*





Tản Mạn xung quanh Tạp Ghi của ký giả Lô Răng

Người khai sinh ra mục Tạp Ghi trên nhật báo Tiền Tuyến ngày nào, sau những năm tháng dài cải tạo, trở về đời, và trở ra hải ngoại, đã cho ra mắt độc giả hai tập tạp ghi, chỉ là những bài viết sau này, khi mục tạp ghi do ông khai sáng đã trở thành "lịch sử", bởi vì làm sao mà độc giả "lại" còn có thể "lại" được thưởng thức, chỉ một bài trước đó?
Tôi viết "trở ra", là bởi vì, trước 75 ông đã từng ra "ngoài này" nhiều lần, và đã từng viết về nỗi, đêm nằm kế bên một bãi biển, nhớ phở, ".... Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi cứ tưởng, những tiếng sóng vỗ vào bờ bên ngoài kia, là những tiếng réo gọi: Phở, Phở!" (mô phỏng một câu văn trong Lần Cuối Sài Gòn của Nguyễn Quốc Trụ: "Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường xưa cũ, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với Sài Gòn, bởi cái phần đời đó mới đáng kể.").
Trong nỗi hoài nhớ đó, chúng ta có thể coi đây, vẫn chỉ là những "nhớ phở" ngày nào của ông, nhưng lần này, "dậy" lên cùng với phở, là cái mùi "tâm linh" như ông diễn tả, ngay ở những trang mở đầu của "Tuyển tập Tạp ghi", khi trích dẫn Nguyên Phong: "Các cổ thư Đông Phương đã vạch ra một cuộc sống ở cõi trần như sau: 25 năm đầu để học hỏi, 25 năm sau để lo gia đình... 25 năm sau nữa phải từ bỏ việc đời để lo cho tâm linh." (Hành Trình Về Phương Đông).
Chúng ta tự hỏi, nếu không có những tháng ngày cải tạo, liệu ông có tới được cái trạng thái tâm linh đó không, hay nói như Võ Phiến: "Các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng. Các hồi ký khác nói về cái xấu, cái khổ, cái tàn khốc dã man. Bè Bạn Gần Xa nói về cái tốt, cái cao quí trong tù. Các hồi ký khác đọc thấy đau đớn uất hận. Bè Bạn Gần Xa thấy tin tưởng, xúc động, hãnh diện về con người – thấy sướng...".
Sự thực, không phải không có dấu vết của cái ác, ở trong những bài tạp ghi, về những ngày tháng đó. Cái tốt ở trong, chỉ là tốt, khi quanh nó, cái ác luôn luôn rình mò, và giọng tâm linh của tạp ghi, không phải dễ gì ai cũng có, vào lúc cuối đời. Nên nhớ, Phan Lạc Phúc là người miền bắc. Gia đình ông, bạn bè ông, có người ở bên này, ở bên kia, như những trang đầu viết về thời thơ ấu cho thấy. Nếu ông viết về cái ác ở trong tù bằng cái giọng không thể nào gây tác động ác, là bởi vì ông biết rất rõ, không thể có một cách viết khác, đối với những con người như ông.
Trong lần về Hà Nội, cá nhân người viết có hân hạnh gặp, quen, và quen thân, với một người thuộc hàng con cháu của ông. Nghe "người ấy" nói bằng một giọng bùi ngùi, "Em phải gọi ông ấy bằng ông", tôi lại thấy giọng của cô, ở trong những dòng tạp ghi của Phan Lạc Phúc.
Viết tới đây, tình cờ giở qua số báo Điểm Sách Nữu Ước vừa mới nhận được, tôi thấy có bài viết của nữ văn sĩ Mỹ gốc Đại Hàn, Suki Kim, viết về chuyến trở về của bà, vào ngày 16 tháng Hai, năm 2002:"... thật là một tình trạng kỳ cục, đối với một người viết tiểu thuyết, đến từ East Village thuộc Nữu Ước, một kẻ chẳng phải nhà hoạt động nhân quyền, hay diễn viên. Tôi sinh ra là Đại Hàn, và sau đó, là người Mỹ di dân từ khi mười ba tuổi. Cái phần Mẽo ở trong tôi chối đây đẩy xứ sở này, chốn đèo heo hút gió, đứa con hoang của chiến tranh lạnh. Nhưng tôi thường xuyên bị ám ảnh, bởi cơn đói của nó, trên màn hình TV vào mỗi buổi chiều. Khi bạn bè hỏi tôi, liệu có khi nào, hai phần Đại Hàn sẽ hợp làm một, tôi không biết làm sao trả lời. Tôi biết nhiều như họ, và cũng ít như họ. Nhưng có một điều làm tôi lẻ loi ra, giữa đám bè bạn của mình, đó là, tôi chắc chắn một điều, cho dù miền đèo heo hút gió đó - tôi muốn nói Bắc Hàn - tà ma ác quỉ tới mức nào, tôi chẳng thể thù ghét nó." ("... I am certain, no matter how evil North Korea is supposed to be, that I could never hate it". Suki Kim: A Visit to North Korea, NYRB, số đề ngày 13 tháng Hai, 2003)
Khi viết về bạn bè, Lô Răng dựa vào hồi nhớ, kỷ niệm, thành thử thật khó mà chân xác tới từng chi tiết. Đoạn viết về Cung Tiến là một thí dụ. Người viết và còn là nhạc sĩ này, theo như tôi biết, là người giới thiệu và dịch Dostoevsky, nhưng chưa hề giới thiệu những tác giả như Lévi-Strauss, Virginia Woolf. Trong khi chuyện gẫu, giữa bạn bè tại quán Cái Chùa, Sài Gòn, có thể cái tên Lévi-Strauss được nhắc tới, cùng với thuyết cơ cấu, vốn thời thượng vào lúc đó. Tôi còn nhớ có lần Cung Tiến tỏ ra có vẻ "chịu" tác phẩm Sống và Chín của nhà nhân học người Pháp nói trên. Nhưng với nữ văn sĩ người Anh, Virginia Woolf, không. Bởi vì nữ hoàng của trường phái Bloomsbury này thật khó mà quen thuộc với giới viết văn tại Sài Gòn lúc đó, vẫn còn mê mải với những tác giả hiện sinh như Sartre, Camus, hoặc "phiêu lưu dấn thân phận người" như Malraux.
[Sở dĩ tôi còn nhớ chi tiết về Woolf , cũng là nhờ một kỷ niệm liên can tới... tui.]

*****

Trong những "lời bình" (Một vài nhận định của bằng hữu), ở bìa sau Tuyển Tập Tạp Ghi, tức cuốn thứ nhì sau Bè Bạn Gần Xa, có của Võ Phiến, Nguyễn Xuân Nghĩa, Tiến sĩ Nguyễn Cao Đàm... những bằng hữu này đều không phải khách hàng thường trực của Quán Chùa hồi "đó đó". Giở trang trong thấy có thêm Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Nguyễn Đình Toàn, Viên Linh. Ngoại trừ NMT, số còn lại, tuy khách Quán Chùa, nhưng ít khi ngồi cùng bàn với người khách năm thì mười họa mới ghé, là ký giả Lô Răng, và khi xuất hiện, thường ngồi cùng Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, hoặc một tay "ngang", là người viết bài này. Nên nhớ Phan Lạc Phúc là một "chức sắc" trong giới quan võ, và những nhân vật chẳng có túi nào thường "ngại" gặp "bang chủ". Tôi đã từng chứng kiến cảnh một thi sĩ binh nhì gặp một thi sĩ sĩ quan, trong giờ hành chính, và tôi tin rằng, thật khó, hai người có thể khề khà, bên ly rượu, hoặc bên tách cà phê, nói chuyện bù khú, tao tao mày mày, hoặc lịch sự hơn, anh anh tôi tôi.
Như vậy là trong những bạn bè gần xa được Lô Răng kể tới trong Tạp Ghi, ngoại trừ những người đã ra đi, không có ông nào viết về tác giả tạp ghi, cả.
Tôi không nghĩ họ vô tình. Thanh Tâm Tuyền, trong Thơ Ở Đâu Xa, có những dòng riêng cho bạn ông:

Thư gửi p.l.p ở k5 – tl

Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào
Đường gần nhưng cách trở biết bao
Mấy năm không gặp nhau rồi nhỉ?
Râu tóc long đong hẳn bạc phau
"Đằng ấy" còn chăng nét "tiếu ngạo"
"Tớ đây" vẫn giữ vẻ "tiêu dao"
Mong ngày hội ngộ nằm chung chiếu
Tán gẫu qua đêm như độ nào.
79

Ngoài ra, còn những bài khác, đề tặng, hoặc viết về những bè bạn gần xa khác, ở trong, hoặc ở ngoài tù.
Có thể coi Thơ Ở Đâu Xa là một ấn bản khác, của Bạn Bè Gần Xa.
Nếu không ai viết (tạp ghi) về Lô Răng, thì "ta" sẽ viết, vậy!
Bởi vì, theo một nghĩa nào đó, cá nhân người viết là mộr "truyền nhân" của trường phái văn chương, cứ gọi đại bằng cái tên là "Tạp Ghi", và thay vì coi đây thuộc dòng hậu-hiện đại, cứ "nghiêm túc" gọi bằng cái tên "hậu-75".
Bởi vì, người viết "cũ" này, đã "tái" khởi nghiệp bằng mục Tạp Ghi trên tờ Văn Học, Cali, của Nguyễn Mộng Giác.

