*


Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Phỏng Vấn





Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng nói chuyện trên Đài trên đài truyền hình SBTN.

Nguyễngọchấn, CNN.

 
Westminster, Ca. Sinh hoạt cộng đồng hải ngoại bỗng sôi sục trong những ngày cuối tháng Tư năm nay. Để đánh dấu  30 năm ngày Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam, hàng triệu người Việt Lưu Vong đã kỷ niệm tháng Tư Đen với nhiều hình thức: biểu tình, tưởng niệm, đêm canh thức, đặt vòng hoa, lễ cầu hồn, Kinh cầu siêu, tuyệt  thực v.v. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật đồng bào hải ngoại nôn nao với sự xuất hiện cuốn sách, mà nhiều người mong đợi suốt 30 năm, đó là cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” của giáo sư Nguyễn Tiến Hưng.
        Trong ngày ra mắt sách tại Quận Cam, phóng viên bản báo đã hỏi chuyện hàng trăm người đến dự, xếp hàng mua sách, xếp hàng chờ tác giả ký tên lưu niệm. Trong số từ năm tới bẩy trăm người nôn nóng, lắng nghe và chờ đợi được ký tên lưu niệm, chúng tôi hỏi một thương phế binh ngồi xe lăn về thời gian chờ mua sách và được ký tên, người cựu Chiến Binh VNCH tâm sự:
        “Tôi đã đợi suốt 30 năm để tìm câu trả lời, vì sao miền Nam Việt Nam bị bức tử? Bây giờ, chờ thêm 30 phút nữa cũng không là quá muộn”.
        Một câu nói đơn sơ mang nhiều ý nghĩa từ người cựu chiến binh, lái xe lăn chờ mua cuốn sách như vậy, hàng trăm ngàn người lành lặn khác cũng có chung những khắc khoải về sự khai tử nền Đệ Nhị Cộng Hoà của chúng ta. Cuốn sách được đón nhận rất tận tình, tất cả các nhà sách ở Quận Cam đều không còn, phải khất lại với bạn đọc.
Gặp lại giáo sư Nguyễn Tiến Hưng sau buổi ra mắt, ông cho biết bị bà con kêu réo quá, đã giới thiệu rồi mà không đủ sách cho bằng hữu, ông rất áy náy. Sách in ở Đài Loan và phải một tuần nữa mới về đủ. Nhân tiện, chúng tôi mời tác giả “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” tham dự cuộc mạn đàm trên đài truyền hình SBTN để bày tỏ thêm những điều ông viết trong cuốc sách này. Ông nhận lời và chúng tôi đã gặp nhau trên làn sóng đài truyền hình Sàigòn Broadcasting Television Network.
Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng du học Hoa Kỳ từ năm 1958, dạy môn kinh tế tại các Đại học Hoa Kỳ từ 1963, là kinh tế gia cho Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) 1966-1970. Ông nắm một số chức vụ quan trọng với chính phủ Việt Nam Cộng Hòa:
Năm 1971: ông đề xướng sáng kiến hòa bình “Nam-Bắc Hiệp Thương” với Tổng Thống Thiệu, một mô hình thương mại giống như giữa Đông và Tây Đức.
Năm 1973: Phụ tá Tổng Thống về Tái Thiết.
1973-1975: Tổng Trưởng Kế Hoạch và điều phối viện trợ kinh tế toàn quốc.
Hiện nay, ông là giáo sư Đại Học Howard tại thủ đô Washington của Hoa Kỳ.
        * Vì sao, ông nắm những bí ẩn quốc gia trong tay mà mãi đến 30 năm sau mới đem ra vào lúc này? Ông Hưng chậm rãi, suy nghĩ:
        “Tôi may mắn được Tổng Thống trao gửi những lá thư của các ông Nixon, ông Ford, Kissinger, Martin gởi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, những lời hứa có gạch đít, những cam kết sẽ can thiệp nếu Cộng Sản Việt Nam vi phạm hiệp định này nọ. Ngay trong ngày 30 tháng Tư năm 1975 trong khi tình hình đang sôi sục ở Sàigòn, tôi được thày tôi, phụ tá tổng trưởng Quốc phòng tận tình giúp mở cuộc họp báo tại Washington DC. Không có ông, tôi chẳng còn tư cách gì để nói chuyện với các nhà truyền thông Mỹ vốn đã có nhiều ác cảm với VNCH.
Tôi đưa ra 3 lá thư Tổng Thống Mỹ cam kết với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ không bỏ rơi VNCH. Họ đã bội ước. Những viện dẫn ấy, tôi được báo chí Mỹ khai thác triệt để do đó, kế hoạch khởi đầu Mỹ chỉ cho 50,000 người Việt Nam đi Mỹ. Vì gây được tiếng vang và sự chú ý của họ tôi xin chính phủ Hoa Kỳ tăng con số người di tản từ 50 ngàn lên 2 triệu người.  Tôi mạnh dạn bảo đảm với Chính phủ Mỹ rằng, “Hãy cho chúng tôi đời sống, chúng tôi sẽ không là gánh nặng cho Hoa Kỳ”. Cuối cùng họ kỳ kèo, bớt một, thêm hai và để ngỏ. Đạt được điểm này thì thày tôi khuyến cáo tôi phải lánh mặt một thời gian, vì ông sợ tôi có thể bị thủ tiêu và phi tang các văn kiện lịch sử.”
