Tên
của cuộc chiến
Note:
Tên trường: Văn Hóa, không phải Văn Lang, theo Ngô Khánh Lãng, 1 ông
bạn cùng học thời đó cho biết.
Sawada, bị Khờ Me Đỏ hành quyết cùng trưởng phòng UPI, ở Nam Vang, Phnôm Pênh, theo 1 tờ báo của Mẽo. viết về cuộc chiến Mẽo,
sau 40 năm, GCC mới được đọc
Khi
mới tới
Sài-gòn, nhân vật đầu tiên chào mừng, welcome, thằng bé
Bắc-kỳ-di-cư-tôi ngày
nào, là khách sạn Majestic.
Khách coi bộ quá
hăm hở, mấy ngàn con người lôi thôi, lếch thếch, chỉ vì ách nước vận
trời mà
hân hạnh được tầu Mỹ chở tới đây. Chưa từng thấy biển, bị "trấn" ngay
cho một chuyến đi suốt chiều dài đất nước. Chưa từng chiêm ngưỡng thành
phố,
đụng liền Hòn Ngọc Viễn Đông. Tuy đã từng ghé Cảng Hải Phòng, những
ngày chờ
đợi làm thủ tục, đã "kinh qua" Vịnh Hạ Long, trên những con tầu há
mồm trước khi ra Đệ Thất Hạm Đội, nhưng lòng dạ nào mà ngắm trời ngắm
đất.
Thiên nhiên hình như cũng hết còn là của họ, như cọng rơm cọng cỏ, con
gà con
chó, xó nhà miếng vườn, đành đứt ruột bỏ lại. Ấy là chưa kể, người lớn
trẻ con
ói lên ói xuống vì say sóng.
Chen chúc, luồn
lách, cậu bé men tới mép tầu. Majestic thấp hơn cậu một chút. Con tầu
như hiểu
ý, nghiêng hẳn sang một bên, cậu có thể thò tay với tới.
Lần thực sự viếng
thăm, chỉ ít lâu sau, là để đập phá khách sạn.
Thời gian học lớp
đệ ngũ trường Văn Lang, của thầy Nguyễn Khắc Kham. Vẫn "thói" bắc
không thể bỏ, chọn thầy trước khi chọn trường, chọn lớp. Tiếng là
trường, chỉ
một căn hộ trong một con hẻm đường Ngô Tùng Châu gần Ngã Sáu Sài-gòn.
Tiếng là
di cư, nhưng chính ở đây, cậu có người bạn Nam-kỳ đầu tiên. Cũng lần
đầu, cậu
nghe anh bạn Trí phát âm "tìn thươn", thay vì tình thương. Con nhà
giầu miệt tỉnh, mấy chị em kéo lên Sài-gòn mua nhà thay vì trọ học. Và
phải là
một trường Bắc-kỳ. Anh giải thích: ở dưới đó, anh "số dzách", nhưng
ông thầy lắc đầu, không ăn thua gì đâu, so với đám học trò người bắc.
Anh đưa
về "khoe" với mấy anh chị em. Cả nhà đều mến, nhưng phàn nàn với đứa
em: bạn mày nói, tụi tao nghe không ra! Còn thằng bé cứ há hốc mồm,
nghe kể về
một miền đất, sáng rảo bộ ra quán cà-phe nơi đầu ngõ, tiện chân ngoáy
ngoáy một
hố đất nơi con rạch, trưa về thò tay nhấc lên một con cá. Nhưng hình
ảnh
"Nam-kỳ nhất" ở nơi cậu, là từ một cô gái "lai", Bắc-kỳ xa
xưa từ hồi nảo hồi nào. Và nó bắt nguồn từ... Hà-nội!
Hồi đó ở với bà
chị họ, nơi ngoại ô Bạch Mai. Một bữa có một ông chú, từ Sài-gòn ghé.
