*

Phỏng Vấn






Nữ Thiên Tài
(Le génie féminin)


George Steiner, trong bài viết về Simone Weil (Thánh Simone-Simone Weil) cho rằng, thế kỷ 20 có ba vị nữ lưu kiệt xuất, làø Simone Weil, Hannah Arendt, và Simone de Beauvoir.
Julia Kristeva lại cho rằng, ba vị nữ lưu đánh dấu thế kỷ của chúng ta là Hannah Arendt, Melanie Klein và Colette.

Nhưng G. Steiner và J. Kristeva là những ai? Những phán đoán của họ có đáng tin cậy hay không?
G. Steiner là người đầu tiên tại Phương Tây khai sáng hai phân khoa cho đại học, văn chương so sánh (comparative literature), và dịch thuật học (translation studies), tại Thụy Sĩ.

[Ngữ học thế kỷ 20 có hai trung tâm quan trọng, một là Trung tâm Ngữ học Hình thái (formalism), của Nga, và hai là Trung tâm Ngữ học Praha, ở Tiệp. Cả hai đều do một đại biểu kiệt xuất, Roman Jakobson, là vận động chính. Ở Nga, thời kỳ sau Lênin (sau 1924), và ở Praha, sau khi Hitler lên cầm quyền (1933), những cải cách này đã không được hỗ trợ. Lúc đó, ở Thụy Sĩ (nhờ là một nước trung lập về chính trị), và ở London (nhờ truyền thống đón nhận những trí thức tị nạn chính trị, trốn tránh Quốc Xã), đã thành hình Trung tâm Ngữ Học Geneva, với Fernidand de Saussure, là vị tị tổ khai sáng ngành ngữ học đại cương, với tác phẩm Cours de Linguistique Générale, giảng dậy trong những năm 1907-1911, được hai môn đệ ghi lại và xuất bản vào năm 1915. Ludwig Wittgenstein (1889-1951, triết gia Áo), bỏ Vienne qua học Cambridge, được coi như tinh thần khai sáng môn triết học phân tích, mà cốt lõi là suy nghiệm về ngữ học. Trường phái cơ cấu luận ở Pháp với những tác giả như Roland Barthes, là cũng từ lò Saussure mà ra].
G. Steiner sinh tại Paris, vào năm 1929. Cha mẹ người thành Vienne, gốc Do Thái. Steiner qua Mỹ vào năm 1940. Tốt nghiệp Cử Nhân (B.A.) đại học Chicago, Cao Học (M.A.), Harvard, và Tiến Sĩ (D. Phil.), Oxford; tại đây, khi soạn luận án tiến sĩ, bản văn đầu tiên của ông đã bị [mấy ông thầy] loại bỏ, vì quá gần gụi với một môn học mà Oxford không giảng dậy những ngày đó: văn chương so sánh.
Ông dậy tại nhiều đại học Mỹ, như Stanford, Đại Học New York (NYU), và Princeton, nhưng Anh Quốc và Thụy Sĩ mới là những khung cảnh chính trong sự nghiệp giảng dậy ở đại học của ông (the main settings of his academic career). Tại đại học Geneva, ông giữ chức giáo sư môn văn chương so sánh cho tới khi ông nghỉ hưu. Tại đại học Cambridge, ông giữ chức vị được phong suốt đời là Nghiên Cứu Sinh (Người Bạn Khác Thường, Extraordinary Fellow) của Học viện Churchill. Ông hiện đảm nhận những khóa giảng ngắn ngày tại nhiều đại học Ý, và ở Geneva.
