*



Phỏng vấn Nhà Văn Thảo Trường
.

Đặng Phú Phong thực hiện.

 

Đặng Phú Phong: Từ “ Thử lửa” tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn Thảo Trường xuất bản năm 1962 đến nay, tháng 8 năm 2008 là cuốn Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết là một hành trình trải dài theo nhiều biến động của lịch sử. Xin anh giới thiệu một cách khái quát về quãng đường sáng tác 46 năm ấy. 

ThảoTrường: Thử Lửa, tác phẩm đầu tay in năm 1962 (nxb Tự Do, Saigòn, của ông Phạm việt Tuyền) nhưng tôi viết những truyện ngắn đó từ 1956-1960 và đã đăng hầu hết trên tạp chí văn nghệ Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo, như thế tính ra đến nay đã nửa thế kỷ, nghĩ lại thấy cũng rã rời tay chân.
        Tôi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tôi chỉ nuôi tôi đi học, không có ai hướng dẫn chỉ bảo và mọi việc tôi phải tự mày mò lo liệu lấy. Sau khi đậu Trung học ở trường Nguyễn Khuyến Nam Định, năm 1954 di cư vào Nam. Tôi thi tú tài mấy lần đều “trượt” nên bèn xin vào học khóa 6 sĩ quan trừ bị Thủ đức, do đó mà tôi chưa hề được biết đại học văn khoa là gì. Ra trường làm sĩ quan pháo binh tôi xin ra miền Trung để có dịp đứng ở bờ nam sông Bến Hải vĩ tuyến 17 xem nó… thế nào. Những năm đó tôi đã có dịp đến ở nhiều nơi, Huế, Quảng trị, từ giới tuyến đến đèo Le, vào thung lũng suối nước nóng Nông sơn Quảng ngãi, Ba biên giới… Thời gian này tôi viết tập truyện Thử Lửa.
        Sau đó tôi phải thuyên chuyển vào quân khu 3, rồi 4, nên đã lội bộ ở nhiều nơi, các tỉnh miền nam, miền đông rồi miền tây, lội qua Đồng Tháp Mười, bị quẹo chân phải tản thương đến Tổng y viện Cộng hòa điều trị gần một tháng. Những tác phẩm sau này hình thành trong tình cảnh ấy. “Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Qủa” lấy khung cảnh ở Mỹ tho.
        Khoảng 1966 tôi được điều về  làm việc ở cơ quan nghiên cứu về binh vận Cộng Sản tại cục An ninh. Ở sở làm tôi ngập đầu với những tài liệu chiến tranh của Cộng Sản, những nghị quyết, những chỉ thị, tài liệu học tập, những thư tay, những bài báo, những bài tham luận, những cuốn nhật ký thu về từ chiến trường… Tôi cũng đã đi Nhật, Đài loan, Singapore, Nam Vang và Hà nội để nghiên cứu.
        Ở Sàigòn ngoài việc làm tham mưu cho quân đội, tôi viết những tác phẩm, dài và ngắn, làm các tờ tạp chí Hành Trình, Đất Nước  với nhóm bằng hữu ngoài quân đội. Tôi cũng phải viết thêm cho các nhật báo Tiền Tuyến, Thần Phong, Xây Dựng, Tin Sống, Quật Cường, Chuông Việt, VTX… để kiếm thêm tiền nuôi vợ con.
        Ngày 30 tháng tư năm 1975 tôi bị bắt làm tù binh, sau đó hai tháng họ nhập tôi vào trại giam với các sĩ quan trình diên cải tạo. Tôi bị đưa ra Bắc rồi vào Nam lang thang ròng rã 16 năm 4 tháng 4 ngày. Năm 1992 họ thả về Saigòn. Đầu năm 1993 tôi qua Mỹ đoàn tụ với gia đình. Bắt đầu viết lại. Rất may là ở đây tôi không phải đi làm nuôi vợ con nữa, họ nuôi lại tôi, nên tôi không phải làm báo như ở Saigòn năm xưa. Tôi dành toàn bộ thời gian để ngẫm nghĩ về thời chiến, thời tù đã qua và đời lưu vong hiện tại. Tôi gửi gấm những suy nghĩ đó vào những sáng tác. Tôi không biết chép sử và cũng không thích viết hồi ký. Tuyển tập  “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết” là tác phẩm mới nhất gồm những sáng tác tôi ưng ý hoặc được độc giả chú ý tới.      
