*


Phỏng Vấn





 Phỏng vấn Nguyễn Quốc Trụ (2) 

Lên mạng lúc 15:22:43 ngày 02.08.2001

 Nhà văn Việt kiều Nguyễn Quốc Trụ:

*

 Lê Tự.

 Với trên 100 truyện ngắn, bút ký, tiểu luận phê bình, truyện dịch… đã khẳng định một phong cách văn chương Nguyễn Quốc Trụ qua mấy chục năm cầm bút. "Lần cuối, Sài Gòn" và "Nơi người chết mỉm cười" là hai tập sách khá hấp dẫn của nhà văn Việt kiều này vừa được in ở Mỹ. Nhân dịp trở lại cố hương sau nhiều năm xa cách, nhà văn đã dành nhiều thời gian tâm sự với bạn đọc.

 
Hơn 40 năm, nay tôi trở về nơi chôn rau cắt rốn – một làng quê yên ả thuộc xã Phú Cường, huyện Ba Vì, vùng "Xứ Đoài mây trắng". Gần nửa thế kỷ phiêu diêu từ Bắc vô Nam rồi dạt qua vùng Bắc Mỹ. Số phận con người như cánh bèo trôi theo dòng người cuồn cuộn, khi lênh đênh giữa phẳng lặng, lúc vần vũ quanh vòng xoáy ngã ba sông. Dù đi đâu, ở đâu thì trong tôi không hề mờ đi hình bóng thân thương quê nhà, một cây sấu, một ngôi nhà cổ liệu xây bằng đá tổ ong và dãy núi Ba Vì huyền thoại.

 
Tôi về thắp hương cho cha. Ông hy sinh vì họa đảng phái những ngày 1945. [NQT mạn phép anh Lê Tự sửa một câu văn ở đây]. Quê hương tôi thay đổi nhiều quá, cảnh đói cơm rách áo hồi tôi còn nhỏ đã không còn.

 
Nhiều người quen giờ đã mất. Mỗi khi biết tin ai đó cùng thời đã về nơi vĩnh hằng lòng tôi lại chợt buồn. Nỗi buồn đọng dần thành trống trải. Một thế hệ sắp qua đi.

 Chuyến này tôi dành nhiều thời gian ở Hà Nội. Tuổi thơ của tôi đã trải qua mấy năm học ở trường Nguyễn Trãi, phố Huế. Những ký ức tuổi học trò: bạn bè tụ nhau đi nhặt sấu rụng, nhảy tầu điện leng keng, ăn lạc rang (phá sa) của một ông Tầu già bên bờ Hồ đã khắc vào bộ nhớ. Chính vì thế năm 1965 khi sống ở phía Nam tôi đã viết truyện ngắn đầu tay "Những ngày ở Sài Gòn" để kỷ niệm tuổi thơ ở Hà Nội. Những người từng sống ở miền Bắc đọc truyện ngắn này đã rưng rưng thương nhớ. Ngày ấy đất nước còn chia cắt, cuộc sống thấp thỏm lo âu vì chiến tranh, người dân đất Bắc sống ở miền Nam khao khát đất nước chóng thống nhất để được trở về quê mẹ. Thế rồi thời gian cứ trôi đi, số phận con người bị đẩy đưa theo thời cuộc.

 Ở phía Nam tôi làm công nhân tại Sở Bưu Điện. Vừa làm vừa viết văn. Tôi là người cầm bút nghiệp dư, vừa viết vừa tự hoàn thiện mình. Năm 1970 tôi ra tập đầu tiên với 10 truyện ngắn viết về đất Bắc, về Hà Nội, về xứ Đoài quê tôi và ước vọng hoà bình.

