&

Phỏng Vấn





Nhà văn Trần Thanh Hà:
Mơ hồ và quyến rũ

8:00, 25/04/2006
Như Bình 

Tôi muốn bắt đầu bài viết về chị bằng tên của tập truyện ngắn mới nhất mà chị sắp sửa cho ra mắt bạn đọc: Mơ hồ quyến rũ. Nhiều khi nhìn chị, tôi cứ có cảm giác, chị đang đi mơ hồ trên con đường hằng ngày chị vẫn đi, mơ hồ sống với cuộc đời thực mà chị đang sống.

Tôi biết và chơi với Trần Thanh Hà từ những năm tháng chị đang là cô giáo dạy văn, trẻ măng và tràn đầy sức sống ở mảnh đất Quảng Trị. Những truyện ngắn hay của chị, đều được viết ở quê hương của chị, một vùng đất miền Trung đầy khốc liệt cả trong chiến tranh, và trong điều kiện sinh tồn.

Chị viết những truyện ngắn ấy trong tâm thế của một người trẻ tuổi sinh ra sau chiến tranh, lớn lên và trưởng thành ngay nơi mảnh đất vẫn còn nguyên vẹn những ký ức chiến tranh, những hoang tàn thương tích của hậu chiến. Với một khát vọng sống mãnh liệt, chị đã viết bằng tất cả nỗi cảm thông chia sẻ với chính những con người, cuộc đời ở nơi đó; và bằng cả sự trải nghiệm của chính mình, bằng những khát khao thao thiết nhất và dữ dội nhất của con người vốn chứa đựng một tâm hồn và tính cách khá "hoang dã".

Từ ngày đó, cho dù mang một gương mặt ngơ ngác, một bề ngoài tĩnh lặng và mơ hồ, một vóc dáng với vẻ dịu dàng và nhẹ nhõm cho những ai bắt gặp lần đầu, thì tôi đã nhìn thấy những bước chân của con ngựa hoang ở chị. Rời bỏ một công việc yêu thích và khá ổn định, rời bỏ mảnh đất Quảng Trị để hòa nhập vào một đời sống sục sôi hơn, mênh mang hơn, và xa lạ hơn ở một thành phố lớn như Hà Nội trong khi không vì một cái gì cả ngoài chính khát vọng được ra khỏi căn nhà của mình, được đặt chân vào một thế giới rộng lớn hơn, tự do hơn, tôi cho rằng chị rất dũng cảm.

Trần Thanh Hà rời bục giảng ở trường chuyên tỉnh Quảng Trị để ra Hà Nội trở thành một biên tập viên của Nhà xuất bản Công an nhân dân vào năm 1997. Lúc đó, độc giả trong nước đã biết đến chị là một nhà văn trẻ, nổi tiếng với những tập truyện ngắn: "Gió của mùa sau"; "Ơi đò ca cút" và "Biển Hồ lai láng". Những tập truyện ngắn ấy đã có lúc đưa chị đến những đỉnh cao của nghiệp cầm bút với hai giải thưởng xuất sắc trong hai cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, và Giải thưởng văn học cho tuổi trẻ của Nhà xuất bản Thanh niên.

Mới đó đã mười năm có lẻ. Cái tên Trần Thanh Hà đã từng vang lên khá lâu trên văn đàn rồi cũng lặng lẽ chìm vào sự mơ hồ của đời sống văn chương, của những người viết trẻ bấy lâu nay. Chỉ có điều, thoát ra những vầng hào quang ngắn ngủi ấy, những chớp lóe của danh tiếng mà xưa nay người được tận hưởng cũng như người chưa với tới đều cảm thấy là mơ hồ, thậm chí là hão huyền, thì con người Trần Thanh Hà, cô gái Quảng Trị với làn da trắng như không phải nơi chị sinh ra là nắng gió, đôi mắt ngơ ngác sau cặp kính cận với ánh nhìn nhẹ như không, giọng nói nhẹ như không vẫn tồn tại dường như biệt lập với cái đời sống mênh mang ấy.