Danh sách tác phẩm của G. Steiner thật dài. Trong đó bao gồm phê bình văn chương, triết học, và văn hóa: Tolstoy hay là Dostoevsky (1959), Cái Chết của Bi Kịch (1961), Ngôn Ngữ và Câm Lặng (1967), Ngoại Địa (Extraterritorial 1971), Trong Lâu Đài Yêu Tinh Râu Xanh (In Bluebeard's Castle, 1971), Lực Trường (Fields of Force): (kỳ thủ) Fischer và Spassky tại Reykjavik (1973), Sau Babel (After Babel, 1975, ấn bản sửa chữa, 1992). Về Sự Khó Khăn và Những Tiểu Luận Khác (On Difficulty and Other Essays, 1978), Martin Heidegger (1978), Antigones (1984), George Steiner: Độc Bản (A Reader 1984), và Những Hiện Diện Thực (Real Presences (1989). Thêm vào đó, là ba tác phẩm thuộc loại giả tưởng: Năm của Chúa (Anno Domini): Ba Truyện Ngắn (1964), tiểu thuyết Chuyến di chuyển A.H. (Hitler) tới San Cristoba, The Portage to San Cristobal of A.H. (1981), Chứng Cứ và Ba Dụ Ngôn (Proofs and Three Parables, 1993). Ông phụ trách biên tập (cùng với Robert Fagles) Homer: Tuyển Tập những Tiểu Luận Phê Bình (1962), và Cuốn Sách Thơ Dịch Hiện Đại của nhà xb Penguin (1966). Những tác phẩm mới nhất của ông gồm một tuyển tập giả tưởng: The Deeps of the Sea (Biển Sâu, nhà xb Faber&Faber, 1995), Mê Đắm Chẳng Hoài (No Passion Spent, tuyển tập tiểu luận, nhà xb Yale University, 1996), và Đính Chính (Errata), một dạng hồi ký.
Chính vì kinh lịch đa dạng, sở học bao la, cho nên thật khó mà khép ông vào bất cứ một phạm trù hiện thời nào, như văn học, trí thức, hay văn hóa. Dịch thuật được ông quan tâm suốt sự nghiệp, nó đưa ra một ẩn dụ đẹp nhất, về việc làm của ông: dịch thuật theo nghĩa vượt biên giới, biên cương; và băng từ môn này qua môn khác.
G. Steiner cho rằng, tại những xứ sở mà nền kinh tế gặp nguy cơ, thể chế chính trị tồi tệ, khi đó chủ nghĩa xi-níc (cynism) sẽ thắng thế, và cùng với nó là huỷ diệt. Và một khi bạo lực [làm] tổn thương con người, nó [cũng làm] tổn thương ngôn ngữ. Theo nghĩa đó, ngôn ngữ Đức không thể "thơ ngây vô tội" trước những điều ghê gớm tởm lợm của chủ nghĩa Nazi. Ông tự hỏi:
"Thi sĩ phải thôi đi sao? Trong một thời đại mà con người bị khiến phải thổi kèn đồng [hãy nhớ những dòng thơ xưng tụng Stalin của Tố Hữu, chẳng hạn], hoặc tru tréo nỗi khổ đau của mình như sâu bọ, như lũ chuột, tiếng nói văn chương, thứ tiếng mang tính người nhất trong tất cả mọi thứ: liệu có còn được không?"
(Should the poet cease? In a time when men are made to pipe or squeak their sufferings like beetles and mice, is literate speech, of all things the most human, still possible?)
*
Julia Kristeva là một nhà ngữ học, phân tâm học, nữ tiểu thuyết gia, giáo sư đại học. Sinh tại Bulgarie năm 1941, sống tại Pháp từ năm 1965. Tiến sĩ văn chương năm 1974. Một trong những thành viên chủ chốt của tờ văn học Pháp Tel Quel. Phụ trách về nghiên cứu tại trung tâm CNRS của Pháp. Giáo sư ngữ học đại học Paris VII năm 1974. Giáo sư thường trực (Visiting Proffesor) tại đại học Columbia ở New York.
Những tác phẩm của bà: Những người đàn bà Trung Quốc (nhà xb Des Femmes, 1974); Ngôn ngữ, kẻ xa lạ (nhà xb Points, 1981); Những Chuyện Tình (Denoel và Folio,1985); Mặt Trời Đen, Suy Sụp, và Buồn Nản (Soleil Noir, Dépression et Mélancholie, nhà xb Gallimard, 1987); Kiếm Sĩ (Les Samourais, tiểu thuyết, Fayard, 1996); Sở Hữu (Tiểu thuyết, Fayard, 1980); Phản Kháng: Nghĩa và Vô Nghĩa (Sens et Non-sens de la Révolte, Fayard, 1996).
Sau đây là chuyển ngữ bài phỏng vấn J. Kristeva, do Ariane Poulantzas thực hiện cho tạp chí văn học Pháp, Đọc (Lire, số tháng Sáu, 1999), nhân dịp bà cho ra mắt tác phẩm "Nữ Thiên Tài. Hannah Arendt." (412 trang, nhà xb Fayard, 140 F).