Gọi là
chú, vì ngày trước học chung với ông già. Chú Th. quê Phú Hữu, một làng
nằm trên
sườn một ngọn đồi, dưới chân núi Tản. Ngày nhỏ theo bà già từ Thanh
Trì, ven
sông Hồng, vượt hết cánh đồng Sơn, đứng từ dưới nhìn lên, những căn nhà
lẩn sau
đám cây trên đồi. Bà già chỉ: nhà bà Hàn kia kìa. Gái Thanh Trì thường
làm dâu
Phú Hữu. Cậu bé có mấy bà cô ở trên đồi. Trai Phú Hữu thường ra Thanh
Trì làm
học trò ông giáo Dực. Ông già và chú Th. học chung lớp. Chú thi rớt, bị
bố la,
bỏ xứ Bắc, nhẩy tầu đi một lèo tới Sài-gòn làm giầu. Ông già thi vô sư
phạm, ra
làm hiệu trưởng trường tiểu học, mỗi nhiệm sở đẻ một đứa con làm dấu.
Đứa Hải
Dương, đứa Lục Yên Châu... Nhiệm sở chót Việt Trì (Vĩnh Yên), năm 1945,
rồi
"thôi" luôn.
Lần đó chú Th. ghé
chơi trên đường về quê, mang làm quà cho mấy trái xoài, và dẫn thằng
cháu đi
mua cho một đôi giầy, vô tình cho nó một thú vui: đánh thật bóng, rồi
thử xem
bụi hè phố Hà-nội mất mấy ngày mới làm mờ.
Lần
gặp lại, là ở Sài-gòn. Ông hỏi: "Nước nhà độc lập
rồi, còn 'dzô' đây làm gì?" Ông hình như lấy làm tiếc cho thằng con
người
bạn học. Cộng sản "nòi", bố bị đảng phái thủ tiêu. Lý lịch
"tốt" như thế, bỏ đi thật uổng! Chửi một hồi thấy tội, ông nhắc lại
một vài kỷ niệm, hồi học chung với ông già. Giầu có như vậy, ông vẫn
nhớ, và
cười cười, mày chắc cũng đã hưởng qua nhiều lần, cái thú ngồi giữa đồng
làng,
làm một trong tứ khoái, rồi "chịn" lên mặt cỏ tươi. Làng Thanh Trì
của tôi, chú chỉ nhớ có vậy. Thú thật! Làng Thừa Lệnh, quê Chu Tử, kế
ngay bên
Phú Hữu. Hai người hình như quen nhau, từ hồi còn nhỏ. Cô bé con chú
Th. là
"mặc khải" miền nam, Sài-gòn của tôi. Dây mơ rễ má với Hà-nội, là
vậy.
"Nới"
rộng ra, nó liên can đến cả một miền đất.
Nhiều
người bắc chắc còn nhớ cái váy nâu, cái quần thâm. Vải
may xong, nhúng nâu, nhúng bùn, phơi nắng, cho tới khi cứng như mo cau,
mới
được xỏ vào người. Lần bà chị đưa đứa em tới "trình diện" ông chú,
người đàn bà miền nam xuất hiện trước thằng nhỏ Bắc-kỳ, là hình ảnh một
cô bé
trong bộ bà ba đen, mỏng, mượt, mát, như... làn da thứ nhì của con
người.
Đang
ngồi học, đột nhiên tất cả ùa ra khỏi lớp. Phái đoàn
Việt Cộng ở khách sạn Majestic! (1).
Lần
đó đập phá đã tay, "truy lùng" Văn Tiến Dũng
đã đời, cảnh sát mới can thiệp. Có anh bạn Ngô Khánh Lãng cùng đi. Anh
không
gặp Việt Cộng, mà là một cô đầm. Đẹp lắm, anh nói. Với anh, (với chúng
tôi),
đầm có nghĩa là đẹp. Khi cửa phòng bị phá, nhìn thấy anh, cô quá sợ. Sợ
bị
giết. Suốt cuộc chiến, và những lần biểu tình, xuống đường của nó, đây
là lần
đầu, và cũng là lần cuối, tôi biết thế nào là hơi cay. Cũng có được một
chiến
lợi phẩm, cuốn tự điển Larousse bỏ túi, Lãng nhặt được ở hành làng,
trong lúc
rút quân. Trên đường về, không biết nghĩ sao, hai đứa liệng vô đống rác
khổng
lồ ở đường Hàm Nghi.
