Huy Cận
nguồn:
vnn.vn
Cuộc trò chuyện sau đây của Huy Cận, Viện
sĩ Viện Hàn lâm thế giới, với hai nhà thơ thế hệ sau là Trần Đăng Khoa
và Trần
Anh Thái đề cập tới những vấn đề thú vị chung quanh Phong trào thơ mới
1932 -
1945, mà ông là một đại biểu đặc sắc.
Nhà thơ (NT)
Trần Anh Thái:
Thưa nhà thơ Huy Cận, ở
nước ta có một thời kỳ người ta ghẻ lạnh
với "cái tôi". Cho tới nay vẫn có người cho rằng "cái tôi"
trong thơ mới là "cái tôi" chủ yếu chịu ảnh hưởng của thơ Pháp. Theo
ông, đâu là nguồn mạch dân tộc, đâu là sự ảnh hưởng?
Nhà thơ Huy
Cận:
Người ta đã bàn khá nhiều
về nguồn gốc, giá trị của Thơ mới. Đó là cuộc
cách mạng lớn của thơ ca Việt Nam ở thế kỷ 20, sự ảnh hưởng của nó sẽ
còn phát
sáng sang đầu thế kỷ 21. Về nguồn gốc Thơ mới, ai đó cho rằng nó chủ
yếu chịu ảnh
hưởng của thơ Pháp là sai, là xuyên tạc. Thơ mới trước hết nhận ảnh
hưởng trực
tiếp thơ ca dân tộc, thấm đẫm văn hóa Việt Nam, sau đó là văn hóa cổ Á
Đông:
Trung Quốc, Ấn Độ và sau nữa mới đến ảnh hưởng thơ Pháp, Anh, Đức với
những tác
giả như Shakespeare, Gớt, Ranh-bo, Véc-len, Bô-đờ-le...
NTmTrần Anh
Thái:
Như vậy theo nhà thơ,
trước khi xảy ra cuộc cách mạng, Thơ mới đã có sự
manh nha?
NT Huy Cận:
Đúng như vậy. Sự ra đời
chữ "tôi" ở Việt Nam vốn tiềm tàng từ trước
những năm ba mươi của thế kỷ 20. Chính "cái tôi" ấy là động lực thúc
đẩy cái tôi trong thơ ca phát triển. Có một điều mà ít người phân biệt
là chữ
"tôi" Việt Nam khác chủ nghĩa cá nhân phương Tây thời Phục Hưng. Cá
nhân thời Phục Hưng ra đời đồng thời với chủ nghĩa tư bản; nó ăn khớp,
máu thịt
với chủ nghĩa tư bản. Khái niệm cá nhân ở nước ta ra đời sau, và nó bắt
nguồn từ
tinh thần dân tộc được hâm nóng lại bằng các cuộc hoạt động cách mạng
của Phan
Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, và cuộc khởi nghĩa Yên Bái.
Trong bối
cảnh tinh thần dân tộc được hâm nóng, mỗi người đều gắn bó máu thịt với
dân tộc,
nó làm thức dậy tinh thần văn hóa dân tộc, thúc đẩy ý thức về nền quốc
học Việt
Nam. Đến đây có thể thấy, "cái tôi" Việt Nam không phải một cá nhân
đơn lẻ mà là Cái tôi - Việt Nam; Cá nhân - dân tộc.
NT
Trần Đăng Khoa:
Ở ta, có một số nhà thơ
ảnh
hưởng thơ Pháp. Ví như Xuân Diệu chẳng hạn. Còn Huy Cận thì không. Thơ
Huy Cận
vẫn thuần hồn cốt dân tộc, nếu có chút phảng phất đâu đó thì có thể là
thơ Đường
chăng? Câu thơ "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" gợi cho người đọc
nhớ đến câu thơ Đường "Yên ba giang thượng sử nhân sầu...".
NT
Huy Cận: Hồn dân tộc!
NT
Trần Đăng Khoa:
"Lửa thiêng" là tập
thơ hay nhất của Huy Cận. Tập thơ ấy có rất nhiều bài đặc sắc. Tôi
thích nhất
là bài "Tràng giang". Bài thơ có thể xem là toàn bích. Trong
"Tràng giang" có một câu khá gần với một câu thơ Đoàn Văn Cừ. Tả bãi
bờ trong lúc đang đi bên sông, Đoàn Văn Cừ viết: "Cồn xanh bãi tía kề
liên
tiếp". Câu thơ thật thà và có phần hơi vụng. Cũng ý ấy, Huy Cận viết:
"Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" thì óng nuột hơn nhiều...
