*


Phỏng Vấn





Nhà văn Do Thái, Amos Oz, trả lời phỏng vấn

*
*

Chỉ có mỗi một giải pháp là chia.
Khi còn nhỏ tôi đã mơ, khi nào lớn, mình sẽ là một cuốn sách, chỉ có cách đó là đỡ nguy hiểm, hơn là làm một người. Và biết đâu, với một chút may mắn, cuốn sách đó, có một bản sống sót.
Ngay từ khi còn con nít, Oz đã cảm nhận ra nỗi bi đát, là một người Do Thái.
Đối với hai dân tộc đó, thay vì yêu nhau, hãy ly dị nhau:
Pour les deux peuples, il ne sagit non pas de s'aimer mais de divorver.
*
Ôi chao, hoá ra ông Tây mũi lõ ngày xưa đã nhìn ra số phận của cái đám Con Rồng Cháu Tiên nơi mảnh đất hình chữ S. Chỉ có mỗi một cách chia chúng ra, thì mới tránh được cái họa, chúng nó giết lẫn nhau, mới tránh được cái họa Thống Nhất, và sau đó, cái họa Con Bọ VC!


*
Amos Oz: Sáu chục năm ròng, ở Âu Châu, người ta đọc thấy trên tường:
"Do Thái ở Palestine!".
Bi giờ: "Do Thái, ra khỏi Palestine!". (1)
(1) Sourced:
"Out there, in the world, all the walls were covered with graffiti: 'Yids, go back to Palestine,' so we came back to Palestine, and now the worldatlarge [sic] shouts at us: 'Yids, get out of Palestine.'"
A Tale of Love and Darkness (2003)
quoted on U.S. radio program "Fresh Air", December 1, 2004
Tiểu sử Oz trên trang Wikipedia
*
Một độc giả đã từng cảnh cáo Gấu: Coi chừng tẩu hỏa nhập ma!
Nhưng, khổ một nỗi, đọc mấy dòng trên, là Gấu nghĩ liền tù tì tới cái chân lý "Sông Có Thể Cạn".
Nó đúng như là... chân lý, nếu không từ thời đồ đá, từ khai thiên lập địa, thì cũng từ thuở... Vua Hùng dựng nước!
Cho đến ngày 30 Tháng Tư  thì... sai!

Những dòng của Oz,
"Khi còn nhỏ tôi đã mơ, khi nào lớn, mình sẽ là một cuốn sách, chỉ có cách đó là đỡ nguy hiểm, hơn là làm một người.
 Và biết đâu, với một chút may mắn, cuốn sách đó, có một bản sống sót"
Nhật Ký Tin Văn
làm Gấu nghĩ đến giấc mộng thời mới lớn của mình, khi mới được Sài Gòn đón nhận:
Và trộn vào giấc mơ tuổi thơ, là cơn mộng đời rực rỡ. Sẽ trở thành nhà văn. Sẽ viết một truyện dài nối liền được hai thành phố.
Lần Cuối Sài Gòn
*

  Khi còn là một đứa nhỏ, vào những năm 1940, tại Jerusalem, Amos Oz đã có cái cảm quan về sự bi đát. Nó là di sản của một gia đình tuyệt vọng, bị săn đuổi, truy nã, và phải rời khỏi Âu Châu, do chủ nghĩa bài Do Thái.
Và ông đã có đam mê những con chữ.
Cuốn sách mới nhất của ông Làm thế nào chữa lành một kẻ cuồng tín?
*

Ông trả lời tờ Tin Nhanh, L'Express, số 23-29 Tháng Ba 2006.

