PHỎNG VẤN
|
"Làm cho văn chương trở thành điếm đàng là
một
tội ác chống lại nhân loại".
Andrei Makine
Jennifer Tran dịch, và giới
thiệu.
Trên VHNT, bạn đọc đã làm quen nhà văn Nga,
Andrei
Makine qua "Chuyện Tình", tóm tắt bài điểm cuốn "Di Chúc
Pháp", của T. Tolstaya, trên tờ Điểm sách New York, khi cuốn này được
dịch
qua tiếng Anh với cái tên "Những Giấc mơ Mùa hè Nga của tôi"; và qua
bài "Tây Phương Vẫy Gọi", viết về cuốn "Sông Tình Một Thuở"
của ông.
Sau đây là chuyển ngữ bài
phỏng vấn Andrei Makine,
trên tờ báo Pháp, Đọc (Lire), số 292 tháng Hai, 2001, nhân dịp xuất bản
cuốn
sách mới nhất của ông: "Nhạc Đời" (La musique d’une vie, nhà xuất bản
Seuil, Pháp, 128 trang, giá 79 frcs).
*
Một miền thơ ấu, Sibérie, và
những âm vang từ quần đảo
ngục tù Gulag, từ cuộc chiến. Một người đàn bà Pháp đã nuôi dưỡng những
giấc mơ
mùa hè của đứa cháu bằng món ăn tinh thần là văn hóa Pháp.
Và bây giờ, nước Pháp là nơi
ông chọn lựa tiếng nói
văn chương, và quê hương thứ nhì, tức chốn dung thân. Còn nước Nga, ông
chỉ có
thể dùng trí tưởng để nối lại mối tương thông với những linh hồn, và
những sinh
vật.
Rời Nga, tới Paris vào năm
1987, tạm trú một thời gian
tại một căn hầm ở Père-Lachaise, viết những cuốn tiểu thuyết bằng tiếng
Pháp mà
ông phải tạo ra những nguyên bản ma, bằng tiếng Nga, bởi vì không một
nhà xuất
bản nào cho rằng một tên "moujik" lại có thể viết thẳng bằng tiếng
Tây!
Cuốn tiểu thuyết thứ tư, "Di
Chúc Pháp", đã
đưa ông lên đài danh vọng, chiếm luôn ba giải thưởng: Goncourt,
Médicis, và
Goncourt của những học sinh.
"Nhạc Đời", cuốn tiểu thuyết
mới nhất của
ông, là câu chuyện, kể trong đêm, tại một ga xe lửa, của một người đàn
ông đã
xế chiều, tại làm sao, trong buổi trình diễn âm nhạc ra mắt đầu tiên,
của một
nhạc sĩ dương cầm trẻ tuổi là mình ngày nào, ông đã phải chạy trốn
Moscou vào
tháng Năm 1941, về trú ẩn ở Ukraine, bằng căn cước của một người lính
đã chết.
Bằng cách nào ông sống, lúc nào cũng sợ hãi lộ căn cước thực. Bằng cách
nào ông
được cứu thoát nhờ một người đàn bà, tại một nghĩa địa chìm trong
tuyết, và
bằng cách nào ông trở lại Moscou, tìm cách gặp lại bạn bè, và giở nắp
chiếc
dương cầm như mở nắp một chiếc áo quan. Đây là câu chuyện của một con
người, bị
buộc phải trở thành một kẻ khác và chính mình. Và đây cũng là câu
chuyện của
mọi người, ở đây hay ở bất cứ đâu, ngày xửa ngày xưa hay ngày nảy ngày
ngay,
thì cũng vậy, đâu chỉ của thế kỷ đọa đầy…
Andrei Makine sinh ngày 10
tháng Chín, 1957, tại
Krasnoiark (Sibérie). Tuổi thơ của ông là miền không gian rộng lớn của
vùng đất
hoang sơ bạt ngàn này, những tập tục, những con người của nó, trong có
cả những
dân "tạm cư": những tù nhân của quần đảo Gulag. Những tác phẩm của
ông gồm có: "Con gái vị anh hùng Liên bang Xô viết" (nhà xuất bản
Folio, 1990), "Lời thú tội của người cầm cờ thất sủng" (nhà xb Folio,
1992), "Một thuở sông tình" (1994, Folio), "Di chúc Pháp"
(1995, Folio), "Tội ác của Olga Arbélina" (1998, Folio), "Kinh
cầu cho phương Đông" (nhà xb Mercure de France, 2000).
