logo


Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Phỏng Vấn





Viên Linh

Văn chương tôi không phục vụ niềm vui

Thế Dũng thực hiện


vl
Viên Linh &  NQT
tại Toà Soạn Khởi Hành, Tháng Tư, 2005

Thế Dũng: Thưa anh Viên Linh, đúng vào năm 1951, chàng thiếu niên Nguyễn Nam đã bỏ Đồng Văn lên Hà Nội để học hành. Cho đến bây giờ, từ cái nhìn của một cậu ấm con nhà khá giả năm xưa, anh có thể phân biệt được sự ưu việt của việc dùi mài kinh sử ở Hà Nội so với việc học hành ở Đồng Văn thuở ấy không?

 Viên Linh: Thuở ở Đồng Văn tôi là một thiếu nhi, lúc năm, sáu tuổi đã mồ côi cha, nên học với ông nội trước tiên. Ông tôi, người ta thường gọi là Cụ Tú Đồng Văn, thi đỗ tú tài khoá chót hình như năm 1915 ở Trường Nam (Nam Định); thi xong thì Nhà nước bảo hộ dẹp bỏ chữ Nho, nên sẵn có thằng cháu mồ côi quanh quẩn bên ông lo đun nước pha trà và sai vặt, cụ mang thằng cháu ra dạy. Cụ chỉ có một người bạn là Cụ Cử Ái Niên, thỉnh thoảng từ xa vác dép trên vai tới chơi. Thuở đó tôi vừa được học chữ Nho, vừa được học lóm "phép làm thơ", là đề tài hai cụ thường nói suốt bữa trà. Tôi học ông 5, 6 năm, những câu còn nhớ cho tới bây giờ là “Đàn ông con trai không đứng trước gương chai đầu”, “Sĩ phu bách nghệ”. Mãi năm lên 8 mới được học ABC rồi đi học ở trường làng.

 Trường làng là một ngôi nhà gạch ba gian bên cạnh đình làng, trên một cái đồi nhỏ, có thầy giáo Vịnh từ làng khác tới dạy. Đầu tuần đứng trên đồi đợi thầy, thấy bóng thầy từ xa; thầy đi bộ từ làng thầy, không rõ ở đâu, tới dạy bọn nhỏ chúng tôi. Lần nào cũng thấy thầy mang một cái cặp cũ và một chai nước mắm. Còn ở Hà Nội tôi học trường Đồng Nhân, làng Đồng Nhân, ngay trong khu đền thờ Hai Bà Trưng; rồi lớp Nhất ở trường Ngô Sĩ Liên phố Hàm Long, đệ Thất ở Chu Văn An, khác nhau xa. Nhưng cũng chẳng dùi mài kinh sử gì, đọc truyện nhiều hơn. Sự việc in hằn vào đầu tôi từ khi lên Hà Nội học là ở đó học trò là người tứ chiếng, dân tứ xứ tới, mỗi cá nhân là một mục tiêu để bạn đồng môn châm chọc, chế giễu, nhiều khi độc ác đến bất nhẫn. Tôi vốn nhút nhát, nhưng được cái to con, nên hay can thiệp khi thấy chuyện bất bình.

 Thế Dũng: Tác phẩm đầu tiên anh được trả nhuận bút vào lúc anh mười bốn tuổi, đăng trên nhật báo Tiếng Dân, Hà Nội. Bây giờ, đúng năm mươi năm qua rồi, anh còn nhớ lúc đó anh ký bút danh hay tên thật dưới tác phẩm tuổi học trò ấy? Nghe nói năm muời sáu tuổi anh đã mở Hán-Việt Từ điển của Đào Duy Anh và chọn cho mình bút hiệu Viên Linh. Anh có thể tiết lộ về những cảm xúc của tuổi mười sáu dạo đó với cái bút hiệu mà anh đã dùng suốt đời? Thảo nào anh đã tìm kiếm bằng được di cảo của Đào tiên sinh...

 Viên Linh: Chuyện xảy ra quanh cái truyện ngắn đầu tiên được trả nhuận bút ấy như mới xảy ra mới đây thôi. Tôi gửi cho họ mới vài hôm đã thấy nó ở trên mặt báo, không sót một chữ. Ở cuối truyện có dòng nhắn tin như sau: “Mời ông Nguyễn Nam tới Tòa soạn Tiếng Dân trong giờ làm việc để lãnh nhuận bút 150 đồng”. Chỉ có thế, nhưng tôi đọc đi đọc lại kỹ lắm. Lúc ấy mỗi sáng tôi được phát hai đồng ăn sáng. Chủ nhật nghỉ dĩ nhiên không có hai đồng, vì ăn ở nhà. Vậy một tuần được lãnh đâu muời hai đồng. Số tiền nhuận bút 150 đồng là “lương” hơn muời tuần lễ. Hai chữ nhuận bút từ đó đối với tôi là hai chữ rất khả ái. Mặt khác, truyện tôi viết, nhân vật là đứa nhỏ (thật ra gần bằng tuổi tôi lúc đó), tôi đoán họ sẽ đăng trên trang Nhi đồng, ai ngờ họ đăng trên trang Xã hội. Điều này gây cho tôi sự tự hào ngầm (và khiến tôi vượt qua giai đoạn viết văn học sinh, đi cái một vào văn đàn người nhớn.) Truyện ngắn đầu tiên gửi đi đã được đăng ngay, và được trả nhuận bút luôn, cho nên nghề văn đến với tôi trước khi tôi biết có nghề văn.