Nếu thật sự chú ý, người nghe có thể có một chút xíu hoài nghi, qua giọng nói thánh thót, nhưng chính sự làm chủ tiếng Pháp cho thấy: đây là một người đến từ đâu đó; Julia Kristeva nói tiếng Pháp như trong những cuốn sách.

"Tôi thì ôm đồm" (Je suis polyvalente), bà nói. Đúng như vậy, chính trị, phân tâm học, văn chương, món nào bà cũng quan tâm. Nhưng vượt lên tất cả, tư tưởng mới là đam mê lớn của bà. Đây là một người đàn bà yêu suy nghĩ, và biết chia sẻ tình yêu này với người khác.


Người Phỏng vấn: Bà rời Bulgarie cuối năm 1965; truờng hợp của bà cho thấy, đây là một hội nhập thành công.
Julia Kristeva: Thực sự mà nói, vài năm nay, tôi có cảm tưởng nước Pháp đang sa lầy. Tôi còn có ý muốn rời nó, bởi vì tôi nhận thấy tình trạng bài ngoại khá phổ biến, bản thân tôi như bị chĩa mũi dùi. Tôi không còn thoải mái trong một nước Pháp mà tôi yêu mến, và đã thừa nhận tôi.
-Bà tính đi đâu?
-Tôi muốn lưu vong qua Canada. Tôi sẽ chọn vùng nói tiếng Pháp, Quebec, như vậy dễ xoay xở hơn. Nhưng sau cùng, là lại ôm thêm một quốc gia khác, chua xót cũng chẳng kém. Chủ nghĩa quốc gia Quebec, do quá sướt mướt vì một âu lo "căn cước quốc gia", cho nên ngày càng đi tới ngõ cụt, trở thành địa phương. Thế là tôi quyết định ở lại Pháp, nhưng cố đóng trụ những suy tưởng của tôi vào trong cõi thực (le réel). Phải trực diện với những âu lo của mình cũng như của những người khác.
-Những "âu lo" mà bà "trực diện"?
-Vài năm nay, tôi đưa ra những khóa trình (cours) về kinh nghiệm phản kháng (l’expérience de la "révolte"), vừa mang tính chính trị vừa văn hóa. Tôi tự hỏi, thế nào là "văn chương phản kháng" – Aragon, Sartre, Barthes; và do đâu mà kinh nghiệm tư vấn (l’expérience du divan) lại làm bật ra bạo động tái sinh (violence résurrectionnnelle).
-Bà nghĩ rằng phân tâm học tạo nên một hình thức bạo động?
-Vâng. Người ta thường có ý nghĩ, phân tâm học là môn chữa trị, làm cho con người trở lại bình thường (une cure de normalisation). Chuyện ở đâu đâu; ở Mỹ, chắc vậy; nó chẳng mắc mớ gì tới tư tưởng của Freud.
-Freud là một [con người] phản kháng?
-Thì chính ông ta nói ra điều này. Theo nghĩa, phản kháng là một tra hỏi. Nó đặt lại câu hỏi, về điều mà người tưởng là "định mệnh" (destin), và chuyển hóa những xung năng (pulsions) thành ý nghĩa. Ý niệm phản kháng nằm ngay trung tâm tư tưởng của Freud. Một đứa trẻ cơ cấu hoá (structurer) nhân cách của nó, bằng một quá trình những phản kháng cực kỳ dữ dội. Mặc cảm Oedipe là một chứng minh hùng hồn. Vả chăng, chính những sinh viên đã khiến tôi xuất bản những suy tưởng trên.
-Bà đã sử dụng cùng một phương pháp như vậy, với cuốn Nữ Thiên Tài?
-Cũng vẫn những khóa giảng của tôi tại đại học ở Paris VII đã cho tôi chất liệu. Trong hai năm, tôi sống với Hannah Arendt. Sau hết, Melanie Klein: tôi lại khám phá ra bà, và đây là hình tượng thứ nhì; hình tượng thứ ba là [nữ văn sĩ người Pháp] Colette. Công việc của tôi xoáy vào tư tưởng và văn chương – văn chương như là một cực-tư tưởng (une pensée extrême). Nghiên cứu của tôi luôn luôn ở lưng chừng, giữa những tác phẩm văn hóa và quan sát bệnh lý.
-Bà dùng từ "thiên tài" theo nghĩa nào?
-Thiên tài qui chiếu (renvoyer) về ý tưởng kinh ngạc, làm mới. Nó nghịch lại với sự tầm phào, làm như máy (automisation: tự động hóa).