-Theo ông đâu là thực chất, la vraie nature, của cuộc xung đột Israel-Palestine?
Đây không phải là một cuộc chiến của văn minh, của tôn giáo, mặc dù có những người mong như vậy. Câu hỏi độc nhất, là: Đất này thuộc về ai? Xứ sở của chúng tôi thì nhỏ xíu. Hai dân tộc đều hợp pháp, đều có lý, légitimes. Ai có thể cho rằng người Palestine không ở nhà của họ, ở Palestine? Họ ở nhà của họ, ở Palestine, y hệt như người Hoà Lan ở nhà của họ, ở Hoà Lan. Ai có thể cho rằng người Do Thái, chính họ, không có quyền ở xứ sở đó? Đó là nơi chốn độc nhất mà họ có, tổ quốc độc nhất mang tính lịch sử của họ. Họ đâu có nơi nào khác?
Trong vấn đề này, chẳng có một bên là những kẻ ác, một bên là những kẻ thiện, như là những người Âu Châu muốn tin là như vậy. Đâu phải một phim cao bồi Viễn Tây? Cũng không phải một cuộc xung đột giữa cái tốt và cái xấu.
Đây là một thảm kịch thực. Một cuộc xung đột giữa cái đúng và cái đúng, entre le juste et le juste.
-Và còn là một thảm kịch thực sự giữa hai nạn nhân của Âu Châu, như ông nhấn mạnh?
Đúng như thế. Người Ả Rập là nạn nhân của Âu Châu do chủ nghĩa thực dân thuộc địa, đế quốc, bóc lộc, của điều, bị nhục nhã tủi hổ; người Do Thái, do phân biệt chủng tộc, truy bức, bách hại, và tàn sát tập thể, theo một mức độ chưa từng có trước đây. Mấy ông trí thức nhiều nước mắt cứ nghĩ rằng thì là, những nạn nhân như thế đó, sẽ thương yêu nhau thêm lên. Sẽ ôm lấy nhau mà khóc ròng, cùng nhau, tay trong tay tiến về những hàng rào kẽm gai, hát um lên những vần thơ của Bertolt Brecht. Nhưng không. Trong thực tế, những xung đột tệ hại nhất, là giữa hai loại nạn nhân đó, giữa những kẻ không chịu nổi nhau. Những đứa trẻ của những ông bố độc ác có khuynh hướng, muốn nhìn thấy một hình ảnh, về một ông bố tàn bạo, khác. Bố tao ác, còn bố mày thì bạo, mèo nào cắn mỉu nào? Vì vậy, những người Ả Rập coi chúng tôi là những tên thực dân giả trang thành những người "sionistes" [những người theo chủ nghĩa Do Thái], đến từ phía Trung Đông, với mục đích là thống trị họ. Còn chúng tôi, thì nhìn họ như là những kẻ đi làm cỏ, vặt thật sạch, những gốc rễ Do Thái, những tên nazi để râu khoác áo choàng.... Từ những sự kiện như thế đó, theo tôi nghĩ, Âu Châu phải có một trách nhiệm nào đó, đối với cả hai bên.
-Tại Pháp, tính hợp pháp của người Palestine có vẻ như không bị chống đối nhiều, so với những người Do Thái Israel?
Người Do Thái chẳng có nơi nào khác, ngoài mảnh đất này. Mười bẩy thế kỷ, họ bị đánh đuổi ra khỏi nơi chốn đó. Nhưng luôn luôn có một cộng đồng quan trọng người Do Thái trên trái đất. Tại Jerusalem, từ hai trăm năm, đa số dân ở đó là người Do Thái. Từ mấy thập kỷ vừa qua, người Do Thái tới đây, bởi vì là nơi chốn độc nhất không từ chối họ, mừng đón họ... Cách đây sáu chục năm, tại Âu Châu, những người  Do Thái "laiques", [thế tục], như bố mẹ tôi, là những người Âu Châu thực sự, duy nhất. Những người khác, là những người ái quốc - Bồ, Hung... Bố tôi nói 11 thứ tiếng, đọc 17 thứ; mẹ tôi nói 7 thứ tiếng. Họ nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, tiếng Ba Lan, đọc tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh, và có thể, mơ bằng tiếng Yiddish.
Họ mê Âu Châu nhưng Âu Châu chẳng mê họ. Đám Nazi và Cộng Sản gọi họ là những tên "cosmopolites" [người của muôn phương], "những tên trí thức không có gốc rễ", "đám ăn hại" ["des parasites"]. Bố mẹ chúng tôi đã không chìm xuồng cùng với chiếc tầu Titanic Âu Châu. Trong khi người Âu Châu nhâm nhi những món ăn ngon lành có phần đóng góp của người Do Thái trong cái sự sáng tạo ra, nghe những bản nhạc ngon lành, cũng có phần đóng góp của Do Thái, thì họ bị đá ra khỏi Âu Châu, vào những năm 1930. May cho họ, vì nếu không, họ đã bị sát hại vào những năm 1940. Và như những người khác, họ bơi tới Palestine. Đó là giải pháp độc nhất của họ.
-Bởi vì, cho tới bây giờ, chẳng có nơi nào nhận họ, ngay cả ở Mẽo?
Chẳng ai muốn DoThái. Chẳng ai hết! Ngài Thủ Tướng Gia Nã Đại, vào thời kỳ đó, đã tuyên bố: "Một tên thôi, là đã "quá, quá" rồi!" Nước Úc thì lịch sự, kiểu cách hơn: "Đất nước chúng tôi không có chủ nghĩa bài Do Thái. Chính vì vậy mà chúng tôi không nhận người Do Thái. Nhận họ, là gây ra cái chủ nghĩa bài Do Thái ở đất nước chúng tôi!". Còn Mẽo hả? Ông của tôi đã tính xin cái quốc tịch Mẽo và được Mẽo trả lời: "Hãy đợi 17 năm!" Ông cụ lấy đâu ra 17 năm chờ đợi, tại cái xứ Ba Lan bài Do Thái, vào năm 1932 đó. Jerusalem là giải pháp độc nhất, nếu không muốn chìm ngoài biển.