Nói về cái ác ở trong trại cải tạo.

Trong một bài viết về ba nhà văn miền bắc, "Mỗi trường hợp mỗi khác", Jennifer Trần coi Nguyễn Huy Thiệp là người nhìn ra nguyên nhân cuộc chiến, từ một cái ác "bị bỏ quên ở chuồng heo", dựa theo, [mặc khải từ] cách đọc truyện ngắn Y Sĩ Đồng Quê của Kafka, của nhà văn Do Thái Amoz Oz. Phan Huyền Thư, trong bài viết Xin Tằm Hãy Thương Tơ lại coi đây chỉ là hiệu ứng "cá mè một lứa", của cư dân một miền đất. Sở dĩ chủ nghĩa tập thể xã hội chủ nghĩa ăn dầm ở dề tại miền đất này là vì tâm lý cá mè một lứa, "có thể, tao hơn một thằng nào đó, nhưng vĩnh viễn không thể xẩy ra trường hợp, có một thằng hơn tao"! Nhìn theo cách đó, thời đại tem phiếu chính là thời đại hoàng kim của miền đất này, và cái ác của chế độ giáng xuống tầng lớp tinh anh như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, thí dụ vậy, thật ra không phải nhân danh chủ nghĩa xã hội, Đảng, mà vì "tại sao mày dám hơn chúng ông?".
Tôi không biết, Phan Huyền Thư đã từng đọc Hannah Arendt, nhưng đây chính là phát giác của nhà văn, triết gia gốc Do Thái này, khi theo dõi vụ án xử Eichmann ở Jerusalem, vào năm 1961, bà đã nổi tiếng [vì đã] khám phá ra ‘sự dung tục của cái ác’, (the banality of evil). Thay vì coi Eichmann là một con quỉ bài Do Thái, bà coi đây là một tên vô đạo, nhưng còn là một tên thư lại dung tục một cách khủng khiếp. Eichmann của bà ít quan tâm tới chuyện ý thức hệ Nazi, nhưng lại lo đến xón đái ra được, về chuyện làm sao cho những chuyến tầu chở con thịt đến lò thiêu, chạy đúng giờ đúng giấc."
Sá gì mấy cuộc bể dâu
Câu thơ "Nhớ bạn như đang nhớ thuốc lào", [bạn ở đây là Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô Răng], của Thanh Tâm Tuyền, tuy thoát thai từ ca dao (nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên), nhưng chỉ những ai đã từng ở tù vi xi, thì mới cảm thấy hết được cái nỗi nhớ, và cùng với nó, là cái nỗi say, và kẻ hèn này cũng đã từng có một kỷ niệm huy hoàng (kinh hoàng, đúng hơn), về nó.
Ở trong tù hút thuốc lào bằng khẩu ba zô ka, và, tôi không biết trại tù miền bắc ra sao, chứ ở trại tù miền nam, thường là cả lán chỉ có một khẩu, và, bạn biết rồi đấy, cái bi thuốc lào đầu tiên buổi sáng, khi đang còn mắt nhắm mắt mở (đang còn say ke), nó mới ngon làm sao, say làm sao, và mới nhớ làm sao, những ngày sau này, khi không còn được ở trong trại tù!
Nhà văn gốc Do Thái viết văn bằng tiếng Hung, Imre Kertéz, được giải Nobel năm rồi, đã nói đến những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi, ở một nơi thỉnh thoảng có mặt trời là Lò Thiêu, tôi cứ thử tưởng tượng, nếu ông đi tù vi xi, chắc chắn phải thêm vào "một chỗ dưới mặt trời" - mượn cái tên phim có cô đào Taylor và chàng Monty Cliff – tức khoảnh khắc hạnh phúc mà điếu thuốc lào mang lại.
Như trên đã viết, cả phòng chỉ có một khẩu ba zô ka, thành thử trước khi đi ngủ, "trại viên" thường tìm cách giấu khẩu súng, riêng cho mình, để sáng sớm hôm sau, là người đầu tiên nhét bi thuốc, châm que diêm bắn một phát, rồi ngã lăn đùng ra, mặc kệ trời đất xoay mòng mòng...
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng đã tả cái thú bắn thuốc lào này, trong Thơ Ở Đâu Xa:

Thơ thuốc lào

Ngồi chơi hút điếu thuốc lào
Tạm quên những lúc gian lao ưu phiền
Điếu thông đóm nỏ thuốc êm (1)
Thử coi sẽ thấy đảo điên đất trời
Bạn tù ơi lửa châm rồi
Rít cho ròn rã mê tơi cõi lòng
Tựa lưng nhả khói thong dong
Tít say lú lấp cả mong với chờ
Kể chi vợ dại con thơ
Sá gì chuyện cửa chuyện nhà mai sau
Sá gì mấy cuộc bể dâu
Loay hoay chỉ tổ bạc đầu mà thôi
Này đây trà đậm chén mời (2)
Long Giao còn thú tuyệt vời nào hơn (3).

Sáng bữa đó, "bạn tù", "trại viên", tức kẻ hèn này hân hạnh là người đầu tiên nạp đạn. Vừa nhả khẩu súng, chưa kịp ngã lăn đùng ra để phê, thì tiếng kẻng "tập hợp, chào cờ!" rùng rợn đã ré lên!
Thế là "chàng" cứ thế bò, lăn, lê, mắt nhắm tít, để "kìm" cơn say, nhằm hướng sân trại, đâu biết rằng tất cả bạn tù, lẫn quản giáo, đang "chiêm ngưỡng" từng bước "lăn trầm" của "chàng"!
Trong Tuyển Tập Tạp Ghi cũng có những dòng "sám hối, giải oan cho một trận thuốc lào này," của Lô Răng, khi cô con gái út khuyên ông, "Đừng hút thuốc lào nữa bố ơi, con chịu không nổi." (trang 66).
Đấy là cô "lịch sự", không nói thêm, "... vì nó ‘hôi’ lắm"!

Chú thích:
(1) Ngược thuốc êm, là thuốc xóc, ép tim, tay nào ham "ém khói" có thể đi đoong, ngay khi vừa rời súng. "Nhà dịch thuật" Tú "Lé", dịch Bố Già, đã đi luôn, sau bi thuốc tại trại Phú Văn.
(2) Trà đậm còn thua trà quạo, thứ trà bột xanh.
(3) Long Giao, tên một trại tù, nghĩa đen là rồng "ăn nằm".

