*


    

Độc đáo Tô Hoài

17:17:00 08/03/2009

Phạm Khải

Đối với Tô Hoài, hạnh phúc là lao động. Còn cá nhân tôi, một người viết trẻ, tôi cảm thấy hạnh phúc là đã có thời kỳ được làm việc bên ông, là trợ lý của ông. Và nhờ thế, tôi đã thu lượm được từ ông những mẩu chuyện độc đáo...

Cách đây 15 năm, tại trụ sở Hội Văn nghệ Hà Nội, người viết bài này đã có lần chứng kiến cảnh mọi người ồ lên cười khi nghe nhà văn Tô Hoài hóm hỉnh "ra tuyên bố", rằng ông có thể sẽ sống tới trên 90 tuổi. Và dù sống thọ đến thế, dù sức và trí còn khỏe mạnh, minh mẫn đi chăng nữa thì ông cũng sẽ thoái thác việc ra tranh cử chức Chủ tịch Hội một nhiệm kỳ nữa. Xuân này, nhà văn của chúng ta đã bước vào tuổi 90 và tiếp xúc với ông thời gian gần đây, tôi mừng rằng lão nhà văn xem chừng vẫn còn dẻo dai lắm.

Ham viết và chịu đọc

Một nhà văn nổi tiếng thế giới đã khái quát: "Sự thành công của con người là 99% lao động cộng với 1% tài năng". Riêng tôi nghĩ, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tài năng cũng chính là khả năng lao động và lao động là cách duy nhất để mỗi người khai thác, bộc lộ tài năng. Không phải đơn thuần mà những nghệ sĩ lớn cũng đồng thời là những người có sức làm việc to lớn.

Nhà văn Tô Hoài với gần 200 đầu sách được xuất bản (con số mà hiếm nhà văn Việt Nam nào từ cổ chí kim đạt được), trong đó có những tác phẩm được tái bản nhiều lần, xứng đáng được coi là một nhà văn lớn. Và, trong lứa những nhà văn "tiền chiến" - ông là nhà văn lớn nhất còn hiện diện với chúng ta.

- Thường thì tôi vẫn áng chừng cho mình thế này - Lão nhà văn tâm sự trong một cuộc tiếp xúc với các học viên của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây - Cứ khoảng hơn tháng tôi viết xong một cuốn dày cỡ "Dế mèn..." (tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký"), ba tháng viết một cuốn dày cỡ... Đảo hoang". Còn bài báo thì bạt ngàn, gọi là viết hàng ngày như... đánh răng rửa mặt.

Thường thì Tô Hoài tập trung tinh lực để viết các cuốn truyện dài, khi nào mệt, cần xả hơi giữa chừng thì ông quay sang viết… truyện ngắn hoặc bút ký, ghi chép. Để giãn xương cốt, đôi khi ông quay về giường nằm… đọc sách.

Quả thực, trong các nhà văn, Tô Hoài là người rất chịu đọc. Nhớ lại lần đầu tiên đến thăm nhà ông ở 21 Đoàn Nhữ Hài, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy cạnh chân giường ngủ của ông là một cái... rổ sách (chứ không phải giá sách). Có lẽ, ngả lưng trên giường mà với tay lấy sách đọc thì tiện lắm (ấy là tôi nghĩ thế). Nhà văn nói, mấy hôm vừa rồi túc tắc thế mà ông "ngốn" gần hết rổ sách này. Ông cười mủm mỉm: "Cứ đà đọc thế này thì... tốn sách quá".

Không chỉ đam mê đọc sách, Tô Hoài còn rất năng đọc báo. Người bình thường khi cầm trên tay tờ báo, ngoài nhiệm vụ chuyên môn bắt buộc phải đọc ra, thường họ chọn vấn đề họ quan tâm. Và khi đọc, nếu thấy không hay, không "vào", họ bỏ báo ngay lập tức.

Song Tô Hoài khác biệt với tất cả mọi người ở chỗ: Hễ có trên tay bất kỳ tờ báo nào, dù là do tòa soạn gửi biếu, hoặc bỏ tiền mua, ông đều đọc một cách chăm chú, từ dòng đầu tiên tính từ măngsét xuống cho đến dòng cuối cùng từ mục giá báo lên. Nghĩa là ông đọc tuốt tuồn tuột, không bỏ sót một chữ nào. Vui thì có thể khẽ nhếch mép cười, mà không vui, không hay thì cũng cứ thản nhiên đọc tiếp, không hề có chút biểu hiện như thể người ăn cơm bỗng khựng lại vì nhá phải một miếng sạn. Điều này tôi đã "kiểm nghiệm" không ít lần.

