*

PHỎNG VẤN



Phỏng Vấn Phan Huyền Thư
Phim "Thế hệ @" của nhà biên kịch trẻ Phan Huyền Thư:

"Mong muốn được vẽ chân dung chính thế hệ mình"

 Nhiều vấn đề bức xúc nhất của thanh niên hiện nay sẽ được đề cập trong bộ phim tài liệu đang quay: "Thế hệ @".

Một thế hệ thanh niên trong thời đại mới, chịu ảnh hưởng của khoa học công nghệ thông tin, thế hệ @ này được khắc hoạ thông qua một xâu chuỗi  những nhân vật điển hình có thật trong cuộc sống. Nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu của cả nước sẽ góp tiếng nói và hình ảnh trong bức tranh nhiều chân dung thế hệ @ này. Bên cạnh những lớp người @ thành đạt, bộ phim phản ánh những cảnh đối lập của một lớp thanh niên có lối sống buông thả, trụy lạc. Qua đó, bộ phim sẽ đem đến một cái nhìn mới mẻ, thẳng thắn và khách quan về một thế hệ đang manh nha của thời hiện đại. Trong phim, những ca khúc nổi tiếng của "Bức tường", ban nhạc rock số 1 của VN được chọn làm nhạc nền. "Thế hệ @" là kịch bản đầu tiên được  duyệt ở cấp quốc gia của nhà thơ, nhà biên kịch trẻ Phan Huyền Thư. Dự kiến, bộ phim sẽ hoàn thành cuối năm nay. 

 ´ Cái tên "Thế hệ @" nghe rất thời thượng! Xin chị cho  biết ý tưởng viết kịch bản về đề tài này bắt đầu từ đâu? 

- Nhân đọc trên mạng Internet thấy có một diễn đàn mang tên "Thế hệ @", tôi nảy ra ý định muốn xây dựng một bộ phim nói về vấn đề chung của thanh niên trong thời đại mới. Đằng sau chữ @ là cả một thế giới ảo, một thế giới hoà đồng và có sự liên  kết vô cùng, vô tận. Thế hệ @ là thế hệ thanh niên khẳng định được mình trong thời đại khoa học công nghệ thông tin! Viết về thế hệ của mình, vấn đề của chính mình, chắc không phải là một ý tưởng tồi! Với tôi, đó là điều may mắn, cũng là điều khó khăn!

 - 32 tuổi, chị là một @ của thời hiện đại. Theo chị, vấn đề đó đáng quan tâm nhất của thế hệ mình là gì?

 - Là ý tưởng sống! Thế hệ @ sinh ra và lớn lên sau thời kỳ chiến tranh, có quá nhiều thuận lợi và đầy đủ, song đôi  khi lại rơi vào những bế tắc cá nhân. Sự nôn nóng trong việc khẳng định mình sẽ dễ dàng dẫn họ tới chỗ suy thoái về nhân sinh. Để lựa chọn con đường sống đúng đắn cho mình, các @ sẽ phải chủ động suy nghĩ  tự lý giải và hành động! Trong đoạn cuối kịch bản, tôi đặt một dấu hỏi "Ai sẽ là người thực hiện ý tưởng "tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" nếu không phải chính những thanh niên thuộc thế hệ @"? 

 ´ Là một nhà biên kịch, chị có điều gì luyến tiếc khi kịch bản phải chỉnh sửa nhiều lần?

 - Tôi chưa giỏi nghề đến mức không bao giờ phải sửa sang gì! Tôi cho rằng sửa kịch bản theo góp ý, yêu cầu của hội đồng nghệ thuật, hội đồng duyệt kịch bản là một biểu hiện chuyên nghiệp và lành mạnh. Tôi muốn được làm một nhà biên kịch chuyên nghiệp! Với "Thế hệ @", quá trình sửa chữa sẽ giúp tôi nhìn nhận một lần nữa thế hệ của chính mình, và qua đó, tự kiểm nghiệm lại nhận thức của bản thân.

  ´ Chị mong muốn điều gì ở khán giả sau khi bộ phim được công chiếu?

 - Tôi chỉ là người cung cấp ý tưởng, chất liệu là của cuộc sống, phim là của đạo diễn. Một kịch bản tài liệu khó lòng có thể coi là một tác phẩm độc lập, trừ khi tôi gửi chúng tới toà soạn báo và in dưới dạng bút ký, phóng sự. Tôi mong là đạo diễn hiểu vấn đề của kịch bản tôi đưa ra như chính bản thân tôi hiểu về nó! Thật là khó nhưng chỉ có như vậy tôi mới hy vọng khán giả hiểu những gì mà tôi muốn nói...

  Xin cảm ơn chị.

 Phạm Huyền thực hiện