (chết)
Tên mẹ:
Gia cảnh: Độc thân
Ngày chết: 23 tháng 11 năm 1967.
Trường hợp chết: Trong cuộc hành quân.... chạm súng với địch tại xã Trường Khánh, quận Long Phú, tỉnh Ba Xuyên, bị trúng đạn, tử thương lúc 10 giờ.
Ngày và nơi an táng: Được thân nhân xin thi hài về mai táng tại nghĩa trang Quân Đội, Sài Gòn, ngày 23-11-1967.
Địa chỉ cấp báo thân nhân:
KBC... ngày 23 tháng 11 năm 1967.
Đại Úy...
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn...
[Gia Khánh, Trường Khánh: Liệu chỉ là tình cờ, giữa hai địa danh, một là nơi ra đời, ở miền bắc, và một là nơi từ giã cõi đời, ở miền nam? Hai tên gọi, như hai dấu báo của một định mệnh?]
Bố mất tích đúng ngày ba mươi tết năm 1945, năm bắt đầu mọi biến động.

.... Một ngày nào tự nhiên, hay đột nhiên, anh nhớ lại, hay có cảm tưởng, là mình sẽ nhớ lại, và hiểu được những chuyện đó, anh sẽ viết [sẽ phải viết, như người ta thường nói], nghĩa là bỏ vào đống gạch ngói vụn nát đầy rong rêu cỏ dại của những năm tháng già nua cũ kỹ đã gần như trở thành vô ích mà chúng ta thường gọi là ký ức, là kỷ niệm, sự quyết tâm không để cho nó trở thành vô ích, không để cho những thú vui vật chất, mất thì giờ, có tính nhất thời lôi cuốn, những thói hư tật xấu chi phối (những cờ bạc, rượu chè, chơi bời lêu lổng, túm năm tụm ba nơi quán nước nhà hàng, những cơn buồn ngủ và sự lười biếng, trốn tránh công việc, trốn tránh sự khổ hạnh cần thiết bằng cách đọc những cuốn truyện trinh thám, gián điệp, chưởng, vừa đọc vừa tự nhủ thầm, tự an ủi, rằng cái giây phút sáng tạo thiêng liêng kia chưa tới, cần phải kiên nhẫn chờ đợi, đừng nóng nẩy, đừng vội vàng, đừng hái trái xanh, đừng ăn non, ăn gian... trong khi chờ đợi phải tập giết đời mình, giết thời giờ, bằng những đam mê... sự quyết tâm, cố gắng, nhẫn nhục chịu đựng: Bởi vì đối với những hạng ngưòi như anh, quá coi trọng chữ nghĩa hơn là đời sống, coi cái giả còn thực hơn cả cái thực, do không hiểu tại sao, nguyên nhân huyền bí hay tầm thường giản dị nào, khiến chữ này mang nghĩa này thay vì nghĩa kia, quá coi trọng đền nỗi bàng hoàng sợ hãi khi phải đối diện với nó, nghĩa là với cô đơn và sự yên lặng, quá coi trọng bởi vì coi nó như là khí giới độc nhất nhằm chống lại sức mạnh khủng khiếp của thời gian, của lãng quên và tuyệt vọng.