Từ
văn phòng hãng thông tấn UPI, 19 Ngô Đức Kế, nhẩy mấy
bước là tới khách sạn Majestic. Một bữa xuống sở, gặp nhiếp ảnh viên
người
Nhật, Sawada Kyoichi. Tôi bảo anh, tuần trước mới cưới vợ. Anh tròn xoe
mắt,
nói sao không cho biết. Đám cưới mãi tít Cai Lậy, "many VC there!"
Anh bật cười, kéo tôi băng qua đường, lên terrace khách sạn, làm một
chầu ăn
sáng.
Vòng
vo Tam Quốc nãy giờ, duyên do là, tôi không thể quên
anh, hoặc anh cũng rứa, cho nên đứa sống, đứa chết đành mượn Majestic
là nơi
"tái ngộ", nhớ về những ngày đầu, theo kiểu "ý thức đuổi theo
cái chết của ý thức" (2).
Tuy
cùng là Mỹ, nhưng hãng thông tấn AP giầu hơn UPI. Lương
hậu hĩ hơn. Một số thông tín viên, nhiếp ảnh viên thường coi UPI là nơi
học
nghề. Khi đã có chút tên tuổi, chờ AP bật đèn xanh, là nhẩy. Tôi vẫn
còn nhớ
nhiếp ảnh viên Henri Huêt, người Pháp lai, làm cho UPI, sau về AP. Mỗi
lần lên
Đài, nơi tôi làm việc, anh hay nói chuyện với tôi, và chị Linh, nữ điện
thoại
viên phụ trách mạch Paris. Bằng tiếng Pháp. Một bữa, anh vừa quay đi,
chị Linh
ghé tai tôi nói nhỏ: Thằng chả ăn mắm hút ròi, chưa lột lưỡi đã biết
tiếng
Việt, vậy mà bầy đặt! Thực tình, cho tới lúc đó, tôi vẫn nghĩ anh không
biết
tiếng Việt.
Cách
loan tin cũng khác. UPI thường chuyển tin liền, nếu
cần, cải chính sau. Tin AP do đó chính xác hơn. Nhân viên cũng nhiều
hơn. Đám
phóng viên tự do, freelance, thường ghé AP trước. Nếu UPI có hơn được
AP một
chút gì đó, là nhờ kỹ thuật chuyển vô tuyến viễn ảnh. Ông Hưng, tuy cựu
nhân
viên bưu điện, như lo về bưu vụ; khi chuyển hình, ông thường để tín
hiệu tối
đa, vô tình tăng nhiễu. Thời gian đầu, Horst Faas, trưởng phòng hình
ảnh AP
nghi, gã chuyên viên trẻ UPI "phá". Anh kêu Iwasa, chuyên viên kỹ
thuật của hãng, từ Tokyo qua Sài-gòn, lên Đài kiểm tra chất lượng máy
móc,
đường dây. Iwasa ăn ngủ trên Đài cả tháng. Anh rất chịu gã chuyên viên
trẻ,
chịu khó nghe gã bập bẹ "dịch" vừa bằng tay, vừa bằng miệng, truyện
ngắn đầu tay của gã sang tiếng Anh, và hỏi cái cô Mai ở trong truyện là
cô nào
trong số các cô ban ngày anh thường gặp. Mai của tôi, My Mine, khi đó
đã bỏ bưu
điện qua làm nữ tiếp viên hàng không Air Vietnam.
Trong
số những nhiếp ảnh viên UPI, Sawada nổi tiếng nhất,
nhưng chẳng bao giờ anh bỏ hãng, dù Horst Faas đã nhiều lần ra dấu.
Những ngày
Khe Sanh, hình ảnh của Sawada về những ngọn đồi đẫm máu, tên chỉ là
những con
số (chắc là chỉ cao độ), đã được tờ Paris Match dùng làm trang bìa. Cả
số báo
là hình của anh. Gần như tháng nào anh cũng được hãng tuyên dương. Bức
hình
đoạt Pulitzer: một bà mẹ, tay bồng con, tay kia với theo một đứa, mấy
đứa lớn
bu quanh mẹ, vượt một khúc sông, chạy giặc. (3)
Tôi
vừa mới làm cho UPI là đã quen anh. Theo nguyên tắc, tôi
luôn luôn phải có mặt tại Đài, phòng hờ những lần gửi hình đột xuất.