Đặng Phú Phong:  Như vậy anh đã có cả thảy 2 lần “ra” Bắc đều đặc biệt. Lần thứ nhất “ra” Bắc trước 1975 để “nghiên cứu”, lần thứ hai là để ở tù. Ở tù thì nhiều người và chính anh cũng đã viết về nó. Anh có thể cho biết thêm về thời điểm, bối cảnh… chuyến ra Bắc lần thứ nhất để nghiên cứu của anh không?
        Thảo Trường:  Năm 1973, thi hành hiệp định ngưng bắn ký ở Paris, trong cuộc trao trả tù binh lần 2 tại Hà nội, Cục An ninh đã thoả thuận với Phái đoàn VNCH trong ban Liên hợp quân sự 4 bên để cử 1 sĩ quan của Cục đi trong phái đoàn đó. Tướng Cục trưởng Cuc An ninh đã giao cho tôi làm nhiệm vụ đó. Ông đã gặp riêng tôi và nói tôi phải nhân cơ hội này nhìn tận nơi, nghe tận tai “bên trong” chế độ cộng sản miền Bắc. Từ trước đến giờ tôi chỉ nghiên cứu đối phương qua tài liệu và qua những buổi làm việc với các cán bộ CS bị bắt làm tù binh, nay ông muốn tôi ra tận nơi ngoài ấy để nhìn tại chỗ xã hội đó. Tôi bay ra Hà Nội cùng Phái đoàn 4 bên và Ủy hội quốc tế 4 nước. Tôi ở khách sạn Hòa Bình (tên cũ trước 1954 là Splandite Hotel) chính quyền đãi ăn cơm tám giò chả, đưa đi tham quan thành phố và gọi tôi là… ngài.(Lần thứ hai, năm 1976, ra ngoài Bắc làm tù binh tôi ăn củ sắn và bị kêu là… thằng ngụy). Tôi thăm nhà giam Hỏa Lò (nơi giam giữ cuối cùng, chiếu theo qui định của bản hiệp định, những tù binh Mỹ sẽ thả). Ở sân bay Gia Lâm tôi chứng kiến Hà Nội trao cho phái đoàn Mỹ 43 tù binh trong đó có một đại tá và một viên chức ngoại giao Đức. Một sĩ quan Hà Nội đưa tặng tôi một gói sách, nói hôm trước có sĩ quan miền Nam đưa tặng quyển Mùa Hè Đỏ Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam, nay họ tặng lại. Tôi cởi dây chuối buộc thấy có quyển thơ văn Nguyễn Đình Chiểu và một tập nhạc. Tập nhạc gồm toàn những bài hát ca tụng ông Hồ chí Minh. Quyển sách biên khảo văn học có những thơ văn của cụ Nguyễn Đình Chiểu nhưng vào đầu sách là một bài dài nói thơ của cụ chống ngoại xâm và đưa cụ vào chiến tuyến chống Mỹ cứu nước. Hôm sau nhật báo ở Saigòn đi tin lớn trang nhất “Cuộc trao đổi văn hóa đầu tiên giữa hai miền Nam Bắc VN, qua hai nhà văn”. Tôi đã chụp nhiều ảnh và phải viết một bản nghiên cứu về cộng sản VN. Tôi cũng đã viết quyển tùy bút “Hà Nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng”. Sách do Đại Ngã xuất bản. Nội dung quyển sách tôi ghi lại chuyến đi và suy nghĩ của tôi về hòa bình VN. Tôi đã nhận định rằng “Hà Nội, nơi giam giữ cuối cùng những tù binh Mỹ và còn là nơi giam giữ cuối cùng những gì nữa của dân tộc, quyền tự do dân chủ, việc thống nhất đất nước?”
Đặng Phú Phong: Anh đã nhận định về chính quyền Hà Nội rất sâu sắc và chính xác, tiếc anh đã không đưa tập tùy bút ấy vào tác phẩm “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết". Nhưng tại sao là Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết mà không là Những Mảnh Vụn, hay Những Mảng Vụn…?( trong khi anh là người miền Bắc) Như vậy mảnh và miểng có nghĩa khác nhau?  Và tiện thể xin anh vui lòng giới thiệu về tác phẩm nầy. 