Trần Thanh Hà sống trong một căn gác nhỏ chỉ 30m2 trong một khu chung cư cũ và nghèo giữa lòng Hà Nội. Trong lúc bạn bè cùng lứa của chị, kẻ vội vã sắp đặt cho mình một cuộc sống ngăn nắp của thế gian ví như là lập gia đình, sinh con đẻ cái trở thành công chức mẫn cán; hay kẻ nung nấu những mộng tưởng lớn lao hơn: tiền tài, danh vọng, và địa vị chẳng hạn; hoặc có khi tàn lụi theo những chấp chênh của miếng cơm manh áo trong cuộc sống thường nhật trụi trần và nghiệt ngã kia thì Trần Thanh Hà vẫn lặng lẽ những bước đi lơ đễnh trên lằn ranh chông chênh giữa cuộc sống thực tế và những mộng ảo.

Rất nhiều lần trở về căn gác nhỏ của chị, thở cùng chị cái đời sống ở đó, tôi đã không sao chịu nổi cảm giác yên tĩnh đến gần như là lặng im, là tẻ nhạt vô vị khi phía trước cánh cửa của ngôi nhà mình là những hành lang tối và bức tường cũ kỹ ẩm mốc. Còn phía sau, bên ngoài khung cửa sổ là những khoảng vuông nhỏ xíu của bầu trời. Trong một khoảng không gian chật hẹp thế, lặng im thế, và buồn đến thế, thế nhưng Trần Thanh Hà đã kiên nhẫn ở đó từ rất lâu, và gần như là cam chịu với cái mà mình đã tạo ra.

Tôi đã từng thốt lên rằng điều đó thật khác với một Thanh Hà mạnh mẽ và ghét sự nhàm cũ. Thế nhưng, với chị có khi đó lại là một không gian mà chị thích, thế giới của chị chỉ là vậy, ở đó chị kiên nhẫn với bao khát vọng âm thầm. Chị chăm chỉ làm việc, đọc nhiều, viết nhiều, làm nhiều cuốn sách có giá trị, và chưa từng ngừng việc học. (Chị vừa lấy bằng thạc sỹ văn chương và đang dự định làm tiến sỹ).

Trần Thanh Hà vẫn chưa lập gia đình. Tôi biết, người như Trần Thanh Hà không bao giờ chịu thỏa hiệp. Cho dù chị biết, thế gian, ngàn vạn những người đàn ông và đàn bà cùng nhau xây dựng nên một gia đình mà không phải trong tất cả họ ai cũng đủ đầy được yếu tố tình yêu. Thiếu tình yêu, họ vẫn nên vợ nên chồng, sinh con đẻ cái và sống với nhau đến trọn đời. Thanh Hà không như vậy, người đàn ông sống cùng với chị có thể không có bất cứ thứ gì cả ngoại trừ tình yêu của chị. Chỉ cần tình yêu thôi là đủ, thế nhưng xem ra tình yêu thật quá khó trong đời.

- Khi ra Hà Nội chị đã nghĩ rằng sẽ thay đổi được nhiều lắm.

- (cười) Đi chẳng qua là một sự xê dịch, điều đó chắc có lẽ, con người ai cũng mong muốn. Người ta sinh ra là để bước ra khỏi căn nhà của mình chứ không phải ở yên lại đấy, tôi cũng vậy.

- Những căn nhà mới tưởng đã không cầm hãm được chị?

- Tiếc rằng tôi đã đi quá ít và sống quá ít.

- Tại sao? Chị không ràng buộc mà? 

- (cười) Tôi cũng chỉ là một người hèn. Muốn thay đổi nhưng chỉ thay đổi được tý chút thôi. Ngày xưa khi còn là cô giáo, tôi thấy cuộc đời mình thật quá nhỏ hẹp. Nhưng bây giờ cũng không thấy nó rộng hơn...

- Chị muốn tự do? 

- Cái gọi là tự do đấy chỉ là mơ ước của con người. 

- Chị nhận ra mình hèn từ lúc nào vậy? 

- (cười) Con người ta khi có chút gì đó thì sợ mất. Bản thân tôi chẳng có thứ gì mà cũng sợ mất. Càng sống lâu, càng không thấy có gì mà vẫn cứ sợ mất. Thế đấy. 

- Và chị thỏa hiệp? 

- Tôi không thỏa hiệp hay đầu hàng gì cả. Trong tôi luôn có hai con người. Một con người mạnh mẽ muốn bứt phá. Một con người yếu đuối đầy sợ hãi. Tôi đã muốn sống cho riêng mình, làm những gì mình thích nhưng rồi tôi vẫn sống như mọi người. Rốt cục nó làm cho mình không phải là người này, mà cũng chẳng là người kia. 