 Khi tôi bước vào báo Tiếng Dân, chỉ thấy một ông đang thu cả hai chân lên ghế rít thuốc lào. Tôi nói lớn: “Tôi tới lãnh nhuận bút truyện ngắn Hắn của Nguyễn Nam”. Ông xua tay tíu tít: "Về bảo bố em tới lãnh mới được"; "Thưa ông bố tôi mất rồi"; “Thì bảo anh em đến lãnh, trẻ con không lãnh được, 150 đồng to lắm”; “Nhưng thưa ông, tôi viết cái truyện ngắn ấy”.

 Ông ta nhìn tôi chòng chọc: “Chú mày có chứng minh thư không?”; “Thưa, chứng minh thư chắc là thẻ học sinh?”. Tôi có cái thẻ học sinh Chu Văn An, có hình đàng hoàng. Ông ta lôi trong ngăn kéo bàn ra một cái phong bì, ngoài có đề “Monsieur Nguyễn Nam”. Tôi phải ký tên vào cái sổ là đã nhận tiền đầy đủ. Không nhìn tôi cũng biết ông ta ngắm nghía mình kỹ lắm. Ông nói: “Chú mày khá lắm. Cố lên nhé. Xem ra chú mày có triển vọng thành nhà văn đấy. Nhà văn gái mê lắm đấy”.

 Mấy ngày sau tôi đãi hơn mười đứa bạn chơi đá bóng với tôi ở bãi cát gần Viện Viễn Đông Bác Cổ ra hàng Mụ Béo bên hồ Gươm ăn đu đủ bò kho và bánh tôm. Chưa bao giờ tôi oai phong đến thế. Sau này ở Sài Gòn, tôi viết truyện ngắn gửi các báo với nhiều bút hiệu khác nhau, mục đích lấy tiền chi tiêu thay vì như các bạn cùng tuổi phải đi kèm học tư. Trên các báo Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Văn Nghệ Tiền Phong khoảng 1955-1956, có nhiều truyện ký tên Sầm Tham, Nguyễn Văn Ba, Lê Nguyên - đều là tôi. (Tôi là con thứ ba, và lúc này tôi đã yêu cô bạn học đệ Tứ lớp hè trường tư họ Lê. Còn Sầm Tham, ai yêu thơ Đường đều biết Sầm Tham.) Ký lung tung là vì truyện ngắn gửi nhật báo hay báo tuần không hẳn loại văn học nghệ thuật, viết cái vèo vài giờ một cái truyện, mình không quan tâm lắm. Với lại tôi không quí văn xuôi bằng quí thơ. Chỉ khi làm thơ tôi mới nghĩ đến chuyện phải có một bút hiệu cho ra gì.

 Tôi giở Hán-Việt Từ điển giản lược của Đào Duy Anh ra tìm một cái tên ra gì như tôi muốn. Có nghĩa là vừa khó trùng, vừa dễ nhớ, thơ đọc lên dù dở mà bút hiệu hay người ta cũng nhớ tới mình như thường. Ở trang 551 có hai chữ “viên linh”. Cụ Đào viết: “viên linh: trời, vì hình trời tròn, nên gọi là viên-linh”. Tôi chẳng muốn làm ông trời với ai bao giờ, nhưng tôi yêu nắng miền Nam, yêu nắng đến nồng nàn, nhất là phóng xe máy ào ào trên đường vắng giữa trưa Sài Gòn là điều tôi thường làm, nên tôi đã tìm thấy bút hiệu cho mình. Bút hiệu ấy đã dùng gần năm mươi năm nay.

 Thế Dũng: Thời anh học đệ Lục ở Phủ Lý với thầy Chu Thiên, anh đã có một ngày rất đáng nhớ với tác giả Bút nghiên vào mùa hè năm 1954. Thuở ấy, anh có xe đạp Peugeot nên thầy Chu Thiên đã nhờ anh đèo lên Hà Nội. Hình như trong chuyến đi đó thầy Chu Thiên đã hỏi anh: “Sao em không đi Nam?” Bấy giờ, trong mắt tác giả Bút nghiên: không đi Nam là một sự lạ? Tại sao vậy?

 Viên Linh: Hè 1954, tôi về quê Đồng Văn, nơi mẹ, chị và em gái tôi vẫn ở, chỉ có em trai Nguyễn Hữu Hiệu và tôi lên Hà Nội trọ học (anh tôi đi bộ đội ở xa). Mẹ tôi là đại lý độc quyền Muối Văn Lý (bãi bể Văn Lý, Hà Nam) ở phố Ga, Đồng Văn, nên hè thì tôi về quê. Ở nhà chán, vả lại có cái xe đạp vào loại tối tân nhất lúc ấy, Peugeot Dura (loại nhẹ, một tay nhấc cao lên được, vì bằng nhôm cứng, dura), nên tôi xuống Phủ Lý học. Phủ Lý cách Đồng Văn 11 cây số, đạp nhanh chỉ khoảng 15, 20 phút. Còn từ Đồng Văn lên Hà Nội có 48 cây số, khoảng một tiếng rưỡi vừa đi vừa ngắm cảnh. Nhưng hôm ấy thầy bảo tôi ngừng ở bến xe hàng chứ không muốn tôi chở hẳn lên Hà Nội. Trên đường từ Phủ Lý về Đồng Văn, chúng tôi nói nhiều chuyện. Đúng ra là thầy hỏi, và tôi trả lời. Sau khi hỏi han gia cảnh, thầy hỏi tôi: “Gia đình em có định đi Nam không?” Tôi đáp: “Có. Nhiều chú bác đã đi rồi”. Thầy hỏi tôi: “Bao giờ đi? Sao chưa đi?”. Cái nhìn của Thầy khiến tôi cảm thấy câu nói có một hàm ý gì đó.