Một lần ỷ
y, tôi về nhà, khi đó ở một con hẻm đường Nguyễn Huỳnh Đức, sau nhà Hội
Đồng xã
Phú Nhuận. Anh mầy mò kiếm ra được. Khi anh mất, bà vợ có ghé Việt Nam.
Hai vợ
chồng không con. Tôi đứng nhìn người đàn bà Nhật, chắc cũng ít nói như
anh, vẻ
xa lạ hờ hững giữa văn phòng hãng. Như chưa được sự giới thiệu của
người đã
chết, tôi e dè không dám tới nói lời chia buồn, và tôi nghĩ bà cũng
chẳng cần.
Làm sao giải thích cho bà hiểu nổi, tại sao chồng bà lại chết vì một xứ
sở vô
tình đến như vậy?
Làm
cho UPI, dần dần trong tôi nẩy sinh một tình cảm quái
gở. Mỗi lần có một phóng viên, nhiếp ảnh viên mới, là tôi tự hỏi, tay
này chịu
được bao lâu? Lần nhiếp ảnh viên người Nhật, tên Mine, mới tới Sài-gòn,
tôi lắc
đầu tự nhủ thầm, đúng là tên tiền định! Chân ướt chân ráo, anh đã được
"đãi ngộ": đang ở một đồn binh Mỹ, một chiếc C.130 bay ngang, bị ngay
pháo bên dưới cắt thành hai mảnh. Hai năm qua đi, hết hạn, anh trở về
Tokyo.
Tưởng là thoát, không ngờ anh phải qua Việt Nam, thế hai tuần, cho một
đồng
nghiệp đi phép. Anh bị chết cháy, trong thiết vận xa M.113, khi trúng
mìn.
Kent
Potter, được UPI cho làm trưởng phòng hình ảnh,
deskman, chỉ việc ngồi lựa hình, đánh caption (4) gửi đi, vậy mà gặp
mặt là
nghe anh than chán quá, chán quá. Chiến tranh gì mà buồn tẻ thế này!
Đúng lúc
đó, xẩy trận Hạ Lào. Anh nhẩy vội ra Trung. Chuyến đó, chiếc trực thăng
chở
phóng viên báo chí bị rớt, (trúng đạn?), chết đâu mười mấy mạng, trong
có anh.
Tôi cứ nghe như Thần Chết lắc đầu quầy quậy, giọng bực mình, tao đã bảo
ở nhà,
vậy mà không chịu, cứ nằng nặc...
Sawada
không chết vì cuộc chiến Việt Nam, nhưng sau đó, khi
nó chuyển qua Kampuchia. Anh là người, có lúc tôi nghĩ, may mắn, vì
luôn luôn
có mặt trong những trận đánh lớn, và cứ nhè những khía cạnh cuộc chiến
muốn
giấu, để mà lột trần ra. Cái xấu, cái ác, có lẽ cũng là chuyện làm xàm,
đôi khi
chán ngắt, chính vì vậy Thần Chết muốn giấu, cũng nên! Thông thường đám
phóng
viên Tây-phương, cứ thấy xác chết là "mê", chụp hình lia lịa. Hình
của Sawada là những gì hết đỗi tầm thường, nếu không muốn nói, nhàm
chán, y hệt
như nếu không có những xác người "bầy ra đấy", nó vẫn phải "xẩy
ra": hình một người lính VNCH "chán đời", ngồi thừ, điếu thuốc
gắn trên môi, "để đó". Có vẻ như anh không còn một chút hơi sức, chỉ
để kéo một hơi thuốc. Có vẻ như anh chẳng vui gì mà hút thuốc, sau khi
người
bạn thân vừa tử trận. Hay là anh nghĩ, không biết con vợ "bay bướm" ở
nhà có "buồn" vì anh vẫn còn sống... Bản chất ù lì, "tiêu
cực" có khi cần thiết cho sáng tạo, hơn là sự hăm hở, sôi sục, muốn
"viết", "chụp". Hình mấy mẹ con bơi qua sông chạy giặc: vẻ
"trơ ra" của thiên nhiên. Vũ Ngọc Phan đã từng chê Nguyễn Tuân: muốn
kéo thiên nhiên xuống cho vừa ý con người...