Cathérine Argand (người
phỏng vấn).
*
Cathérine Argand: Có vẻ như ông ít giao du
và cũng
thật kín tiếng.
Andrei Makine: Văn minh Nga
là một nền văn minh câm.
Chắc chắn, nó liên quan tới chính thống giáo, vốn dựa trên lời thú tội
hơn là
trên bản văn. Bà, và những người như bà thuộc về một nền văn hoá ưa
tranh luận,
thích bàn bạc, một nền văn hoá ngay từ thuở thoạt đầu đã tính chuyện
làm sao
làm chủ thế giới. Sớm sủa hơn, trước thánh Thomas d’Aquin rất nhiều,
những tiền
nhân của bà đã tạo nền móng tình cảm tông giáo qua những giáo điều,
kinh sách,
nhất là những câu của Pierre Lombard ở thế kỷ 12. Chúng tôi, những
người chính
thống giáo, chúng tôi thuộc về một nền văn hoá mang tính thơ ca, dựa
vào trực
giác, mẫn cảm; nó không dựa trên truyền thông (la communication) nhưng
mà là
tương thông mang tính bản thể học (la communion ontologique). Tại Nga,
điều
đáng nói không phải là truyền đi những ý niệm (idées), mà là cùng chia
sẻ,
thông cảm những lý tưởng (idéaux). Hành đạo trong câm lặng. Chính vì
vậy văn
học Nga được trao cho một sứ mạng đặc thù là phải nói lên tâm linh câm
lặng
kia, của chính thống giáo. Ở Nga, mỗi khi người ta viết, là muốn nói
một điều
chi thật là quan trọng, một điều chi vượt lên sự câm lặng, tạo mối
tương thông
giữa những linh hồn, những tâm tư và những con người. Lý tưởng của tiểu
thuyết,
đó là người ta không thể nói gì về nó. Chỉ một khi nhập vô, ở đó bằng
chiêm
ngưỡng, và thấy mình được chuyển hóa. Người Nga viết, không phải để lay
động
không khí, hay gồng mình lên bằng bút pháp.
-Ông nói tới linh hồn (âme),
một từ ít được dùng với
những người Pháp đương thời.
-Có thể là do đã lâu lắm
rồi, tôi không được dùng từ
đó. Quan niệm về linh hồn đã bị khai trừ ở Nga, thời kỳ Xô viết. Giống
như quan
niệm về nhân ái, chém chết thì cũng là những từ của đám trưởng giả. Tôi
yêu từ
đó, từ "linh hồn", bởi vì nó thoát ra khỏi những nhãn hiệu mang tính
xã hội, chuyên nghiệp, sắc tộc. Những nhãn hiệu chỉ để dùng vào mỗi một
việc:
giản lược người khác thành một chức năng có ích cho mình, từ đó, có thể
lợi
dụng được. Vả chăng, đây là câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của tôi,
về một
con người không có phẩm chất, quá ư bình thường, do đời sống đưa đẩy,
đã rũ bỏ
được những gì xã hội áp đặt lên anh ta, coi đó như là những mẫu thức.
Đây là
một linh hồn trần trụi dưới bầu trời…
-Nói một cách khác, đây là
tự do hiện hữu?
-Kể từ Jean-Paul Sartre, vấn
nạn hiện sinh trở thành
một mảnh đất khai thác cho văn chương Pháp. Những nhân vật không ngừng
chọn
lựa, hoặc làm điều này, hoặc điều kia. Có một cái gì mang tính giả tạo
ở đó,
một cách chơi trội, chơi trò định mệnh, ít ra là vậy; bởi vì mấy ông cỡ
chừng
bốn mươi, lúc nào cũng phàn nàn về nỗi đau sinh tồn, họ vẫn có thể thay
đổi
cuộc đời của họ. Họ biến đen đúa thành mỹ học, ve vuốt những địa ngục
nho nhỏ,
như những khoảnh vườn nho nhỏ theo kiểu Pháp. Tôi, tôi chỉ để ý đến
những thời
đại mà số mệnh đè bạn ra, dí dao vào cổ bạn, bắt phải chọn lựa. Đó là
một khi,
tất cả là nguy nàn, là chết người: mạng sống của những người thân, tự
do của
bạn. Một khi mà bạn đem chính cuộc đời mình ra để mà "chơi", và chẳng
có một giây để mà ngần ngừ. Trong cuốn tiểu thuyết của tôi, Alexei Berg
là một
anh chàng trẻ tuổi sẵn sàng yên vị trong một thế giới với những công
kia việc
nọ của nó. Anh là một nhạc sĩ được chế độ đãi ngộ, và chẳng nghi ngờ
chi, anh
sẽ làm nở mày nở mặt giai cấp của anh, người yêu của anh, khi kết hôn
với Léra.