 Tôi biết Thầy Chu Thiên quý tôi. Tôi từng chơi quanh bên thầy khi lớp đổi giáo sư giữa hai môn học, vì tôi hay hỏi về Việt văn. Tôi nhớ thầy rất rõ: quần áo kaki luộm thuộm bạc sờn, tóc xơ xác, đứng tựa cửa bóc sắn hay chuối ăn vào buổi trưa - ngày nào cũng thế. Thầy gầy teo, ngồi lọt thỏm trên khung ngang của cái xe đạp, giữa hai vòng tay tôi, mà không đụng tay tôi. Lúc ấy tôi đã to con lắm, 16 tuổi mà nặng 54 cân. Cô tôi vẫn gọi tôi là thằng Tạ Gạo. Câu nói của thầy không phải do lấy làm lạ, mà nghe như một câu nhắc nhở: “Sao chưa đi Nam? Hãy đi ngay, kẻo muộn.”

 Thế Dũng: Anh đã vào nhập học đệ Ngũ ở trường Chu Văn An từ ngày 26.10.1954. Trong khi đó họ hàng nhà anh đã đi Nam từ ngay sau hiệp định Genève, tháng 7.1954. Gia đình anh thì đang ở Hải Phòng chỉ chờ anh nữa để đi Nam. Rốt cuộc, anh đã rời trường Chu Văn An, rời Hà Nội để có mặt tại Sài Gòn vào đêm 25.12.1954. Cho đến nay, chưa một lần trở lại hồ Gươm. Tính đến năm 2004 là vừa tròn năm mươi năm anh xa Hà Nội. Kể từ cuộc phân ly ấy cho đến bây giờ chắc anh thấy rõ sự tàn phá cũng như sức sinh thành của những cơn bão thời thế lên số phận của mình?

 Viên Linh: Năm mươi năm giữa những cuộc phân ly của đất nước, của dân tộc, những cuộc chính biến nửa thế kỷ, bên này cũng như bên kia, sự tàn phá hẳn không tránh được, tuy nhiên tàn phá không phải là tiêu hủy. Trái lại, tôi cứng cỏi và trưởng thành lên nhiều qua những đổi thay. Tôi luôn luôn nhớ một câu thơ của Thế Lữ, và chỉ một câu thôi: Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy? Câu hỏi để tự định lại vị trí và vị thế mình sau một biến động.

 Thế Dũng: Cha anh mất từ năm 1945. Lúc ấy anh mới bẩy tuổi. Cho đến tháng 12.1954, anh phải thú thật với thầy Tạ Quang Bửu là anh phải đi Nam theo mẹ, theo gia đình (dù không muốn). Như vậy có thể nói, người mẹ (của anh) là người đã ảnh hưởng tới cuộc đời anh nhiều hơn người cha của anh ư? Có lúc anh đã viết: Anh nhớ lại từ đầu. Anh nhớ lại lúc anh ngọn tóc phất phơ, chân đi guốc mộc, trong ngõ trúc, trên đường làng. Lúc anh ngất ngây vì một giải thắt lưng màu hoa thiên lý. Một mái tóc ngang vai. Lúc mẹ dẫn anh đến trường. Lúc cha cầm roi chỉ sách. Cuộc đời anh từ đó bắt đầu. Nghe nói mộ của ông cụ hiện nay đang ở gần ga Đồng Văn. Có lần Phùng Quán đã về đó cắm nhang? Anh biết Phùng Quán là người gọi Tố Hữu bằng cậu ruột không?

 Viên Linh: Hồi sau này tôi mới biết chuyện Phùng Quán là cháu Tố Hữu. Phùng Quán về Đồng Văn, ra mộ thầy tôi thắp một nén nhang, là vì anh kết nghĩa huynh đệ với em trai tôi. Những năm 1980, từ Mỹ, Nguyễn Hữu Hiệu đã về Hà Nội thu thập tài liệu quanh vụ Nhân Văn – Giai Phẩm và giúp làm Chòi Ngắm Sóng cho Phùng Quán trên hồ Tây. Tôi có đọc nhiều thư Phùng Quán viết cho Hiệu, trong đó có nói tới những đêm thức đọc sách trong căn phòng của Hiệu ở Viện đại học Vạn Hạnh. Trước 1975 Đại đức Chơn pháp Nguyễn Hữu Hiệu là Trưởng ban Tu thư của Viện nên có căn phòng trên lầu hai của Viện ở đường Trương Minh Giảng. Phùng Quán từ Hà Nội vào đã ở trong căn phòng này của Hiệu.

