*

Phỏng Vấn





Cô gái Tàu nhỏ và Balzac. 

 Lưu Vũ giới thiệu và chuyển ngữ

Dai Sije sinh năm 1954 trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là bác sĩ. Trong cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa do Mao Trạch Đông phát động (1966- 76) bố mẹ ông bị liệt vào tầng lớp trí thức tư sản và ở tuổi 17, chàng trai Dai Sije vì tấm lý lịch của gia đình bị đưa đi cải tạo lao động ở một vùng thôn dã hẻo lánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Năm 1974, Dai Sije trở về thành phố. Năm 1976, “Người cầm lái vĩ đại” Mao chết, Dai Sije thi đậu vào đại học tổng hợp. Năm 1978 Đặng Tiểu Bình nắm chính quyền và nhờ những cải cách của thời kỳ này mà Dai Sije nhận được học bổng sang học tại Viện Mỹ thuật Pháp. Từ quá khứ tuổi trẻ cay đắng tủi nhục của mình trong những năm tháng bị cải tạo, năm 2000 ông cho ra đời cuốn sách “Cô gái Tàu nhỏ và Balzac”. Cuốn sách ngay tức khắc trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất - bestsller, đã bán trên 250.000 bản, được dịch ra 25 thứ tiếng (trừ tiếng Hoa). Hai năm sau, năm 2002 ông viết kịch bản và đạo diễn cho ra đời bộ phim cùng tên.

Cuộc Đại Cách mạng Văn Hóa đầy tội ác thời đó đã được các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam cổ vũ nhiệt tình. Họ cố tình quên đi và vẫn tiếp tục ôm gót đàn anh. Khi Trung Quốc cải cách thì Việt Nam có “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Bài “Cải tạo lao động” học từ các ông thầy Trung Hoa họ vận dụng cho tới ngày nay để đọa đầy bao nhiêu tài năng không cùng chính kiến với họ. “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn mang máng đâu đây những nét thật gần.

Đàn Chim Việt giới thiệu bài phỏng vấn Dai Sije của Konrad Godlewski (K.G), phóng viên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza để chúng ta cùng suy ngẫm.
Phim “Cô gái Tàu nhỏ và Balzac” đang được chiếu rộng rãi trên màn ảnh Ba Lan và nhiều nước khác. 

K.G: Cô gái Tàu nhỏ có tồn tại thật sự không?

Da Sije: Có, nhưng không phải là cô con gái người thợ may trong phim của tôi, cô ấy chỉ là một cô gái thôn dã bình thường. Trong thời gian cải tạo, chúng tôi đã đọc cho cô ta nghe những tiểu thuyết bị cấm của phương Tây, còn cô thì bị thay đổi rất nhiều dưới ảnh hưởng của những cuốn sách đó và đã đi đến quyết định rời bỏ làng quê của mình. Mặc dầu tôi có thêm một ít cảnh mới, nhưng cuộc sống đã viết nên một lịch sử đúng vậy.

K.G: Sau đó chuyện gì đã xảy ra với cô ấy?

Da Sije: Thật đáng tiếc, tôi không biết và tôi rất mong được biết.

K.G: Tại sao lại có Balzac ở đây? (Balzac, nhà văn Pháp 1799 –1850- ND)

Da Sije: Chúng tôi đã giấu được những cuốn sách của các tác giả nước ngoài, kể cả Flaubert, Dostoevski. Cho đến giờ này tôi vẫn ngạc nhiên việc cô gái nhỏ ấy mê nhất Balzac. Tôi nghĩ rằng, có lẽ từ cách cư xử của đàn ông trong tiểu thuyết của ông. Cuộc sống của cô gái thôn quê thật buồn chán, từ bé chỉ công việc và công việc, sau đó đi lấy chồng. Nếu may mắn thì sẽ biết mặt người chồng trước khi đám cưới. Tiếp theo là đẻ con, công việc, công việc... cho đến chết. Thậm chí có nhan sắc (cô gái nhỏ ấy rất xinh đẹp), thì bọn đàn ông cũng chẳng thèm chú trọng. Tôi nghĩ, cô ta thích trong (sách của) Balzac người đàn ông chạy theo tình cảm của phụ nữ, quyến rũ họ.