Nhưng số mệnh, từ một xó xỉnh ở trong cuộc thanh trừng của Staline, nhô
ra, và
đẩy anh ta qua một con đường khác. Đối với tôi, đây là một kinh nghiệm
bi đát
thứ thiệt: được giải phóng bởi cuộc sống và những thảm kịch xã hội của
nó,
những giáo điều, những lối nói giập vùi chúng ta và đôi khi giết chết
chúng ta.
Bị đẩy vào một cuộc tìm kiếm siêu hình, và cùng với cuộc tìm kiếm siêu
hình
này, cõi riêng của mình mở ra với vũ trụ và cái chết.
-Từ những năm tháng dưới
thời Staline, ông vẽ ra một
bức tranh mới lạ: nhân vật của ông không chính diện (héros) không phản
diện
(anti-héros), mà là một bóng ma…
-Vụ án mang tính lịch sử, ý
thức hệ về những năm tháng
đó, kể như xong; nhưng văn chương còn những điều để nói về tính cực
đoan của
chế độ đó, về ý chí của nó: giản trừ con người thành chức năng. Chỉ nội
cái tên
không thôi là đủ chết. Dứt khoát như vậy. Thí dụ như Alexei, tên anh ta
thuộc
thành phần MFTP (Thành viên trong một gia đình Phản bội Tổ quốc: Membre
de la
Famille Traitre à la Patrie), thế là bị tống vào tù. Chức năng của từ
ngữ, khi
mang tính giản lược, đã trở thành một chức năng giết người. Để vượt
khỏi cái
khung từ ngữ mà xã hội áp đặt lên anh ta, anh ta phải đẩy sự phản kháng
tới tận
cùng: chạy trốn căn cước thật, rồi sau đó, chạy trốn căn cước giả của
mình.
Trái với những cư dân của quần đảo Gulag mà sự hiện hữu của họ đã được
nhìn
nhận, được thông báo, Alexei Berg là một kẻ không có quyền hiện hữu,
không có
quyền được nhắc tới tên. Như một cựu binh nằm trên tờ báo Pravda, trong
phòng
đợi giá băng tại một ga xe lửa thuộc vùng Sibérie ở đầu cuốn tiểu
thuyết, anh
ta không hiện hữu. Đem lời nói tới cho những con người như vậy, cho
những bóng
ma của một cuộc đời bình thường bị giam cứng vào trong những vùng u
tối, làm
cho họ hiện hữu, đối với tôi, đây là một thách đố văn chương.
-Qua những nhân vật đó, là
quan niệm của ông về
"Con người Xô viết" (Homo Sovieticus) mà ông muốn xét lại?
-Vâng, từ "Con người Xô
viết" là do
Alexandre Zinoviev đặt ra, và nó cũng mang tính giản lược khủng khiếp.
Như thể
những con người Xô viết chỉ là một khối lượng không rõ nét, ít nhiều
mang tính
nô lệ, và thêm nữa, được ấn định sẵn. Tôi muốn làm bật ra từ cái khối
đó, những
nhân vật sống. Đây là chức năng của một nhà văn theo nghĩa của tôi: chỉ
cho
thấy, vượt qua đám nạn nhân, hay những kẻ khù khờ, vẫn có những kẻ nổi
loạn, và
những con người khoái chí vì vai trò đao phủ của mình. Trước khi cái
thời kỳ
lớn lao đó khép lại, chỉ còn một chút xíu thời gian để nói rằng, mọi
chuyện
không đơn giản như bề ngoài nó có vẻ như vậy.
-Liệu văn chương đã được đặt
đúng chỗ để làm điều này?
-Cho tới lúc này, chúng ta
có một tiền đề (thèse):
"chủ nghĩa cộng sản là hy vọng của thế giới". Mới đây thôi, chúng ta
có phản đề, đại khái như sau: "chủ nghĩa Nazi, chủ nghĩa Staline: cùng
ghê
gớm tởm lợm như nhau". Bây giờ, chỉ có văn chương là có thể làm được
hợp
đề (synthèse), tránh công thức hóa vội vàng, tổng quát hóa lạm dụng.