 Thật không rõ tôi ảnh hưởng ai giữa cha và mẹ. Bố mất khi mình mới hơn 6 tuổi, nhưng tôi còn nhớ rõ khi bốn tuổi hơn, ông đã dẫn tôi đi cô đầu trên phố Khách; gọi phố Khách vì khu đó có nhiều cửa hàng do người Tàu làm chủ. Đồng Văn là một làng đặc biệt, chia làm hai khu bởi một con sông nhân tạo, gọi là sông Đào. Bên kia sông Đào là làng, nơi có đình làng và 99% cư dân; bên này sông Đào, chạy dọc Quốc lộ số 1 khoảng hơn 2 cây số, có đường xe lửa xuyên Việt chạy qua, có ga Đồng Văn, có chùa làng, gọi là chùa Cảnh Phúc xây từ thế kỷ XV, và khoảng 1% cư dân của làng. Nhà tôi vừa có nhà trong làng, nhà tranh, vừa có nhà ngoài phố, nhà gạch, nơi u tôi (tôi vẫn gọi mẹ bằng u) buôn gạo buôn muối (bán sỉ chứ không bán lẻ) và cũng là nơi đặt văn phòng làm việc của làng, vì thầy tôi là Lý trưởng. Khoảng năm 1943-1944, đất nước còn thanh bình lắm, từ chiều tới đêm trên phố, gần bến xe hàng, gần nhà ga, có nhà hát êm đềm vui vẻ, các cô thấy bố con tôi đều vui mừng mở rượu mở bia chiêu đãi. Các cô thường ôm tôi chứ thầy tôi rất nghiêm chỉnh, vì là ông Lý trưởng, con Cụ Tú Tiên Chỉ, tuy uống nhiều, và tom chát thì tôi không rõ sành điệu hay không, vì lúc ông đàn hát thì tôi say bia đã ngủ mất rồi. Đương nhiên là ông có làm thơ, phú, hát nói, đưa cô đầu hát. Ông chết trẻ, năm 38 tuổi, tiếc là tôi không được đọc, được nghe thơ phú của ông. Đương nhiên là hay thôi. Còn nhớ, u tôi, sau này đôi khi có nói: "Anh ấy (tức là tôi), mới 4 tuổi đã đi cô đầu và uống bia cơ đấy."

 Thế Dũng: Thỉnh thoảng trong thơ anh có những câu như

 Hỡi ôi hoang phế miếu đường
Lòng son như ngói âm dương tan tành

 hoặc:

 Các con ở tám phương trời
Nhớ cha như nhớ một người ngoài hiên.

 Nhiều bạn đọc tò mò vào gia cảnh của nhà thơ, đoán già đoán non là gia đình họ hàng nhà Viên Linh hiện nay phải phêu bạt khắp thế giới? Tôi nghĩ đó vừa như rủi lại vừa như may?

 Viên Linh: Cả hai đều đúng. Vừa rủi vừa may. Gia đình nhỏ của tôi không ảnh hưởng tới tôi mạnh bằng gia đình lớn: bố chết trẻ, mẹ goá mới khoảng ba mươi tuổi, ở vậy suốt đời nuôi năm con, mà tôi là con thứ ba. Bố chết hình như sáu, bẩy tháng thì chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ, anh cả vào bộ đội, rời nhà, dân Hà Nội tản cư về tràn ngập Đồng Văn. Mẹ và bốn chúng tôi đều còn bé, em gái út ra đời mấy ngày đã phải bế xuống hố tránh bom. (Mẹ hoài thai em ít tháng thì bố mất, em ra đời không thấy mặt bố.) Máy bay hai thân của Mỹ ném bom suýt trúng nhà tôi (vì đó là căn nhà gạch nổi bật trong khu phố dưới giữa đám nhà tranh). Chính chúng tôi phải tản cư.

 Gia đình nhỏ phân tán ở Hoa Kỳ. Tôi có làm riêng một tập thơ cho các con tôi, nhan đề là Thơ của một người cha xa vắng. Các con ở tám phương trời là nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng: tôi có tám con, bốn trai, bốn gái, và lúc này đây thì một đứa ở Thượng Hải, một đứa ở Boston, một ở Rockview, một đứa ở Charlotteville, và Las Vegas, Long Beach, Los Angeles, còn một đứa quanh đây. Các cháu đều nên người, bẩy đứa tốt nghiệp đại học, từ các chuyên khoa như MIT (về vẽ mẫu thời trang) ở New York, cổ ngữ La tinh ở Boston, quản trị kinh doanh ở Las Vegas, kiến trúc và ấn hoạ ở Charlotteville, Richmond, đồ hoạ kỹ nghệ ở Los Angeles...

 Thế Dũng: Có bao giờ số phận những người thân trong gia đình ám ảnh anh mạnh đến nỗi họ được tái hiện trong các tác phẩm của anh không? trong Hóa thân? Thị trấn miền đông? trong Mã lộ?