NT
Trần Anh Thái:
Còn các nhà thơ khác. Thời
kỳ
Thơ mới có nhiều lớp sóng, thí dụ "lớp sóng" Hàn Mặc Tử. Trước đây
người ta chê cũng nhiều, khen cũng không ít, gần đây lại có khuynh
hướng đề
cao, nhà thơ có nhận xét gì?
NT Huy Cận:
Hàn Mặc Tử là người có
tài. Gia
đình ông ba đời theo đạo Thiên Chúa. Thơ Hàn Mạc Tử bắt nguồn từ hai
nguồn cảm
hứng: Đời và Đạo. Hàn Mạc Tử có niềm tin về đạo, có nhiều thơ về đạo,
có bài
hay như bài: Ave Maria... còn một số bài viết về đạo đi hơi xa "nằm
ngoài
cảm xúc, ngoài thơ". Thơ đời Hàn Mặc Tử nhiều bài hay hơn. "Trường
tương tư" là bài tôi mê. Cái bài "Giữa trời sầu", "Mùa xuân
chín", "Gái quê" là những bài hay. Riêng bài "Bẽn lẽn"
Hàn Mặc Tử viết là "Trăng nằm bẽn lẽn trên cành liễu", đăng trên báo
Phong Hóa, Thế Lữ sửa lại: "Trăng nằm sõng soài trên cành liễu". Theo
tôi thơ đời Hàn Mặc Tử sẽ còn lại nhiều. Ông là người rất có tài, đóng
góp xứng
đáng vào Thơ mới. Hiện nay có khuynh hướng đề cao quá, tôi không có ý
kiến gì.
NT Trần Đăng Khoa:
Chung quanh Hàn Mặc Tử có
nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Cả khen và chê đều có phần thái quá,
tôi có cảm
giác nhiều khi sự khen chê này lại nằm ngoài văn học. Dừng lại ở đánh
giá của
Hoài Thanh là chuẩn nhất. Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có
bốn bài
đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ
này, phi
Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm
trong những
bài thơ còn rất nhiều xộc xệch...
NT
Trần Anh Thái:
Còn Xuân thu nhã tập
(XTNT),
đã có một thời người ta bỉ báng. Nhưng lại cũng có ai đó cho rằng: Thơ
chỉ có
hay và dở chứ không có thơ trung bình. Nếu quan niệm như vậy nhà thơ
đánh giá
thế nào cho thỏa đáng về tính cách tân của XTNT?
NT
Huy Cận:
Một trong những đại biểu
của nhóm
XTNT là Nguyễn Xuân Sanh - bạn tôi. Vào thời ấy có một số nhà thơ gồm
cả Đoàn
Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc... muốn đẩy thơ đi xa hơn nữa. Nghĩ rằng muốn
có một
cái gì mới hơn Thơ mới. Báo chí đã có nhận xét về XTNT "Chí cao - tài
mọn".
Tôi cho rằng ý đồ tìm tòi của XTNT không rõ. Câu thơ, bài thơ chủ yếu
dùng cách
đảo câu, đảo chữ; triết lý không rõ ràng, không gắn với truyền thống
văn hóa
dân tộc, vì vậy mà thành đạt ít. Ngay một số bài được coi là thành công
như
"Giọt sương hoa" của Phạm Văn Hạnh, đọc thì thích nhưng lửng lơ không
rõ; còn bài "Mầu thời gian" của Đoàn Phú Tứ là bài hay.
NT
Trần Đăng Khoa:
Tôi không thích bài thơ
này
lắm. Vì nó vẫn nghiêng về phía hình thức. Quá dụng công thường làm mất
đi sự tự
nhiên. Thơ lại rất cần sự giản dị, hồn nhiên. Hình thức phải do nội
dung ứa ra.
Bài thơ này không phải như vậy. Tôi ngờ lời bình bài thơ này trong "Thi
nhân Việt Nam" là của chính Đoàn Phú Tứ viết. Hoài Thanh "đồ" lại.
Vì hơi văn không phải hơi Hoài Thanh. Và lời bình cũng không hay. Văn
Hoài
Thanh là thứ văn siêu thoát. Ông thường nắm bắt hồn vía bài thơ chứ
không lẩn mẩn
sờ sịt từng con chữ cụ thể. Tất nhiên bài thơ và lời bình bài thơ này
có mặt
trong "Thi nhân Việt Nam..." lại làm đẹp cho Hoài Thanh. Nhờ nó mà cuốn
sách Hoài Thanh đa dạng. Người đọc thấy cái "tông" của ông rất rộng...