- Bây giờ chị không còn mạnh mẽ như xưa? Hay khát vọng đã nguội tắt? 

- Lúc nào tôi cũng muốn mình thật nhẹ, sống đời sống thật nhẹ, giá mà bay được như chim, nhưng nếu nó biến thành chim thật thì sợ lắm... Tóm lại, tôi là người thiếu thực tế. 

- Chị vẫn viết nhiều chứ? 

- Viết - ngày xưa đó là thế giới mơ mộng của tôi. Ở đó có những tính cách mà mình mong ước, những mối tình mà mình mong ước...

- Lâu lắm không bắt gặp những trang viết xúc động và ám ảnh như ngày xưa? 

- Bây giờ, tôi nghĩ về sự nhỏ bé của cá nhân trong thế giới. Trước kia thế giới là ở phía trước. Bây giờ thấy cuộc đời quá ngắn ngủi và hiện tại mới là quan trọng. 

- Thế sao không thấy chị sống gấp gáp đi? 

- Muốn làm nhiều lắm nhưng tôi là kẻ lười biếng. Với lại, văn chương không phải là sự nghiệp. Nó chỉ là một phần đời sống của chính mình, một phần công việc trong nhiều công việc khác của mình. Tôi thấy mình là một nhà văn nghiệp dư. 

- Thế còn tình yêu và những người đàn ông? 

- Tình yêu với tôi giống như là một giấc mơ. Mình chỉ chạm tới nó một lần nhưng không bao giờ sở hữu được. Tình yêu thì quyến rũ nhưng không có thật. Tình yêu thật chỉ có trong sách vở và phim ảnh. 

- Chẳng nhẽ chị cũng đang viết về những điều không có thực? 

- Tình yêu trong trí tưởng tượng của con người đẹp hơn là thực tế. Đàn ông cũng vậy, tôi nghĩ về đàn ông đẹp hơn những gì họ có. 

- Chị có ý định lấy chồng không? 

- Không biết. Đó là điều tôi hoàn toàn không biết. 

Chị nói thế và ôm mặt cười. Chị biết tại sao tôi lại hỏi chị có ý định lấy chồng không, bởi sự chờ đợi quá dài lâu ở cuộc đời đôi khi khiến ta hoang mang và mất hết hy vọng. Trần Thanh Hà chưa có được người đàn ông mà chị muốn, với lại, trong ý nghĩ của tôi, chị vẫn luôn là kẻ dại khờ đến mụ mị trước tình yêu, trước những ảo tưởng của mình. Không có người phụ nữ nào khi trưởng thành không mơ một mái ấm gia đình và một người đàn ông quan trọng hơn hết thảy những gì họ mong muốn và phấn đấu. 

Bây giờ Trần Thanh Hà không còn quyết liệt và lãng du như xưa nữa. Có lẽ thực tế đã làm nguội tắt đi trong chị bao mơ mộng. Thực tế đã cho chị biết bao cảm giác thất vọng và chua xót. Chị sống âm thầm như một ngọn lửa nhỏ vẫn cháy bao hy vọng trong ngôi nhà cũ ấy. Chị không còn cất bước ra đi như ngày xưa nữa có lẽ bởi những gì mà chị thấu nhận ở cuộc đời. Tôi đã nghe thấy những tiếng thở dài trong nụ cười của chị, mong ước của chị. Trần Thanh Hà nói rằng: "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Đường đến anh em, đường đến bạn bè... Hãy yêu cuộc đời bằng chính trái tim của tôi" (Lời bài hát của Trịnh Công Sơn mà chị rất thích). 

Trần Thanh Hà là vậy, cảm tưởng như chị xa lạ với cuộc sống đời thường, ngơ ngác đi bên cạnh cuộc đời, bên cạnh những câu chuyện đồn thổi độc địa, những lời thị phi của người đời dành cho mình (cho những người phụ nữ viết văn mà vẫn độc thân nói chung). Không quan tâm và cũng không quan trọng, bởi những ai gần chị sẽ hiểu. Cuộc sống của chị đơn sơ lắm, giản dị lắm. Bản thân tâm hồn chị cũng vậy, đầy những mơ hồ và quyến rũ
Nguồn