 Viên Linh: Số phận những người thân không xuất hiện trong tác phẩm của tôi, vì tất cả đều thành công tốt đẹp, mà sự thành công ngoài đời không có gì hấp dẫn trong một tác phẩm văn chương. Nếu các nhân vật trong thơ, trong truyện của tôi có ở trong cảnh chia tan mất mát, có thể vì tôi bị ám ảnh với những gì đã thấy trong đời, có lẽ cái máy hình trong đầu tôi khá tốt, nhìn cảnh gì cũng thu ngay đuợc vào khía cạnh sắc nét nhất. Chẳng hạn những xác chết dọc Quốc lộ số 1 năm 1945, những người chết đói năm Ất Dậu đó; chẳng hạn khi bẩy tuổi tôi đang chơi trong chùa làng - ngôi chùa Cảnh Phúc do nhị vị công chúa nhà Lê xây cất cách đây đã 500 năm - chợt nhìn thấy một bóng người bay ngang đầu mình, nhìn lên thì là một cái xác treo cổ trên cành xoan; chẳng hạn đang bơi trong hồ sen sau chùa thì thấy cái xác một hài nhi trắng bệch, trên đầu có một cái lỗ tròn như một đồng xu nhẵn thín bơi theo mình; chẳng hạn chứng kiến thầy tôi bắt một tướng cướp nhốt vào nhà giam, anh tướng cướp ôm chặt một đưá bé gái một, hai tuổi không rời, không cho nó ăn, hơn một ngày thầy tôi phải thả anh tướng cướp, vì sợ đứa bé chết đói...; chẳng hạn khi mười tám tuổi tôi bắt gặp một ông linh mục đang vén áo dòng làm tình với một phụ nữ có gương mặt thánh thiện, sáng như trăng rằm, làm tan nát lòng tin của một thanh niên vừa vào đời... Tôi thu những hình ảnh ấy vào trong tâm trí, sống mãi với những cảnh vật tang thương, giễu cợt, phỉ báng, thống khổ... Văn chương tôi không phục vụ niềm vui. Văn chương tôi đào xới sự bất hạnh, để làm gì thì tôi không thể nói. Đời tôi có nhiều người thân yêu ra đi, như cánh rừng có nhiều muông thú bị hại. Tôi sống trong mất mát của đời, tôi khóc trong đêm khuya chia ly mộng tưởng, tuy nhiên, ban ngày tôi hớn hở chào đón mọi sự gặp gỡ.

 Thế Dũng: Năm 1969 anh in năm cuốn tiểu thuyết và cưới một cô vợ trẻ hơn mình 9 tuổi. Lúc ấy chắc anh chưa biết nhà văn Tiệp Milan Kundera đã phải chạy sang Pháp tỵ nạn từ năm 1968. Rồi, ngay từ chiều ngày 19.4.1975, anh đã cùng bầu đoàn thê tử rời Sài Gòn ra đảo Phú Quốc bằng máy may. Đến đêm 29.4.1975, anh cùng hai người vợ (mang được cả bà cũ) và các con trai con gái rời đảo Phú Quốc để tới Mỹ bằng con tàu American Challenger. Gần 30 năm nay anh cũng vẫn chưa về lại Sài Gòn, thành phố thời anh viết Hóa thân?

 Viên Linh: Chưa, tôi chưa trở lại Sài Gòn lần nào từ khi bỏ đi, năm 1975. Tôi cũng chưa trở về Hà Nội lần nào từ lúc từ giã, năm 1954. Thế kỷ XX là thế kỷ của di dân, của lưu đày; cho nên sống lưu đày hiểu theo nghĩa tiêu cực là sống lưu vong, mà hiểu theo nghĩa tích cực là sống tự do. Ta - Việt Nam lưu đày, là ta - Việt Nam tự do. Người Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI không sống lưu đày là người Việt Nam sống trong nô lệ, bị áp bức, bị trị, tha hoá, sống trong môi trường của những nhân danh tập thể, quốc tế, từ Liên bang Đông Dương tới Công xã Xô Viết, trong khi hạnh phúc đời người là hạnh phúc riêng; con người khác con vật ở chỗ gìn giữ cá tính và phẩm giá mình theo truyền thống nhân cách riêng của mình, gia đình mình, và xã hội văn hiến miền đất đã nhiều đời khai phá, phát triển. Con người sống với thiên nhiên, theo tiếng chim hót, không sống trong trại tập thể, theo tiếng kẻng kim khí hay tiếng loa, tiếng đài. Tôi không thấy cần phải về khi đã học được một ý nghĩa chân lý của André Malraux: "Nơi nào có Tự do nơi ấy là Quê nhà tôi."

 Thế Dũng: Nửa thế kỷ nay anh chưa bao giờ trở lại thành phố Hà Nội, thành phố thời niên thiếu? Giả sử, bỗng nhiên bây giờ có việc khẩn thiết, bằng mọi giá phải hạ cánh ở Nội Bài, anh đã có sẵn một số điện thoại, một địa chỉ để trở lại với bằng hữu cũ của Trường Chu Văn An chưa?

 Viên Linh: Có lẽ chưa, nếu đó là số điện thoại của người thân. Có lẽ có, nếu đó là số điện thoại của một vài bạn văn học. Tôi thư từ, gặp gỡ Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từ năm 1990 khi anh từ Hà Nội qua Hoa Kỳ làm việc ở Đại học Cornell, Ithaca, New York. Anh cũng dân Phủ Lý, “nơi ăn sóng nói gió” như chữ anh dùng. Tôi vẫn liên lạc với anh. Gặp nhau tại xứ người, bên ly rượu, chúng tôi chỉ nói chuyện về các ngõ ngách Hà Nội, về vết đạn Đường Thành, tuyệt nhiên không đả động tới chính trị. Tôi cũng liên lạc bằng điện thoại, thư từ nhiều lần với cháu Phương Thảo, con gái út nhà thơ Quang Dũng.

 Thế Dũng: Có lần anh kể, năm 1963 anh sống trên một căn gác xép (nhà của mẹ ở Chí Hòa), căn gác không đủ cao nên chỉ có khoảng giữa là đứng thẳng lưng lên được. Nhiều tháng không ra khỏi nhà vì sợ bị công an của Ngô Đình Diệm lùng bắt. Thật ra họ lùng bắt Nguyễn Hữu Hiệu. Vì anh Hiệu lúc ấy là sinh viên Đại học Vạn Hạnh, đi rải truyền đơn chống Diệm, nên nếu bọn nó thấy anh chắc cũng bắt luôn thôi. Nên phải trốn trên đó khoảng ba tháng. Truyện Thị trấn miền đông được viết trong thời gian ba tháng này. Viết đi viết lại. Cho nên dạo ấy, dùng hai cái tai rất kỹ. Nghe ngóng tiếng chân ở bên dưới, biết là đàn ông hay đàn bà, đi giầy hay đi dép... Năm 1963 ấy, là năm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự tử tại Sài Gòn vào ngày 07.07, cũng chính là năm có đảo chính. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết vào tháng 11. Phải chăng anh là một người luôn luôn bị (được) ràng buộc, gắn bó với một đời sống gia đình nhiều sự cố? Điều đó mang lại cho văn nghiệp của anh nhiều may mắn hay hoạn nạn?

