*
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách




Phỏng Vấn Nguyễn Ngọc Tư

Đem chuyện phòng the ra viết, hổng dám đâu!

02/08/2004 5:00:50 PM GMT +7 

Vượt hơn 2.000 km từ thủ đô nhằm “kiến kỳ hình” cô nhà văn “vơ-đét” Nguyễn Ngọc Tư nơi đất Mũi. Ấn tượng đầu tiên về Tư là… nước da “đậm đà” hơn trong hình, cười tít mắt, hồn nhiên vô tư lự, đúng chất dân miền Tây. Nhưng khi Tư cất lời thì khác, cũng đáo để ra phết, giọng điệu tưng tửng, thi thoảng cũng “chặt chém” “giễu nhại” người phỏng vấn nếu câu hỏi cứ lòng vòng chuyện cũ hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề. 

Nguyễn Ngọc Tư, khi mới xuất hiện đã gây ngạc nhiên bằng tập truyện đoạt giải nhất văn học tuổi 20 - Ngọn đèn không tắt giản dị mà sâu sắc, nồng ấm, buồn mà tươi sáng, trong trẻo mà già dặn… Năm năm qua, cô tiếp tục gây ngạc nhiên và đem lại nhiều thiện cảm cho bạn đọc bằng giọng văn tưng tửng mà tình cảm. Cũng trong thời gian ấy, Tư đã kịp có 5 tập sách, đã kịp thu thêm vài giải thưởng văn học tầm quốc gia, hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn, tác giả trẻ nhất có tên trong tuyển tập truyện ngắn Việt Nam được dịch và in ở Mỹ, lên hình chương trình Người đương thời. Tên và truyện ngắn đã trở thành “hàng hiệu” của báo Tết trong Nam ngoài Bắc…

 Truyện buồn nhưng không sến

 + Những gì Tư gặt hái như thế là quá nhiều với một cây bút văn chương còn rất trẻ và lại xuất phát từ tỉnh lẻ, nhỉ? Hồi ấy Tư viết vì sự thôi thúc của bản thân hay nghĩ đơn giản là “kiếm cơm” bằng mấy đồng nhuận bút?

 - Tư bắt đầu viết văn từ năm 1996, lúc đó khoảng 20 tuổi. Viết vì nhiều thứ lắm, phần vì sự thôi thúc và để giải toả những cảm xúc dồn nén bên trong, phần vì buồn quá, không biết nói chuyện cùng ai nên tìm cách trút vào trang viết chứ chưa dám nghĩ sẽ được đăng mà kiếm cơm bằng nhuận bút. Hồi đó, Tư đã nghỉ học (hết lớp 10) để chăm ông ngoại bị ốm. Thi thoảng, phụ má hái rau ra chợ bán. Những cảnh người, cảnh đời bên cạnh mình, những ngôn ngữ đời sống bình dị hàng ngày cứ thế ùa vào trang viết. Viết xong lén lút gửi cho các chú ở Tạp chí Bán Đảo Cà Mau. Một năm sau ông ngoại mất, thế là mình… thất nghiệp. May mà các chú ở tạp chí kêu ra làm, vừa phóng viên tập sự vừa làm văn thư. Công việc đó vẫn tiếp tục cho đến bây giờ.

+ Vậy mà chưa đầy 4 năm sau, Tư đã giật giải nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của Báo Tuổi Trẻ, Nhà Xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức với tập truyện Ngọn đèn không tắt. 6 cái truyện ngắn trong tập đó rõ ràng là rất chuyên nghiệp, rất đều tay đến nỗi sau khi Tư đoạt giải nhất, có nhiều người đa nghi bảo do nhà văn chuyên nghiệp viết hộ…

- Chuyện đó cũng lâu rồi và sau này Tư mới nghe nhiều người nói lại. Cảm giác là chỉ thấy buồn cười chứ không tức giận hay muốn “thanh minh thanh nga” gì cả. Tại vì lúc đó vui quá, cảm giác sung sướng cứ vỡ oà ra đến nỗi không có cái gì làm ảnh hưởng đến nói được. Tập truyện này Tư viết sẵn từ trước nhưng mãi đến gần cuối đợt kết thúc nhận bản thảo mới dám gởi và chẳn dám nói với ai vì sợ nếu không đoạt giải gì thì ngượng lắm. Đến khi thấy có tên lọt vào vòng chung kết đã mừng lắm, nghĩ kiếm được cái giải khuyến khích là được 5 triệu đồng, bằng hơn cả năm thu nhập ở đây. Ai ngờ đoạt luôn giải cao nhất, tiền cũng nhiều gấp mấy lần mình hình dung ra…
 

+ Sau Ngọn đèn không tắt, Tư đã có thêm 4 tập truyện ngắn khác, đã gặt thêm giải này giải khác, tiền nhuận bút truyệt tết nghe nói có báo trả 5, 7 triệu đồng, giới nhà văn ở TPHCM hay Hà Nội nghe còn… lác cả mắt. Nhưng có thấy mình lớn lên nhiều không, có khác đi nhiều không so với thời đầu. Cụ thể nhé, lấy cái mốc Ngọn đèn không tắt in năm 2000 và mới đây là tập truyện và ký Nước chảy mây trôi in 2004?

