*


Chân Dung





Phan Huyền Thư muốn tới tận cùng tình yêu 

Phan Huyền Thư có tiếng trên văn đàn như người đi tiên phong trong phong trào thơ trẻ. Cô như khối ru-bích đa chiều mà mỗi mặt đều có màu sắc riêng. 

Có lẽ khi cầm bút viết những câu thơ đầu tiên trong đời, Thư chưa ý thức hết sự khó khăn của nghề viết cũng như những thử thách nghiệt ngã mà mọi người quen gọi nôm na là "trường văn trận bút". 

Con gái của đôi nghệ sĩ Phan Lạc Hoa - Thanh Hoa ngay từ nhỏ đã có xu hướng thu mình trong một cái vỏ. Vì mặc cảm, vì những ám ảnh vô thức: mình không giống ai, cảm giác cô đơn hành hạ cô ngay từ thời ấy.

Thú vui viết lách đến tự nhiên khi con người có nhu cầu soi mói nội tâm của chính mình. Hoàn toàn chưa có gánh nặng của sự nổi tiếng, niềm đam mê viết lách với Thư chỉ đơn giản là cuộc trò chuyện với một Phan Huyền Thư khác. Những áp lực phải "lên gân", phải "cao ngạo", "mạnh mẽ" chính là cái vỏ để cô khoác lên sự yếu đuối của mình trước cuộc sống.

Ngoài 20 tuổi, cô gái có đôi mắt đẹp luôn mở to phát hiện ra rằng: "Viết là nỗi sống buồn của tôi". 

Thơ và truyện của Thư lúc nào cũng lồ lộ một người đàn bà khao khát yêu đương. Đó là người đàn bà đầy sức sống, lúc nào cũng "ngọ nguậy", cũng quẫy đạp để thoát ra khỏi sự tẻ nhạt, đơn điệu của cuộc sống.

 Nhưng không phải lúc nào Thư cũng thắng được sự tẻ nhạt, cũng có khi cô phải thỏa hiệp. "Nhớ ai gầm gào trong cổ họng/ Rồi cười mỉa mai rúc mặt vào đám đông", nhưng cũng không bao giờ cam phận: "Ngủi vùi trong anh/ Nhịp tim còn lảnh lót/ Đòi gỡ/đòi buộc/đòi tỉnh dậy/đòi/do dự/miên man".

 Phan Huyền Thư viết kịch chưa bao giờ xuất phát từ ý thức của một nghệ sĩ. Cô trăn trở, đau xót trước những điều trông thấy, dằn vặt, loay hoay trong quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Tại sao?"

 Trong tình yêu, Thư là người mâu thuẫn: "Yêu không được đánh mất mình/ Chỉ ăn cắp người ta". Cô muốn đi đến tận cùng nhưng sự thông minh luôn làm cho cô tỉnh đúng lúc: "Con chuồn chuồn lửng lơ/nhớ mưa trên rào thưa mỏi cánh". Cái khổ của Thư là yêu gì cũng mãnh liệt, cũng toàn tâm toàn ý.

 Vẻ bề ngoài của Thư giống mẹ như đúc, nhưng mang nguyên vẹn tính cách của bố. Bây giờ đủ lông đủ cánh để thoát khỏi cái bóng của bố mẹ, cô gần như thay đổi hoàn toàn. Cô bao dung hơn, có trách nhiệm hơn và gần gũi với mẹ hơn.

 Thư viết bằng bản năng và vẫn để những tham vọng và cảm xúc dẫn dắt khi sáng tạo. Dường như chỉ khi nào đối mặt với trang giấy, cô mới thực sự sống hết mình. Và khi Thư thành thực nhất, thành thực đến mức không tự chủ được, những tác phẩm hay nhất lại bắt đầu.

 (Theo Văn Hóa Thông Tin)
VN_Express