Không có
vấn đề nghịch lý ở đây. Những con người cứ khơi khơi bị bắt. Một người
thợ sơ ý
dùng một tờ báo có hình Staline để gói một con cá mòi, thế là lãnh mười
năm.
Những binh sĩ bị xử bắn, miệng hô lớn: "Staline muôn năm!". Cũng thời
gian đó, Mikhail Boulgakov, tác giả "Ông chủ và Margarita", lợi dụng
được tính độ lượng của Staline, vốn khoái một trong những vở kịch của
ông,
"Những ngày ở Tourbine", và xem đi xem lại chừng mười lần, mặc dù đây
là một vở kịch chống xô viết một cách thật rõ rệt. Đến nỗi vào đúng lúc
những
đợt thanh trừng trở nên tệ hại, nhà văn viết thư cho Staline, chỉ để
yêu cầu
ông ta tống mình đi lưu vong, "Tôi chống lại tất cả mọi cuộc cách mạng,
tôi chỉ hò theo Cuộc Tiến Hoá lớn" ("Je suis contre toutes les
révolutions, je suis pour la grande Évolution"); Staline, ngược ngạo
với
tất cả mọi thứ lôgic ở trên đời, cho phép nhà văn ngồi lại vào cái ghế
của ông
ta ở trong ngành kịch nghệ…
-Trong tất cả những cuốn
sách của ông, lịch sử lớn kêu
ầm ầm. Có bao giờ ông mong muốn: hãy câm đi, những tiếng giầy bốt?
-Không ai tự mình hiện hữu.
-Như vậy ông muốn tới đâu?
-Ngay từ cuốn tiểu thuyết
đầu tay, điều gây hứng khởi
ở nơi tôi, đó là ý muốn chống lại những điều hiển nhiên mang tính thuần
lý;
chúng cầm tù chúng ta bằng những định nghĩa do xã hội khai triển, và áp
đặt.
-Mong ước giải cấu trúc
(déconstruire)?
-Không, ngược lại! Điều tôi
tìm kiếm, đó là tính toàn
thể (l’intégralité) của con người. Tư tưởng Tây phương từ những thập
niên sau
này, cứ hết coi "tất cả là xã hội", rồi "tất cả là do
Freud", rồi "tất cả là chính trị", và bây giờ "tất cả là do
sex, hay do sinh lý". Tôi muốn đi quá những lối nói đó, chúng luôn gây
rủi
ro: tạo ra một con người-quỉ, khi chấp nhận một lối nhìn phiến diện.
Con người
là một tất cả (un tout), và văn chương không đến nỗi giả, ảo… như là
người ta
tưởng.
-Nghĩa là thế nào?
-Khởi từ những nhân vật, nó
tạo nên những lề thói cư
xử, những thái độ, thậm chí còn tạo ra những mẫu người, chúng dần dần
tạo nên
vóc dáng xã hội. Người đọc ảnh hưởng bởi sự đọc, bởi cách quan niệm thế
giới mà
nhà văn dâng hiến cho họ. Cuối cùng họ tái sản xuất, điều mà họ đọc.
Ngày nay,
tiểu thuyết Pháp bị ngập lụt tinh khí và phân người. Dần dần, người đọc
đưa ra
viễn ảnh thế giới, viễn ảnh của họ… Tôi chẳng thể nào coi là "nghiêm
túc", nỗi đau khổ của những nhân vật như thế này: họ rên rỉ vì không
thể
làm tình hơn mười lần trong một tháng. Khi tôi mô tả chiến trường, nơi
mà
Alexei tìm kiếm một người lính tử trận mà anh ta có thể mượn được căn
cước của
người đó, tôi nói tới những thân xác thối rữa và rên rỉ, và đây không
phải là
nghệ thuật vị nghệ thuật. Tại chiến trường, không phải mùi máu lấn lướt
đâu, bà
biết mùi gì không?
-Ơ hơ, không…
-Mùi phân, mùi từ bụng người
toác hoác toát ra.
-Nói một cách trắng trợn,
đúng là chuyện cứt đái.
-Tôi cố ý không dùng từ này,
cho một dự tính như vậy.