NT Huy Cận:
Đúng là bài bình ấy của
Đoàn Phú Tứ tự viết. Rồi Hoài Thanh đưa vào tập
"Thi nhân Việt Nam"...
NT Trần Anh
Thái:
Trở lại với tập thơ "Lửa
thiêng". Trên bìa sách tập thơ này có
vẽ hình ngọn lửa và người đàn bà khỏa thân, điều này có ý nghĩa gì?
NT Huy Cận:
Hồi ấy tôi nhờ Tô Ngọc Vân
vẽ bìa. Lúc đầu Tô Ngọc Vân vẽ người phụ nữ nằm, mặc
váy dài. Tôi nói: Tên tập thơ là "Lửa thiêng" - ngang; Xuân Diệu viết
lời tựa - ngang; bây giờ đến người đàn bà nằm thì có tới ba ngang. Tôi
nghĩ đã
có mấy cái ngang thì phải có một cái đứng. Hơn nữa người đàn bà tượng
trưng cho
sự sáng tạo phải là người đàn bà đứng. Vả lại, tôi thích chiêm ngưỡng
người phụ
nữ ở tư thế đứng, nó đẹp, lung linh hơn!
NT
Trần Đăng Khoa:
Bài thơ "Buồn đêm
mưa" của nhà thơ sao không bỏ chữ "buồn", vì nỗi buồn tự nó nói
ra, thêm "buồn" vào làm gì.
NT Huy Cận:
Tôi viết bài thơ ấy năm
1938 ở đê Yên Phụ. Lúc ấy tâm trạng rất buồn: "Tai
nương nước giọt mái nhà; Nghe trời nặng nặng, nghe ta buồn buồn; Nghe
đi rời rạc
trong hồn; Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...".
NT Trần Anh
Thái:
Còn bài thơ "Với bàn tay
ấy" đăng báo Phong Hóa vào mùa hè 1935
Xuân Diệu có tặng đề Ranh-bo Véc-len. Huy Cận và Xuân Diệu là hai người
bạn
thân, lời đề tặng ấy có ý nghĩa gì?
NT
Huy Cận:
Vào tháng 9-1936, tôi mới
gặp Xuân
Diệu ở trường Quốc học Huế, khi ấy mới biết nhau. Vì tôi thích bài thơ
ấy nên
Xuân Diệu tặng tôi chứ không dính dáng gì đến tình bạn của chúng tôi!
NT Trần Anh
Thái:
Gần đây một số tờ báo công
bố những câu thơ, đoạn thơ Huy Cận tặng Xuân
Diệu. Điều này có người bảo là tốt, có người cho là hạ thấp Xuân Diệu,
theo nhà
thơ?
NT Huy Cận:
Các nhà thơ tặng thơ, sửa
thơ, góp ý về thơ cho nhau là chuyện bình thường. Thí
dụ trong bài "Với bàn tay ấy" Xuân Diệu viết câu thơ "Một tối đầy".
Thế Lữ sửa lại là "Một tối đây". Từ "đây" hay hơn hẳn. Một
lần Xuân Diệu viết một bài thơ "Thu". Câu đầu của khổ thứ hai là
"gió thầm, mây lặng, dáng thu xa" đến câu thơ thứ hai thì Xuân Diệu
bí quá nên đề tạm là "tí tị, ti ti tỉ tĩ tì", cốt để giữ âm điệu rồi
ông tiếp tục viết câu thứ ba, thứ tư. Huy Cận góp ý: "Diệu cứ đọc một
câu
mà mình nghĩ theo ý muốn vào câu thứ hai". Thế là Xuân Diệu đọc: "Mới
tạnh mưa trưa, chiều đã tà". Và khổ thơ trọn vẹn là:
Gió thầm, mây lặng, dáng
thu xa
Mới tạnh mưa
trưa, chiều đã tà
Buồn ở sông
xanh nghe đã lại
Mơ hồ trong
một tiếng chim qua.
Huy Cận nghe
xong thốt lên: "Hay rồi!". Lúc ấy Xuân Diệu còn chưa tin đó là câu
thơ hay, nhưng hai ngày sau Xuân Diệu công nhận là câu thơ ấy hay thật.
NT Trần Anh
Thái:
Trong tập "Lửa thiêng" chỉ
có tám bài thơ lục bát, bài nào cũng
toàn bích, nhà thơ có bí quyết gì?
NT
Huy Cận:
Ấy là bản năng thơ, tôi
không có
bí quyết gì, không có lý luận gì, thơ là thiên bẩm.
NT
Trần Anh Thái:
Cảm ơn nhà thơ Huy
Cận!
THÁI VIỆT
ghi
(Báo Quân đội
nhân dân)