Thảo Trường: Mảng có nghĩa khác. Còn Mảnh hay Miểng theo tôi nghĩa như nhau. Ở quê tôi Nam Định thường nói mảnh, trong Nam người ta nói miểng, tôi thích dùng chữ miểng vụn hơn là chữ mảnh vỡ. Thời tù tôi vẫn ấp ủ một tác phẩm lớn, khi tự do cầm viết lại sẽ làm một trường thiên tiểu thuyết hậu chiến. Nhưng rồi không hiểu sao tôi cứ mày mò tìm cách nhét cả cuộc chiến, nhét cả một giai đoạn lịch sử vào trong  một truyện ngắn,  càng ngắn càng tốt, đến nay viết ra mấy chục truyện ngắn không biết có cái nào mình  nhét cái thằng khổng lồ đó vào cái chai nào được hay chưa. Thế cho nên nhìn lại trong tay chỉ có mấy miểng vụn. Trường thiên chưa làm được, vốn liếng sắp cạn, thân già mệt mỏi. Em vẫn đẹp, quyền lực càng ngày càng lớn, nhà văn thì kiệt sức, có lẽ tôi sai rồi, có lẽ tôi thua rồi. Chỉ mong sao làm được một cái bé tí tẹo để tặng cho đời.
        Tuyển tập NMVCTT gồm: 4 truyện viết trước 1975 ở trong nước, 22 truyện mới viết ở Mỹ và 1 bài trả lời phỏng vấn (trích). Dầy 550 trang, giấy đẹp, bìa da cứng , chữ mạ vàng, bọc ngoài là tranh của họa sĩ Nguyễn  Đồng và Nguyễn Thị Hợp. 

Đặng Phú Phong: Chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng cái chết tức tưởi của Việt Nam Cộng Hòa. Là một sĩ quan của quân đội Miền Nam và đồng thời cũng là một nhà văn có tiếng tăm, anh đã rút kinh nghiệm như thế nào cho hai vị thế của anh trong bối cảnh lịch sử như vậy? 

Thảo Trường: Tôi chẳng nghĩ là “chết tức tưởi”. Chỉ là thua đau vì VNCH trước sau không có được lãnh đạo bản lĩnh giỏi, không có được cái nhìn chính trị, lịch sử, sâu  xa nên hụt chân khi đồng minh bỏ chạy. Cũng không trách được người. Cũng chẳng có gì phải tự  trách mình. Thua đau thì đã thua đau rồi.  Nhưng với lịch sử, tính cho đến năm 1975 Việt Nam đã quá tan nát rồi, giải quyết cuộc nội chiến tương tàn thế nào đây. Không hòa được thì phải có một bên thua, ai chịu thua ai chịu nhục. Kẻ nào cũng muốn mình thắng, mà muốn thắng thì phải âm mưu đủ điều, lưu manh đủ điều, tranh dành đủ điều. Phía quốc gia cũng muốn thắng nhưng lại cũng muốn làm người quân tử chính nghĩa nhân đạo, tự do dân chủ, thì làm sao thắng!  Thế cho nên Cộng Sản họ chộp được chính quyền, họ giựt được chính quyền, họ cướp được chính quyền đúng từ ngữ cướp. Lịch sử còn đó, công tội thế nào còn đó, không phải cứ già mồm là được đâu. Bởi vì dành lấy quyền điều hành đất nước là phải có trách nhiệm với đất nước đó. Trách nhiệm lớn và tội cũng rất lớn. Việt Nam Cộng Hòa không chết . Việt Nam Công Hòa vẫn tồn tại trong lịch sử với tất cả vinh nhục, hãnh diện và đau thương của nó. Là một sĩ quan cấp tá QLVNCH tôi rất hài lòng đã tham dự vào cuộc chiến bảo vệ Tự do của miền Nam. Là nhà văn tôi đã viết “Cho đến năm 1975, tội lớn nhất của Cộng Sản là thắng trận. Và. Chiến công lớn nhất của Cộng Hòa là thua trận”. 

Đặng Phú Phong: Dù ở truyện ngắn hay truyện dài , dù với chủ đề là chiến tranh,tình yêu hay xã hội văn anh viết rất lôi cuốn. Theo anh để đạt được như vậy người viết văn phải làm sao?

Thảo Trường: Thua. Tôi chịu thua không biết cách chỉ cho ai phải viết văn cách nào. Tôi đã nói tôi không có cơ may học đại học văn khoa. Có lẽ… trời cho mà thôi. Tôi có nghe một số quí cô trách “ông làm tôi bị nghẹn” “ông làm tôi mất ngủ” “ông làm tôi tốn bao nhiêu tiền mua sách báo” “ông làm tôi phát rồ lên đây này”… Cũng có người hỏi tôi “tẩm á phiện xì ke ma túy” vào mực viết à? Tôi chỉ có một tâm niệm  nếu viết lạt nhách thì thà đừng viết nữa là hơn”. 