Có lần gặp tôi, ông báo cho biết là tôi sắp có bài đăng báo Hà Nội mới cuối tuần. Thì ra, ông đọc được điều đó ở mục giới thiệu báo: "Đón đọc Hà Nội mới cuối tuần số…" ra vào ngày thứ hai trên báo Hà Nội mới. Lại có lần ông nói ông vừa đọc thấy người ta (tức tòa báo) nhắn tin là có nhận được đơn khiếu nại của ông bố vợ tôi ở dưới quê về chuyện tranh chấp đất đai với hàng xóm. Việc này ông biết được qua mục "Hộp thư".

Quả là khi đọc báo, ông không bỏ sót một dòng nào. Thì chính Tô Hoài có lần trả lời các nhà báo rằng, qua những trang báo ấy nhiều khi ông thu lượm được một số chữ rất mới, rất đắc địa khi đưa vào trang sách. Hơn thế, qua đó ông nắm được khá nhiều thông tin. Không biết có phải vì thế mà nhân vật trong bài viết của ông có phần sống động, có phần "đời" hơn chăng?

Có một điều đặc biệt nữa trong việc đọc sách, đọc báo của Tô Hoài, khác hẳn với tất cả mọi người, ấy là khi tâm trạng không được vui, ông thường lấy những tờ báo, cuốn sách có đăng những bài thơ... dở để đọc lại. Và, một trong những tác giả được ông lựa chọn để dùng cho "khoảnh khắc hiếm hoi" này là nhà thơ N.X.S.

Theo Tô Hoài, thơ N.X.S ít chữ, đơn điệu, thường nói những điều quá hiển nhiên, như thể trời sáng thì có tiếng... gà gáy, cho nên dễ gây cho ông cảm giác khi đọc phải bật cười, cũng là một cách hiệu nghiệm để xua đi những phút giây buồn chán.

Nói vậy, song ở Tô Hoài lại có một điều lạ, tưởng chừng rất mâu thuẫn với những đặc điểm đã kể trên. Ấy là, ông đọc kỹ đến thế từng tờ báo ông có trong tay, song với các cuốn sách của ông, khi được in ra, không bao giờ ông đọc lại nữa, dù để xem nhà in in sai hay đúng. Và ông chỉ đọc lại nó để soát xét, sửa chữa trước mỗi dịp tái bản. Điều này có thể lý giải rằng: Với Tô Hoài, ông chỉ đọc những gì cần cho cuộc sống tiếp theo của mình.

Nhà văn Tô Hoài.

Dễ tính...

Lại nói về căn phòng làm việc của Tô Hoài mà lần đầu tiên tôi được đặt chân đến. Dưới chiếc bàn làm việc, gần sát chân chiếc ghế ọp ẹp, tôi thấy có một miếng gỗ, hỏi ra mới biết ông dùng nó để "kê chân", đêm đông viết cho đỡ lạnh (ông vốn mắc chứng tê thấp). Thật là một cách "đối phó" đơn giản.

Nhưng điều mà tôi đặc biệt chú ý là trên mặt sàn gỗ ghép ấy có một miếng đồng hình tròn, dạng như đồng tiền, to chừng miệng bát và dày phải đến một đốt ngón tay, cầm lên thấy nặng trịch.

- Sàn gỗ nhà tôi có chỗ chuột đục lỗ chui lên. Tôi thấy cái ấy nặng, tôi lấy để chặn chuột ấy mà.

- Nhưng thưa bác, cái miếng đồng này là cái gì thế?

Tô Hoài cho hay đó là tấm huy chương mà một tổ chức văn học quốc tế trao tặng cho ông hồi thập kỷ 70 (của thế kỷ XX). Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, ông cười, mắt dài một vạch, miệng lẩm bẩm nhắc lại:

- Mình thấy nó nặng, chuột không đẩy lên được.

Tôi ngạc nhiên, hỏi tại sao ông không nuôi mèo hoặc đặt bẫy? Tô Hoài cho biết ông chỉ muốn ngăn lũ chuột chui lên cắn sách của ông, chứ không có ý định triệt hạ chúng.

