Tưởng
niệm một bạn văn
...
que cette chose atroce: le temps, se développe en moi
comme un cancer, irrévocablement.
(... điều ghê rợn đó: thời gian, như cục bướu ở trong tôi,
dứt khoát là vậy.)
(André Malraux, La Voie Royale, Con Đường Vương Giả)
Subject:
Thư hồi âm của Duật
Date:
Wed, 15 Sept 1999
22:49:46 - 0800
From:
To:
Tôi
đã đọc thư E-mail của anh... gửi cho NDD qua điện thoại.
Ảnh mừng lắm, nên vừa nghe xong, ảnh nhờ tôi ghi những lời ứng khẩu sau
đây,
bày tỏ tâm tư của anh và chuyển giùm đến các bạn:
Thân
gửi các bạn...
Ngày
1-9 năm nay, cách đây 14 ngày, mình lên bàn mổ và đã
mất đi toàn bộ lá phổi bên phải vài cái bướu ung thư không dung thứ cho
lá phổi
bên phải một chút nào hết. Thôi thì với 35 năm dạy học, kết quả như thế
này
cũng đủ rồi. Với lá phổi trái còn lại, vào cuối tháng chín này, mình sẽ
trở lại
Trung Tâm Ung Bướu để người ta rà xét lại và giúp mình truy quét tàn
quân địch
tức là các tế bào ung thư còn sót lại nếu có, để bảo vệ lá phổi bên
trái đến
mãn đời mình.
...
Khao khát chính của cuộc đời mình là viết được những
điều tâm đắc, những điều hồi trẻ mình cùng các bạn.... từng ấp ủ, và đã
từng
viết được chút này chút nọ, rải rác trên báo này báo kia và chưa đâu
vào đâu
cả. Điều nhức nhối là mình phải làm sao thực hiện được những tác phẩm
có tầm
vóc xứng đáng với mấy chục năm sống, cảm, nghĩ, đọc và tiếp xúc với
những người
và những tác phẩm đã qua. Điều mình tha thiết nhất là viết về những
hình thái
đặc sắc nhất của văn chương và nghệ thuật, viết về những biểu hiện sâu
sắc nhất
của nghệ thuật nói chung tức là viết về mỹ học, nhất là mỹ học về văn
chương
đồng thời những vấn đề lớn của triết học, những vấn đề không ngừng làm
thao
thức những tâm hồn sâu sắc nhất của mọi thế kỷ, những vấn đề mà mình
quan tâm
nhất như ý nghĩa của con người, của cuộc đời, của tình yêu, của cái
chết trong
cõi nhân sinh này và trong vũ trụ bao la. Tất cả những điều đó rốt cuộc
còn tồn
đọng lại trong ta ý nghĩa gì, giá trị gì? Quãng đời còn lại của mình sẽ
dành
cho việc viết về những vấn đề cơ bản nhất của văn học nghệ thuật và của
triết
học như ngày xưa mình cùng các bạn đều đam mê đeo đuổi suy tư và rung
cảm với
chúng. Mình hứa sẽ không lãng phí quãng đời còn lại của mình trong im
lặng
đâu...
Nhớ
các bạn lắm và nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa. Chúng
như đang hiển hiện trước mắt mình... Xin các bạn ghi nhận nơi đây sự
tỉnh táo
của mình qua từng câu từng chữ. Mình không mê sảng chút nào đâu, các
bạn ạ.
Nguyễn Nhật Duật
Người
chủ địa chỉ e-mail viết thêm: Đây là những lời xuất
khẩu qua điện thoại với anh bạn đồng nghiệp, của một người bạn đang bị
bệnh
nhưng chỉ có bệnh về thân xác chứ tâm hồn thì vẫn đủ khang kiện và nghị
lực để
tiếp tục vươn lên với đời.
Nhưng
sau cùng, anh e-mail:
Subject: Về lễ an táng của Duật
Date: Thu, 17 Feb 2000
15:25 +0700
From:
To:
Anh... và tôi đã đi phúng điếu anh Duật lúc 10 giờ sáng nay 17-2-2000.
Chị Duật nhờ tôi báo tin cho các bạn bên Hoa Kỳ rõ. Chị dặn
tôi nhờ anh H. nhắn tin này cho anh Viên Linh biết.
Nhìn bản cáo phó dán trên tường, tôi ghi lại vài hàng:
Nguyễn Nhật Duật 1940, quán Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, từ trần
lúc 6 giờ ngày 16-2-2000, thọ 61 tuổi.