 Viên Linh: Tôi không nghĩ một gia đình Việt Nam như gia đình tôi là có nhiều biến cố như Dũng nghĩ. Rất bình thường thôi. Các biến cố gia đình, nếu có, không gây ảnh hưởng bao nhiêu cho văn nghiệp của tôi.

 Thế Dũng: Tập thơ Hóa thân được anh khởi viết từ lúc còn trẻ đến năm 1964 mới ra mắt tại Sài Gòn. Thời gian đó, ở miền Bắc, Hà Minh Tuân bị treo bút vì viết Vào đời. Sau đó bị đọa đày đến mức phát bệnh nhũn não. Nguyễn Dậu cho xuất bản Mở hầm và bị phê phán trù dập đến nỗi thành người lang bạt tới tận hơn 25 năm sau mới về lại Hà thành. Tại Liên Xô, cuốn Một ngày trong đời Ivan Denisovich của A. Solzhenitsyn xuất hiện. Tập thơ Thủy mộ quan, anh khởi sự từ năm 1978, ra mắt lần đầu vào năm 1982, khi anh đã bốn mươi bốn tuổi. Nay anh đang chuẩn bị cho ra đời tập thơ thứ ba, tập Âm thất. Tính từ năm 1975 ngược về năm 1960, số lượng đầu sách thơ của anh ít hơn số lượng đầu sách tiểu thuyết rất nhiều. Hồi 1962-1968, tôi đã thấy trong loạt bài viết về văn học miền Nam trong vùng tạm chiếm trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học của Viện Văn học Hà Nội (thuở giáo sư Đặng Thai Mai còn là Viện trưởng), có nhắc đến các tên tuổi như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Viên Linh, Lệ Hằng, Duyên Anh, v.v... Mãi tới 1992-1994, tôi (một độc giả vắng mặt hơi lâu của văn học miền Nam) mới được đọc Hóa thân và Thủy mộ quan. Hồi tưởng lại, anh thấy anh viết tiểu thuyết dễ dàng hơn là làm thơ hay ngược lại? Trong số ba tập thơ Hóa thân, Thủy mộ quan và Âm thất, anh tâm đắc với thi phẩm nào hơn?

 Viên Linh: Việc tôi viết truyện khó khăn hơn làm thơ là việc dĩ nhiên. Truyện là sản phẩm của tưởng tượng, cho nên ta thường thấy các nhà văn sợ trí tưởng tượng của mình quá hạn hẹp, trùng với sự thật ngoài đời, nên phải cảnh giác người đọc "nếu có sự trùng hợp ngoài đời là do sự tình cờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của tác giả." Có ai phải cảnh giác người đọc khi làm thơ đâu? Cho nên nếu văn là hư cấu, thì thơ là tình thật. Nhân vật trong tiểu thuyết là người ta, nhân vật trong thơ là ta - chính ta. Viết về cái ta khó lắm, trừ phi ta tha hoá, coi ta là người khác, làm thơ tưới sượi như phạt cỏ vét bùn, tát nước sang ao. Làm thơ theo tôi là một cách viết nhật ký, song không viết cho mình hôm nay, mà viết cho mình ở đâu đó, có khi là ở tận mai sau. Viết truyện là dựng nên, hay vẽ ra, những nhân vật điển hình của một xã hội; làm thơ là đào sâu, chôn chặt chính mình vào lòng mộ, có thể là một ngôi mộ tâm linh mà thôi. Mà đường đời thì rải rác những mồ hoang, những mồ vô chủ. Thơ ta mà có người hương lửa thì ta cũng không mong gì hơn.

 Tôi còn đang bằng lòng với Thuỷ mộ quan. Tuy nhiên Âm thất là thi phẩm tôi gửi gắm nhiều hơn nữa.

 Thế Dũng: Sau này, từ khi làm báo Khởi hành, tôi thấy anh hay viết tiểu luận, chân dung nhà Văn. Là một người có năng lực hướng nội mạnh mẽ, có khi nào anh tự lý giải tâm lý sáng tạo của mình trước hiện tượng thay đổi bút pháp và thể loại trong từng thời kỳ khác nhau?

 Viên Linh: Câu hỏi này nặng lắm, có thể viết thành một cuốn sách. Tâm lý sáng tạo của một nhà văn, nhà thơ thì vô cùng phức tạp, nhất là khi người ấy đã cầm bút năm mươi năm. Tôi lấy hai ví dụ:

 Khoảng 1960, tôi lên Ban Mê Thuột dạy học, và bắt đầu đăng thơ trên các tạp chí Sáng tạo của Mai Thảo và Thế kỷ 20 của Nguyễn Khắc Hoạch. Tờ Sáng tạo có khi dành tới sáu trang liền để đăng thơ lục bát Viên Linh. Như thế, người ta thấy thơ lục-bát-viên-linh khác với lục bát người khác. Hẳn phải có nguyên do. Trong khi ấy tôi lại gửi truyện ngắn đăng ở những báo khác. Hẳn tôi có lý do cho sự chọn lựa nơi gửi bài. Ở trường hợp đầu, tôi làm mới thơ lục bát, vì Sáng tạo là tạp chí cổ võ "đứng về phiá những cái mới." Ở trường hợp sau, tôi viết truyện mà không khổ công khai phá kỹ thuật làm văn cho lắm, viết để lấy nhuận bút, viết để viết thôi.