Lại hỏi, vì cớ gì mà ông có vẻ "nhẹ tay" với loại ăn tàn phá hại ấy, nhà văn Tô Hoài hóm hỉnh:

- Với ai chẳng biết, chứ riêng với tôi, tôi rất có "cảm tình" với loài chuột, vì chuột đã "nuôi" tôi. Truyện "O chuột" là truyện mở đầu cho loạt tác phẩm viết về loài vật của tôi. Nhà văn Vũ Ngọc Phan hào hứng viết lời tựa cho nó, và tiền nhuận bút ông trả đã giúp tôi được bao nhiêu. Cho đến tận bây giờ, cuốn sách vẫn còn tiếp tục được tái bản...

Nghe chuyện ngộ nghĩnh vậy, tôi và anh bạn cùng đi hôm ấy phá ra cười. Nhà văn cũng cười, sau rồi ông chép miệng:

- Tính mình "dế mèn" thế mà.

 Nghe nhà văn nói tới đây, bất giác tôi nhớ tới câu chuyện nọ, cũng vẫn liên quan đến ông. Lần ấy, chẳng biết nhà văn đạp xe đến chơi nhà cụ Nguyễn Văn Bổng, ngồi lâu hay chóng mà xe cụ dựng ngoài cửa bị bọn gian tháo mất yên. Xe không yên, nhưng nhà văn đã đẻ ra chú dế mèn bất tử này kiên quyết không chịu dắt bộ. Cứ thế, ông ngồi đằng sau chỗ đèo hàng mà đạp. Đến độ về đến cửa nhà, cụ bà trông thấy điệu bộ cụ ông "kì quái" vậy, mới lên tiếng mắng:

- Rõ cái ông này, già rồi mà vẫn còn nghịch. Cứ như trẻ con ấy.

Chắc khi đó cụ bà không biết rằng cụ ông vừa để kẻ gian tháo mất yên xe nên mới phải ra bộ thế kia.  

Những người từng làm việc với nhà văn Tô Hoài đều có chung nhận định, ông là người "mát tính". Rất hiếm khi họ thấy ông to tiếng với ai, dù rằng ở ông, cái sự yêu- ghét cũng giống như nhiều người khác. Có lẽ sự từng trải đã khiến ông có được phản xạ "phớt lờ" phản ứng của người đời nếu điều ấy làm ông mua bực vào mình, ảnh hưởng tới tâm lý sáng tạo chăng.

Chuyện kể rằng, một lần, từ phòng Chủ tịch Hội bước ra, lão nhà văn chợt nghe thấy những tiếng gay gắt phát ra từ phòng họp của báo Người Hà Nội. Thì ra, nữ nhà thơ Phó tổng biên tập của báo đang bị một nam cán bộ cấp dưới đập bàn, dọa dẫm. Với cương vị Chủ tịch Hội, đúng ra việc này ông phải hỏi rõ sự tình và có ý kiến.

Song có lẽ ý thức được rằng đây là "chuyện thường ngày ở… Hội" nên lão nhà văn chỉ biết cắp catáp lỉnh vội xuống cầu thang, miệng "rền rĩ" một câu đùa (cốt để các cán bộ của báo nghe thấy): "Khổ lắm, cứ mắng mỏ "người yêu" của tôi mãi thôi…". Mọi người nghe vậy phì cười. Hóa ra câu đùa này lại có hiệu quả.

Và... "khó tính"

Bên cạnh những tính từ biểu cảm mà các nhà thơ, nhà văn ta vẫn dùng khi ký tặng sách nhau (như "rất yêu quý tặng...", "Rất thân yêu tặng...", "Rất trân trọng tặng...") thì mấy chữ "Thân tặng..." vẫn là những chữ được dùng nhiều hơn cả. Người ta có thể vung tay, hạ bút viết mấy chữ này cho những đối tượng mới gặp lần đầu mà chẳng phải đắn đo cân nhắc gì. Thậm chí, có không ít trường hợp tác giả vừa nắn nót hai chữ "Thân tặng" xong đã quay lại hỏi người đang ngồi kế bên mình: "Thân tặng gì nhỉ?". Nghĩa là chữ "thân" ấy có thể tặng cho người "sơ".

Nhưng với Tô Hoài thì khác, trong muôn một cách đề tặng, ông chỉ dùng độc một chữ "Tặng...", bất kể người được ông tặng sách là ai, có bề dày quan hệ như thế nào. Thoạt đầu, tôi rất ngạc nhiên về sự "kiệm" chữ này của bậc lão làng. Chí ít thì tôi cũng là trợ lý của ông (bấy giờ ông đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội), hai bác cháu cùng làm việc trong một phòng...