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Thơ Quang Dũng

Bài viết "Người Sơn Tây", trong Tuyển Tập Tạp Ghi của Lô Răng mở ra bằng một cú phôn, của một ông bạn, rằng cái "câu hát ‘Con gái Sơn Tây yếm thủng tầy giần, rốn lồi quả quýt...’, là do kẻ viết bài [ký giả LR] bịa ra. Không, tôi đâu dám thế. Khả năng hạn hẹp của tôi không đủ sức sáng tác ra một bài hát ly kỳ như vậy..."
Bài hát ly kỳ đó quả có thiệt, như cá nhân người viết bài này đã từng nghe, hồi còn nhỏ, và trong lần về lại xứ Đoài mây trắng, mới đây, sau nửa thế kỷ xa cách, tôi đã được một người bà con đọc cho nghe toàn bài, khá dài, với khá nhiều chi tiết ly kỳ, tiếc không nhớ trọn để chép lại hầu độc giả. Trong có chi tiết về đôi mắt người Sơn Tây, không "xoáy vào" vẻ đẹp dìu dịu buồn, nhưng mà là "toét nhèm, đo đỏ, mọng nước" của nó.
Lô Răng tự hỏi, "Lý do nào mà người Sơn Tây lại tự trào, tự biếm mình như thế thì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu nổi." Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng những chi tiết về cửa sổ [đôi mắt] mở ra linh hồn của những cô gái Sơn Tây, có thể đã có một thời đúng như trên miêu tả, và là do hậu quả của "thổ ngơi" (đất đỏ) tại vùng này.
Trong những nhân vật nổi cộm của Sơn Tây, Lô Răng bỏ qua một vài người. Thí dụ như ngoài Cử Bình, tức Chu Văn Bình, tức Chu Tử, người làng Thừa Lệnh, còn có Cử Côn, tức Chu Quang Côn, người làng Phú Hữu, kế ngay bên làng Thừa Lệnh. Hai ông cử này, tuy là bạn học, tuy cùng họ Chu, nhưng không phải bà con, một người vào Tề, người theo Kháng Chiến. Trên web site Tin Văn, do người viết phụ trách, hiện đang đăng hồi ký của Chu Quang Cảnh, em ruột Chu Quang Côn, viết về ông anh của ông, và những ngày Hà Nội vào cuộc toàn quốc kháng chiến. Chu Quang Côn là chú của tôi.
"Còn nhớ dạo ‘nín thở qua sông’ ở miền nam, tôi sống như cỏ cây trong một khu vườn ngoại thành. Thỉnh thoảng một vài người bạn đi xe đò lên thăm. Một hôm có hai ông bạn làm thơ, ông Thanh Tâm Tuyền và ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài ‘Đôi Mắt Người Sơn Tây’: ‘Vừng trán em vương trời quê hương, Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương’. Nhà thơ tác giả ‘Tiễn Em’ vốn ngày xưa học ở bên Pháp, chợt nghiêng đầu mà hỏi; ‘Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque [vẻ đẹp Hy Lạp] ở đây kìa’.
Và Lô Răng trả lời, Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây. Nhưng Sơn Tây quả có một vẻ đẹp đến từ Tây Phương thật, và hiện nay là một trong những kỳ quan của nó, phân biệt với những vùng khác tại miền bắc. Kỳ quan này có tên là Lô Cốt!
Sau đây xin giới thiệu [trích đoạn] bài viết của Phan Huyền Thư - nữ thi sĩ, tuy sinh tại Hà Nội, nhưng cũng dân kẻ Nủa, tức làng Hữu Bằng, quê Lô Răng - về kỳ quan này. Bài đăng trên báo Tia Sáng (trong nước) số 5/4 tới 5/5 năm 2001. Cô còn viết dưới bút hiệu Phan Lạc Nhi, qua bài viết Xẩm thất truyền cũng trên cùng số báo.

Lô cốt, di sản vô giá của chiến tranh.

Phan Huyền Thư.

"Người Pháp khi vào Việt Nam đô hộ đã mang theo những phong cách kiến trúc tuyệt vời, đồng thời họ cũng mang theo một hệ thống lô cốt được xây dựng theo trọng tuyến trên khắp đất nước. Biết đâu lô cốt sẽ còn bền bỉ hơn những ngôi chùa nét cong diêm dúa dòng Đại thừa hay Tiểu thừa long phụng nhả ngọc phun châu... Hiện nay, trong khu tư liệu lịch sử còn khá nhiều những dấu vết của nền móng thuộc địa đầu tiên mà người Pháp áp đặt lên nước An nam nhỏ bé mà gai góc này, như bức ảnh chụp nền móng lô cốt Pháp xây trên bệ rồng kinh thành Thăng Long xưa...
Hơn bất kỳ một bảo tàng quân đội hay chiến tranh nào khác, lô cốt đã trở thành một biểu tượng mang tính cạnh tranh với những di sản văn hóa Lạc Việt."
"Một làng nhỏ ở Hải Dương, trong kháng chiến chống Pháp có một câu chuyện rất thương tâm, mở và đóng trong một cái lô cốt đầu làng. Một phụ nữ, tình nghi là vợ du kích nên bị cai đồn bắt ra bốt đầu làng. Chị bị hãm hiếp trong cái lô cốt đó. Sau chồng trở về, thấy vợ mang thai nên đã không chấp nhận. Chị lại ra lô cốt ở khi quân Pháp đã rút đi, đẻ đứa con của mình ở chính lô cốt đó. Sau này, cái lô cốt trở thành nhà của hai mẹ con. Người cha đứa bé hình như có đi tìm lại con và gặp nhau trong lô cốt, nhận tình phụ tử... Ngày nay có thể tìm về nơi xẩy ra câu chuyện và gặp lại những người trong cuộc....."
"Sơn Tây là mảnh đất nhiều cô cốt nhất trên cả nước. Xứ sở này mặc nhiên mang một vẻ đẹp u uẩn và thiên về âm tính. Cũng ở đây, lô cốt ít bị phá lấy đá hay dẹp đường, người ta phát hiện ra vẻ kiên cố kín đáo của lô cốt, để ‘cố thủ’ những tình cảm riêng?"...

Phan Huyền Thư đã tiên đoán đúng, về sự trường tồn của lô cốt, so với chùa Tây Phương, như Lô Răng cho biết, về "tin mới nhất tôi vừa nhận được là tượng Phật Bà trăm mắt trăm tay tại chùa Tây Phương vừa được lấy đi, chắc là mang xuất khẩu..."
Và ông kết luận, so với câu thơ mà Cao Bá Quát "phang" quê hương Sơn Tây của ông và cũng là của người viết bài này (‘Nhà dột một vài gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm bẩy đứa, nửa người, nửa ngượm, nửa đười ươi’), thì "cái tin trên còn nặng hơn là lời miệt thị của ông Cao Bá Quát dạo nào."

Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen.
Ca dao Xứ Đoài.

Viết về Sơn Tây mà bỏ qua không nhắc tới Nguyễn Tuân thì thật là một sự thiếu sót lớn. Bởi vì, nếu Tây Tạng được coi là mái nhà của cả một cõi người, thì, họ Nguyễn cũng đã coi núi Tản là "ngọn đỉnh trời", nơi thần tiên đem người đẹp về ở. Và, nếu lịch sử văn học Tây Phương bắt đầu bằng cuộc tranh chấp một người đẹp thành Troie, thì, "chính cái hạnh phúc trên non Tản và lòng ghen của một ông hoàng tử Nước kia, đã trở thành câu hát của người Xứ Đoài:
‘Núi cao sông hãy còn dài,
Năm năm báo oán, đời đời đánh ghen’."

(Trên Đỉnh Non Tản. Nguyễn Tuân).

Và cũng Nguyễn Tuân đã - phải chăng ông liên tưởng tới hai câu thơ của Cao Bá Quát - chọn cho Huấn Cao một nơi, để chết, là Sơn Tây, qua truyện "Chữ Người Tử Tù":
"Nhận được phiếu trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, viên quan coi ngục quay lại hỏi thầy thơ lại giúp việc trong đề lao:
-Này thầy bát, cứ công văn này, thì chúng ta sắp nhận được sáu tên tù án chém. Trong đó, tôi nhận thấy tên người đứng đầu bọn phản nghịch là Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?"
Chúng ta tự hỏi, cái người mà tỉnh Sơn ta vẫn khen đó... lại "nỡ lòng nào mà ‘phang’ quê hương tôi một câu quá nặng: ‘Nhà giột ba gian, một thầy, một cô, một chó cái/Học trò dăm bẩy đứa, nửa người nử ngợm, nửa đười ươi’.", như ký giả Lô Răng viết, trong Tuyển Tập Tạp Ghi?
Phải chăng, có một cắt nghĩa "khác", hai câu thơ trên?