 Khi anh định viết những gì anh đã sống, đã trải qua, chắc là anh đã đứng tuổi, đã lập gia đình, ngoài mẹ già anh may mắn còn được gần, trong khi chị và em – đứa thứ nhì tử trận, người chị mê phong trào ở lại đất bắc, đứa út ở với bà nội đương đêm bị du kích từ bên kia sông là vùng kháng chiến, lội về làng bắt đem đi, trao cho người bác của anh, với lý do, nó còn quá nhỏ có thể vô tình chỉ chỗ ẩn náu của du kích cho Tây, [ngoài ra còn một lý do khác nữa, nhưng anh chưa tiện viết ra ở đây, có phải không?], ngoài mẹ già, già nua, tật bệnh, khốn khổ vì những bất hạnh, suốt đời chỉ hưởng một vài năm sung sướng, dễ chịu, đó là khi bố anh còn sống, chưa bị người học trò viết thiệp mời thầy đi dự tiệc tất niên nhưng thực sự là mời thầy đi mò tôm, và sau đó, sau cái ngày bố anh rời nhà ra đi, nói là sẽ về liền, bà mẹ anh đã chạy ngược chạy xuôi, lặn rừng leo núi, tới tận vùng thượng du Bắc Việt, tới tận biên giới, xuống tận vùng biển, vùng mỏ, để tìm chồng, vẫn còn nhen nhúm trong lòng một chút hy vọng, rằng người chồng vẫn còn sống, và sẽ trở về, rằng người này người nọ đã từng gặp mặt, nghe tiếng; nơi kia nơi đó đã cưu mang, chứa chấp, hoặc giam giữ, người đàn bà sau khi đã không còn hy vọng lẫn tuyệt vọng, thay vì chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm người chồng chắc là đã chết ngay từ đầu của mọi tai họa, bây giờ chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm tiền nuôi chính mình và mấy đứa con, đứa lớn nhất lên chín lên mười, đứa nhỏ nhất sáu, bẩy tuổi, trong khi mình chưa tới ba mươi, cố gắng chống trả không phải sự già yếu bệnh tật mà là sự trẻ trung, nhan sắc; không phải cái xấu mà là điều tốt (nhan sắc, tuổi trẻ, đời sống, thú vui, sự chiều chuộng, tâng bốc...), cố gắng đừng bước thêm bước nữa, cố gắng nuôi con khôn lớn nên người, hy vọng quãng đời về già sẽ bớt cô đơn, có nơi nương tựa là mấy đứa con, đứa cháu, đứa dâu, đứa rể... nhưng định mệnh tàn khốc vẫn chưa chịu ngừng nghỉ, vẫn để ý theo rõi bà từng bước, người đàn bà tuy yếu đuối nhưng bền bỉ chịu đựng, người đàn bà hồi còn trẻ đã không tha thứ hay chiều chuộng nhan sắc của mình, đã từng khóc chồng, rồi sau đó, khóc cha (ông ngoại của anh bị đấu tố vì tội địa chủ, và sau đó nhẩy xuống sông để trốn tội), khóc hai trong bốn đứa con phải bỏ lại đất bắc; đứa con gái lớn, người chị, tưởng đã đến lúc được nhờ cậy thì bị lôi cuốn vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không là con của bà, mà là con của nhân dân, đã trở thành một dân công tải đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đứa con trai út ở với bà nội bị du kích đương đêm vượt quãng sông Việt Trì, nơi chồng bà bị người học trò buộc đá vào người thả xuống, bắt qua vùng kháng chiến trao cho người bác của anh (đứa em trai út của anh lúc đó bị đau mắt hột, và trong suốt những năm tháng chạy vào nam sau đó, mẹ anh vẫn thường lo lắng, không hiểu ngoài đó thuốc thang ra sao, liệu có hết đau mắt hay bị mù...); còn hai đứa theo bà vào nam, sau khi vất vả làm đủ nghề, những ngày vừa rời bến tầu Sài Gòn, từ bán bán bánh cuốn, bún riêu cua, cháo gà, cháo vịt lòng vòng trong mấy con hẻm Chợ Vườn Chuối, tới làm chân giữ trẻ em cho những gia đình quen, hoặc không quen, tới lúc cả hai đã lớn, thằng anh đã đi làm, đã có thể nuôi được em được mẹ, tới lúc đó, bà lại phải đổ thật nhiều nước mắt, để khóc đứa con tử trận.

 Khi anh định viết về những chuyện đó, chắc là anh đã lập gia đình (đã yêu thương một người đàn bà), đã có con (đã có hai con, một trai, một gái), và như một kinh nghiệm của một nhà văn nước ngoài mà anh đã đọc và ngưỡng mộ (W. Faulkner), khi đó, bởi vì anh cần chút tiền để trả chút nợ, hay để mua cho vợ anh một chiếc áo mới nhân dịp sinh nhật, mua đôi giầy, đôi dép cho hai đứa nhỏ, chỉ vì chút nhu cầu tầm thường đó mà anh viết. Tất cả những nhu cầu nhỏ mọn chẳng liên quan gì đến văn chương, và cũng chẳng liên quan gì tới những nỗi đau khổ mà gia đình anh đã trải qua đó, đã xui khiến anh viết, đã cho anh thêm chút can đảm để bỏ một cuộc vui, một cuộc tụ tập với đám bạn bè nơi nhà hàng, quán nước (cái không khí túm năm tụm ba đó lúc nào mà chẳng toát ra một vẻ quyến rũ), đã cho anh thêm một chút sức mạnh để chống lại những giấc ngủ lết bết, chống lại sự lười biếng làm tê liệt mọi dự tính: anh sẽ viết về những gì thật nghiêm trang (những cái gì từa tựa như là là ý nghĩa về đời sống, cái chết, chiến tranh...) chỉ vì những nguyên nhân thật tầm thường giản dị, và đem tập bản thảo đi gạ bán cho một nhà xuất bản. 

Sơ Dạ Hương

(1) Mai Liên: Miên Lai