K.G: Ông sống ở Pháp cũng vì lý do Balzac?

Dai Sije: Không, chỉ là sự tình cờ. Sau khi đi cải tạo về tôi học hội họa Trung Hoa, tôi mong muốn được đi bất kỳ nơi đâu để có thể mở rộng chân trời sáng tạo. Năm 1984, tôi thi đậu và được chính quyền quyết định cho đi Pháp. Tôi đã rất hạnh phúc, có được bầu bạn quốc tế trong Viện Mỹ Thuật. 

K.G: Nhưng cuối cùng ông lại không trở thành họa sĩ?

Dai Sije: Ở Paris, tôi đi đến rạp như một kẻ bị bùa mê. Trước khi đến đây tôi có cảm nghĩ rằng chỉ có hai loại phim – cộng sản và tư bản. Loại thứ nhất để tuyên truyền, còn loại thứ hai để làm đầy túi tiền các nhà làm phim. Chính tại Pháp, tôi đã phát hiện ra rằng, phim có thể là một nghệ thuật, đôi khi với màu sắc riêng. Tôi muốn thử sức.

K.G: Ông sống ở Paris gần 20 năm, viết bằng tiếng Pháp. Ông có nghĩ mình là người Pháp?

Dai Sije; Đã có một câu hỏi tương tự như vậy được đặt ra cho Peileoh Ming, một nhà kiến trúc gốc Hoa nổi tiếng, trong nhiều công trình của ông có nhà kính Peramid ở bảo tàng Luvr. Ở tuổi 18 Pei đến Mỹ vào năm 1935 và sau mấy chục năm vẫn thấy mình là người Hoa. Có thể gặp người Hoa di tản của Tổ quốc tôi ở bất kỳ xó xỉnh nào trên thế giới, bởi vì ở đâu họ cũng hòa nhập được. Nhưng họ vẫn là người Hoa.

K.G: Ông cũng vậy sao?

Dai Sije: (cười) Từng ấy năm ở Paris mà tôi vẫn cứ thích món ăn Tàu.

K.G: Người ta đang nói nhiều về các đạo diễn của thế hệ 5, tỷ như Trương Nghệ Mưu hay Chen Kaige, những người đang làm các bộ phim mạnh bạo, họ muốn thanh toán với quá khứ của kỷ nguyên Mao-ít. Nếu như ở Trung Quốc, hẳn ông sẽ nhập cuộc với họ?

Dai Sije: Không nhất thiết. Phim của họ có lẽ tổng quát hơn, còn của tôi được xem như phim “lạ”. Bộ phim “Cô gái Tàu nhỏ và Balzac” tại Trung Hoa lục địa không dành được khán giả nhiều như so sánh với phim của họ.

K.G: Nhưng người ta viết rất nhiều về nó!

Dai Sije: Người ta viết vì các diễn viên của tôi rất nổi tiếng và họ có khán giả của mình. Người ta viết vì rằng có một người di tản quay phim tại Trung Hoa về cách mạng văn hóa.

K.G: Thế dân chúng không thích phim này sao?

Dai Sije: Tôi biết rằng phim chạy ra thị trường chợ đen không tồi. Cái vấn đề cần nói là nhà cầm quyền không ưa. Để thuyết phục cơ quan kiểm duyệt triển khai kịch bản của tôi phải mất đi 2 năm trời. Các nhà chức trách giải thích rằng hình ảnh Trung Quốc trong phim tôi xấu xa. Họ thú nhận rằng, bóng dáng mỉa mai của những người nông dân cải tạo lớp trẻ trí thức là sự nhạo báng đảng. Tuy nhiên họ không thích nhất là việc cô gái nhỏ bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết nước ngoài. Vào tháng 10/2002 có đại hội đảng và sau khi thay đổi quyền lực, tôi đã phải thuyết phục cơ quan kiểm duyệt lại từ đầu. Thật may mắn, mọi việc kết thúc tốt đẹp.

K.G: Thế ông có phải thay đổi gì (trong phim-ND)?