Bởi vì không tôi tin rằng, nói toạc móng heo, như người ta đang trắng
trợn nói
bây giờ, là phải cách. Ngày xưa tiếng Pháp có từng tầng, và nhà văn
trải qua
thời giờ của mình bằng cách chơi đùa với nó, và lên xuống cầu thang. Họ
biết rõ
từ nào ở từng nào, và với mục đích nào, với mức độ nào, họ sử dụng
những từ.
Kiến trúc này đã suy sụp, đẻ ra một sự nhạt nhẽo không thể nào tưởng
tượng nổi,
và làm người đọc trơ ra, hết còn bị sốc. Mà theo tôi, [người đọc] phải
bị sốc,
bởi vì tất cả những cấm kỵ có đó, là để mà gớm ghiếc, ghê tởm.
-Ông có nghĩ, ông là một con
người đề kháng (un
résistant)?
-Nhà văn có khả năng tái tạo
thời gian, làm cho nó
biến thành hư vô, chế ngự nó bằng từ ngữ. Cũng có khả năng tái tạo sinh
vật
theo kinh nghiệm riêng của anh ta. Chỉ anh ta là có thể chuyển hóa
(transfigurer)
thực tại, nghĩa là nhìn nó như nó là, dưới lớp si, mạ, bằng vàng, bạc
hay bằng
đồng: đó là thực tại mà nó được chỉ cho bạn, từ màn ảnh truyền hình,
một bên,
và từ những nhà trí thức bị nô lệ bởi những bài diễn văn chính trị,
truyền
thông đại chúng, hay mang tính xã hội học. Văn hoá hạ cấp đầy ứ trên
những làn
sóng phát thanh và trên màn ảnh truyền hình. Trong khi hứa hẹn hạnh
phúc, những
bài hát, hàng triệu bài, nó [văn hoá hạ cấp] hoạt động như là một thứ
ma tuý
tâm thần, đúng y chang thứ ma túy mà viên đại phán quan của Dostoievski
đã nói
tới. Văn chương là cái ô vuông cuối cùng của sự kháng cự, trực diện với
những
bộ máy làm [con người trở nên] đần độn. Nó là nơi trú ẩn cuối cùng của
tư tưởng
tự do, và, làm cho văn chương trở thành điếm đàng phải bị coi là tội ác
chống
lại nhân loại. Viết, là một chọn lựa siêu hình, một chuyển hóa, một đầu
tư toàn
diện. Bạn trở nên khác [đi], và nếu không sống tới mức như vậy, bạn chỉ
là một
"bon faiseur des romans" (một kẻ sản xuất khéo, những cuốn tiểu
thuyết). Phải có một niềm tin trời ơi, mới ngồi thui thủi trong một xó,
viết,
và chẳng chắc chắn tác phẩm của mình sẽ được in ra. Cũng vậy, phải là
một niềm
tin trời ơi mới tin rằng người ta có thể chuyển hoá thế giới. Tôi dám
dùng tới
những từ trên, cho dù chúng có vẻ khoa trương, và cái tinh thần mỉa mai
cay độc
rất Tây của bà có thể trách móc tôi vì những từ đó.
-Thời gian đó là thời gian
nào; tôi muốn nói cái thời
gian mà ông muốn tái tạo, hư vô hóa, và chế ngự, với những con chữ?
-Nếu phải nhìn ngoài lại,
điều đáng nói trong đời tôi,
là cái chết của những người thật thân thương, và tôi luôn luôn không
thể chịu
nổi sự ra đi của họ: tôi từ chối nỗi mất mát đó, sự ra đi của họ ở mãi
trong
tôi. Tại sao không: tôi có thể chống lại sự tàn lụi của những sinh vật,
những
con người. Làm sao, nói theo mỹ học, từ chối một chung cuộc như thế đó?
Làm sao
[cứ khăng khăng] không chấp nhận, sự bất toàn của số mệnh, khi nó bị
cái chết
làm đứt ngang? Có một điều gì đó chưa được hoàn tất, đối với một cái
chết bất
đắc kỳ tử, như một tác phẩm điêu khắc bị dang dở. Thế là bạn thay thế
Thượng
Đế, bạn lại bắt đầu tác phẩm của Ông Ta, bạn chơi trò bổ khuyết. Tôi
làm tái
sinh những mẩu đời. Những nhân vật của tôi đều là người Nga. Họ cũng có
thể là
những người Pháp vậy. Ở đây, những số mệnh dang dở không liên quan đến
những
người chết nhưng còn liên quan tới tất cả những kẻ ngồi chết rũ ở trong
văn
phòng của họ, hay là, ngay từ khi mới hai mươi lăm tuổi, đã nghĩ chuyện
về già.