 Năm 1978, phong trào vượt biển gây dư luận trên thế giới, thảm cảnh biển Đông với thuyền lật, người chết, hải tặc Thái Lan tấn công thuyền nhân, hãm hiếp phụ nữ Việt, gây rúng động lòng người khắp nơi. Trong khoảng hai năm liền, mỗi sáng sớm tôi trăn trở với mấy tờ báo The Washington Post (vì lúc ấy tôi còn cư ngụ trong vùng thủ đô Hoa Kỳ, là nơi tôi tới định cư từ tháng 8.1975), và các báo Việt ngữ (báo tuần, báo tháng, Việt ngữ chưa có báo ngày), chỉ cốt đọc tin về thuyền nhân. Tôi không thể viết như cũ được nữa. Tôi không thể làm thơ như vẫn làm thơ được nữa. Tôi tự hỏi: Tổ tiên ta đã làm gì để phụ nữ Việt, con cháu Việt phải “trả nợ” đến thế? Trong dòng lịch sử nói chung, dòng giống Việt đã làm gì để người Việt, đất Việt thảm thương như thế, từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra hải ngoại?

 Tôi nghe nhiều, đọc nhiều về sự kiêu hãnh ngớ ngẩn của người cộng sản Việt, sự tự hào thảm thương của người bộ đội bác Hồ, lời nhân nghĩa của cán bộ Lý Thông khuyên nhủ người chủ đất nước Thạch Sanh..., hay chuyện hai anh em ruột Ngô Xuân Diệu - nhà thơ, vào Nam gặp Ngô Xuân Phụng - nhà báo, quân nhân Cục Tâm lý chiến, cũng là nơi tôi từng phục vụ. Phụng làm một bữa cơm có con cá nướng đãi anh. Anh không đụng đũa mà cứ ngó ra cửa. Mãi rồi hỏi em: “Sao mãi những người khác chưa đến?”. Em nói: “Có ai nữa đâu, chỉ có hai anh em mình”. Diệu tác xác: “Con cá này phải tám người ăn là ít, sao lại chỉ có tôi và chú? Chú là đại úy nguỵ, quen thói bóc lột nhân dân”, v.v... Đại khái, vô vàn chuyện như thế. Anh em trí thức xô xát, chỉ từ cái kim sợi chỉ, miếng cá hạt cơm. Tôi tìm đọc lại lịch sử dân tộc, tôi tìm đọc lại cổ tích dân gian, và tôi thấy... Và tôi "thay đổi một quan điểm sáng tác", như nhan đề bài diễn văn tôi đọc trong Đại hội Việt học ở Chicago sau đó vài năm. Năm 1982 Thuỷ mộ quan ra đời. Tập thơ này sở dĩ có là do cuộc vượt biển đó. Trong đó nói tới nhiều chuyện, từ cảnh ăn thịt người của đám thuyền nhân trên một cái bè mất hướng trên biển, tới cục đường mang vào Nam của người bộ đội man tưởng; và sự hùng dũng của vài nam nhi Việt khi ở Mỹ, trong có một nhà văn, người từng ngồi im trên thuyền chứng kiến cảnh hải tặc hiếp vợ và con gái mình... Bài thơ Chuyện vãn cùng sách cũ của tôi làm trong giai đoạn này:

 Chữ nghĩa đã hàm oan

Tâm kiệt cùng mực cạn

Ẩn mật chút men trong

Cất lòng sầu vô hạn...

 Có chiều thương bút mực

Bàn viết như mồ hoang

Yên nằm hồn lệ quỉ

Chờ ý xuống hộ tang...

 

Quỉ ơi đời giấy trắng

Chờ ngươi đã nhiều năm

Có nghe nghìn xác sóng

Tìm nhau ngoài hư không?

 
Nội dung thay đổi thì bút pháp phải thay đổi. Nội dung và bút pháp thật ra chỉ là một: nhiều khi nhà văn không ý thức được là có sự phân biệt. Thơ khẩu khí chẳng hạn. Chữ khẩu khí là nhà phê bình sau này đặt ra, chứ người thi sĩ làm thơ bộc trực, không cần phân biệt nó là khẩu khí hay tâm khí, chí khí hay não khí, thân khí hay tinh khí. Nguyễn Biểu thấy cái đầu người cầm đũa móc mắt ăn và làm thơ, chưa rõ lúc ấy ông no hay đói. Chưa rõ đó là thơ khẩu khí hay can khí, vị khí hay thực khí.