Sự
tầm phào.... Sawada chết "lãng nhách" như vậy.
Người Kampuchia, lính hoặc không lính, đều không ưa phóng viên nhà báo.
Nhưng
lại mê cái máy hình, chiếc xe honda... Như đa số phóng viên chết tại
đây, họ
đều bị giết khi đang chạy xe trên một khúc đường vắng, thường chỉ bởi
một con người,
"đột nhiên" nổi lòng tham.
Majestic
sau đổi tên là Cửu Long. Tôi có lần lẩn thẩn, tại
sao không là Văn Tiến Dũng, kỷ niệm một lần ông đã từng ở đây, và phải
"bực mình" bỏ đi.
Có
lần tôi đã mất cả một ngày trời, chỉ để 'nhớ cho
ra", tên một tiệm sách: tiệm Lê Phan ở đường Phạm Ngũ Lão, Sài-gòn.
Hình
như cái tên là khó nhớ nhất, đối với bộ não con người.
Bởi
vì phải mất 30 năm tôi mới nhớ ta tên một cô bạn.
Tên
một phóng viên người Nhật.
Và
tên một cuộc chiến.
Tên
của cuộc chiến (2)
...
Một ngôi làng chìm trong khói lửa. Tiếng gào thét. Dân
làng bị dồn đuổi nhẩy ào xuống con mương cạnh đó tìm nơi thoát thân.
Trong làn
nước bùn đục ngầu có hai tốp mẹ con cuống cuồng bơi, người mẹ ra sức
bảo vễ đứa
con nhỏ, nét mặt hoảng loạn cùng cực... Kyoichi bất giác chuyển động và
bấm máy
lia lịa như mất hồn. Bức ảnh hoàn thành với cái tên Lánh nạn.
Đó
chỉ là một cảnh quay được dàn dựng bởi diễn xuất của diễn
viên Nhật bản, Osawa Takao trong vai Kyoichi và một số diễn viên nghiệp
dư
người Việt Nam tại Xuyên Mộc, Bà Rịa (sáng 3-6-1999). Những cảnh ấy đã
tái hiện
một sự kiện người thực việc thực trong cuộc đời nhà nhiếp ảnh người
Nhật Sawada
Kyoichi xẩy ra vào tháng 5-1965 trên chiến trường Việt Nam. Sawada
Kyoichi là
ai?
Sinh
ra ở vùng quê Aomori, lên Tokyo làm biên tập ảnh cho
hãng UPI, chàng trai Sawada vẫn mang nặng mặc cảm: "Nơi đó chỉ thừa
nhận
những kẻ sinh ở thành phố, có tiền, có học vị". Và anh đến chiến trường
Việt Nam (vào năm 1965) quyết "trở thành nhà nhiếp ảnh được cả thế giới
công nhận, cho cái bọn đang kiêu căng ở hòn đảo biết tay". Chỉ sáu
tháng
sau khi đến Việt Nam, Kyoichi có bức Lánh nạn ở một làng nhỏ phía bắc
Quy Nhơn.
Bức ảnh sau đó được đăng trên hầu hết các tờ báo lớn trên thế giới khi
đưa tin
về chiến tranh Việt Nam, nhận giải thưởng Granpuri trong liên hoan ảnh
phóng sự
thế giới tại Hagu, và giải báo chí quốc tế (Pulitzer), tại New York.
Sawada
Kyoichi trở thành một trong ba phóng viên ảnh trong cuộc chiến Việt Nam
đoạt giải
Pulitzer.
"Thế
kỷ 20, dân tộc Việt Nam đã có một cuộc chiến tranh
lừng lẫy, và đất nước tôi có một người con - Sawada Kyoichi - đã góp
phần ghi
lại những hình ảnh đau thương và hào hùng về cuộc chiến đó. câu chuyện
về anh
gợi lại suy nghĩ về sự tàn hại của chiến tranh bởi nó vẫn đang tiếp
diễn ở
nhiều nơi trên thế giới". Đó là lý do thúc đẩy Đài truyền hình Nagoya
và
hãng truyền hình Kyodo (Nhật Bản) cùng hợp tác sản xuất bộ phim "Khoảnh
khắc lóe sáng" - phim truyền hình dài 95 phút, một dạng phim tư liệu
dựng
lại trung thực cuộc đời nhà báo dũng cảm này.