-Tại sao bà đặc biệt để ý tới thiên tài nữ?
-Chúng tôi là một phần của nhân loại, và mặc dù chẳng thiếu những cá nhân tiến bộ, vẫn chẳng được biết tới, và chưa được trao cho [những cơ hội để phát triển] tất cả những tiềm năng của mình. Nhưng, tôi muốn tách ra khỏi cái viễn ảnh "đàn đúm" (une vision grégaire) của chủ nghĩa nữ quyền, một viễn ảnh mang tính quần tụ, cộng đồng. Với tôi, tính đặc biệt (la "singuliarité") mới đáng kể. Điều tôi quan tâm, trong "đám chị em chúng tôi", đó là tính đặc biệt của mỗi người. Mỗi là một (Chacune est une). Tất cả những người đàn bà là một.
-Tại sao chọn Hannah Arendt, Melanie Klein và Colette?
-Tôi là nhà ngữ học, phân tâm học và nữ tiểu thuyết gia; nhưng đam mê cuốn hút tôi, là quan sát thế kỷ 20. Và tôi quyết định nhắm vào những người đàn bà của thế kỷ: những người soi sáng nó, mỗi người một cách khác nhau. Hãy bắt đầu bằng sắc thái chính trị; chọn lựa của tôi dừng lại với Hannah Arendt. Bà có một cái nhìn cực kỳ đa dạng, trộn lẫn chính trị và triết học. Tư tưởng của bà đóng trụ trong triết học, chuyển qua chính trị, rồi lại trở về triết học.
-Còn Melanie Klein?
-Miền đất của Melanie Klein, phân tâm học, vào lúc này cũng là nơi tôi đang đắm mình vô. Tư tưởng của bà thật can đảm, mới mẻ. Những cái nhìn của bà tách ra khỏi của Freud và mở ra những viễn tượng mới, như nghiên cứu về những "psychoses", "autisme", về huỷ diệt tư tưởng, là trung tâm của ngành bệnh lý hiện đại.
-Còn Colette?
-Ngoài đề tài về chủ nghĩa toàn trị được mổ xẻ bởi Hannah Arendt; sự điên khùng, bởi Melanie Klein; thế kỷ 20 còn là thế kỷ của khoái lạc, niềm vui, và sống cho ra sống (bien-être). Bên cạnh hai người đàn bà Do Thái, thật bi thương, tôi cần một người đàn bà nhà quê Pháp, một hình tượng nhục cảm, nghịch đạo (paienne), và hớn hở. Colette là đúng điệu. Tôi rất mê nhà văn này. Khi viết tiểu thuyết, tôi đọc bà. Ngôn từ của bà giống như một nguồn nước mát tắm đẫm tôi. Tôi cũng nhận ra, Proust chắc chắn đã đọc Dialogues de bêtes (1904), cuốn này vén màn bí mật về một "cái tôi sâu thẳm" mà Proust sau đó đã theo đuổi.
-Họ có gặp nhau không?
-Họ gặp gỡ tại phòng trà văn học (salon) của bà Armand. Liên hệ của họ lúc thoạt đầu thật căng thẳng. Tuy nhiên, ngay từ năm 1895, Proust đã đưa ra nhận xét, những từ của Willy (tức là của Colette) không phải là một sự trình diễn (une "représentation"), nhưng là một sự vật sống (une "chose vivante"); và sau đó, ông thú nhận, đã khóc ròng khi đọc lá thư của Mitsou. Colette, lúc đầu "ngó xuống" chàng văn nhân trẻ, đẹp trai, nhưng ngày một "xiêu xiêu", trước tác giả Du côté de chez Swann, và cảm thấy mình choáng ngợp (éblouie), bởi những trang mở đầu cuốn Sodome et Gomorrhe. Nhưng họ ít gặp nhau; và những dục cảm của họ (leurs sensualités), do sự đọc chồng tréùo, được diễn tả bằng những âm nhạc khác nhau.
-Ở Proust, dục cảm rất trí tuệ. Với Colette, là dục cảm thuần khiết. Liệu có thể nói: cách viết của Proust rất đàn ông, còn của Collete, rất đàn bà?