***

Tôi không tin rằng, Huấn Cao đã "phang" quê hương tôi. Hai câu thơ của Cao Bá Quát, và cái bài hát thật ly kỳ về người con gái Sơn Tây mà Phan Lạc Phúc có nhắc tới, "Con gái Sơn Tây yếm thủng tầy giần..." hình như có... bà con, cũng như những "vẻ đẹp" của đôi mắt người Sơn Tây, như trong bài hát ly kỳ (không dìu dịu buồn Tây Phương, mà đo đỏ, mọng nước, như... đau mắt hột kinh niên...), và những chi tiết về con người ở đây (nửa người nửa ngợm nửa đười ươi), có gì liên quan với nhau. Nói rõ hơn, có một Sơn Tây đẹp hoang sơ, cùng với nó, là một tư tưởng hoang sơ, theo kiểu Lévi-Strauss miêu tả, hay như Nguyễn Tuân miêu tả, trong Trên Đỉnh Non Tản:
"Rừng Tản thấm không hết làn sương núi. Sương cành trên đọng gieo xuống cành dưới. Chỉ có một điệu chìm chìm tẻ tẻ. Rừng vắng và ẩm và mốc. Ngực đã bắt đầu tức tức. Càng lên cao, bọn người thấy mình càng rời lìa cái nguồn sống quen thuộc của mọi ngày. Ở đây bắt đầu một nguồn sống mới lạ. Nguồn sống của dây mơ rợ móc và cỏ và đá vào lúc mới có Cấu Tạo."
Và đúng là nó đã mất đi, rồi, như trong truyền thuyết về một nhà trời trên đỉnh non Tản, về những chuyện không được thuật lại:
"Nhưng, ác cái là những chuyện rừng lại không được thuật lại.... Cái lá trúc xe điếu ấy là một con dao găm, một con trúc dao có phép thuật kết quả đời kẻ nào bép xép lỡ mồm tiết lộ đến thiên cơ thần cơ." (Trên Đỉnh Non Tản).
Triết gia Lévi-Strauss cũng phụ hoạ lời của Thánh Tản Viên: Cái Thiêng Liêng ở đâu là cứ để chỗ đó, cấm di dịch." (Chaque chose sacrée doit être à sa place. La pensée sauvage, La Science du Concret, p. 22).
Chu Tử có thể là người đã phạm vào chuyện lỡ mồm lỡ miệng đó, khi đem cái tư tưởng hoang sơ về miền xuôi, về Hà Nội. Theo như kể lại, ông từng nhắc tới một kỷ niệm khi còn nhỏ, ở làng, thường thấy cảnh tượng, vào buổi chiều, đàn bà, con gái ra giếng tắm truồng....
Và ông đã từng đập lộn với người miền xuôi, tức mấy bạn học của ông, khi tụi nó dám chê cái tập tục đàn bà con gái tắm truồng của quê hương ông.
"Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người... Tôi bảo thực đấy.... Ở đây, khó mà giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi."...
"Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
(Chữ Người Tử Tù. Nguyễn Tuân)
Đến đây, chúng ta có thể muờng tượng ra được, tại sao Ghi của Trần Dần, lại đầy cái ác, rong ruổi cùng những câu thơ văn "thần kinh quỉ khiếp", so với thứ văn chương mộc mạc của Tạp Ghi của Lô Răng, một "kẻ mê muội này xin bái lĩnh", và đã ngộ ra lời phán, lời phang, lời khinh, của Huấn Cao, về "quê hương của chúng ta", khi dắt díu nhau xuống tầu há mồm, và sau này, xuống cá bé, cá lớn...?

Trường Phái Tạp Ghi

Phan Lạc Phúc hay ký giả Lô Răng tuy là người khai sinh ra môn phái Tạp Ghi, nhưng thực ra có rất nhiều cách viết tạp ghi, và do đó, nó có nhiều tên gọi khác nhau, tùy cách viết, tùy người viết, và tùy công lực (đông hay tây), của người đó. Thí dụ như mục Nói Hay Đừng xuất hiện trước đó trên nhật báo Tự Do, do Hiếu Chân phụ trách. Những bài viết của ông thiên về nho học, và người thầy của ông là cụ cử Ngô Thúc Địch. Bởi ông theo tây học, cho nên những bài viết thâm thúy về nho học của Hiếu Chân gây thắc mắc, khiến một vị thâm nho bực mình, coi đây là một trường hợp "nhẩy dù xuống rừng khổng học". Tuy nhiên, có vẻ chúng có một nét chung, là thường bật ra từ một sự kiện mang tính thời sự nóng hổi. Và tuy Lô Răng là người phụ trách, nhưng không phải không có những người lâu lâu tạt ngang, đỡ hộ ông một tay.
Còn nhớ ngày nào, khi cả thế giới, trước tiên, đau xót, chia buồn với phu nhân tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, rồi sau đó, ái ngại, băn khoăn, không hiểu nàng Jackie có bai bai nước Mỹ, đi thêm một bước nữa hay không, ký giả Ba Tê đã thay thế chưởng môn Lô Răng, đi một đường "độc và đẹp", ví nhan sắc Jackie như những ngày thu bất thường, và bất chợt của Sài Gòn mấy bữa đó, nhưng thực sự để nói về chân lý, mỹ nhân, không phải tự cổ như danh tướng, mà là từ xửa từ xưa, vốn độc và đẹp, và có thể, còn hay nói dối nữa! Chúng ta cứ thử tưởng tượng, không phải con rắn xúi bà Evà ăn trái cấm, mà chính bà đã mớm lời cho nó nói như vậy, sau khi sự tình đổ bể?
Một lần khác, cũng vẫn ký giả Ba Tê đã than rằng, bài viết của một ông nào đó, mà tôi không còn nhớ tên (hình như liên can đến một hội Khổng học thì phải), làm cho ông uống ly cà phê buổi sáng tại Quán Chùa mất ngon! Tay kia nhỏ nhẹ trả lời, xin lỗi đã làm hỏng một ly cà phê buổi sáng của ông.
Bản thân người viết cũng đã từng đỡ tay cho LR, hình như một hai lần, và thường vào thứ bẩy, vốn là ngày "người" hay có hẹn với anh em bang phái "chắn cạ". Lô Răng, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thái Thủy... đều là những chức sắc nhiều túi trong bang phái này. Chỉ cần vài tua bài, là LR đã biết nhà trên nhà dưới, nhà nào chờ cây bài nào, và thường đúng ngay chóc!
Như đã viết trong một kỳ trước, trong những lời bình của bằng hữu, ở trang bìa, có, của:
* Võ Phiến: "Các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng. Các hồi ký khác nói về cái xấu, cái khổ, cái tàn khốc dã man. Bè Bạn Gần Xa nói về cái tốt, cái cao quí trong tù. Các hồi ký khác đọc thấy đau đớn uất hận. Bè Bạn Gần Xa thấy tin tưởng, xúc động, hãnh diện về con người – thấy sướng...".
* Tiến sĩ Nguyễn Cao Đàm (Ngày Nay, Minnesota): Cuốn "Ghi" của Trần Dần trong giai đoạn chỉ 7 năm mà đầy những hận thù oan trái, giả dối, và vô cùng bi thảm. Cuốn Bè Bạn Gần Xa của Phan Lạc Phúc toàn là những sự kiện nhân nghĩa, đôn hậu, như những đoá hoa tuyệt đẹp nở ra từ nhọc nhằn thống khổ. Hai cuốn ký nêu trên thuộc về những tư liệu sống động của hai thời kỳ đất nước, (từ chiến tranh) trở về cuộc sống hoà bình mà hoá ra lại đầy thống khổ. Có lẽ sau này nên có sự nghiên cứu thật sự vô tư xem tại sao lại là như thế...
"Tại sao lại là như thế?" Chúng ta tự hỏi, và cố gắng trả lời...

Tạp Ghi hay Hồi Ký Tù?