Đặng Phú Phong:  Bằng giọng văn bình tĩnh có khi hơi lạnh lùng, pha chút giễu cợt, anh đã dùng để viết về đề tài tù , điển hình là truyện ngắn Tiếng  Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai – một trong những truyện  được nhiều người thích thú nhất (tôi phải thêm chữ thú  )- Những mảng đời của những nhân vật như Đại Úy Lam, của “các bác già” , của “Hoàng Đế” của”Cu Tý” hay của viên sĩ quan trẻ bị bắn chết ở hang rào tre là những mảng đời rất thường  trong trại tù của Cộng Sản, nhưng lại  là rất đặc thù  đối với thế giới Phương Tây. Có bao nhiêu phần trăm là sự thật trong truyện này và nguyên do nào anh đem những mảnh đời rời rạc như thế kia  ráp lại với nhau?

Thảo Trường: Truyện ngắn TTTTBTG tôi lấy bối cảnh trại giam Rừng Lá, tất cả những tình tiết trong truyện đều là những chuyện có thật 99% xảy ra đâu đó chỗ này chỗ kia, nhiều anh em tù khác không để ý, chứ riêng tôi, tôi “chụp ảnh” tất cả mọi chuyện lớn nhỏ vui buồn, tôi không bịa ra nổi những chuyện như thế đâu. Có một thời gian trong tù tôi cùng hơn mười bạn tù nữa phải coi một đàn bò mấy trăm con, đàn bò găm cỏ ở cánh đồng, tôi thường ngồi ở một bụi tre gai để coi chừng không cho bò trốn ra khỏi cánh đồng và tới giờ thì lùa chúng về chuồng. Không hiểu sao hồi ấy bò không trốn mà tù chăn bò thả rông trong rừng lá cũng không trốn. Tôi nghĩ hay là giống nhau! Những khi ấy, những khi ngồi ở gốc bụi tre gai đó tôi thường ngẫm nghĩ tới nhiều chuyện đời. Và tôi save những chuyện đó vào bộ nhớ trong đầu tôi. Chục năm sau ở Mỹ tôi mở nó ra đánh máy lại. Cũng ở bụi tre gai đó tôi bị muỗi chích dính bệnh sốt rét cấp tính lên não, phát điên, xém chết, may trời thương qua khỏi

Đặng Phú Phong:  Thì ra truyện ngắn TTTTBTG là ghi dấu một giai đoạn thập tử nhất sinh của anh. Xin anh nói thêm về chuyện “Cũng ở bụi tre gai đó tôi bị muỗi chích dính bệnh sốt rét cấp tính lên não, phát điên, xém chết, may trời thương qua khỏi”.        