 Đam mê văn chương đồng nghĩa với nhọc nhằn vất vả. Chiêm nghiệm lại điều ấy thật chẳng sai chút nào. Đọc rất nhiều, viết rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu. Đã có lúc tôi có ý định tạo cho mình một phong cách, một lối đi riêng rẽ nhưng rồi rốt cuộc cũng chẳng tìm thấy gì. Văn chương là khu rừng rậm rạp đầy bí hiểm, mỗi người tự chui vào và tự tìm đường bò đi. Ở đấy chẳng biết dựa vào ai, chẳng có ai giúp đỡ. Và may thay tôi đã tìm được cho mình một cây gậy chống cho đỡ vấp ngã mỗi khi bị say chếnh choáng trên cõi đời này. Cây gậy ấy chính là quê hương, Tổ quốc, là hướng tâm về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Lá bùa hộ mệnh đó là kim chỉ nam xuyên suốt qua những sáng tác của tôi.

  Sống giữa thế giới mênh mông của trời đất và lòng người, thênh thang thế mà nhiều khi vẫn thấy cô quạnh. Nơi đất khách quê người ngồi nhâm nhi ly cà phê, thả hồn qua làn thuốc để cố tình kéo quá khứ về hiện tại và tôi bỗng thấy thương quá chính mình và những số phận trần gian. Những lúc như thế tôi lại ngồi vào bàn viết, viết tất cả những gì chợt đến, đuổi theo những gì đột ngột trôi đi. Những khuôn mặt thân thương bạn bè, người thân trở thành nhân vật, bờ tre gốc lúa, cánh diều hóa thành những vần thơ. Hình như thời gian càng trôi đi bao nhiêu thì ký ức của người xa xứ càng khắc khoải. Từ nửa vòng trái đất tôi cảm thấy mình công bằng hơn khi đánh giá một vấn đề.

 Trở về cố hương lần này tôi ngợp mình vào nhịp điệu hối hả cuộc sống thời mở cửa. Người Việt Nam bây giờ hoạt bát, năng động lên rất nhiều nhưng vẫn nhân hậu bao dung. Mỗi người tôi gặp dù quen hay lạ, mỗi nơi tôi qua dù có danh hay vô danh đều khắc vào ký ức và nhất định sẽ đi vào trang viết của tôi.

 Dọc đường từ Nam ra Bắc tôi ngỡ ngàng ngắm cảnh đất nước mình. Đẹp quá, vĩ đại quá! Nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn còn nguyên đó – những nấm mồ chiến sĩ vô danh.

 Những ngày ở Hà Nội tôi tranh thủ tìm đọc những tác phẩm văn chương của một số nhà văn trẻ. Sách nhiều quá, đủ các thể loại được bầy bán trong cửa hàng. Truyện ngắn hiện đại nước ta khá hay, mang đậm tính nhân bản cao, thể loại phê bình cũng khởi sắc, góc cạnh hơn. Người viết đã dám nhìn thẳng vào sự kém cỏi, cầu toàn trong văn chương.

 Một tác phẩm hay thường được đánh giá qua số lượng được mua bằng tiền túi của tác giả [?], tuy nhiên điều này đôi khi còn chưa được thừa nhận ở nơi này, nơi kia.

 Một trong những hoạt động văn chương mà tôi yêu thích là dịch các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt. Tôi thường chọn những tác giả viết theo xu hướng đề cao giá trị nhân bản của con người, hướng thiện để giới thiệu như [nhà thơ người Nga] Akhmatova, Joseph Brodsky, [học giả gốc Do Thái] George Steiner. Dạo quanh mấy cửa hàng sách trung tâm Hà Nội tôi thấy văn học nước ngoài còn ít quá. Đây là điều rất thiệt thòi vì trên thế giới có nhiều tác phẩm rất nổi tiếng, nhiều dòng văn học rất hay. Thiết nghĩ Nhà nước cần đầu tư hơn nữa vào công tác biên dịch.

 Lần này về nước tôi đem theo hai cuốn bản thảo dịch tác phẩm tiêu biểu của một số nhà văn nước ngoài để xin phép xuất bản tại Việt Nam [Ở đây cần nói rõ thêm: ý định in tác phẩm ở Việt Nam là hoàn toàn bất ngờ, và do một số bạn mới quen ở Hà Nội đưa ra đề nghị, khi gặp nhau lần đầu. NQT] Hai cuốn sách này sẽ cung cấp cho bạn đọc những truyện ngắn, tiểu luận khá đặc sắc của khuynh hướng sáng tác mang đậm bản tính dân tộc.