- Mới thì chưa thấy mình mới hơn và cũng không thích làm mới đến mức bạn đọc không nhận ra giọng mình. Tuy nhiên cái nỗi buồn mỗi thời mỗi khác nhau. Thời viết tập Ngọn đèn không tắt là cái buồn trong trẻo, hồn nhiên - đó là cái hay của quãng đời đó mà bảo bây giờ viết như thời đó chắc Tư viết không nổi. Bây giờ thì cái buồn nó đã lớn hơn, nó “nhân tình thế thái” hơn một chút. Bản thân mình cũng lớn lên, trưởng thành hơn, va chạm nhiều hơn nên cách nhìn cuộc đời cũng khác hơn. 

+ Nhưng âm hưởng chủ đạo trong truyện của Tư vẫn là nỗi buồn. Đọc xong truyện nào cũng thấy ngậm ngùi. Mà tại sao nhân vật nào trong truyện của Tư viết cũng tốt, cũng nhân hậu nhưng cuối cùng họ vẫn gặp những nỗi buồn như thế? Ngoài đời Tư đâu có buồn, cũng đáo để ra phết đấy chứ? 

- Có lẽ cái tạng của mình nó vậy, vui chỉ vui ngoài mặt vậy thôi. Và nhiều khi cũng cố để viết vui vui nhưng viết một hồi cuối cùng vẫn thấy ngậm ngùi. Xét về mặt thẩm mỹ thì nỗi buồn để lại cho người ta cảm xúc sâu sắc hơn và những cái kết không có hậu luôn để lại cho bạn đọc sự tiếc rẻ một chút, day dứt một chút. Cũng bù lại là Tư luôn viết với một giọng văn và ngôn ngữ đối thoại tưng tửng, hóm hỉnh nên nói chung là không bị bi luỵ hay sến quá. Nhiều bạn đọc bảo truyện Tư viết buồn như không sến. Nghe vậy lại thấy… vui.

 Lên Người đương thời ngượng mất mấy ngày

 + Năm rồi, trong văn chương Tư gặt hái cũng… ác mà trong nhiều hoạt động xã hội cũng nổi tiếng không kém. Được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bình chọn là một trong 10 thanh niên tiêu biểu của năm, sau đó là lên hình của chương trình Người đương thời. Nhiều niềm vui như thế, chắc là viết cũng vui lên nhỉ? 

- Nói chung những thành quả này không nằm trong hệ thống suy nghĩ của Tư và không liên quan gì đến nghề nên khi biết cũng khá bất ngờ. Thậm chí còn ngượng mất mấy ngày sau khi lên hình chương trình Người đương thời. Về lại Cà Mau, đi đâu nghe ai nhắc hay chỉ trỏ là đỏ hết cả mặt, tìm cách lỉnh đi chỗ khác. Sau giải thưởng đầu tiên, những giải thưởng khác mình đón nhận bình tĩnh hơn, không còn niềm vui vỡ oà ra như trước. Tất nhiên năm nào không có sự kiện gì vui vui thì cũng… buồn. 

+ Nhưng cũng nhờ có chương trình Người đương thời mà bạn đọc có dịp nhìn thấy bạn đời của Tư. Ông xã của Tư cũng đẹp trai ra phết, lại làm nghề thợ bạc. Hai người hai nghề trái khoáy nhau, có bao giờ thử… tay nghề của nhau chưa?

 - Chưa (cười tít mắt). Có thảy mình vào đó mình cũng chả làm được. Văn mình in tập này tập nọ nhưng anh ấy cũng chưa bao giờ đọc, nhưng như thế Tư cảm thấy thoải mái hơn. Mỗi người có một nghề nghiệp riêng, quan trọng là yêu nghề và tôn trọng công việc của nhau. Được cái về nhà thì mình rất bình thường, không còn con Tư viết văn nữa…

 Làm hàng hiếm cũng hơi bị thích

 + Nhưng ra đường thì khối người ngưỡng mộ, phải không? Ông xã của Tư có biết là mình đang sở hữu một người của công chúng thuộc vào giới… hơi bị sang?