  Thảo Trường:: À, “Cơn sốt” này xảy ra năm 1989, đúng là tôi bị muỗi chích khi chăn bò, ngồi ở gốc bụi tre gai, tôi còn nhớ rõ, rất rõ, hình như không quên được, không bao giờ quên được, cái cảm giác đau nhói nơi sau cổ, phản ứng tự nhiên cấp bách là đưa tay vỗ nhanh vào chỗ đó, xem ra là xác một con muỗi với máu tươi đỏ rói nơi lòng bàn tay, tôi chột dạ, và đúng như lo ngại, hôm sau tôi bắt đầu sốt, mấy ngày sau cai tù tản thương tôi bằng xe đạp từ chuồng bò trong rừng về bệnh xá trai giam chính. Ở đây gặp được bác sĩ Tôn Thất Sang (bác sĩ quân y cộng hoà) và cô y tá tên là Ba tận tình chữa tri, nhưng bệnh xá không có thuốc nên tôi bị hôn mê phải chuyển ra bênh viện tỉnh Phan thiết. Anh em trong trại giam nhắn tin về cho gia đình tôi ở Saigon lên kịp, nuôi và mua thuốc Nhật ngoài chợ đen chữa trị nên tôi thóat chết. Lại may nữa là ở bệnh viện Phan thiết tôi được một bác sĩ cũng là quân y cộng hòa cũ điều trị suốt một tháng, thường trực có hai sĩ quan công an trại giam đi theo kiểm soát và canh giữ. (Ông cựu trung úy bác sĩ này tốt nghiệp khóa cuối  của truờng quân y cộng hòa, chưa kịp phân phối đi đơn vị phục vụ, thì chế độ sụp đổ, bác sĩ không muốn được nhắc tên. Nhưng tôi phải nhớ, có một lần khi khám bệnh cho tôi, lúc chỉ có hai người, ông đã gọi bệnh nhân tù là “thưa thiếu tá”). Rồi trước khi phải trở lại trại giam ở Rừng Lá có một bệnh nhân phòng kế bên, cũng bị sốt rét, cũng đã qua khỏi và cũng đang sửa soạn xuất viện đến giường tôi chào… thiếu tá, rồi cầm tay tôi giắt sang chỗ giường của anh, anh đưa tôi một điếu thuốc thẳng, anh run run bật lửa cho tôi châm thuốc, vợ anh bưng một chén trà chế ra từ lon gô lấy ở gầm giường mời tôi uống,  anh bảo vợ anh chào tôi, chị ấy cúi đầu chào; anh bảo đứa con trai anh khoảng mười tuổi chào ông, đứa bé đứng lên khoanh tay “chào ông nôi”. Tôi bàng hoàng, ngỡ ngàng nhìn anh ta và gia đình anh ta. Sau anh ấy nói anh ấy là lính địa phương quân cũ năm 1975 và nay đang làm nghề đi rừng đốn củi. Anh ấy nói đã nghe biết tôi là bệnh nhân tù sĩ quan chế độ cũ. Tôi nhớ ra rằng những ngày qua thường có nhiều người đến trước cửa phòng bệnh nhìn vào và tôi chợt hiểu ra rằng cộng sản e ngại thả tù là cũng có cái lẽ của họ và tôi năm ấy đã 14 năm vẫn chưa về là cũng có cái lý của nó. 

        Đời tôi mang ơn nhiều Người.

Tôi cũng không hiểu sao, bằng cách nào, bên Mỹ, năm 1993 giáo sư  Neil  L. Jamieson, biết được chuyện này, và ông đã viết trong quyển “Understanding Vietnam” do trường đại học Berkeley, California xuất bản. Tác giả đã dịch sang tiếng Mỹ truyện ngắn “Mầu Và Sắc” (ông giáo sư dịch là Color and Hue, tôi dốt tiếng Mỹ nên cứ tưởng Hue là Huế của Việt Nam, nhưng sau một bà độc giả ở miền đông nước Mỹ yêu nhân vật tiểu thuyết của tôi giải thích cho tôi biết rằng Hue tiếng Mỹ có nghĩa là Sắc), truyện trích trong tập “Thử Lửa”, ông bình luận và kể về cơn sốt này của tôi. Có một chút cần đính chính lại là Phan Thiết Hospital chứ không phải Chợ Quán Hospital.  

      Đặng Phú Phong: Nghe anh kể chuyện, tôi rất ngậm ngùi cảm động trước tình người , tình đồng đội của những kẻ thất trận trong cảnh lao tù.  Alexander Solzhenitsyn cũng như anh thường khai thác chủ đề tù đày của Cộng Sản . Ông ta có ảnh hưởng gì đến tác phẩm của anh không?

 Thảo Trường: Trước 1975 ở Saigòn, tôi đã đọc “Quần Đảo Gulag”, “Tầng Đầu Địa Ngục” “Một Ngày Trong Đời của Ivan Denisovich” và tôi rất lấy làm thích thú những tác phẩm đó của nhà văn Nga. Cũng thời đó tôi còn đọc truyện của nhà văn Kim Dung, của nhà văn Lê Xuyên. Hồi ở tù Rừng Lá tôi đọc “Trăm Năm Cô Đơn” bản dịch. Đọc của ai nhất định cũng có ảnh hưởng của họ vào mình, không nhiều thì ít.

 Đặng Phú Phong: Trong  14 tác phẩm đã xuất bản trước 75 và 8 cuốn viết và xuất bản ở hải ngoại, tác phẩm nào anh ưng ý nhất ? Anh có thể giải thích tại sao và tiện thể giới thiệu nó đến với độc giả? 

  Thảo Trường: Tôi thích “Từ Dưới Đỉnh Đồi Nhìn Lên Chân Núi”. Có lẽ vì tôi tưởng lầm rằng đã “nhét” được một cái gì đó vào trong cái truyện này. Truyện này đăng trong tuyển tập NMVCTT.

 Đặng Phú Phong: Anh viết truyên dài nhiều hơn truyện ngắn, có phải truyện dài đối với anh dễ viết hơn truyện ngắn?