Động quan lúc 6g sáng ngày 19-2-2000; an táng tại nghĩa
trang chùa Giác Nguyên, huyện Hóc Môn
Duật có 8 người con (7 gái, 1 trai)... Gia đình còn chờ
người con gái thứ hai ở bên Đức về VN tối mai, 18-2, để cháu được nhìn
thấy mặt
bố lần cuối cùng. Vì vậy thi thể anh Duật được chích thuốc, nên mặt
nhìn vẫn
tươi tắn, và trông mập ra.
Trong
số bè bạn cùng thời hồi đó, Duật tách biệt hẳn, với
dáng điệu chững chạc, mô phạm, không bao giờ ăn nói ục tĩu, không bao
giờ đề
cập tới chuyện gái gẩm, chuyện ghé thăm Ngã Năm, Ngã Ba... nhưng suy
nghĩ cho
cùng, chính tôi mới là một kẻ lén lút xâm nhập, vị khách bất đắc dĩ của
"bàn tiệc văn học": Nguyễn Nhật Duật, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Xuân
Hoàng... đều học triết, và sau ra làm giáo sư. Chỉ có tôi là dân toán,
dân kỹ
thuật, "nhẩy dù" qua văn chương, triết học! (Có lẽ cũng chính vì vậy,
cho nên trong Văn Học Tổng Quan, phần tiểu sử tác giả, Võ Phiến đã ghi
tôi làm
nghề dậy học.)
Tôi quen anh qua Huỳnh Phan Anh. Trong bữa gặp mặt lần đầu
đó, Duật là người nói nhiều hơn cả. Tôi kính cẩn ngồi nghe. Khi ra về,
Huỳnh
Phan Anh lắc đầu: không thể tưởng tượng được, chỉ một thời gian không
gặp mà nó
khác hẳn xưa. Mình phải bớt đi chơi banh bàn, ngã năm ngã ba, đóng cửa
diện
bích mới được! Chừng hơn tháng sau gặp lại, anh khoe, đã tụng xong bộ
Hữu Thể
và Hư Vô, của Sartre, (đâu chừng dăm, bẩy trăm trang!). Phải ăn mừng
mới được!
Thằng bạn chẳng cần phải hỏi, cũng biết sẽ ăn mừng chiến thắng ở đâu!
Khi
cả đám nhẩy lên Đà Lạt học Sư Phạm, tôi đã ra trường đi
làm công chức Bưu Điện. Rồi Huỳnh Phan Anh làm đặc san văn nghệ cho
trường, lấy
tên là Chiều Hướng Mới. Lần gặp lại mới đây, tại Paris, anh nhắc tôi
mới nhớ
tên số báo đó. Anh tự hào cho biết thêm: sinh viên làm báo đặc san,
mượn tiền
của mấy linh mục giáo sư, vậy mà bán có lời! Bài tiểu luận đầu tay của
anh, là
trên Chiều Hướng Mới: Văn Chương và Kinh Nghiệm Hư Vô. Truyện ngắn đầu
tay của
tôi: Những Con Dã Tràng. Đây cũng là nơi đăng truyện ngắn đầu tay của
Nguyễn
Nhật Duật: Huyền. Kỷ niệm tức cười về Huyền, tôi đã viết lại, trong bài
Một
Chuyến Đi. Tác giả truyện ngắn đã không hề thay tên riêng Huyền bằng
bất kể một
từ khác, và nhà in đành phải nhờ Huỳnh Phan Anh, nhân dịp về thăm gia
đình ở
Sài Gòn, mang lên đủ những con chữ cần thiết. Sau này đọc Kundera, khi
viết về
Kafka, ông đã phân tích "tai họa" mà những nhà dịch thuật Kafka qua
tiếng Pháp, đã tự ý thay đổi chữ cái K (trong Joseph K) bằng những nhân
vật đại
danh tự khác. Theo Kundera: không thể thay thế được! Hay nói theo
Steiner:
"Trong bảng mẫu tự về cảm tính và tri giác của nhân loại, chữ cái K
vĩnh
viễn thuộc về, chỉ một người."
Tôi cũng muốn mô phỏng Steiner: Trong cái bảng abc tình ái
của anh bạn Duật, mẫu mực, mô phạm ngay từ hồi "đó đó", Huyền là...
Huyền. Không thể thay thế được!