Theo tôi những bài tạp ghi của Phan Lạc Phúc, tức ký giả Lô Răng, xuất bản ở hải ngoại, gồm hai tập Bè Bạn Gần Xa Tuyển Tập Tạp Ghi, chúng khác với những bài tạp ghi trước 1975 của ông trên nhật báo Tiền Tuyến, và cũng khác với những hồi ký về những ngày tháng ở trong trại cải tạo của một số tác giả khác. Vốn biết rõ tính khiêm cung, nhún nhường của tác giả, tôi tin ông cảm động, nhưng còn cảm thấy áy náy, với những nhận xét về mình, như của Võ Phiến (các hồi ký lao tù khác thường chung một vẻ, một hướng. Bè Bạn Gần Xa biệt ra một hướng riêng...), hoặc khi thấy những bài tạp ghi của ông được so sánh với Ghi của Trần Dần, một người mà tôi tin rằng ông hết sức kính trọng, và chẳng bao giờ có ý nghĩ để những câu thơ canh tân, không chỉ văn học mà luôn cả ngôn ngữ (tiếng Việt), và còn đầy tính tiên tri về thời cuộc, và quá nữa, định mệnh của cả một dân tộc, (thí dụ như câu thơ "Tôi đi giữa những phố... chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ"), kế bên những dòng tạp ghi hết sức mộc mạc của ông. Bảo rằng Ghi của Trần Dần đầy những cái độc cái ác, còn tạp ghi của Lô Răng đầy sự nhân hậu, bảo rằng đọc những hồi ký khác thấy uất hận, đọc tạp ghi thấy sướng... đó chỉ là những nhận xét thiên về cảm tính. Với tư cách một độc giả, người viết thử đưa ra những nhận xét của riêng mình, và thử coi xem những nhận xét trên có cơ sở hay không.
Trong một bài phỏng vấn đăng trên tờ Văn Học Pháp (Magazine Littéraire, số tháng Giêng 2003), "Ngợi Ca Văn Hóa Lai Giống" (Éloge de la culture métissée), nhân tác phẩm mới nhất "Điều tôi tin" (bản tiếng Pháp: Ce que je crois) ra mắt độc giả, nhà văn Mexico, Carlos Fuentes, đã cho rằng sự lai giống về văn hoá là một nét đặc biệt của Mexico, do xứ này là xứ lai và sẽ mãi mãi là như thế, bởi vì dân chúng ở đây chỉ có 10% da trắng, 10% da đỏ, còn lại là lai. Chỉ trong vòng 25 năm chẳng thể còn da trắng hay da đỏ thuần chủng (vrai), và dân Mexico trở thành lai hết. Đây là một thực tế tại xứ sở của ông, người ta có thể sướng hoặc không sướng về chuyện này. Nhưng nói gì thì nói, [hiện tượng] lai thuộc vào căn cước của xứ sở của tôi.... Những cuộc di dân lớn làm thay đổi diện mạo của một xứ sở, và đây là một sự thoát nạn, cứu tinh (le salut), bởi vì một xứ sở đóng kín sẽ có ngày mất tiêu luôn căn cước (identité) của chính nó.
Chúng ta có thể mượn hình ảnh trên đây, để so sánh một Lô Răng với một Trần Dần, thí dụ vậy. Nếu bỏ qua khía cạnh tài năng, một Lô Răng, nếu không vào Nam vào năm 1954, có thể trở thành một Trần Dần "khác", hoặc thuộc thế hệ tiếp theo Trần Dần, nếu nhỏ tuổi hơn. Lô Răng, trong một bài tạp ghi trước 1975, đã nói rõ ra một điều, ông biết ơn miền nam đã cưu mang ông, đã làm cho tính tình của ông hiền hoà hẳn đi (tôi nhớ đại khái như vậy). Từ đó, chúng ta suy ra một điều, nếu phải khẳng định như Trần Dần đã từng khẳng định ["Nhân cách của nhà văn chính là văn cách của anh ta" (trong bài ‘Gặp gỡ Trần Dần – Đối thoại mất ngủ’, của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tạp Chí Sông Hương số 31 tháng 5&6, 1988, in lại trong ‘Ghi 1954-1960’, trang 439, td mémoire, 2001)] – Lô Răng sẽ trả lời, nhân cách của nhà văn là cách ở đời của người đó, theo nghĩa, lý tưởng của những người như Lô Răng là đời sống, chứ không phải văn chương, hay một ý thức hệ nào khác. Nhìn rộng ra, đây là sự khác biệt giữa hai miền đất, một bên coi đời sống mới là lý tưởng, coi đời sống như là nó là, một bên coi văn học, văn hóa, hoặc ý thức hệ chi chi... mới là lý tưởng, đời sống chỉ là phụ thuộc; một bên trọng văn nói, một bên trọng văn viết...
Cũng trong bài phỏng vấn, Carlos Fuentes cho biết, do sống xa xứ sở của ông, nên ông có được một khoảng cách tốt, và một viễn tượng tốt để nói về nó, trong những cuốn sách của ông. Vẫn theo ông, mỗi tiểu thuyết gia đều biết, bên cạnh một thế giới thực còn có một thế giới khác chưa được viết ra. Ông đã bàn về điều này rất nhiều lần với tiểu thuyết gia người Ý là Italo Calvino. Rằng tiểu thuyết, nó giống như bóng ma mà chỉ tiểu thuyết gia mới nhìn thấy. Nếu áp dụng nhận định trên vào trường hợp những tạp ghi của Lô Răng, và những hồi ký tù của những người khác, tôi nghĩ, ông không hề viết về thế giới thực, độc, và ác ở trong trại cải tạo. Ông viết về những "bóng ma" mà chỉ ông mới nhìn thấy được: tuổi thơ của riêng ông, những ngày còn ở một cái làng nhỏ bé ở gần Hà Nội, những ngày được ra Hà Nội học...

*******

"Giữa một truyền thống tư tưởng và ý thức hệ ăn bám vào nó, có một hố thẳm", nhà văn Romania, Normal Meana, trong bài viết "Felix Culpa", đã trích dẫn câu trên từ bài viết "Huyền thoại Nazi", [của hai tác giả Philippe Lacoue-Labarthe và Jean-Luc Nancy, trong Critical Inquiry 16, no.2 (Winter 1990).
Chúng ta tự hỏi, phải chăng Nhân Văn Giai Phẩm, với những Trần Dần của nó, đã nói lên cái hố thẳm chia rẽ một bên là truyền thống tư tưởng của một miền đất, và một bên là ý thức hệ cộng sản, như một thứ dây leo, ăn bám vào nó?
Trong những lần toan tính chạy trốn quê hương, tôi chưa hề có ý nghĩ, có ngày trở về. Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản! Trong những chuyến đi như thế, có một, phải nói là thập tử nhất sinh, nhưng cũng thật hết sức tiếu lâm. Đó là lần đi tại bãi Vàm Láng, vào đúng đêm 23 tháng Chạp, tức là ngày ông Táo chầu Trời. Trong đêm tối, giữa giông bão, tại ngay cửa biển Vũng Tầu, anh chàng thanh niên kế bên cứ nhè ông già là tôi, là người yêu của ảnh, và cứ thế vò đầu bứt tai, bứt tóc người yêu, miện lảm nhảm những lời hoảng loạn. Những ngày bị bắt sau đó, trước là ở Chấp Pháp, sau tới khám đường Mỹ Tho, sau cùng là án tập trung cải tạo hai niên tại trại bà Bèo, một bữa có người vô rước cô bạn gái của anh về đời. Cô ta đi một mách, không nhìn lại, và anh chỉ cái dáng đang đi bên ngoài đó, và bảo, đó là người yêu của anh. Nhưng khủng khiếp nhất, gay cấn nhất, lại là chuyến rời trại Thái Lan để đi "tái định cư tại một đệ tam quốc gia", như thuật ngữ của Cao Uỷ Tị Nạn.
Nhưng đến đây, xin phép độc giả cho mở qua cái hồ sơ bịnh lý của tôi một chút.
Tôi vốn bị cao áp từ khi còn ít tuổi, tức cái tuổi khó mà bị cao áp. Và đây là di truyền. Vào năm 1965, bị thương nặng trong vụ mìn nổ ở nhà hàng Mỹ Cảnh, được truyền máu do xuất huyết trầm trọng sau khi giải phẫu, căn bịnh biến mất, và chỉ trở lại sau đó, khi đã có tuổi. Và trong những giờ phút chờ lên máy bay để ra đi, đột nhiên căn bịnh làm ngụy, y sĩ Cao Uỷ đã có lúc đưa ra đề nghị gạt tên khỏi danh sách chuyến bay.
Sau này nghĩ lại, tôi cho rằng, chính cái ý nghĩ chẳng thể nào trở về, nó khủng khiếp tới độ làm cho huyết áp tăng vọt. Và đây không phải là một trường hợp hi hữu, nhiều người đã từng gặp. Những gì gì, thí dụ như "Ngựa Hồ hí gió bắc...", hay chuyến trở về của nhà văn Mỹ gốc Đại Hàn, mà tôi có nhắc tới ở đầu bài viết, là cũng tương tự, theo tôi, nhằm thoả mãn một nhu cầu tâm linh, cứ tạm gọi như vậy.
Vào ngày 25 tháng Sáu năm 1950, khi Bắc Hàn ném bom Nam Hàn, người bà của Suki Kim rời căn nhà ở Seoul, cùng với năm đứa con, trong có mẹ của Kim, mới bốn tuổi. Chỉ còn mỗi cách đi bộ và bằng xe lửa, nếu muốn rời thành phố. Sân ga Seoul chật cứng người, nhưng mấy mẹ con cũng kiếm được chỗ ngồi trên xe, cho tới lúc có người la lớn, người trẻ phải nhường chỗ cho người già, người bịnh. Và người con trai út trong gia đình đã đứng dậy, nói với mẹ, "Đừng lo lắng gì Má, con sẽ đi chuyến sau".
Chẳng thể có chuyến sau, vì đó là chuyến chót. Người ta kể lại, đã nhìn thấy binh sĩ Bắc Hàn trói tay cậu con trai, và dẫn đi. Người bà sau đó, sống là để mong có ngày gặp lại con. Theo Phật Giáo Đại Hà, tội lớn nhất, là bỏ mặc người thân yêu ruột thịt. Và khi điền đơn xin trở về gặp lại quê hương, khi phải trả lời câu hỏi quan trọng nhất, ai là thân nhân còn ở miền bắc, Suki Kim đã ghi tê người chú: Yoon Nam Jung. Tuổi 68. Điạ chỉ không biết.
Thật kỳ lạ, khi đọc Kim, tôi có cảm tưởng như đã trải qua những giây phút tương tự, như của người bà của cô, khi rời Hà Nội trên chuyến xe lửa xuống Hải Phòng, và như của chính bà, khi điền tên người bà con còn ở lại Hà Nội. Khác chăng, là người bà con của tôi hiện còn sống.
Tôi như sống lại cảnh tượng con tầu không thể nào chạy nhanh, không phải vì trên tầu chật cứng, mà là vì dân làng hai bên đường, người nhẩy lên toa cố kéo người trên xuống, người đứng chặn tầu không cho đi, cùng những tiếng gào thét, "Đừng đi theo đế quốc, đừng làm Việt Gian, đừng bỏ quê hương, họ hàng".... Đó là thời gian 300 ngày trước khi Cảng Hải Phòng đóng lại vĩnh viễn, và làn sóng người bỏ đi nam ngày càng dâng cao...
Những người như ký giả Lô Răng, đều đã có dịp trở lại, như là người tù. Thanh Tâm Tuyền, bạn ông, đã kể lại cảm giác của ông, khi trải qua một đêm đông tại trại K2, Tân Lập:

Đêm rét nằm co quắp
Thân xương xẩu trơ khấc
Bụng đói, ruột ục sôi
Vẳng trong tiếng gió bấc
Suối chảy siết bồi hồi

Luồn trong nỗi giá buốt
Thoáng rùng rợn xa xôi
Nhớ đã hơn năm trời
Tin nhà trông vắng bặt

Lưu đầy trên đất Bắc
Chốc đã ba đông rồi
Còn qua bao cửa ngục
Đây quê mình quê người
....

Thương vợ con khôn nguôi.

Và đây là, một chiều cuối năm trên đất Bắc của nhà thơ:

Chiều cuối năm qua xóm nghèo

Mưa bay lất phất gió căm căm
Đường lầy trơn nhà cửa tối tăm
Trốn đâu lũ trẻ mặt lem luốc
Co ro đứng coi tù qua thôn

Vác bó cuốc nặng bước loạng choạng
Về trong xây xẩm buổi tàn đông
Lạnh lẽo nhà ai không đèn lửa
Ảm đạm lòng ta chiều cuối năm

78

Malraux đã từng bị Gide chê, tiểu thuyết của "bạn ta" không có con nít, không tiếng cười, và gồm toàn những người thông minh. Văn học miền bắc theo tôi, cũng không có con nít, mà chỉ có thần đồng, chỉ toàn là những anh hùng diệt Mỹ Ngụy trong tương lai:

Những em bé em bé
Tay búp nụ hoa hồng
Tập bay như chim sẻ
Mai đây thành phi công

(Xuân Diệu).

Con nít không có, lấy đâu ra tiếng khóc của con nít?
Có chăng, là trong thơ Trần Dần, về tiếng khóc của một đứa con nít bị cả một miền đất bỏ đói, vì là con địa chủ.

Ra Đi là Hết Rồi.

Rời quê hương cộng sản Romania vào lúc cuối đời, chọn cảnh chợ chiều, trâu chậm uống nước đục, khi tự chọn cho mình một đệ tam quốc gia để tái định cư, Normal Manea cũng đã có những giờ phút căng thẳng như của kẻ hèn này, vào cái giờ phút bước lên máy bay, ra đi là hết rồi, hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, cái sự trở về là vô phương, đừng hòng mong... như ông kể lại trong bài viết "Lịch sử [Câu chuyện về] một cuộc phỏng vấn", trong tuyển tập những bài tiểu luận của ông, "Về Những Tên Hề, Nhà Độc Tài và Người Nghệ Sĩ", (nhà xb Grove Weidenfeld, New York, 1992): "...The hopless return had upset me..."
Trâu chậm uống nước đục. Ông cho biết, mấy năm trước đó, khi mới qua, ông cảm thấy nhu cầu phải viết về quá khứ cộng sản của mình, và của nước mình, nhưng lại ngần ngại, khi thấy tên mình, hoặc thấy mình đứng xếp hàng trong cái danh sách dài những nhà văn ly khai, bên cạnh nhãn hiệu đó, là những nỗi đau mà họ đã từng chịu đựng. Tuy nhiên, theo ông, không đúng như những khán thính giả, độc giả Tây Phương vẫn thường tin tưởng, cái gọi là xã hội toàn trị, "tuồng ảo hóa đã bầy ra đấy", cho dù ma quái tới cỡ nào, nó cũng không phải là một câu chuyện hồn ma bóng quế theo kiểu Liêu Trai Chí Dị: nó là một thực tại con người, khăng khăng bám chặt lấy cõi người ta, và chặt đầu này, nó mọc ra đầu khác, nghĩa là nó có thể sống lại, ngụy trang dưới một ý thức hệ khác, hay một hình thức xã hội khác. [Giống như trường hợp ở Việt Nam, đa số chúng ta đều nhận ra, đâu còn chủ nghĩa cộng sản, xã hội cộng sản, toàn trị ở đó nữa, tuy bề ngoài nhà nước vẫn khăng khăng khẳng định. Nhưng thật khó mà tin rằng, xã hội đó đã có tự do, đã có dân chủ.]
Trong cõi lưu vong vào lúc xế chiều như thế đó, Manea bàn về sự liên hệ giữa nhà văn, Quyền Lực, và "Cái Tập Thể Bị Áp Bức Nhưng Cũng Khó Mà Dám Tự Coi Mình Là Vô Tội", tức đám con dân xã hội chủ nghĩa. Và sự liên hệ giữa nhà văn và chính cái phần dễ bị thương tổn của chính hắn ta/bà ta đó.
Theo ông, trong bất cứ một hệ thống chính trị sử dụng văn hóa như là vũ khí (bằng cách choàng hoa cho nghệ sĩ, nghĩa là ban cho họ những đặc quyền, hoặc những sự trừng phạt thái quá, thí dụ như cách đối xử giữa Tố Hữu và nhóm Nhân Văn chẳng hạn, nhà văn, nhìn về Tố Hữu, rồi nhìn về Nhân Văn, thường xuyên cảm thấy quanh mình đầy cạm bẫy, thấy mình thoả hiệp lúc nào không hay, nghĩa là dễ đánh mất mình như chơi. Muốn bảo tồn nguyên vẹn căn cước của mình, nhà văn phải học cách phòng ngự, chống trả, nhất là từ những cạm bẫy tâm thần (mental traps), từ những viễn ảnh, những cái nhìn quá giản đơn [sự vật], không chỉ ở bên trong những hệ thống toàn trị, mà là ở tất cả mọi nơi. Những điều tưởng như đối nghịch, hoá ra là phù hợp, bổ túc cho nhau, bởi vì như mọi người đều biết rõ, rất nhiều người chống phát xít, là những tay cộng sản, và thường xuyên là, những kẻ được coi là những địch thủ, hoặc kẻ thù của những chế độ toàn trị này (phát xít, cộng sản, chính thống tôn giáo...), lại là những người cổ võ một chế độ toàn trị khác, một cách ý thức, hoặc vô thức.
Nhưng điều này mới thật là quan trọng, mà là kết quả của bao nhiêu năm tháng sống dưới chế độ cộng sản, và sau cùng quá nghẹt thở, đành phải bỏ đi, chỉ để nói ra, là: Cái gọi là tinh thần cởi mở thực sự, của Dân Chủ, nó không chỉ phản ứng, chống lại chủ nghĩa toàn trị, nhưng nó hoàn toàn ngoại lai, không hề chịu nổi chủ nghĩa toàn trị, và như thế, do bản chất của chính nó, nó ở trên những đối cực [thí dụ như một cái nhìn quốc cộng, chẳng hạn].
[But the authentically liberal spirit of democarcy is not only opposed to totalitarianism, it is alien to it, and by its very nature above polarities].

