gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

PHỎNG VẤN

.

Chủ nhật, 14/12/2003, 08:00 GMT+7

Dịch giả Thanh Vân và tác phẩm đoạt giải Nobel 2003

 
Chị là người có công đưa 'Ruồng bỏ' đến VN trước khi tác phẩm được Viện Hàn lâm Thuỵ Điển trao giải. Thế nhưng ít ai ngờ 'lưng vốn' mà Thanh Vân thu lượm lại chủ yếu ở các trung tâm tiếng Anh buổi tối lúc chị đã 39 tuổi và thoạt tiên chỉ để phục vụ công việc kiểm định chất lượng của một kỹ sư nông nghiệp.

 - Nghị sĩ Gerald Kaufman, Chủ tịch Uỷ ban giải thưởng, nhận xét: "Ruồng bỏ là câu chuyện ngụ ngôn về kỷ nguyên sau chế độ apartheid. Nó là cuốn tiểu thuyết được viết hay nhất, kết cấu đẹp nhất...". Với xuất phát điểm như vậy, chị có cho rằng bản dịch của mình đã lột tả được tinh thần "tín, đạt, nhã" của nguyên tác?

 
- Tôi dịch Ruồng bỏ chủ yếu vào buổi tối, trong 2 tháng. Không nhanh! Nhưng cố gắng làm thật cẩn thận, bám sát nguyên tác, quan tâm đến từng chú thích nhỏ vì sợ độc giả bị vấp. Và cũng vì tôi quan niệm dịch tác phẩm không đơn thuần chỉ là cung cấp một cốt truyện mà phải giúp người đọc thu nhận thêm một cái gì đó về văn hóa, lối sống của đất nước khác.

 Kỹ càng thế nhưng lần tái bản tới, tôi cũng vẫn phải sửa lại một từ trong một câu ở trang 60. Bản dịch cũ là Thời của ông đã hết, Casanova. Vì không tìm hiểu được nghĩa của từ Casanova nên tôi đã để nguyên văn bản gốc của từ. Lần tái bản này, nhờ bạn bè và qua tìm hiểu thêm, tôi mới biết Casanova là một nhân vật có thật (1725-1798) ở Italy, nổi tiếng phiêu lưu, có tới 500 tình nhân, rất phóng đãng và vô lương tâm. Và thế là tôi đề nghị làm chú thích 3 dòng ở trang 60. Nhưng như vậy có nghĩa là phải dàn lại trang và sửa cả bản can. Về mặt kinh tế thì... khá tốn kém. Nhà xuất bản không chịu. Rốt cuộc, tôi đành sửa là Thời của mi đã hết, thằng Sở khanh. Câu này diễn đạt đúng về ngữ nghĩa nhưng lại không truyền tải được cái thần của nguyên tác. Còn thời điểm phát hành sách, cũng vì một chữ Casanova mà bị chậm lại 2 tuần.

 - Thế nhưng về cách dịch nhan đề tác phẩm (Disgrace), thậm chí đã có cả một hội thảo tranh cãi. Nhưng lần tái bản này, chị và Nhà xuất bản vẫn giữ nguyên. Tại sao vậy?

 - Nhân vật chính, giáo sư đại học Cape Town 52 tuổi David Lurie, bị buộc tội quấy rối tình dục nữ sinh Melanie. Xấu hổ, ông từ bỏ thành phố để đến trang trại hẻo lánh của cô con gái Lucy... Thế nhưng, ở đây hai cha con cũng không được yên ổn... Đoạn cuối truyện, ngay con chó mà David Lurie yêu quý cũng rời bỏ ông. Nhiều ý kiến cho rằng nên sửa thành Điếm nhục, Ô nhục, Thất sủng hoặc Bẽ bàng vì nghĩa Ruồng bỏ hơi hẹp. Nhưng theo cảm nhận của tôi, nhan đề Ruồng bỏ vẫn phù hợp với tư tưởng, nội dung cốt truyện.