Sau truyện ngắn đó, Duật nghỉ hẳn viết. Ra trường, đi dậy
học, mãi đến khi Viên Linh làm tờ Khởi Hành, anh mới xuất hiện trở lại,
qua
những bài phê bình, biên khảo, đọc sách... Anh đoạn tuyệt với truyện
ngắn, như
thể: trong thể loại này, vĩnh viễn chỉ có một truyện ngắn, và nó vĩnh
viễn
thuộc về... Huyền!
Trong
một truyện ngắn chưa hề in ấn, bản dịch tiếng Anh lần
đầu tiên xuất hiện trên một số báo The New York Review of Books, "Bông
Hồng của Paracelsus", Jorge Luis Borges kể chuyện một vị đại sư về
huyền
thuật có tên là Paracelsus, một bữa cầu khẩn "Thượng Đế của ông", xin
Ngài gửi tới cho ông một đệ tử. Và một đêm kia, có tiếng gõ cửa, một kẻ
lạ xuất
hiện, bước vào trong căn phòng. Trông anh ta có vẻ hết sức mệt mỏi. Vị
đại sư
ra dấu mời khách ngồi. Sau cùng chủ nhà là người lên tiếng trước:
"Tôi nhớ lại tất cả những khuôn mặt từ Đông qua Tây,
vậy mà không nhớ ra bạn. Bạn là ai, và bạn mong gì ở tôi?"
"Tên tôi chẳng quan trọng. Tôi đã trải qua một cuộc hành
trình ba ngày ba đêm để tới nhà của Ngài. Tôi mong được là đệ tử của
Thầy. Tôi
mang tới cho Thầy tất cả sản nghiệp của tôi".
Anh đổ sản nghiệp xuống mặt bàn: những đồng tiền, bằng vàng.
Một đống tiền. Anh làm việc này với tay phải. Vị đại sư quay lưng đốt
cây đèn.
Và khi xoay người lại, ông thấy tay trái vị khách lạ cầm một bông hồng.
Bông
hồng làm ông bối rối.
"Bạn nghĩ tôi có thể tạo nên cục đá biến tất cả mọi vật
trở thành vàng, tuy nhiên bạn vẫn mang vàng đến cho tôi. Nhưng tôi
không tìm
kiếm vàng, và nếu bạn quan tâm đến nó, bạn sẽ không bao giờ có thể là
đệ tử của
tôi".
"Tôi
không quan tâm đến vàng. Những đồng tiền này chỉ
để nói lên lòng mong ước của tôi được theo chân Thầy. Tôi muốn Thầy dậy
tôi
Nghệ Thuật. Tôi muốn bước kế bên Thầy, trên con đường đi tới Cục Đá."
"Con đường 'là' Cục Đá... Mỗi bước đi của bạn, là mục
tiêu mà bạn tìm kiếm."
Người đàn ông nhìn vị đại sư, giọng anh thay đổi:
"Nhưng, như vậy là không có mục tiêu?"
Vị đại sư cười lớn:
"Mấy kẻ cố tình lật tẩy tôi, cũng hằng hà sa số như
những tên ngu đần; chúng nói như vậy đó: làm gì có mục tiêu,
và họ gọi tôi là
một kẻ bịp bợm.' Họ tin rằng tôi đã lầm... Tôi biết rằng có Con Đưòng,
có Đạo
(a Path)."
Yên
lặng một hồi, sau cùng người khách lên tiếng:
"Con sẵn sàng đi trên con đường đó với Thầy, cho dù
chúng ta có thể sẽ phải đi hoài đi huỷ trong nhiều năm. Hãy cho phép
con vượt
sa mạc. Hãy cho phép con nhìn thoáng thấy, dù từ xa, đất hứa... Tất cả
những gì
con đòi hỏi, là một chứng cớ, trước khi bắt đầu cuộc hành trình"
"Khi nào?" Vị đại sư tỏ ra khó chịu.
"Ngay bây giờ". Người khách quyết định tức thời.
Suốt từ đầu, họ nói chuyện bằng tiếng La Tinh. Bây giờ, họ
chuyển qua tiếng Đức.
Người đàn ông giơ cao bông hồng:
"Thầy nổi tiếng vì có thể đốt bông hồng thành tro than,
và lại làm nó nở ra thành bông hồng, từ mớ tro than đó... Hãy cho con
chứng
kiến phép lạ. Để đổi lại, con xin dâng hiến trọn đời con."
"Anh quá cả tin. Tôi không cần cả tin. Tôi cần niềm
tin."