*
Bắc Nam xum họp một nhà!
[Với hai giống dân, đừng yêu nhau, hãy xa nhau!]
Tham vọng thực dân, đế quốc. Bóc lột người Ả Rập. Người ta đã nguyền rủa chúng tôi như thế. Tại sao lại có thể nghĩ như vậy? "Nhà nước Israel? Liệu có phải là một ý nghĩ tốt?", mới đây thôi, mấy ông trí thức Tây còn hỏi tôi như vậy. Tôi nhìn họ, chết sững. Cứ như là gia đình chúng tôi làm một chuyến du lịch, và, thay vì chọn Côte d'Azur, tụi này ngu quá, lại chọn Palestine! Nhưng tụi này ngu hay mấy ông đó ngu?
-Có vẻ như ông vẫn luôn luôn tức giận, với Âu Châu?
Sáu chục năm ròng, ở Âu Châu, người ta đọc thấy trên tường: "Do Thái ở Palestine!". Bây giờ, vẫn trên những bức tường đó: "Do Thái, ra khỏi Palestine!". Vậy thì, đâu là xứ sở của người Do Thái? Tôi thật sự kinh ngạc, và tức điên lên, vì, tại sao những người trí thức Tây lại không nắm được tính phức tạp của cuộc xung đột. Tôi nhớ là, đã có thời, họ ủng hộ Do Thái tới 120%, quá cả mức mà chính tôi, mong mỏi. Khi họ ủng hộ những người Ả Rập, cũng với mức 120% như thế! Trong trường hợp đầu, chẳng ích gì cho dân Do Thái, trường hợp sau, thì cũng rứa: chẳng ích chi cho dân Ả Rập! Tại Âu Châu, đứng trước một sự bất công, người ta ký vào một đơn thỉnh nguyện, người ta tổ chức một cuộc biểu tình, và sau đó, người ta đi ngủ sớm, hài lòng về chính mình! Tôi, tôi xếp mình vào cùng hàng, đằng sau lưng Bác Sĩ [nhà văn] Chekhov. Và tự hỏi: Mình có thể làm gì? Khi thấy một người bị thương, máu chảy ròng ròng, người ta không hỏi, ai là thủ phạm, mà người ta lo cầm máu, băng bó cho nạn nhân. Ở đây, người người chảy máu, người người chết, người Ả Rập tàn lụi đi dưới sự thống trị của Israel, người Israel sống thường trực trong nỗi lo huỷ diệt, bị làm cỏ. Vậy thì, thưa những cư dân Âu Châu, mấy ngài làm gì để giúp đỡ họ, thay vì sẽ ký tên trong thỉnh nguyện thư sắp tới? Và hãy nhớ rõ điều này, Âu Châu đã từng đổ máu, nhiều hơn tất cả những lục địa còn lại kia, cộng lại! Và Âu Châu đã phải mất tới cả một thiên niên kỷ mới có được hoà bình. Tin tôi đi, cuộc chiến của chúng tôi sẽ chóng vánh hơn. Nếu tôi là người Âu Châu, tôi sẽ khiêm nhường hơn!

*
Cuộc chiến chẳng bao giờ chấm dứt
bắt đầu một chương mới.