 - Nhuận bút NXB Phụ Nữ trả cho chị thế nào?

 - Nhuận bút bản dịch chưa đến 3 triệu đồng. Lần tái bản này, tôi không biết sẽ in bao nhiêu bản và nhuận bút bao nhiêu. Nhưng cái thích nhất là được làm việc với một Nhà xuất bản làm ăn nghiêm túc, nhạy bén. Tất nhiên ai chẳng muốn kiếm tiền. Song thôi thì, cứ coi như một... ham thích lành mạnh.

 - Chị từng dịch "Hồi ức của một geisha" (gây scandal giữa tác giả Arthur Golden với nguyên mẫu) đứng đầu top best - seller của thế giới năm 1997. Tại sao chị quyết định dịch tác phẩm đó?

 - Tiêu chí của tôi là chọn dịch những tác phẩm thật sự có tính văn học. Có người bảo tôi dịch sách tử vi, bói toán với giá cao nhưng tôi đã từ chối. Hồi ức của một geisha kể cuộc đời của một kỹ nữ lừng danh nước Nhật. Xuất thân là một cô gái làng chài nghèo khổ, nhờ sắc đẹp (nhất là đôi mắt lạ lùng màu xám xanh) và trí thông minh, cô đã trở thành một geisha nổi tiếng ở Kyoto. Tác phẩm giới thiệu tỉ mỉ về một thứ nghệ thuật đặc trưng của Nhật Bản bằng văn phong tinh tế, và còn cho thấy khung cảnh nước Nhật trong suốt một giai đoạn lịch sử, trước và sau Thế chiến II. Đó là lý do chủ yếu để tôi chọn dịch. 

 - Khoảng chục năm lại đây, khi giải Nobel được trao cho Gunter Grass, Cao Hành Kiện, nhiều người ham đọc đã sợ rằng cái giải thưởng đầy uy tín này sẽ trở nên xa lạ và khó hiểu. Còn bản thân chị, chị nghĩ thế nào về những chuyển động của văn học thế giới hôm nay?

 - Tony Morison(1995), rồi mới đây là Coetzee cho thấy nỗi lo sợ đó là hão huyền. Ruồng bỏ rất đáng đọc. Nhiều ý kiến cho rằng nó là một tự vấn trằn trọc của một trí thức trung thực. Coetzee có lối kể tuyến tính minh bạch (rõ ràng là cổ điển nếu so với Tony Morison và Cao Hành Kiện). Như vậy, ngoài sự lạ, cấu trúc khó và những đối thoại khó nắm bắt thì sự dễ đọc, trong sáng vẫn được đánh giá cao.

 - Chị có định tạo một chỗ đứng cho dòng văn học châu Phi trên thị trường sách VN đang nở rộ văn học Trung Hoa?

 - Hiện, tôi có trong tay 5 tác phẩm của Coetzee. Tôi đang dịch tiểu thuyết Cuộc đời và thời đại của Michael K, tác phẩm đoạt giải Booker 1983 (sau Ruồng bỏ). Không hề có bóng dáng tình yêu, Cuộc sống và thời đại của Michael K vẫn là một tiểu thuyết hấp dẫn về thời nội chiến.

 - Tự nhận mình là kẻ ngoại đạo, chị có nghĩ mình sẽ... qua mặt các "đấng", "bậc" trong làng văn?

 
- Đây là lần đầu tiên tôi dịch tác phẩm của một nhà văn Nam Phi. Tôi không "bỏ qua" được Ruồng bỏ cũng vì niềm kính nể tác giả của nó, người đầu tiên và duy nhất đến nay trên thế giới hai lần giành Booker. Tôi là người ngoại đạo, không chuyên về ngôn ngữ, chẳng may tác phẩm tôi dịch được giải Nobel. Tôi cũng không nghĩ sẽ dịch nhiều hay tạo danh tiếng cho mình mà đơn giản vì mê văn phong giản dị, cấu trúc đơn giản, ngắn, súc tích, cô đọng của Coetzee.

 Trích VN-Express