Người khách nài nỉ:
"Bởi vì con không cả tin, nên con muốn chứng kiến tận
mắt, sự huỷ diệt và tái sinh của bông hồng".
Vị đại sư lúc này đã cầm bông hồng trên tay, và đang vuốt ve
nó.
"Anh thật cả tin. Anh nghĩ rằng tôi có thể huỷ diệt
nó?"
"Bất cứ một người nào cũng có sức mạnh huỷ diệt nó".
"Anh lầm rồi. Anh thực sự tin rằng một điều gì đó có
thể biến thành hư vô? Anh tin rằng vị Adam đầu tiên ở Thiên Đàng có thể
huỷ
diệt một bông hồng đơn độc, một cọng cỏ đơn độc?"
"Chúng ta không ở Thiên Đàng.", người đàn ông trẻ
tuổi cứng đầu trả lời. "Tại đây, trong thế giới trần tục này, mọi vật
đều
chết".
"Chúng ta hiện đang ở đâu, nếu không phải là Thiên
Đàng? Bạn tin rằng thần thánh có thể sáng tạo ra một nơi không phải là
Thiên
Đàng? Bạn không tin, rằng Sa Ngã chính là do không nhận ra một điều:
chúng ta
đang ở Thiên Đàng?"
"Một bông hồng có thể bị đốt cháy", người trẻ tuổi
nói bằng một giọng thách đố.
"Có lửa ở đây", vị đại sư đưa tay chỉ.
.......
Người
trẻ tuổi cầm bông hồng trên bàn, và ném vào lửa. Một
khắc, tựa thiên thu, trôi qua; anh ta chờ đợi phép lạ.
Vị
đại sư ngồi bất động. Ông nói, bằng một giọng giản dị:
"Tất cả những nhà vật lý, dược sĩ tại thành phố Basel
này nói tôi là đồ dởm. Có lẽ họ nói đúng. Có tro than vốn xưa là bông
hồng, sẽ
chẳng còn là bông hồng nữa."
Người trẻ tuổi cảm thấy xấu hổ. Anh chỉ là một kẻ lén lút
xâm nhập nhà vị thầy, vậy mà còn ép buộc ông thú nhận, huyền thuật của
ông chỉ
là đồ dởm.
Anh ta quì trước vị đại sư và nói:
"Điều tôi làm thật không thể tha thứ được. Tôi thiếu
niềm tin, trong khi Thượng Đế đòi hỏi, chỉ một điều, tin tưởng. Hãy cho
tôi
được tiếp tục, nhìn tro than. Tôi sẽ trở lại, khi nào mạnh mẽ hơn, và
sẽ là đệ
tử của Ngài, và ở cuối Con Đường, tôi sẽ nhìn thấy bông hồng".
Anh
ta nói với một niềm đam mê thực sự, nhưng đam mê này chỉ
là lòng thương hại vị thầy già. Ta là ai, hỡi Johannes Grisebach này?
Ta là kẻ,
bằng bàn tay thiêng liêng ném bông hồng vào lửa, đã khám phá ra rằng,
đằng sau
mặt nạ, chẳng có một người nào.
Để lại đống vàng có thể là một hành động làm cho những kẻ
nghèo đói "bực mình", anh ta lượm tất cả lên. Vị đại sư tiễn khách ra
tới cửa, và nói anh luôn luôn là vị khách quí tại nơi đây, nếu trở lại;
nhưng
cả hai đều biết rõ một điều, chẳng bao giờ còn có lần thứ hai.
Vị đại sư lại cô đơn một mình. Trước khi thổi tắt ngọn lửa,
ông trút tí tro than từ lòng bàn tay này qua lòng bàn tay kia, lẩm nhẩm
một từ
đơn độc. Bông hồng xuất hiện trở lại.
"Khao khát chính cuộc đời của mình...", tôi bỗng
nhớ thời của lũ chúng tôi, những giấc mộng, "vốn xưa kia là những giấc
mộng nhưng sẽ chẳng còn là những giấc mộng nữa". Và tôi nhận ra, Duật,
hay
tôi, hay những bạn bè của tôi, bất cứ một kẻ nào, đều có thể là người
khách lạ
trẻ tuổi, trong câu chuyện của Borges.
Chúng
tôi đều đã có dịp gặp vị thầy của mình.
Vĩnh
biệt bạn Duật!
Nguyễn
Quốc Trụ (và bằng hữu).