-Proust "siêu" ở chỗ, đã dựng nên cả một ngôi nhà thờ thực sự, cho một "thời gian như có dây tơ" (temps sensible); một ngôi nhà thờ mà ông chia sẻ với Colette. Trong khi đó, những chiếc bánh "madeleines" và những cây gai "aubépines", ở Proust, ngay lập tức hóa thân, nhập vào Hữu Thể (Être). Tham vọng siêu hình này là độc nhất vô nhị. Nó rong ruổi, tay trong tay, với sự thờ phụng "thú đau thương" (le culte de la douleur), và điều không thể, vô vọng (l’impossible), chúng đưa tới sự mỉa mai cay độc của Proust. Nỗi sợ chết, sợ "bị thiến": liệu đây là "rất ư đàn ông"? Những chiều hướng như vậy, không có ở Colette, nhưng bà cứ thế dấn sâu vào công cuộc khai phá một "cõi vui".
-Bà có nghĩ rằng, tư tưởng có mùi, đực hoặc cái (que la pensée soit sexuée)?
-Tôi khởi đi, từ nguyên lý, có sự khác biệt giới tính, nhưng tôi không định nghĩa liền lập tức những hậu quả của nó, đối với tư tưởng. Cuộc thách đố mà cuốn sách đưa ra, là: không một thiên kiến, về bất cứ thứ gì, tôi cứ thế khai phá, tìm tòi (enquêter), trong khi tra hỏi công việc làm của ba phụ nữ trên. Trên mặt phẳng triết học, [là tra hỏi về cái] "nous" [có dấu "ngã" trên mẫu tự "u"], một từ Hy Lạp, dùng để chỉ tinh thần, ở trong dạng trí thức và lý thuyết: cái này thì đồng đều ở cả đàn ông và đàn bà. Sự trừu tượng hóa, ý nghĩa, khả năng biểu tượng, là phổ cập. Đàn ông đàn bà đều tiếp cận đồng đều như nhau.
-Đồng đều, nhưng không đồng nhất?
Julia Kristeva: Phân tâm học nhận ra sự đồng hiện diện giới tính/tư tưởng (la co-présence sexualité/pensée): con người tiếp cận hiện hữu và ngôn ngữ, từ một kinh nghiệm giới tính, tới một điểm mà những biến cố (accidents) do kinh nghiệm giới tính, có thể ưu đãi hoặc cản trở tư tưởng, hoặc ngôn ngữ của con người. Cảnh chia ly, nỗi bực rọc, sự thiếu nhớ, niềm tang tóc một đối tượng mẹ (objet maternel); mối quan hệ với giới tính cha (sexe paternel) - người ta coi đây là quan hệ "đực tính" (phallus-signifiant), của quyền lực và luật pháp -… chúng đánh dấu con đường tiếp cận khả năng biểu tượng phổ cập. Từ đó, người ta hiểu ra một điều, người phụ nữ, bằng cấu tạo vật lý, bằng mối liên hệ "rồi ra, mình cũng giống như mẹ của mình", bằng phát triển "dâm tính" (évolution érotique), bị đẩy tới tình cảnh: từ bỏ (abandonner) người mẹ-phụ nữ, như món đồ dành cho tình yêu cổ xưa (comme objet d’un amour archaique), và ao ước tình yêu của người đàn ông-cha; tương quan với tư tưởng phổ cập của người phụ nữ bị căng thẳng, do năng lực sinh lý-tâm lý khác biệt với của người đàn ông. Như một hậu quả, người ta nhận ra rằng, có những dấu vết của sự khác biệt, trong những thành tựu văn hóa của phụ nữ, trong địa hạt tư tưởng, và đặc biệt, trong những ngành nghệ thuật và văn học. Tuy nhiên, sự phổ cập, do truyền thống siêu hình mà có được, tiến triển bằng cách xóa bỏ thân xác và sự khác biệt, và bập bềnh (basculer), từ tính phổ cập (l’universalité) tới tính đồng dạng (l’uniformité). Những khuynh hướng siêu hình đưa tới tính đồng dạng thì rất mạnh. Chúng còn được nhắc nhở, dẫn dắt bởi kỹ thuật và chính trị. Trong nhiều thế hệ nối tiếp nhau, người phụ nữ, nếu muốn cho người ta nghe được tiếng nói của mình, là phải "nhập gia tùy tục", nghĩa là phải làm theo đúng, điều gọi là "người ta sao, mi phải vậy". Nhưng, giả sử ưu đãi những khác biệt, biết đâu người ta chẳng có được một quan hệ giống đực/giống cái như bây giờ: vừa khác, vừa bổ sung cho nhau?
