*
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

PHỎNG VẤN


Nữ sĩ Anh Thơ 

Số phận đã an bài cho bà danh hiệu nữ sĩ ngay từ khi mới 17 tuổi. Cái danh ấy xuất hiện quá sớm và quá lớn nên cuộc đời bà là một chuỗi những tìm kiếm rụt rè và vô vọng. Năm nay, bà đã vào độ tuổi da mồi tóc sương nhưng vẫn còn minh mẫn. 

- Sự thật những chuyện đồn thổi về một cô nữ sĩ xinh đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc, 17 tuổi đã đoạt giải thưởng Tự lực văn đoàn, làm điên đảo những văn tài thời đó như Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Bính, Tú Mỡ... ra sao, thưa bà? 

- Xinh đẹp hay không là do người ta nói, tôi chỉ biết ai gặp tôi hồi đó cũng phải công nhận là tôi duyên dáng. Tôi còn nhớ hôm nhận giải Tự lực văn đoàn cho tập Bức tranh quê (1939), tôi mặc một chiếc áo dài trắng, cổ đeo kiềng vàng nên ông Nhất Linh nói với ông Tú Mỡ bằng tiếng Pháp: ''Mình chiếu cố phụ nữ cũng đúng, cô Anh Thơ không chỉ thơ đẹp mà mắt cũng đẹp''.

- Trong hồi ký ''''Từ bến sông Thương'''', bà đã vẽ chân dung của cố thi sĩ Nguyễn Bính rất buồn cười, liệu có phải vì yêu quá hóa ghét không? 

- Những chuyện tôi nói về Nguyễn Bính là hoàn toàn sự thật. Lúc chưa gặp mặt, tôi rất mê thơ ông ấy. Tôi hình dung ông ấy hào hoa, phong nhã và ga lăng với phụ nữ lắm, thế nhưng đến lúc giáp mặt thì tôi thất vọng hoàn toàn. Ông ấy hơi thô bạo và sỗ sàng. Ông ấy làm tôi sợ. Lần đầu tiên đến tìm hiểu tôi, ông ấy đã rủ rê: ''''Việc gì phải cưới hỏi, bỏ nhà theo anh đi''''. Lần thứ hai, thấy tôi trên tàu điện, ông ấy đi từ đầu toa tới cuối toa đọc thơ oang oang. Thấy không lay động được tôi, ông ấy liền quát: ''''Không yêu thì giả thơ, giả ảnh cho tao''''.

- Được tiếng là nhiều người si mê, thế mà sao mãi tới tận năm 36 tuổi, bà mới lập gia đình? 

- Tôi mất lòng tin vào đàn ông một thời gian dài. Từ bỏ cuộc đính hôn với ông Cẩm Văn, chủ NXB Nguyễn Du vì mỗi lý do ông ấy mê cô đầu. Khi thấy Cẩm Văn nhìn cô đầu rất say đắm, tôi đã ngất đi vì nhục nhã. Tôi nhất quyết đoạn tình, ông ấy cứ chạy theo thanh minh rằng: ''''Anh chỉ yêu cái bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua cái áo tứ thân của cô ấy chứ không yêu gì cô ta. Anh chỉ yêu em thôi''''. Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy thương ông ấy một chút nhưng rồi nghe tin là tôi bỏ đi, cô đầu ấy dọn luôn đến nhà Cẩm Văn ở, thế là tan một nhà xuất bản danh tiếng. 

- Cơ duyên nào khiến bà gặp được ông chồng bây giờ? 

- Ở hiền thì lại gặp lành, hồi tôi đi Liên Xô về, các chị Vân Đài, Hằng Phương sợ tôi ế chồng nên cứ dắt hết anh này đến anh khác đến cho tôi tìm hiểu. Tiếp khách nhiều quá tôi phát chán, sau cùng đành quyết định chọn bác sĩ Bùi Viên Dinh, do bà Trường, vợ nhà văn Nguyễn Đình Thi giới thiệu. Anh ấy là bác sĩ khoa Thần kinh, bệnh viện Chợ Rẫy, rất lành tính và cái chính là rất chung thủy. Cưới nhau 2 năm, tôi bị bệnh phải cắt bỏ dạ con, không thể sinh con, thế mà anh ấy vẫn chịu đựng. Tôi đã viết hẳn một tập thơ có tên Lệ sương để tặng anh ấy.

- Bà vẫn còn sáng tác thơ chứ?

- Sáng tác nhiều chứ. Ngày thơ VN vừa rồi, tôi định đọc một bài thơ tình nhưng sợ người ta bảo già quá rồi nên không dám đọc nữa. Ngày 8/3, tôi cũng làm một bài thơ nói về tình yêu của người phụ nữ. Tôi thấy thơ bây giờ nhiều triết lý quá, thơ câu dài, câu ngắn chẳng có vần điệu gì cả.

Đêm xuân 

Trời quang quẻ, đêm nay không mưa nữa

Nước trong ngòi chảy tắm mấy ngôi sao.

Tàu chuối láng che mặt trăng xấu hổ

Khóm tre già đợi gió đứng bên ao. 

Trong các ngõ, người đi ra từng tụm,

Những đàn ông vào điếm họp quân bài;

Các cô gái ra bờ sông hát đúm,

Mấy bà già cõng cháu đến nhau chơi.

 

Ngoài đồng vắng - trời đêm mà che nón?

Có hai người đi lẻn tới nương dâu.

Và lại có cả một đôi đom đóm

Bay dập dìu như muốn phải lòng nhau.