Cái Dở của Tạp Ghi của ký giả Lô Răng

Khi điểm cuốn Hermit in Paris (nhà xb Jonathan Cape £16.99, pp276) của nhà văn Ý, Italo Calvino, người điểm sách của tờ Người Quan Sát Mới (số đề ngày 9 tháng Hai, 2003, trên lưới toàn cầu), Philip Hensher đã cho rằng, cuốn sách giầu có những hồi ức này chỉ có một cái dở là tác giả của nó ít quan tâm tới chính mình.
Liệu chúng ta có thể áp dụng nhận xét này, với Tạp Ghi của Lô Răng. Tôi nghĩ là được.
Lô Răng viết bằng giọng mộc mạc pha chút lãng mạn về bạn bè, về thiên nhiên.... Người ta nói, chọn bạn mà chơi. Thành thử nói về bạn cũng là một cách nói về mình, nhưng giả dụ như có một người nào đó, đưa ra một vài chi tiết về con người của ông, ắt là cũng thú vị lắm chứ!
Nhà tôi ở dưới cầu Thị Nghè, gần Sở Thú, gần Đài Truyền Hình, Đài Mẹ Việt Nam, Đài Phát Thanh Sài Gòn, những ngày Mậu Thân trở thành "mục tiêu" của hoả tiễn vi xi. Cũng là thời gian bà xã mang bầu cháu gái lớn. Tuy những ngày quá gay cấn phải "sơ tán" tới nhà một người bà con ở Trương Minh Giảng, nhưng cái thai đã bị ảnh hưởng, cháu sinh ra tưởng bị liệt, cứ nằm hoài trong nôi, chỉ tới khi ông bố đi làm về mới mỉm cười và chịu cho bế. Đi bác sĩ Trần Ngọc Ninh ở Tân Định, ông khám thật kỹ lưỡng xuơng, gân, thần kinh... Sau khi kê thuốc, ông mắng vốn: gia đình phải biết yêu thương nó! Ông đâu biết, khi nằm trong bụng mẹ, cái thai đã "nghe ra" những tiếng hoả tiễn réo xèo xèo khi bay ngang nhà. Nhờ thuốc insulin do ông Ninh kê đơn, cháu đỡ dần, nhưng phải tới 5 tuổi mới biết đi. Và cho tới khi lấy chồng, có con, vẫn còn mắc tật đái dầm!
Gần ngay chân cầu, là khu vực thuộc Tâm Lý Chiến, trong có toà soạn báo Tiền Tuyến, nằm chung một lô đất với Cục An Ninh Quân Đội, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phía sau nó là một trại gia binh. Khu này ngày trước có tên là Kho Đạn. Từ nhà tôi ghé Tiền Tuyến quá gần. Thời gian phụ trách trang Văn Học Nghệ Thuật cho Tiền Tuyến, tôi thường xuyên ghé chơi, ngoài chuyện đưa bài. Có lần vô, thấy một ông nằm ngay tòa soạn "ngơi" trên một cái ghế bố. Hỏi, có người trả lời, Lý Phật Sơn đó.
Chắc còn nhiều người nhớ tên Lý Phật Sơn, người bình Kim Dung trên tờ Tiền Tuyến ngày nào. Những lời bình nhuốm mùi "thiền", cộng thêm kiến thức sâu rộng của anh, làm say mê người đọc. Tuy là báo quân đội, nhưng thật khác hẳn tờ Quân Đội Nhân Dân của miền bắc, Tiền Tuyến là một tờ báo bán chạy, thuộc loại "top ten" trong số rất nhiều nhật báo của Sài Gòn lúc đó. Không chỉ có lời bình của Lý Phật Sơn, còn tạp ghi của Lô Răng, còn truyện fơi ơ tông của Thanh Tâm Tuyền, truyện trinh thám phóng tác của Hoàng Hải Thủy, và nhứt là, còn truyện dài Bà Phi gây sôi nổi trong giới văn nhân, cả dân sự lẫn "quân quyền", của Thảo Trường... Trong Tạp Ghi, Lô Răng cũng đã thổ lộ, sức ép ở trên xuống tờ Tiền Tuyến, và cá nhân ông, vì truyện Bà Phi, nhưng không vì thế mà ông yêu cầu tác giả tự kiểm duyệt, hay chính mình ra lệnh đục bỏ những đoạn gây rắc rối. Thảo Trường chắc chắn phải cảm được cái sự tri âm tri kỷ đó.
Nhưng Lý Phật Sơn là một tay trốn lính. Đó mới là cái sự lạ, phân biệt hai cách đối xử thật cách biệt giữa "tình người", giữa "thổ ngơi" của hai miền đất, giữa cái gọi là lý tưởng = đời sống, và lý tưởng = ý thức hệ, hay nói gọn lỏn là như thế này: lòng yêu những người có tài, của những người đã chọn nghề binh như Lô Răng, hay như Lưu Kim Cương, chẳng hạn. Chúng ta tự hỏi, cái kho tàng, hay di sản âm nhạc của Việt Nam, sẽ mất đi, hoặc thiếu đi bao nhiêu bản nhạc của Trịnh Công Sơn, nếu anh chàng cận thị này phải cầm cây súng, thay vì cây đàn? Với những người lính nhà nghề như Lưu Kim Cương, hay như Lô Răng, một tên lính lóng cóng như Trịnh Công Sơn, hay Lý Phật Sơn, chỉ làm bận tay, và có khi còn làm cho họ chết oan!
Nhìn rộng ra, chúng ta tự hỏi, bao nhiêu "nhân tài" đã thoát khỏi cuộc chiến, qua những chính sách như hoãn dịch vì lý do học vấn, cho đi du học những người đậu cao, cho về ngành chuyên môn những người có tay nghề. Do thổ ngơi của một miền đất, từ đó đẻ ra lòng yêu, trọng nhân tài, không phải chỉ như một chính sách, mà còn như tình người. Đó là điều mà Lô Răng không nói ra, ở trong những bài tạp ghi của ông, khi chọn ngay toà soạn Tiền Tuyến làm nơi trú ngụ cho một Lý Phật Sơn.
Bản thân tôi cũng đã được hưởng một chút "ân tình" đó. Là dân sự, nhưng lúc nào trong người cũng có một cái thẻ nhà báo, của một tờ báo nhà binh, tức tờ Tiền Tuyến, do chính chủ bút Lô Răng ký. Nhờ nó, tôi tha hồ đi quá giờ giới nghiêm.
Nhưng đi quá giờ giới nghiêm làm cái khỉ gì cơ chứ?
Số là "cô bạn" của tôi thì ở mãi bên Chợ Lớn. Tôi thường là chọn ca trực đêm, để dễ bề nói dối bà xã. Khi bớt việc, trao Đài cho một nhân viên phụ, thế là "chàng", trong túi thủ thẻ nhà báo quân đội, giấy chứng nhận hợp lệ tình trạng quân dịch, người và xe cứ thế phóng thẳng một mạch qua Chợ Lớn, ngồi cho tới khuya, ỷ y nếu có quá giờ giới nghiêm, đã có lá bùa hộ mạng, chứng nhận đây là phóng viên tiền tuyến của báo quân đội, đang đi công tác!
Ôi, làm sao quên được cảm giác, khi về, vắng tanh, phóng xe như điên trên đường phố Sài Gòn, mà hồn của mình thì vẫn luẩn quẩn ở một con hẻm ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, nơi có căn nhà, có "giàn thiên lý, có người tôi thương"!...