-Những câu hỏi lý thuyết, thì đàn ông cũng như đàn bà, nhưng phải chăng, mỗi giống đề cập mỗi cách đặc biệt?
-Đúng là tôi muốn nhấn mạnh ý tưởng này. Một vài nhà nữ quyền của thập niên 1970, do lo đòi hỏi "phụ nữ vùng lên", hay "phụ nữ bình đẳng" với nam giới, đã giam cầm nữ tính vào trong sự nhạy cảm (le sensible), vào trong một thứ tiền-ngôn ngữ (prélangage), tất cả những hoạt động tâm thần khác bị coi như là "đực tính" (phallique) hay "nam tính" (masculine). Tôi đối nghịch với một sự giản trừ như vậy. Một phụ nữ là một chủ thể suy tư nói nên lời (un sujet pensant et parlant), và từ sự kiện này – Hannah Arendt là một thí dụ tuyệt vời ở đây – người nữ tham dự bằng sức mạnh vào những cuộc tranh luận mang tính phổ cập về triết học hay về chính trị. Rõ ràng là, kinh nghiệm phụ nữ làm nổi bật một cách khác biệt, tư tưởng của bà.
-Bà đã viết về Hannah Arendt: "Quyến rũ, nhất là khi bà suy nghĩ; đầy những điều làm cho người ta chẳng thể nào đoán ra được, đâu là đực đâu là cái."
-Một vài tấm hình của bà làm tôi ngỡ ngàng. Tôi cho rằng, sự quyến rũ của bà, nhất là ở Heidegger, là trộn lẫn một "dáng liễu" (une grace fragile) và một cao ngạo, quyền uy, mà người ta coi là nam tính. Chất lưỡng tính này ngày càng tăng trưởng, và nó trở thành "bắt buộc" từ đó, bà có thể sống "một cuộc sống tinh thần", là cuộc đời của chính bà, cùng lúc, bà đòi hỏi những người đồng thời phải chấp nhận nó như vậy.
-Vậy là bà đề ra: một lý thuyết, về phía đàn ông, và một "cảm tính mời mọc" (la sensibilité accueillante), về phía đàn bà?
-Không hẳn như vậy. Như Freud, tôi cho rằng lưỡng tính tâm lý tạo nên con người (la bisexualité psychique constitue les êtres humains). Và điều này mãnh liệt ở đàn bà, hơn là ở đàn ông. Sự chiêm ngưỡng lý thuyết, tính trừu tượng, tinh thần hệ thống… tỏ ra có nhiều đực tính (phalliques) một cách thật đặc biệt, sự thực là như vậy. Nhưng có những lý thuyết nhiều niềm nở đón chào, hơn là "đòi hỏi, vùng lên", những lý thuyết mời chia sẻ hơn là muốn cô quạnh. Tư tưởng của Hannah Arendt, như tôi cố gắng trình bầy, nhấn mạnh nhiều về tình yêu, sự sinh (la naissance), mối liên hệ, sự tha thứ, và lời hứa.
-Liệu có một "nữ tính" trong tư tưởng chính trị của Arendt?
-Tôi không đặt câu hỏi bằng những từ như vậy, mà là tự hỏi đâu là tính đặc thù của tư tưởng đó. Tôi nhấn mạnh sự kiện, bà là người đầu tiên nhìn ra những đồng dạng giữa hai bộ mặt của chủ nghĩa toàn trị: Chủ nghĩa Nazi và chủ nghĩa Stalin. Điều làm hai hệ thống sáp lại nhau, đó là "tri và hành mớ người thừa" (la notion et la pratique d’une superfluité de la vie humaine): những con người tự cho mình quyền làm thịt những người khác. Một nghiên cứu nguyên thuỷ như vậy, là từ tư tưởng Cơ Đốc, và sự quan trọng [được] sinh ra đời, đặc biệt ở trong tác phẩm của thánh Augustin. Bằng quan hệ, tuy thân thiết nhưng có tính phê phán, với Heidegger, Hannah Arendt đã chuyển hóa tư tưởng trên qua bình diện chính trị, với sự bạo dạn và tinh tế. Thánh Augustin chứng tỏ, bằng cách nào tự do của con người bám rễ trong sự kiện: được sinh ra đời. Mọi hành động tự do là một lần sinh mới. (Tout acte de liberté est une nouvelle naissance). Anrendt tìm kiếm giá trị của một xã hội qua khả năng của nó: làm sao bảo đảm sự tái sinh của những thành viên của nó. Đó chính là điều chủ nghĩa toàn trị đã bãi bỏ (abolir). Người ta có thể nhận ra trong nghiên cứu của Hannah Arendt, một vận động trí thức, nó thêm những dữ kiện về kinh nghiệm Do thái và phụ nữ cho tính phổ cập của tư tưởng, trên bình diện lý thuyết.