"Chúng tôi
muốn nhấn mạnh rằng, tuy là phóng viên chiến trường, Sawada quan tâm
trước hết
đến những người dân vô tội Việt Nam bị cuốn hút vào cuộc chiến..." -
ông
Matsumoto, nhà sản xuất bộ phim, nói. Thật vậy, theo trình bầy của tác
giả kịch
bản Inaba Kazuhiro - người từng tham gia chiến tranh Việt Nam - ý nghĩa
của bộ
phim không nằm ở các sự kiện mà là quá trình thay đổi cách nhìn của
chính
Sawada khi trực tiếp đối mặt với chiến tranh. Nhờ sự cảnh tỉnh của một
nhà xã
hội học người Nhật, Sawada nhận ra khi chụp những bức hình như Lánh
nạn, anh đã
"không cảm thấy đau đớn gì, khi nhìn người bị thương, bị chết", chỉ
biết chụp ảnh; trong khi "với tư cách một con người có một việc phải
làm -
là cứu họ - trước khi có những bức ảnh ấy". Từ New York, sau khi nhận
giải
Pulitzer, Sawada quay về Việt Nam, tìm những nhân vật trong bức Lánh
nạn, hỏi
thăm, tặng quà, và tặng họ tấm ảnh ấy...
Cuộc sống chung
cực kỳ hòa hợp với người vợ Sata (do nữ diễn viên Zair Naomi thủ vai),
hơn anh
10 tuổi, vừa là vợ, vừa là bạn, là một mảng khác, đã lãng mạn bộ phim.
Họ hạnh
phúc và đang muốn có đứa con đầu lòng. Nhưng Sawada không thể ngồi
yên...
"Nếu chờ ai đó sẽ làm thì không biết bao giờ mới có hòa bình, nên anh
phải
làm vì anh là thợ ảnh", Sawada nói với vợ trong đêm Giáng Sinh cuối
cùng
lên đường sang chiến trường Cambodia (năm 1970). Anh bị bắn chết tại
đây. Một
cái chết "thanh thản như đang ngủ"...
Lời
người viết:
Phần
đầu bài viết đã đăng trên tạp chí Văn, như một tưởng
niệm của người viết, về người bạn cùng sở, Sawada Kyoichi. Phần hai,
tác giả là
Hoài Hương, đăng trên báo Tuổi Trẻ, mà người viết được đọc qua báo Nhân
Dân,
trên Internet. Người viết xin mạn phép tác giả Hoài Hương, lược bỏ một
số đoạn
có tính tuyên truyền, và thành thực tin rằng, ở bên kia thế giới,
Sawada
Kyoichi cũng đồng ý như vậy. Vả chăng, đoạn nói về bức ảnh "Chết trong
bụi
đỏ", "chụp cảnh chiếc xe tăng đang kéo lê xác người trên đường, hiện
đang được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP Hồ Chí Minh
(số 18
Võ Văn Tần)", theo như người viết được biết, tuy của UPI, nhưng không
do
Sawada Kyoichi chụp.
Cái
gì của César, hãy trả cho César.
Chú
thích:
1.
Phái đoàn miền Bắc, do Văn Tiến Dũng cầm đầu, là để bàn
chuyện hiệp thương, tổng tuyển cử... sau năm 1954, theo tinh thần hiệp
định
Genève.
2.
Chaque conscience poursuit la mort de l'autre (Hégel);
Simone de Beauvoir trích dẫn, trong Nữ Khách, (L'invitée).
3.
Kyoichi Sawada (UPI), đoạt Pulitzer, giải thưởng của Mỹ,
về hình chiến tranh (combat photography), năm 1966; Toshio Sakai (UPI),
1968;
Horst Faas (AP), 1965; David Halberstam (NY Times), 1964; về hình cùng
với
Macolm Browne (AP), về phóng sự (combat reporting).
4.
Caption: Chú thích dưới một tấm hình. Chỉ những phóng
viên lâu năm trong nghề mới được làm việc này. Tiền đánh caption hơn
tiền trả
cho nhiếp ảnh viên chụp tấm hình.
Nguyễn Quốc Trụ