 Vấn đề anh hỏi, những người viết văn Việt kiều có sống được bằng văn không? Xin thưa là không. Tôi biết một số nhà văn Việt kiều nổi tiếng như Miêng, Mai Ninh ở Pháp, Thảo An ở Mỹ, Lê Minh Hà ở Đức… cũng khó sống lắm bằng thơ văn.

 Canada thời gian đầu tôi đi làm công nhân. Mấy năm gần đây do đau ốm thường xuyên nên sống bằng tiền bảo trợ của Chính phủ. Người Việt ở Canada sống rải rác, số người đọc văn cũng ít nên in sách thường lỗ vốn. Các nhà thơ văn bản xứ cũng phải bỏ tiền ra in tác phẩm của mình, trừ những người đã thực sự nổi tiếng. Văn xuôi còn nhúc nhắc bán được chứ thơ thì ế lắm. Ở Châu Mỹ cũng đang có phong trào sáng tác thơ, nhiều người có danh bởi có tiền in thơ để biếu. Nhìn một cách lạc quan, đây là một nét đẹp của thơ, của một xã hội con người không quá chật vật về kinh tế.

 Sau chuyến đi này trở lại Canada ông sẽ viết những gì? Tôi sẽ viết tập bút ký chuyến về quê hương, viết về cuộc sống đổi mới trên khắp mọi miền Tổ quốc ta, viết về những người chân chính. Và nếu còn sức khỏe tôi sẽ viết một bản trường ca về đất nước.

 (Đại Đoàn Kết số 258, ngày 5 tháng 8, 2001, Lao Động điện tử trích đăng).

 Ghi chú:

Nhân chuyến trở về Hà Nội, Nguyễn Quốc Trụ, một thân hữu và cũng là người cộng tác thường xuyên của VHNT, đã gặp gỡ thân mật với anh Lê Tự và một nhiếp ảnh viên báo Đại Đoàn Kết, tại tư gia người cậu, một căn phòng ở lầu hai một căn nhà tại khu Phố Cổ, Hà Nội. Anh Lê Tự đã biết về chuyến đi qua Hội Việt Kiều, và hẹn gặp, chỉ để hỏi thăm về xứ lạnh (Canada) và đồng bào mình ở đó.

Cả ba ngồi dưới sàn nhà nói chuyện, cho tới lúc anh nhiếp ảnh viên nói, cần một tấm hình "đàng hoàng" trước khi tạm biệt. Cuộc nói chuyện không dùng máy ghi âm; thỉnh thoảng anh Lê Tự mới ghi chú một vài chi tiết mà anh nghĩ cần thiết. Thành thử, câu nói, "Tôi sẽ viết một bản trường ca về đất nước" có lẽ là giấc mơ của cả hai, và chắc chắn của nhiều người viết khác nữa, nhưng khi nói ra, nó khiêm nhường, và "thực" hơn, "tôi mong viết được một điều gì đó về quê hương."

Ngoài ra, bài viết còn một chi tiết thật là lạ thường đối với riêng tôi, đó là con số 10 truyện ngắn, của tập truyện Những Ngày Ở Sài Gòn.

Tôi chưa bao giờ để ý đến con số 10 này. Như vậy, có thể anh Lê Tự đã đọc nó.

Trên đầu cuốn sách có một câu trích dẫn nhà văn Pháp, Topffer:
Va, petit livre, et choisis ton monde. (Lên đường đi, hỡi cuốn sách nhỏ bé, và hãy chọn lựa cái thế giới của mày).

Tôi rất mừng, vì cuốn sách nhỏ bé của tôi, một thời bị coi là phản động đồi trụy, đã sống sót, và tìm được cái thế giới của nó.

 NQT