-Luận án nổi tiếng của Arendt, ‘sự  tầm phào của cái ác" (la banalité du mal), đã gây ra nhiều tranh luận.
-Arendt dùng cụm từ này trong vụ án xử Eichmann, mà bà đã được phái tới, theo lời yêu cầu của bà, khi là phóng viên của tờ The New Yorker. Bà nhận xét, Eichmann không phải là một tên đao phủ sa đích, mà chỉ là một công chức tin rằng mình làm tròn một bổn phận. Trong khi hoàn thành một sự vâng lời [cấp trên] như vậy, ông ta ngừng suy nghĩ. Ông ta hài lòng thực thi một hình thức suy luận: theo đúng những lời chỉ dẫn, và thật chính xác trong khi áp dụng. Nhưng ông ta tự ngăn cấm, chính mình, suy nghĩ. Suy nghĩ theo nghĩa tra hỏi, đặt vấn đề như chính nó là, với mọi chuẩn mức. Bà gọi "sự dung tục của cái ác": [thái độ] từ bỏ tư tưởng, thật đê tiện (theo nghĩa này: không thể tha thứ), thật tràn lan (theo nghĩa này: dung tục, tầm phào).
-Người ta có thể chê trách Arendt, qua nghiên cứu trên, là đã "tha Tào", bào chữa cho thái độ của Eichmann. Theo bà, đây có phải là một trường hợp "tha Tào"?
-Tuyệt đối không phải. Với bà, ông ta có tội. Trừng phạt ông ta là thích đáng, nhưng không chỉ như vậy. Bà cho rằng phải đẩy sự trừng phạt lên một nấc cao hơn, trước một toà án quốc tế, vì tội ác chống lại nhân loại. Vấn đề không phải là tha Tào, mà là phải chứng tỏ: chuyện nghiêm trọng đã xẩy ra, khi con người ngưng suy nghĩ (le plus grave se produit quand les êtres humains s’arrêtent de penser). Đây chính là điều mà những chế độ toàn trị tẩm thấm vào toàn thể dân chúng. Qua tuyên truyền, công an cảnh sát, ý thức hệ, tất cả những thân phận con người được thâu gom lại, cốt sao cho nó đừng suy nghĩ nữa! Dần dà, một tiến trình như thế nẩy nở, con người sau cùng chấm dứt đời mình, sau khi đã chấm dứt suy nghĩ (sau khi đã huỷ diệt tư tưởng). Với Arendt, thái độ của Eichmann chẳng có gì là ác, nhưng nó thực sự xấu xa, dưới cái vỏ bề ngoài, là sự dung tục.
-Ngoài ba phụ nữ trên, bà có tính nghiên cứu thêm những phụ nữ khác?
-Từ vài năm nay, tôi có dự tính viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám, mà khung cảnh là cuộc chiến thập tự quân. Đêm đêm là tôi nhẹ nhàng lôi nó ra. Tôi quan tâm tới thời đại thập tự quân, bởi chính vào thời điểm này, Âu Châu bị nứt rạn giữa Nhà thờ Đông phương và Nhà thờ Tây phương; cuộc chiến chữ thập lần thứ nhất, là một toan tính chiến thắng Đông phương, bởi Tây phương, nhưng còn là toan tính thống nhất Âu Châu, nhưng cả hai đều thất bại. Đó là thế kỷ VI: quá gần gũi với "thực tại", đầy "thời sự tính", phải không? Bằng cách nào chúng ta sống với "hố thẳm" chia cách cộng đồng chính thống với phần còn lại của Âu Châu? Phải tái thẩm định văn hóa của họ, cũng như của chúng ta, và cố gắng xây dựng những cây cầu giữa những tôn giáo, rồi thế tục hóa. Tôi muốn đưa ra một giả tưởng (tiểu thuyết) xoay quanh những vấn đề trên.
Ariane Poulantzas thực hiện cho báo văn học Pháp "Lire" (Đọc).
Jennifer Tran chuyển ngữ.