  Thảo Trưòng: Tôi không nghĩ là cái nào dễ cái nào khó. Chỉ là tùy hứng, chỉ là tùy đề tài. Có một điều là bây giờ, ở đây, tôi viết truyện dài không được, mà viết truyện ngắn thì cũng rất khó nhọc, vừa phải coi chừng người bệnh ngồi gần bên, và thỉnh thoảng mổ mấy chữ mấy câu mấy dòng… cho nên cả năm trời mới mổ được một cái vài chục trang. Hồi xưa khi còn trẻ tôi viết lúc nào cũng được, ngồi đâu viết cũng được. Bây giờ gìa yếu bệnh tật, cái đầu còn tốt, nhưng sức lao động thì không tốt, thế cho nên có khi phải lấy cái cũ mèm ngày xưa ra đem trả nợ ân tình.

 Đặng Phú Phong: Tôi xin chia xẻ với anh về tình trạng sức khỏe của chị nhà và sự chăm sóc của anh.
Tiếp theo xin hỏi anh có nhận xét như thế nào với  lập luận “ truyện ngắn là một truyện dài thu gọn lại”, trong khi đó có những truyện ngắn ( hay) nhưng lại gần như không có bố cục?

Thảo Trường: Truyện ngắn không bao giờ là truyện dài thu gọn lại. Truyện ngắn là truyện ngắn nghiêm chỉnh. Nếu  ai thu gọn một truyện dài lại thì đó có thể là một bản tóm tắt rút gọn, nó không phải là một truyện ngắn. Về bố cục thì có khi không bố cục là một bố cục.

Đặng Phú Phong: Anh đã từng chứng tỏ là một nhà văn viết truyện ngắn có tài qua nhiều  tập truyện ngắn như Thử Lửa, Người Đàn Bà Trên Kinh Đồng Tháp, Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai… với bố cục gọn, chắc nhiều khi cũng rất bất ngờ. Với nhiều kinh nghiệm như thế anh có nhận xét gì về truyện cực ngắn (còn gọi là truyện chớp)? Nó có thể chen vai sát cánh với truyện ngắn, truyện dài mãi mãi không? 

 Thảo Trưòng: Tôi xin lỗi chưa quen với thể loại mới (truyện chớp) nên chưa dám nói gì về việc này.

 Đặng Phú Phong: Khi anh đưa tình dục (sex) vào trong truyện của anh  vì anh cảm thấy cần thiết hay muốn chấm phá vài nét  để “câu khách”? 

 Thảo Trưòng: Tôi không câu khách bao giờ. Sinh lý là một sinh hoạt bình thường của con người. Anh Phong chắc có nghe người ta thường nhắc tới tứ khoái? 

Đặng Phú Phong: Anh nhắc đến tứ khoái làm hé lộ them mộ điều là nhân vật trong truyện của anh đa dạng. như vậy có khi nào anh  cảm thấy là mình  đã  để cho nhân vật  có những câu nói, suy nghĩ “quá tầm”hay “dưới tầm” của nhân vật đó?

ThảoTrường: Nếu có khi nào người đọc cho là nhân vật nào đó của tôi nói hay suy nghĩ quá tầm so với tính cách thực của nhân vật đó thì tôi phải coi lại việc đó. Tôi sống và làm việc bình thản. Rất bình thản. Cứ phải thế. Nhất là lúc viết. Tôi cố gắng không để mình “bốc đồng”. Tôi còn đang luyện tập môn võ công “không ra đòn, không đỡ đòn, không trả đòn”.
Đặng Phú Phong: Xin anh cho một viễn kiến về văn học Việt Nam tại hải ngoại? 

 Thảo Trường: Tôi cảm thấy mọi hy vọng đặt vào tay những người viết trẻ nữ.

Đặng Phú Phong: Xin anh nói rõ hơn? 

Thảo Trường: Tôi thấy nhiều tác giả nữ trẻ có những sáng tác rất độc đáo nên tôi kỳ vọng nhiều ở họ. Nhận xét chung thế thôi, không nên nói đến tên những tác giả ấy. Nên tôn trọng sự cô đơn của họ. Thế nào cũng xuất hiện tác phẩm quan trọng từ phía các tác giả nữ. Ông tin tôi đi!

Đặng Phú Phong :  Vâng tôi rất muốn tin , nhưng thưa anh , tôi nghĩ chúng ta cần phải nói thêm nhiều về vấn đề này khi có dịp. Xin cảm ơn anh. 

Cuối tháng 8/08.