 - Không, mình thấy công việc viết văn rất bình thường và quan trọng là cần tỉnh táo. Làm thơ thì điên điên một chút cũng được nhưng viết văn thì luôn giữ cái đầu lạnh. Nghe khen nhiều cũng dễ hư lắm (cười). Chưa kể là đôi lúc văn chương cũng làm mình mệt mỏi, hay dằn vặt, ưu tư mà đôi khi không biết chia sẻ cùng ai nên cũng khó chơi hết lòng với bạn bè. Dù vậy, nhưng được vẫn nhiều hơn mất. Văn chương cho Tư nhiều thứ và giúp mình sống được bằng nghề. Đôi khi cũng vui khi được nhắc đến như một thứ… hàng hiếm, những lúc đó cũng hơn tự hào một chút.

 + Và với những gì Tư có, nhiều người nghĩ tư hoàn toàn có một công việc tốt hơn ở các thành phố lớn.

 - Tư vẫn nghĩ mình hợp với công việc ở đây hơn vì nó rất yên ả và đem đến một cảm giác rất yên lòng dù cho lương tháng của chỉ khoảng trên dưới 500 ngàn và vẫn “ăn” theo ngạch lương văn thư, phát hành dù kiêm nhiệm cả công việc phóng viên và biên tập ở Tạp chí Bán Đảo Cà Mau. Trong khi đó tiền mua sách có tháng hết cả triệu, may mà có tiền in sách và báo ở TPHCM và Hà Nội. Cũng có những tấm gương nhãn tiền là nhiều cây bút khi ở quê thì viết rất hay nhưng khi ra thành phố lớn thì không viết được nữa.

 + Nhưng nhiều người cũng nói là khi đi đến một chỗ khác và có điều kiện nhìn lại vùng đất của mình thì sẽ có một cái nhìn mới và khám phá ra nhiều điều thú vị hơn?

 Tư cũng nghe nhiều người khuyên vậy.

 + Vậy thì tại sao không nghe?

 - Mình phải nghe mình chứ mắc gì đi nghe người ta… xui bậy.

 Đem chuyện phòng the ra viết như các nhà văn nữ Trung Quốc, hổng dám đâu!

 + Nhưng Tư có nghĩ cứ ở mãi một vùng đất như thế thì mình cũng sẽ cũ dần đi, sẽ ít được va chạm và thách thức hơn ở đô thi lớn? Và đến một lúc nào đó, những tác phẩm của Tư sẽ chỉ là những… chuyện cũ viết lại?

 - Ở đâu mà chả có thử thách, có va chạm. Cũ hay mới là do chính mình và quan niệm trong cách viết của mình. Đất của mình mà mình viết còn chưa xong thì làm sao mình viết về những vùng đất khác.

 Tư cho rằng một người viết chỉ có một khác năng nào đó và tốt nhất là khám phá hết toàn bộ khả năng đó, đến lúc nào đó mệt mỏi thì dừng lại, nếu ép buộc thì rất khó. Và viết văn mà cứ đòi lên dốc mãi thì cũng khó, và chẳng có cái dốc nào cao đến thế nên đôi khi cũng phải dừng lại, phải ngoảnh lại, thậm chí đi xuống rồi mới đi lên. Một tác phẩm hay là một món quà tinh thần tặng cuộc sống rồi, và cái hay thì luôn có hạn, nếu cứ đòi phải tặng mãi thì đâu có được!

 + Gần đây đọc cuốn sách nào trong nước mà Tư thấy thích nhất và tiếp cho mình nhiều cảm xúc nhất?

 - Là cuốn Tấm ván phóng dao của Mạc Can. Đọc xong cuốn này mình có cảm giác 10, 20 năm nữa cũng chưa đủ sức viết tiểu thuyết vì vốn sống của ông ấy làm mình ngợp. Nói chung xu hướng của mình là thích những tác phẩm giản dị, dễ hiểu. Cao siêu quá không hiểu được, nên nhiều cuối thấy hay nhưng không thấy thích.

 + Nhưng thời gian vừa qua cũng rộ lên một loạt tác phẩm rất táo bạo của các nữ sĩ Trung Quốc và ảnh hưởng ít nhiều đến các nhà văn nữ Việt Nam. Tưởng Tư phải thích họ hơn… “ông hề” Mạc Can chứ?

 - Tư cũng nghe mọi người bàn tán xôn xao cuốn Điên cuồng như Vệ Tuệ nên cũng mượn về đọc nhưng bỏ ngang giữa chừng, đơn giản là vì không hợp và không thích chứ không phải không hay. Bản thân Tư cũng thấy mình cần phải dấn thân nhiều hơn và thu nạp vốn sống nhiều hơn nữa nhưng đem chuyện phòng the ra viết như nhiều nhà văn nữ Trung Quốc thì không dám. Đơn giản vì nó không phải là… sở trường của Tư.

 Nhã Vân (QT-TT&TD)

[Người Lao Động]