Nhưng rồi, nhìn sang các anh Vũ Quần Phương, Bằng Việt - những người tuổi tác hơn tôi nhiều và cũng đều là những vị có chức sắc ở Hội, thì sự tình cũng rứa cả. Bên trên chữ ký Tô Hoài cũng chỉ là mấy chữ "Tặng Vũ Quần Phương", "Tặng Bằng Việt" gọn lỏn, không một chút sắc thái biểu cảm. Đem chuyện lạ này ra đặt vấn đề với chính Tô Hoài, ông hóm hỉnh giải thích:

- Tôi chỉ đề tặng thế thôi. Nhỡ hôm nay "thân", mai không "thân" nữa thì sao?

Trong suốt mấy mươi năm hoạt động văn học, nhà văn Tô Hoài có dịp đi thăm nhiều nơi trên thế giới và một trong những điều ông rất thích ở người "Tây" khi giao tiếp, ấy là cái cách "tự giới thiệu" của họ. Bao giờ cũng vậy, nếu gặp nhau sơ sơ kì trước, đến kì sau gặp lại, họ cẩn thận đặt tay lên ngực: "Thưa ông, tôi là…", sau đó mới tiếp vế thứ hai: "Ông còn nhớ tôi không ạ?".

Điều tưởng chừng bình thường ấy, thế nhưng ở ta, không phải mấy ai cũng thực hiện… đủ. Tô Hoài từng viết trên báo rằng, ông rất lấy làm khó chịu khi có những người bất luận già trẻ, gặp ông là hỏi "độp" luôn: "Chắc là ông còn nhớ tôi". Rồi cứ thế sỗ sàng, huyên thuyên, để mặc chủ nhân cứ vắt óc mà vẫn không nhớ được người đang đứng trước mặt mình là ai đó.

Đọc được điều ấy ở Tô Hoài, nên tôi rất lấy làm xấu hổ (nói chính xác là xấu hổ… lây) khi một lần, có cô bạn gái đến chỗ cơ quan tôi chơi. Chúng tôi trò chuyện được một lát thì nhà văn Tô Hoài sang tìm tôi nhắn chút việc. Cô bạn thấy tác giả "Dế mèn phiêu lưu ký" thì mừng ra mặt. Cô cũng đã được sơ kiến ông trong dịp ông được mời vào trường cô nói chuyện (cho cả ngàn học sinh nghe).

Cuộc bắt chuyện đôi phút ở hành lang khi giải lao hẳn ông không dễ nhớ ra. Cả đời ông có cả vạn cuộc tiếp xúc, từ các văn sĩ được giải Nobel đến các vị chính khách của nhiều nước xa xôi trên thế giới. Vả chăng, nhớ hay không chưa thành vấn đề, mà là cách biểu hiện sự ứng xử lịch thiệp hay không lịch thiệp. Trở lại câu chuyện người bạn gái của tôi, vừa thấy ông, cô đã đứng phắt dậy, nói ngay:

- Dạ, chắc là bác còn nhớ cháu…

Tôi rất lúng túng trước câu hỏi thuộc loại "đánh đố" mà tôi biết nhà văn Tô Hoài không hề ưng tí nào. Quả y như rằng, ông nhẹ nhàng nhắc cô gái bằng cách kể câu chuyện về sự ứng xử của người "Tây" mà tôi đã nhắc ở phần trên. Rồi ông nói một cách hóm hỉnh:

- Như cậu... đây chẳng hạn (ông chỉ vào tôi). Cậu ấy chỉ cần gặp cô một phút, nói chuyện với cô một lần, cậu ấy có thể "nhớ" suốt đời. Còn tôi - Ông tủm tỉm cười, xoa xoa cái đầu hói, mắt lim dim - Tôi ngần này tuổi rồi… Sự đời, chỉ có anh nhớ em. Bác nào nhớ được… cháu.

Chúng tôi cười xòa. Ông đã gỡ cho cô bạn tôi khỏi thế "bí" nhưng đồng thời cũng nghiêm khắc dạy cho cô… một bài học.

Phải chăng, vì ghét những câu hỏi thuộc loại "đánh đố", ghét những trò "đánh đố" mà mỗi lần Tô Hoài gọi điện đến cơ quan, khi tôi nhấc ống nghe, đều thấy ông "giới thiệu" trước: "Tô Hoài đây nhé, tôi cần gặp cậu…", tránh cho người cầm máy khỏi phải mất thì giờ đoán xem người đang gọi máy là ai.

Nguồn CAND net