*


Phỏng Vấn






Tôi là người bị phỉ nhổ nhiều nhất tại Nhật Bản

Nhân dịp cho ra lò tập truyện viết từ hồi còn trẻ, một trong những nhà văn lớn lao nhất của Nhật, Nobel văn chương 1994, Kenzaburô Oé, tâm sự.

Một bài học về minh triết. 

Người Quan Sát Mới:

Trong những hoàn cảnh như thế nào, khi ông thai nghén chúng, cách đây năm chục năm, những truyện ngắn “Faste des morts”? (1)

Kenzaburô Oé:

Tôi viết chúng từ những năm mình 23, 25 tuổi. Lúc đó tôi là sinh viên môn văn chương Tây tại đại học. Tôi đọc bản dịch sang tiếng Nhật những tiểu thuyết Tây rất mới mẻ vào thời kỳ đó. Và tôi so sánh từng chữ với nguyên tác. Đúng là một văn phong, khác, thật khác, đến ngỡ ngàng. Nhưng cuốn gây chấn động ở nơi tôi, là “Thời gian của những người chết, Le Temps des morts”, của Pierre Gascar, được giải thưởng văn học Tây Goncourt, hai năm trước đó.

-Những truyện ngắn trong "Faste..." tối tăm, tàn bạo. Chẳng lẽ trẻ như thế, ông đã bị Thần Chết ám ảnh?

Hồi nhỏ, tôi quấn quýt bên bà tôi. Bà truyền lại cho tôi chuyện xưa tích cũ trong làng. Bà mất liền ngay sau bố tôi, vào năm chót của cuộc chiến. Gia đình tôi như thế là được cái chết viếng thăm, nhưng đâu phải chỉ riêng gia đình tôi mà cả nước tôi. Đúng như thế đấy, tôi bị cái chết ám ảnh. Bây giờ, 70 tuổi, cũng chẳng khác. Ông anh em bà con, bạn rất thân hồi trẻ, tự tử. Tại sao mình không noi gương anh ta, tôi đã từng tự hỏi chính mình nhiều lần. Tôi đã viết một bộ ba, cuốn chót vừa mới ra lò tại Nhật, trong đó, tôi để cho tất cả những bạn cũ của mình chết, còn tôi, nửa chết, và trong tình trạng như thế đó, tôi có thể trò chuyện với họ. Bây giờ, thần chết không làm tôi quá ớn như là những ngày nào.

-Tri thiên mệnh?

Mặc dù những nhọc nhằn của cuộc sống, phải nói là, thế giới này có chút ‘khoan dung’ [clément] đối với tôi. Bạn chắc biết câu của Flaubert, nhân nói về cuốn Bà Bovary của mình, đã phán, ta muốn đi tới 'tâm hồn của sự vật', ‘l’âme des choses’. Trong những cuốn sách của tôi, tôi có cảm tưởng, mình muốn đi tới tâm hồn của cái chết. Chính vì thế mà tôi chấp nhận ý nghĩ về nó, với một sự bình thản. Trong “Quatre Quatuors”, T.S. Eliot viết, khi cái chết tới gần, phải “ngọ nguậy nhè nhẹ, và thật là nhè nhẹ.”. Chính là trong sự bình thản, chậm rãi đó tôi đưa đẩy mình về phía cái chết, trong khi giữ cho trạng thái tinh thần của mình luôn luôn tỉnh táo.

-Mấy truyện trong “Faste..” chắc là đụng độ dữ dằn, tôi muốn nói, gây sốc, ngay khi vừa xuất hiện tại Nhật?

Đúng như thế. Chúng gây sốc. Quá mới, quá khác . Chúng như đập vào mặt độc giả, họ cảm thấy tởm. Những suy nghĩ của tôi, kể luôn cả quan điểm về hoàn cảnh chính trị của Nhật - như là một em út của đàn anh Huê Kỳ - chúng luôn gây phẫn nộ, làm ghét cay ghét đắng. Tôi là một con người rất độc ác!

-Vị trí của ông, theo như ông nghĩ, trong toàn cảnh trí thức Nhật?

Khi cuốn tiểu thuyết mới nhất của tôi ra lò, một tiểu thuyết gia lớn của Nhật viết trên nhật báo Asahi, rằng thì là, về mặt chính trị, văn học, xã hội, tôi là kẻ bị phỉ nhổ nhất ở Nhật. Ông ta nói theo kiểu chắc như bắp, y như thật, rằng, ông ta thực tình nghĩ như vậy. Điều này làm tôi không khoan khoái một chút nào.

N. O. Làm sao sách vở đến được tay ông trong ngôi làng nhỏ bé nơi ông lớn lên?

K. Oé. Thật ra sách vở không bao giờ đến được làng tôi. Mẹ tôi mang vớ vải nhồi đầy gạo, hai chân bà trông giống như chân heo. Bà mang ra thành phố và đến những nhà có vẻ giàu có, bà đổi gạo và chỉ xin sách. Thỉnh thoảng bà đem về cả chục quyển sách, bà đọc và lọc những sách tốt nhất cho tôi. Nhờ thế tôi đọc « Nils Holgersson », « Huckleberry Finn », vv. Vào thời buổi đó, tất cả thành phố đều sống trong hiểm họa cận kề bị dội bom nên đa số dân chúng sẵn sàng hy sinh sách lấy gạo. Sau chiến tranh có một trung tâm văn hóa Mỹ mở cửa, ở đó có một thư viện và thế là tôi có thể đọc những quyển sách nào tôi thích.

N. O. Ông từng tuyên bố ông mong có ngày hiểu được ngôn ngữ loài chim. Bây giờ ông hiểu được chưa?

K. Oé. Đứa con trai khuyết tật của tôi chẳng thích thú gì đến ngôn ngữ loài người, nó rất nhạy cảm với tiếng chim hót. Nó có thể nhận ra năm mươi tiếng hót khác nhau. Và từ ngôn ngữ loài chim, chúng tôi đã thành công có được một loại đối thoại với cháu. Cháu cũng dùng cách này để sáng tác âm nhạc. Chính cháu dạy cho chúng tôi các bài học về cách nói chuyện của loài chim. Nếu tôi không hiểu, con trai tôi hiểu giùm tôi.

Didier Jacob thực hiện.

Anne Sakai dịch từ bản Nhật ngữ.

(1) Faste: Huy hoàng, tráng lệ. Faste des morts: Bảnh như người chết, tạm dịch theo nghĩa đen. HL.

Trích Le Nouvel Observateur, 22-12-2005 .