*

Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

Phỏng Vấn



Kim Dung: Không dám viết tiểu thuyết đương đại

09/01/2005 10:41:45 AM GMT +7

Mới đây, nhà văn Kim Dung đã mừng đại thọ 80 tuổi. Ông tổ của văn học kiếm hiệp đã trả lời phỏng vấn báo chí. 

+ Tiểu thuyết võ hiệp của ông được cải biên thành phim ở trong nước khá nhiều, ông cảm thấy bộ nào cải biên tốt hơn cả?
- Phim Thiên Long Bát Bộ gần đây tương đối tốt. 

+ Cùng một người làm phim là Trương Kỷ Trung, ông rất không vừa ý với phim Tiếu Ngạo Giang Hồ của anh ấy, vậy tại sao ông vẫn tiếp tục hợp tác?

- Vì anh ấy bảo đảm không sửa chữa nữa. Cuối cùng, Thiên Long Bát Bộ quả thật đã không sửa chữa mấy, vì thế tôi mới giao dịch với họ. Song tôi thấy vẫn có chỗ rất không vừa ý, đó là họ đã sửa hình tượng Mã phu nhân thành nhân vật tựa hồ như Phan Kim Liên trong Thuỷ Hử. Tôi cảm thấy nhân vật trong tiểu thuyết Thiên Long Bát Bộ được sáng tạo khá đặc sắc, có ý vị văn học hơn cả chính là Mã phu nhân, thế mà kết quả lại sửa thành như là Phan Kim Liên! Biên kịch không chịu động não, chỉ muốn đi con đường đơn giản, dễ dàng nhất.

+ Nói đến việc cải biên, dường như ông rất ưng đạo diễn phim Ngoạ hổ tàng long là Lý An?

- Bởi vì truyện ấy viết không hay nhưng Lý An đã cải biên thành rất hay. 

+ Ông có thích để cho Trương Nghệ Mưu dựng truyện của ông thành phim không? 

- Trương Nghệ Mưu không tỏ ý muốn dựng truyện của tôi thành phim. Anh ấy chỉ thích cải biên. Để cho anh ấy cải biên hẳn đi thì thà không để cho anh ấy quay thành phim còn hơn.

+ Tại sao ông không viết tiểu thuyết về cuộc sống đương đại? 

- Tôi không dám. Viết tiểu thuyết đương đại tương đối khó, tôi thích viết truyện võ hiệp hơn. 

+ Bây giờ ông còn có niềm háo hức viết tiểu thuyết nữa không?

- Viết được hay thì tôi sẽ viết. 

+ Nghe nói ông đang sửa chữa truyện. Trong số tiểu thuyết của ông, ông chuẩn bị chữa lại những phần nào? 

- Hiện nay tôi đang chữa một số, riêng Lộc Đỉnh Ký vẫn chưa chữa. Kết cục của Vi Tiểu Bảo ở phần cuối cùng Lộc Đỉnh Ký cần phải sửa ít nhiều. 

+ Ông đã chữa Thiên Long Bát Bộ ra sao? 

- Sửa đến chỗ Đoàn Dự sau này theo Vương Ngữ Yên. 

+ Tại sao ông không viết tự truyện (hồi ký)? Tại sao ông không gom những bài xã luận của mình để xuất bản thành tập?

- Tôi không viết tự truyện. Còn như những bài xã luận thì có một thư ký đang biên soạn cho tôi đã hai năm nay rồi. 

+ Ông thấy thế nào trong cuộc sống?

- Không khổ lắm và cũng không hoang phí. 

+ Năm nay ông đã 80 tuổi rồi, ông thu xếp thời gian hàng ngày như thế nào? 

- Tôi hàng ngày dùng hai giờ để sửa chữa truyện, hai giờ nữa để học tiếng Đức, thời gian còn lại thì đọc sách lịch sử. 

+ Trong cuộc đời mình, đã có những gì chưa từng thay đổi trong triết lý nhân sinh của ông? 

- Điều tôi chưa bao giờ thay đổi là không nói lời giả dối. 

+ Trong số những nhà chính trị, tại sao ông chỉ kính trọng riêng một người là Đặng Tiểu Bình? 

- Anh hùng, đại anh hùng: Khi tôi viết truyện võ hiệp, viết đến đại anh hùng là lòng tôi khâm phục. Được gặp Đặng Tiểu Bình, nghe ông nói mấy câu, tôi thực sự cảm phục ông. 

+ Có cách đánh giá cho rằng Đặng Tiểu Bình quá thực tiễn? 

- Tôi làm việc gì cũng tương đối hiện thực. Dựa vào hiện thực để chọn con đường tốt nhất mà đi, đấy là người vĩ đại nhất!

 + Trong đời ông đã làm việc gì sai chưa? 

- Rất nhiều. Bị nhà trường khai trừ là sai lầm lớn nhất.

+ Không làm được nhà ngoại giao, đó có là sai lầm không? 

- May mà tôi không làm được. Nhà ngoại giao không tự do. Trong số cán bộ Trung Quốc, người không tự do nhất chính là nhà ngoại giao. Ở nước Mỹ, đại sứ [Trung Quốc ở] Mỹ đi NewYork phải xin phép, đi về miền nam du lịch cũng phải xin phép, bị trói buộc rất nhiều. (1)

+ Trong cuộc đời tám mươi mùa xuân của ông, ông có điều gì ân hận không?

- Điều nuối tiếc nhất là con trai tôi tự sát ở Mỹ. Đó là điều tôi ân hận nhất. Vì tình mà nó đã treo cổ tự tử. 

Theo L.Đ
[Trích Người lao Động]


Chú thích: Đây có thể là Kim Dung chửi khéo cả Trung Quốc lẫn Mỹ, vì đại sứ ở LHQ [trụ sở tại Nữu Ước] của mấy nước CS, đi đâu, là phải xin phép. NQT