        Sau đó, vì muốn kế hoạch di tản được suông sẻ, tôi phải bảo vệ những chứng tích ấy bằng cả sinh mạng của mình. Năm 1986 tôi đã cùng ông Jerold Schecter, nguyên chủ bút tuần báo Time xuất bản cuốn “The Palace File” (Hồ Sơ Dinh Độc Lập) chúng tôi có đưa ra một số văn kiện, được ông ngoại trưởng George Schhultz gửi thư cho tôi là ông đã đưa sách của tôi vào thư viện của Bộ Ngoại Giao. Các vị kế nghiệp ông sẽ đọc và học hỏi từ trong đấy.
        Từ biến chuyển này kéo tới những thay đổi khác, nhiều chương trình có liên hệ tới người Việt Nam như HO, ODP, VIP v.v. Chúng tôi không muốn tạo ra những khó xử cho chính phủ Hoa Kỳ. Một phần chính tôi cũng cần thời gian để quan sát chính trường Mỹ và nghiệm ứng vào quê hương mình. Đến nay tình thế đã tạm khả dĩ để tôi đưa thêm ra những bằng chứng có chuẩn bị cuộc tháo chạy của đồng minh.”
        Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” ở ngay trang mở, Giáo sư Hưng đem câu nói hỗn xược của Henry Kissinger nói khi chúng ta di tản khỏi Đà Nẵng : “Why don’t these people die fast?” [”Sao chúng Không chết phứt cho rồi?”.
Tiến sĩ Hưng nghĩ gì về con người ông Henry Kissinger?     
Ông ngập ngừng: "Nói về nhân vật này thì chắc phải mấy tiếng đồng hồ mới có thể qua phần "bắt đầu". Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh tôi chỉ ghi lại tất cả những sự thật mà tôi biết được ở đằng sau hậu trường về nhân vật này để soi sáng cho lịch sử chứ cũng không lên án ông ta. Lịch sử sẽ phán xét rất rõ ràng rằng ông Kissinger đã đóng vai trò chủ chốt trong việc Hoa Kỳ tháo chạy khỏi miền Nam, và những việc ông làm thì rất là trái với chính thể dân chủ của Hoa Kỳ, trái với những giá trị công bình và công lý của luật pháp Hoa Kỳ, và trái với lương tri của đại đa số nhân dân Hoa Kỳ. Các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục nối tay với chúng tôi để đi sâu hơn nữa tìm hiểu về một kẽ hở của hệ thống pháp luật Hoa Kỳ: làm sao mà một đại cường quốc với nền dân chủ cao nhất thế giới, với đại đa số nhân dân là người yêu chuộng công lý và công bình mà lại để xảy ra một hiện tượng mà tôi gọi là "Hiện tượng Kissinger" (Kissingerian phenomenon).
        Sau khi thảo luận về nhiều vấn đề, Vvện trợ Việt Nam  cắt, viện trợ cho Do Thái tăng, lương tâm ông đại sứ cuối cùng ở Việt Nam, và cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông Nguyễn Tiến Hưng tỏ ra bùi ngùi cho hai nhân vật này cả hai vị đã trở về cùng cát bụi. Một người mang danh là Đại Sứ của một cường quốc, bị cuốn cờ Mỹ, đuổi khỏi Việt Nam, một bên là Tổng thống một quốc gia nhược tiểu, hoàn toàn lệ thuộc vào Hoa Kỳ từ chén cơm manh áo đến hòn tên mũi đạn.
Có lúc ông hỏi Tổng Thống Thiệu “Sao Tổng Thống có định viết hồi ký không?
Lời Tiến sĩ Hưng: “Ông Thiệu chán nản nói rằng người ta đã bôi bác đủ thứ về mình rồi, viết hồi ký là phải trung thực, như vậy chẳng khác nào mình lại vạch áo cho người xem lưng”.
Cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nói với ông Hưng: “Các anh, bạn bè, con cháu cứ tiếp tục chửi tôi đi, nhưng  hãy chửi  bằng tiếng Việt để mình nghe, mình đọc với nhau thôi”.
        Cuối cùng chúng tôi đồng quan điểm là mối quan hệ trong tương lai với cường quốc chúng ta cố gắng phát triển, khoa học kỹ thuật để tự túc tực cường, càng bớt lệ thuộc vào cường quốc bao nhiêu thì nền tự chủ mới được đảm bảo trong danh dự.
        Được biết sách “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” đợt một đã hết, trong vòng 1,2 tuần tới quí đọc giả có thể tìm mua tại các nhà sách trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ./cnn/
[Trích Quán Gió]