Dai Sije: Có, phim được mở rộng thêm tình tiết phụ như nhân vật của tôi sau nhiều năm trở về Trung Hoa, đi đến làng bị cải tạo ngày trước để tìm lại cô gái. Vô ích. Sau ngày đó người dân đã di cư, còn cả vùng quê bị ngập nước trong hồ chứa của con đê Ba Bước Ngoặt.

K.G: Đê điều, thành quả cải cách, tàn dư của cách mạng văn hóa bị quét sạch – đấy chính là hình ảnh mà các nhà kiểm duyệt muốn?

Dai Sije: Tôi xem cảnh phim như một biểu thị niềm nhớ nhung về một tuổi trẻ bị đánh mất. Lúc bấy giờ tôi không có tự do nhưng có nhiều nghị lực và lòng dũng cảm hơn bây giờ.

K.G: Hai năm trước đây tôi tìm thấy tại một tiệm sách cuốn “1984” của George Orwell. Ở những thành phố lớn có thể bắt gặp rất nhiều tác phẩm văn hóa nước ngoài dịch ra tiếng Hoa. Nếu một cuốn tiểu thuyết đã làm thay đổi một cô gái, liệu điều này có làm thay đổi cả Trung Hoa?

Dai Sije: Tôi tìm thấy cả bản dịch ra tiếng Hoa “Lolita” của Nabokov, một điều không tưởng tưởng nổi thời cách mạng văn hóa. Khi ấy chúng tôi chỉ có lao động và những quyển sách cấm. Dưới ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài còn một phần lớn thế hệ tôi đang ở trong nước, rất nhiều nhà làm phim, nhà văn, nhạc sĩ. Tôi nghĩ rằng, đây là hậu quả của trái cấm. Nhưng hôm nay thì khác. Học sinh và sinh viên phải làm việc cật lực để vào trường tốt. Sau đó làm danh vọng, tiền tài. Họ nghỉ ngơi trước tivi hoặc máy vi tính. Có thể chỉ một phần mười gọi là giới trí thức đọc. Thật nghịch lý, Trung Hoa ngày nay làm liên tưởng một chút đến cái nước Pháp của Balzac sau cách mạng, mà nó đã cám dỗ cô gái trong tiểu thuyết của tôi.

K.G: Thế tình hình chính trị có thay đổi?

Dai sije: Nếu có thì từ từ và từng bước. Nhà cầm quyền Trung Hoa không muốn lặp lại những gì đã xảy ra ở Liên Xô.

K.G: Ông đánh giá cao những đạo diễn nào?

Dai Sije: Tôi thích Krzysztof Kieslowski. Đáng thú vị là phim của ông trên các đĩa lậu ở Trung Hoa tiêu thụ không tồi. Thế hệ trẻ Trung Hoa rất thích Kieslowski. Tôi rất thích các đạo diễn Ý- Fellini, Visconti và các phim của Scola. Tôi coi trọng Cenia Kurosawa, Tarkowski. Bergman. Với người Mỹ tôi thích Coppola.

K.G: Ông có biết, một tuần sau phim ông, trên màn bạc Ba Lan sẽ xuất hiện phim ”Anh hùng” của Trương Nghệ Mưu?

Dai Sije: Nhất định mọi người sẽ đi xem phim của ông ta, họ thích kung-fu hơn.

K.G: Làm sao để giải thích rằng, cho đến nay ông Trương Nghệ Mưu chỉ làm phim nghệ thuật, đấu võ giờ lại tìm đến nghành siêu sản xuất kiểu Hollywood?

Dai Sije: Ông ta muốn thành đạt, có lẽ mỗi người đạo diễn đều mơ ước một két bạc và một lượng khán giả khổng lồ. Nhưng tôi thì sợ rằng chỉ còn lại cho chúng ta một nghành phim như thế. Tôi chưa được xem phim”Anh hùng”.

K.G: Ông không thích phim kong-fu?

Dai Sije: Chỉ những phim Hongkong từ những năm 70. không có hiệu ứng đặc biệt và máy vi tính. Tất cả các trận đấu, những cú nhảy và những pha ngã diễn viên phải tự thân chơi với chúng. Một thời đã qua.

Gazeta Wyborcza 6/06/2003 – Warszawa, Ba Lan.