-Sinh tại Jerusalem năm 1939, ông đã trải qua thời niên thiếu ở đó, và ông đã kể ra trong Câu chuyện về tình yêu bóng tối, Une histoire d'amour et de ténèbres [Gallimard, Sylvie Cohen dịch từ tiếng hébreu]. Như là một đứa trẻ, khi đó, ông nghĩ sao về những người Palestines?
Tôi khi đó là một thằng bé hăm he dấn thân, mê một quốc gia Do Thái, mê tổ quốc ta ơi đến điên cuồng, đầu đầy lý thuyết. Một thằng bé "Intifada" Do Thái. Chiến công đầu tiên của tôi, là ném đá vào đám lính Ăng lê, vào năm 1946, và la lên những từ tiếng Anh độc nhất mà tôi biết được: British go home! Tụi Anh cút về nhà mày đi! May mắn cho tôi, và nhờ sự giúp đỡ của mấy cô thiếu nữ, tôi hiểu ra rất sớm, sự chừng mực. Tôi lớn lên trong một căn phòng nhỏ, đầy những sách, trong một gia đình nghèo, với những xung đột, những mất mát, trong cái bóng của Lò Thiêu. Tôi là đứa trẻ của những người tị nạn, những người mất gốc, tan hoang, đổ nát - mẹ tôi tự sát khi tôi còn nhỏ xíu -  và tôi thừa hưởng một phần lớn thảm kịch đó. Nhưng đó không phải là một tuổi thơ bất hạnh, bởi vì, tôi đã có một cơ hội ghê gớm là chứng kiến Lịch Sử, học quá nhiều về cuộc đời, và về những con người chung quanh. Mười bốn tuổi, tôi nổi loạn chống lại thế giới của ông bố, những giá trị, truyền thống của nó, và vô sống trong một kibboutz. [Giống như một làng canh nông, làng kháng chiến. Ấp Chiến Lược của Ngô Đình Nhu được mô phỏng từ nó]. Ông bố tôi là một trí thức, hữu phái. Tôi quyết định trở thành tài xế lái xe tải, tả phái. Ông bố tôi nhỏ con. Tôi muốn trở thành thật to con, [điều này đành chịu thua!]. Tôi chỉ có thể viết ra những điều này, một khi sự cáu giận xâm chiếm tôi. Bây giờ, tôi hình dung bố mẹ như thể họ là những đứa con của mình, đôi khi ngu đần, đôi khi độc ác, những con người không thể nhìn xa. Rất con người. Và rất buồn.