-Viết là tìm lại thời gian?
-Tìm thời gian, có lẽ, giản
dị như vậy thôi. Cuốn tiểu
thuyết này, tôi ôm ấp nó trong mười lăm năm, tôi viết nó trong một năm
rưỡi, và
có lẽ, bạn đọc nó chỉ mất ba giờ đồng hồ. Bạn có thấy chóng mặt, về một
chuyện
như vậy? Có những hành tinh, tỉ trọng nặng đến nỗi, một que diêm làm
bằng chất
liệu của nó nặng sáu tấn, bạn nhấc lên không nổi. Có những chất liệu
khác nhau
ở trong vũ trụ. Cũng vậy, với thời gian. Chính vì thế mà văn chương
dính vô…
-Ông viết văn bằng tiếng
Pháp, và nói tiếng Pháp từ
nhỏ. Cái phần Nga ở trong ông, nó ra sao?
-Nước Nga rộng lớn đến nỗi,
chỉ nội mình nó, đã là cả
một vũ trụ, với chừng cả trăm dân tộc, ngôn ngữ, văn hóa. Ở trái tim
của nó, là
nơi tụ hội của Âu châu và Á châu, của miền Nam và miền Bắc, nó có thể
được coi
như là phổ cập (universaliste). Pouchkine viết những bài thơ về Cổ Hy
lạp,
những khổ thơ nhiều đoạn bằng nhau, về Tây phương và Đông phương, một
nửa những
lá thư của ông viết bằng một thứ tiếng Pháp trải truốt, nhưng vẫn luôn
giữ gốc
Éthiopienne của mình. Đây là một người Nga luôn cảm thấy mình rất Nga,
một
"slave", ngay cả trong tính đa dạng của mình; ông nói: "Trong
con người slave khắc khổ, tôi chẳng hề nhỏ một giọt nước mắt, nhưng tôi
hiểu
những giọt nước mắt." (En slave austère je n’ai jamais versé une larme
mais je comprends les larmes). Đây có lẽ cũng là thái độ của nhà văn:
hiểu
những giọt nước mắt nhưng không hề đổ lệ. Thật trái ngược với thứ văn
chương
hiện nay, vừa mới gặp bất cứ ai là cứ thế vãi nước mắt, đâu còn thì giờ
hiểu
những giọt nước mắt của người khác. Nếu tôi là Nga, thì cũng giống như
Pouchkine… Muốn hiểu được những phản ứng của tôi, là phải qui chiếu về
sự cảm
nhận văn chương Pháp tại Nga. Một trong những nhà sáng lập thơ ca Nga,
Antioche
Kantemir - ông cứ thế mà chôm chĩa, "cọp dê" (copy) Boileau mà chẳng
thèm mắc cỡ - một bữa nói: "Những gì tôi mượn đỡ bạn bằng tiếng
Gaulois,
tôi trả lại bạn bằng tiếng Nga." Dostoievski và Tolstoi đã trả món nợ
của
Kantemir. Với hai người này, tiểu thuyết Nga trở thành [tiểu thuyết] Âu
châu.
Và nếu họ đọc những nhà văn lớn Pháp, họ cũng biết phê phán xã hội
Pháp. Thí dụ
như Tolstoi, ông đọc lại "Tu viện thành Parme" (La Chartreuse de
Parme) của Stendhal để viết về trận đánh Moskova. Cùng lúc đó, trong
"Bản
xô-nát ở Kreutzer", ông chế nhạo xã hội Paris, những lối nói trống rỗng
của nó, những quần áo dát kim loại của nó. Sự ngưỡng mộ của tôi là vô
cùng, về
những gì mà nước Pháp đã mang lại cho văn chương. Cùng lúc đó, sự nhỏ
nhen của
những môi trường phó-văn chương (paralittéraires) làm cho tôi phải tư
lự.
-Ông đã chịu trận vì thói
làm dáng của giới xuất bản
Pháp, trước khi biết tới vinh quang của giải Goncourt. Làm sao sống
trong một
tình trạng nghịch đảo như vậy?
-Thì cứ tỉnh bơ đi. Thoạt
đầu, hoàn cảnh của tôi ở
Pháp thật ngược ngạo thành thử tôi cũng chẳng mong được công nhận ngay
lập tức.