 Thế Dũng: Anh luôn cho rằng cuộc sống đến từ chốn ồn ào, nhưng cuộc sống được ngắm nhìn từ ánh sáng trong lồng ngực và trong khối óc. Anh ra đời đúng vào năm Albert Camus 25 tuổi và viết xong cuốn Ngộ nhận. Tôi đã đọc kỹ Thị trấn miền đông, cuốn sách mà anh cũng viết xong lúc anh 25 tuổi. Tôi ngạc nhiên, thấy giọng người kể chuyện trong suốt cuốn sách là một giọng lạnh lùng ảm đạm. Sau này, liên tưởng với không khí hiện sinh đầy hỏa hoạn và các cảnh tượng tâm linh trong Hóa thân tôi mới hiểu giọng người kể chuyện trong Thị trấn miền đông và tiếng nói của chủ thể trữ tình trong Hóa thân đều chịu ảnh hưởng ít nhiều giọng điệu của người kể chuyện trong Ngộ nhận và Người xa lạ của A. Camus. Chắc Albert Camus là một nhà văn đã từng có thời là thần tượng của anh?

 Viên Linh: Đây là câu hỏi số 13, rất là hên xui. Nhiều năm tôi cứ than thầm tại sao Albert Camus bị nhóm Jean-Paul Sartre mạ lị, và sống trong cô đơn. Nhưng sông Seine có hai bờ, và tả ngạn nhiều rác rưởi mà người ta vẫn thích. Như Nhĩ hà, Nhị hà, hay sông Hồng, bờ nào là bờ của phù sa, bờ nào là bờ của cặn bã thành phố? Tôi yêu Camus nhiều lắm lắm. Trong bài thơ Lầu chuông có câu thơ này:

 Em yêu Camus lạnh lùng, Đạt Ma qua biển, Ngộ Không giưã trời...

 Tôi yêu cả ba người đó. Nếu bạn bảo Ngộ Không là khỉ chứ không phải là người, thế thì con khỉ này hơn người rất xa. Nếu bạn bảo Đạt Ma là Phật chứ không phải là người, thì với tôi Camus là Phật. Camus là ý thức dũng cảm, là hùng tâm, là sĩ khí Âu Châu thời băng hoại bởi chủ nghĩa cộng sản. Ý thức về sự phải lý là ý thức thống khổ nhất hành hạ những tấm lòng yêu chuộng sự công bằng. Tôi biết những bất công khắc nghiệt của cuộc đời, những trọng vọng thô bỉ của xã hội, những vinh hoa rực rỡ của bùn lầy, làm sao tôi không yêu Camus? Các con tôi cũng biết là bố chúng yêu Camus, khi tấm hình Camus cắt từ một tờ báo ngoại quốc ra được bố chúng lồng khung kính treo trong thư phòng. Không còn hình ai khác. Làm sao bạn không ngưỡng mộ Sisyphus, ông vua xứ Corinth Ai Cập xưa, bị thần Zeus thù ghét bắt phải lăn một tảng đá lên đỉnh đồi ở Hades sau khi chết, để rồi tảng đá lại lăn xuống, và ông ta lại phải đẩy lên, cứ như thế mãi mãi. Sisyphus bị kết nhiều tội, ngoài những tội lặt vặt còn hai tội lớn: sỉ nhục Phuto và kết án thần Zeus đã bắt cóc cô con gái Aegina của thần sông Asopus. Khi thấy mất con gái cưng, thần sông Asopus đi tìm, gặp Sisyphus và hỏi, thì Sisyphus nói những gì mình thấy: "Tôi có thấy một con chim diều hâu vĩ đại cắp con gái Aegina của ông bay về phiá hải đảo". Sisyphus nghi rằng chính Zeus chủ mưu vụ bắt cóc chứ không ai khác. Zeus nổi giận, ra hình phạt như vừa nói. Vấn đề đáng kể là Sisyphus có tố gian không? Không. Đó là sự thật. Chính Zeus đã bắt cóc Aegina. Và "cuộc đời" - dù trong huyền thoại - cũng phi lý biết mấy [nữa là cuộc đời này].

 Tôi còn yêu Camus ở chỗ có cuộc sống gần gũi với mình: lúc chưa 20 tuổi Camus đã bước chân vào làng báo, làm phóng viên, rồi viết kịch, viết văn, viết về những bất công như đã xảy ra cho những người Kabyles ở Alger, sau làm chủ bút tờ báo tranh đấu nức tiếng thời Pháp bị Đức chiếm đóng: Combat, và ông lại cũng yêu nắng vô cùng. Ông yêu Alger một tình yêu nồng cháy, như có kẻ yêu Sài Gòn một tình yêu cháy nồng: "A Alger, pour qui est jeune et vivant, tout est refuge et prétexte à triomphes; la baie, le soleil, les yeux en rouge et blanc des terrasses vers la mer, les fleurs et les stades, les filles aux jambes fraiches." (L'été à Alger) Trên nữa, như Hàn lâm viện Thuỵ Điển nhận định khi trao giải Nobel Văn chương cho ông năm 1957, vì "his important literary production, which with clear-sighted earnestness illuminates the problems of the human conscience in our times." [tác phẩm văn chương quan trọng của ông, mà cùng với nó, là sự thiết tha sáng rõ, luôn soi rọi những vấn nạn của lương tâm con người trong thời đại chúng ta.]

 Viên Linh, tên thật là Nguyễn Nam, sinh năm 1938, quê ở Đồng Văn, Phủ Lý. Ngày 25.12.1954, rời Hà Nội vào Sài Gòn, và rời Sài Gòn sang Mỹ ngày 29.4.1975. Là tác giả của hơn hai mươi cuốn sách, Viên Linh là một tên tuổi khá nổi tiếng của văn học miền Nam từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Hiện đang là Chủ bút báo Khởi hành, một tờ nguyệt san văn học nghệ thuật của người Việt tại Mỹ.

© 2005 talawas