*
-Được nuôi dưỡng trong môi trường sách vở, ông đâu có thoát ra khỏi thế giới đó?
Ngôn ngữ, chính là dụng cụ của tôi. Tôi là người thợ, làm việc với những chữ, như thợ mộc, với gỗ. Ngày nào tôi cũng hít hà chúng, thử con này, con nọ, thay con đó, con kia, tôi chơi với chúng. Tôi mong mình có được một trách nhiệm nào đó đối với chúng. Huỷ diệt tính nhân bản của những con chữ, tha hoá, làm hư hỏng chúng, coi kẻ này, kẻ kia là đồ ăn hại, hay loài sâu bọ, đó luôn luôn là bước đầu tiên, sau đó mới tới giết chóc. Mỗi lần thấy một ngôn ngữ bị tha hoá, mất tính người, tôi khóc. Tôi chỉ biết:: Khóc [crier]. Tôi luôn luôn tưởng tượng ra mình, dưới lớp da của kẻ khác: "Ông ta, bà ta như thế này hả?", cho dù đó là một người Ả Rập Palestine, hay một tên thuộc địa Do Thái Cisjordanie. Tưởng tượng kẻ khác, điều đó không có nghĩa là yêu, hay đồng lòng với người đó.
-Trong cuộc xung đột Israel-Palestine, vấn đề không phải là học yêu thương, hòa giải hòa hợp, mà là, tách rời. "Hãy giúp chúng tôi ly dị nhau!", ông lập lại câu này nhiều lần trong những cuốn sách của ông. Như thế nghĩa là thế nào?
Câu trả lời chỉ nằm trong một từ: Chia. Chia căn nhà ra làm hai phòng nhỏ. Chẳng có một hy vọng, một cơ may nào, ở cái chuyện, chúng tôi nhảy vào lòng nhau, ôm hôn thắm thiết, và la lớn lên:
"Ôi người anh em Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam của chúng mình ơi, hãy yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi!"
*
Đây là Gấu cương đại: Il n'y a aucune chance pour que nous nous jetions dans les bras les uns des autres en criant: O mon frère, qu'importe la terre, aimons-nous!: Chẳng có cơ may nào về cái chuyện chúng tôi ôm lấy nhau, và la lên: Đất cát mà nhằm nhò gì, chúng ta hãy thương yêu nhau!
Sẽ có người chửi, Ả Rập, Do Thái làm sao so sánh với người Việt được. Bắc, Trung, Nam, là do hoàn cảnh địa lý, lỗi là tại cái chữ S, chứ vưỡn là người Việt, máu đỏ da vàng!
Nhưng, Gấu đã từng đọc, đâu đó, hình như từ ông Dickens thì phải, ông này phán, mấy người cùng máu, thịt lẫn nhau còn 'máu' hơn là thịt, mấy thằng cha khác máu.
Đâu cần gì đến ông Dickens!
Hãy nhớ lại cảnh Việt Gian bị Việt Minh làm thịt, cảnh, làm thịt cả một miền đất, ngay sau 30 Tháng Tư, cảnh Việt Kiều yêu nước, khi còn ở trại tị nạn, hình như là Hồng Kông thì phải, một đám thì hoan hô ngày 30 Tháng Tư thống nhất đất nước, đám kia thì không hoan hô, thế là 'máu' lẫn nhau!
*
"Chẳng có cơ may nào về cái chuyện chúng tôi ôm lấy nhau, và la lên: Đất cát mà nhằm nhò gì, chúng ta hãy thương yêu nhau!" Chúng ta đâu có ở trong một cuốn tiểu thuyết Nga [?]. Theo tôi, cũng chẳng có một giải pháp nào khả hữu cho Nam Phi, cho dù từ những ông như Nelson Mandela, hay Desmond Tutu, bởi vì cuộc xung đột là giữa những giống dân không có chung một ngôn ngữ, tôn giáo, hay truyền thống. Mong muốn, chuyển từ một trận giặc đầy máu me qua một tuần trăng mật không me máu, thì cũng giống như mong muốn một cuộc thống nhất giữa nước Pháp và nước Đức vào năm 1945.
-Phải làm hoà bình, không làm tình yêu [Il faut faire la paix, pas l'amour], như ông đã từng nói?
Này, tôi đòi bản quyền, từ diễn tả đó, đấy nhé! [Cười]. Có thể vì tôi không phải là tín hữu Ky Tô giáo, tôi nghĩ, tình yêu là một của báu rất hiếm [un bien très rare]. Đó là một thứ cảm xúc rắc rối, đa dạng, ích kỷ, đôi khi hung bạo, một dụng cụ không có thể sử dụng để giải quyết cho một vụ xung đột. Tại toà án, chẳng lẽ ông toà phán, "Này hai tên ngu kia, tại sao lại tranh chấp nhau, chỉ vì một con cừu? Hãy quên con cừu đi, và hãy thương yêu lẫn nhau!" Tôi biết, từ "compromis" [thoả hiệp], nó có một tiếng tăm ghê sợ, un réputation épouvantable, giữa những nhà lý tưởng Âu Châu, nhưng trong bộ chữ của tôi, nó đồng nghĩa với từ "đời sống". Đời sống, nghĩa là thoả hiệp. Và từ ngược lại của nó, ngược lại với thoả hiệp, không phải là "chủ nghĩa lý tưởng", nhưng mà là chủ nghĩa cuồng tín và cái chết. Tôi kết hôn với cũng chỉ một người đàn bà trong 45 năm, và tôi có một vài ý nghĩ nho nhỏ về vấn đề này rồi [Cười].