Tôi cứ thế mà tiến tới, tin ở mình, và tự nhủ thầm, rằng mọi công nhận
đều chỉ
là tương đối. Khi được Goncourt, tôi thấy được choàng hoa. Như vậy là
tôi đã
sống cả hai thái cực, và tất cả những gì sẽ xẩy ra là ở giữa hai thái
cực đó.
-Trong số những cuốn tiểu
thuyết đã xuất bản, có cuốn
nào được ông cưng nhất không?
-Không, cuốn nào thì cũng có
câu chuyện của nó, khí
hậu của nó. Hơi giống như những cơ bắp, tùy theo bạn cử tạ hay phóng
lao. Điều
tôi thích ở trong cuốn "Lời thú tội của người cầm cờ bị thất sủng",
là bố cục (composition), bằng cách nào cả một thời đại hiện ra, dưới
cái nhìn
trẻ thơ của một cậu con trai. Trong "Di chúc Pháp", tôi yêu sự di
chuyển giữa hai văn hóa, một mang tính xã hội, một mang tính thơ ca….
Những cuốn
sách là một phần của ngã (moi), hoặc của siêu ngã (surmoi). Xớ, sợi của
chúng,
đó là cái điều những người khác không diễn tả: một cử chỉ tình cờ nào
đó trở
nên thật thiết yếu đối với tôi, một thoáng chốc, được cắt ra từ cái
dòng đều
đều của thời gian, trở thành cả một cõi nhân gian nhỏ xíu, với không
gian, với
bầu trời của nó. Người thai nghén những khoảnh khắc… Là nhà thơ, là như
vậy đó…
Tôi nhớ, có một bữa trời mưa ở Sables-d’Olonne. Tôi chạy trú mưa ở một
hàng
hiên. Một cụ già lụ khụ cũng theo tôi trú mưa. Cụ chắc cũng được trăm
tuổi, mặt
tái nhợt. Ông cụ nói về bệnh tật của mình, về nỗi khó khăn khi đi đứng,
về
chuyện máu của ông chảy ngược. Tôi chẳng nói gì hết, tôi nhập vào ông
cụ, tôi
sống khoảnh khắc ông cụ đang sống. Mưa ngưng, ông cụ bỏ đi, nhưng có lẽ
ông cụ
đã chuyển sang cho tôi cái cốt tủy trong đời cụ, mà cũng chẳng thèm coi
đó là
quan trọng. Cuộc đời – và cuộc đời nhà văn của tôi – làm bằng những
khoảnh khắc
này.
-Cảm nhận cái đẹp, đầu tiên,
đầu đời, của ông, là gì?
-Tôi luôn luôn sững sờ, vì
đàn bà. Tôi còn nhớ một
trong những người đó, mà tôi yêu như điên như khùng, tại một làng ở
Sibérie.
Tôi lúc đó mới mười tuổi, nàng cỡ ba mươi lăm, hoặc bốn mươi; nàng đi
lấy nước,
từ một nhánh sông gần đó. Nàng bước lên những tấm phên trải qua những
vũng bùn,
còn tôi thì ở trên một mỏm đất ngó xuống. Một chốc, một lát, nàng biến
mất, và
cứ thế tôi trở đi trở lại khúc sông, chỗ nàng đã từng đặt chân, rồi tôi
đăm đăm
nhìn dòng nước, thấy bóng nàng phản chiếu, tôi vuốt ve bóng nàng và lên
bẩy
từng trời. Đó là một tình yêu rất trong trắng, và rất vật thể
(physique). Nếu
muốn, người ta có thể nhập vào một dòng sông bất cứ lúc nào, mà chẳng
làm phiền
lòng Héraclite. Yếu tính nghệ thuật ở đó, ở trong dục vọng một lần nữa
muốn
nhập vào dòng sông.
-Cậu bé ngày xưa nghĩ sao về
người đàn ông bây giờ?
-Cậu xét đoán thật nghiêm
khắc, nhưng cậu nhận ra
người đàn ông. Cậu nhận ra sự khó khăn, những mục đích đã đạt được, con
đường
chưa đi hết. Cậu không đỏ mặt xấu hổ, nhưng cậu cho rằng tôi hơi khinh
bạc,
nhưng chưa đủ cấp tiến. Nhưng cậu vẫn chấp nhận tôi. Đây là một độc giả
trung
thành, tôi nghĩ vậy.
JT
|