-Đâu là những "termes" [điều kiện] của từ "thỏa hiệp" của ông? Một bức tường giữa hai căn phòng? Những biên giới theo kiểu vào năm 1967?
Một đường xanh như năm 1967, đại khái vậy. Bức tường, như được Israel xây, nhằm ngăn chặn những kiểu tấn công tự sát, kamikazes, tự thân, không có vấn đề, theo tôi. Rào giậu tốt, láng giềng tốt. Nhưng đừng có xây ngay ở giữa sân nhà ông hàng xóm. May mắn thay, một khi dựng lên, người Israel vẫn có thể di chuyển nó. Chỉ mấy cái xe ủi, là xong thôi. Chắc chắn rồi, chẳng thể nào nhảy múa ca hát ở giữa đường phố, nhưng ở đâu ra vườn hồng, ai cho phép chúng tôi chuyện đó? Còn bao lâu nữa mới có được? Bao nhiêu máu còn chảy? Tôi không biết. Thật rất nguy hiểm, làm cái trò tiên tri ở xứ sở này. Nhiều thầy thối ma, sẽ có lắm địch thủ lắm đấy!
-Làm sao tiến hành một giải pháp như vậy, khi Hamas nắm quyền lực? Chính đảng Israel, Kadima, tuyên bố, một khi thắng cử, họ sẽ một mình đặt để biên giới quốc gia.
Chúng ta không thể nói chuyện chính trị với Hamas, chừng nào họ còn muốn làm biến mất quốc gia Israel. Làm sao có thoả hiệp, giữa hiện hữu và huỷ diệt, làm tiêu ma, biến mất? Ngược lại, chúng tôi có thể tăng cường những liên lạc với Lực lượng vì hòa bình Palestine, và kêu gọi Liên đoàn Ả Rập; tổ chức này, vào năm 2002, đã đề ra một thỏa hiệp [formuler une proposotion]. Những quốc gia Ả Rập cũng quan tâm. Họ cần kiềm chế chủ nghĩa chuyên chính tôn giáo, [chủ nghĩa chính thống: fondamentalisme]. Nếu đạt được thoả hiệp, sẽ đưa tới trưng cầu dân ý tại Palestine, như vậy tốt hơn là một giải pháp đơn phương. Trong một vụ ly dị, cần đi đến một thỏa thuận, accord, thay vì đóng cửa đánh sầm một cái, rồi mặc mẹ nó, muốn ra sao thì ra.
-Israel sẽ chịu rủi ro lớn, khi tiếp tục trao trả những phần đất chiếm đóng.
Tiếp tục giữ chúng còn nguy nan hơn nhiều. Chúng tôi phải chọn lựa, giữa hai hiểm nguy. Một khi trao trả, bề ngang Israel sẽ không quá 15 cây số. Chúng tôi đã biết điều này, trước 1967. Và tôi cũng khá già rồi, để mà nhớ lại nỗi lo âu, angoisse, đè nặng lên chúng tôi. Nhưng tiếp tục kiểm soát 3 triệu dân Palestines là một thảm họa cả cho họ lẫn chúng tôi.
-Tôi muốn đặt cho ông, một câu hỏi chết người: là Do Thái nghĩa là gì đối với ông?
Tôi có thể trả lời, bằng một câu nói đùa, [une boutade: một câu nói dí dỏm], bất cứ ai, hỏi như vậy, là có tí máu Do Thái. Do Thái, không phải là một sắc dân [une race]: Chỉ cần đi dạo trong những phố xá ở Tel-Aviv là nhận ra điều này. Cũng không phải là một tôn giáo: Phần lớn Do Thái ở Israel là những kẻ thế tục tới tận xương tận tuỷ. Cũng chẳng phải là một ngôn ngữ: Do Thái trên thế giới nói trên chục thứ tiếng. Vậy thì sao? Riêng với chúng tôi, đó là một thứ cảm tính nào đó, thật khó định nghĩa.... Đối với tôi, tất cả con người tự coi mình là Do Thái, hay bị bắt buộc phải coi mình là Do Thái, như thế đó, thì người đó là Do Thái. Vậy thì, chào mừng bạn đã lên tầu. Nhưng tôi không muốn nói về nó bằng những từ ngán ngẩm. Văn minh Do Thái thì thật là tuyệt vời, đó là một nền văn minh "anarchiste", vô chính phủ. Nếu có một người nào đó nghĩ rằng sẽ trở thành giáo chủ của Do Thái, người đó luôn luôn tìm ra một người khác, và người khác này sẽ nói với ông ta: "Chào giáo chủ, chúng mình không biết nhau, nhưng ông của ông và chú của tôi đã từng làm ăn chung tại Casablanca, hay tại Minsk, vậy thì, hãy ngưng lại, chừng hai phút thôi, tôi sẽ nói cho ông biết, Thuợng Đế trông chờ gì ở hai đứa chúng ta, sau đó, chúng mình sẽ bàn luận tiếp." Đó chính là đạo Do Thái [judaisme] từ hàng nghìn năm nay; và đó cũng là Israel, một diễn đàn [forum] bất tận. Tất cả mọi người bàn luận, đưa ra ý kiến này nọ, khẳng định này nọ, mỗi người có một ý kiến tốt hơn, hay hơn là người kế bên, và hãy bắt đầu bằng tôi. Với tôi, có phần mình ở trong nền văn minh đó, không có nghĩa là bị đẩy vào trong một cái hầm trú ẩn, un bunker, nhưng mà là một chọn lựa. Một chọn lựa khó khăn, mắc mỏ, qui coute cher. Nhưng là một chọn lựa đẹp. Và tôi hạnh phúc sung sướng vì chọn lựa đó.
Amos Oz
Dominique Simonnet thực hiện cho tờ Tin Nhanh, L'Express, số đề ngày 23/3/2006