Kỷ niệm lô cốt.

Lô cốt tại quê tôi, như ký ức ngày nhỏ còn giữ được, có từ lúc quân đội Pháp nhẩy dù xuống đồng bằng Sơn Tây, (hình như là vào năm 1946 thì phải), và lập hệ thống đồn bót dọc theo đê. Cùng với dân làng, mấy mẹ con rời làng, con đê, sông Hồng, chạy vào phía sâu trong, tức phía núi Tản Viên, rồi khi tiếng súng đã im, tình hình yên ổn trở lại, dân làng tìm cách mò về, riêng gia đình tôi, chạy ngược lên Vĩnh Chân, Phố Ẻn, thuộc Phú Thọ. Rồi cũng thất tán mỗi người một nơi. Khi trở về làng, mấy năm sau, tôi nhìn thấy cái lô cốt, lần đầu tiên.
Làng tôi có ông giáo Dực (hay Giực), thầy dậy của bố tôi, rồi của tôi. Ông là người từ đâu tới, lấy một bà cô của tôi, rồi "dừng bước giang hồ", không hiểu là do nhan sắc của bà cô, hay là do Cô Ba, tức nàng phù dung. Do biết tiếng Pháp, những ngày Tây chiếm đóng, ông thường lên bót gặp viên trưởng đồn, như là một người đại diện cho dân làng. Có một lần, ông dẫn tôi theo, và tôi nhìn thấy một ông Tây, lần đầu tiên.
Trẻ con vùng này hầu hết là học trò ông giáo Dực. Ông là một người rất tự kiêu, như một kỷ niệm mà tôi còn giữ mãi: Khi ông già tôi bị giết do tai họa đảng phái, bởi một người học trò của ông, người học trò này cũng đã học ông giáo Dực, ông bảo tôi: Bố mày bị giết vì thù oán cá nhân, chứ không phải học trò giết thầy. Cái thằng giết bố mày, dưới mắt nó, chỉ có tao đáng là thầy dậy nó thôi.
Nhưng không phải ông giáo Dực, mà là một người con trai út của ông, tức chú Trực, mới là người gần gũi với tuổi thơ của tôi, tại quê làng.
Lớn hơn tôi vài tuổi, tài hoa nhất mực, nào nghề đàn, nghề chụp ảnh. Chú là người đã dậy tôi hát, những bài hát đầu đời như "Anh Kim Đồng ơi, anh Kim Đồng ơi", "Mơ Liên Xô". Chú dậy tôi chơi đàn măng đô lin, chơi cờ tướng, gần như tất cả những thú vui ấu thời này đã theo tôi ra Hà Nội, rồi vào nam, rồi ra hải ngoại, rồi lên không gian ảo. Nhờ giỏi toán, giỏi đàn, tôi đã được Ông Tây, chồng của Cô Dung tôi để ý, thương hại, bảo bà cô của tôi lo cho ăn học, tại Hà Nội, và những ngày sau 1954, khi đã về Pháp, ông bà vẫn gửi tiền cho tôi đóng học phí, những ngày di cư. Riêng cái món cờ tướng, nó làm tôi mê mẩn, theo tôi vào trong kỳ thi, và, lẽ dĩ nhiên, vào trong tù.
Tôi rớt tú tài phần hai, kỳ một, là vì cờ tướng. Vào trường thi, tôi không làm sao tập trung, bởi vì trong đầu chứa đầy những quân cờ, những nước đi của một con mã, con pháo, hoặc con xe...
Nói tóm lại, tôi nợ Chú Trực của tôi nhiều lắm.
Khi trở về, gặp lại, biết được hoàn cảnh thương tâm của ông, tôi mới nhận ra, tất cả những giấc mộng của ông, đã được thực hiện, một phần nào, ở tôi, ở thằng cháu.
Chú Trực còn một người anh, là Chú Thức, Học giỏi, sinh viên Hà Nội. Sau đó, ông theo Việt Minh, lên rừng, chưa thi thố được một chút tài năng, thì chết vì bịnh sốt rét. Chú Trực cũng đã từng được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, trong lần đi qua làng lên chiến khu, nhận làm học trò, và xin gia đình cho theo ông. Nhưng ông giáo Dực từ chối, viện cớ không có ai lo cho ông những ngày hiện tại và khi về già.
Về lại quê nhà, tôi mới hiểu ra, ông đã "giành" [theo nghĩa giành giựt, không cho không cách mạng], cho người con trai út một việc: làm gián điệp cho Tây, mà "thuật ngữ" hồi đó gọi là làm Việt gian.
Do tài đàn hát, chụp hình, chụp ảnh... Chú Trực trở thành điểm gặp của thanh niên, trai tráng trong làng, và trong vùng, lẽ tất nhiên, trong số đó, có nhiều người là du kích. Chẳng ai nghi ngờ, khi nhờ chụp hình, Chú đã dành riêng cho mình một tấm, và mang nộp cho Phòng Nhì Pháp, ở tỉnh lỵ Sơn Tây. Chỉ tới khi du kích bị bắt nhiều quá, và tình cờ, một người du kích nguỵ trang làm người đi mua đồng nát, thấy chú Trực ghé Phòng Nhì, sự việc mới đổ bể.
Đang đêm, du kích từ bên kia sông, về bắt Chú mang đi. [Thằng em út của Gấu cũng bị đưa ra hậu phương, trao cho ông bác, theo kiểu này]. Nhưng sau đó, Chú được thả, do có người bà con làm Cách Mạng, thứ gộc, bảo lãnh. Nhưng chú không về làng, biệt tích luôn, thay tên đổi họ, lấy vợ, đẻ con. Chỉ tới khi Chú làm đơn xin vô Đảng thì lý lịch cũ mới lộ ra. Đám Cách Mạng trong làng tôi yêu cầu đưa Chú Trực về lại làng, để quản lý. Người vợ của Chú xin Đảng cho ly hôn, và xin cho đứa con "từ chối" ông bố Việt gian.
Về gặp, ông nhắc, hồi ở Hà Nội, tôi có chép tất cả những bản nhạc nổi tiếng lúc đó, và gửi về tặng ông. Ông giữ mãi làm kỷ niệm. Sau có thể vì hoạt động gián điệp, ông đưa lại tập nhạc cho đứa em trai của tôi. Tôi nghĩ, ông biết, sẽ có ngày ông bị Cách Mạng thủ tiêu, nên trả lại kỷ niệm của một thằng cháu đã vào nam, cho gia đình nó.
Liệu ông tin rằng, thằng cháu sẽ có ngày trở về?
Lần gặp lại, nhìn ông, xót xa quá, tôi quên hỏi.
Tập nhạc, thằng em tôi, vì chẳng bao giờ nghe nhạc, nên đã để gián và mối xơi hết.
Trở lại với cái lô cốt. Cũng tại đây, tôi nhìn thấy con người (theo quốc gia) đánh con người (theo cộng sản), lần đầu tiên.

Cháu có muốn ra Hà Nội học không?

Trong những câu chuyện về lòng biết ơn ông thầy hồi học mẫu giáo, tiểu học trường làng, có một, về một ông học trò vinh qui bái tổ, gặp lại, sung sướng, biết ơn, và hãnh diện "khoe" với ông thầy làng về sự thành đạt của mình - trong đo, lẽ dĩ nhiên có công đầu của ông thầy làng - bằng một câu hỏi, tuy vẫn có ý tự khoe mình, nhưng thật là tuyệt vời:
-"Thưa Thầy, Thầy còn nhớ con không?"
Tôi tin rằng, ông thầy chẳng thể nào nhớ, cái ông mũ cao áo dài đó là ông nào. Bởi vậy, mới có cái câu hỏi "phô ra" lòng biết ơn của một ông học trò, để che bớt đi cái khoản mũ cao áo dài của mình.
Trong Tuyển Tập Tạp Ghi, Phan Lạc Phúc kể lại, thời lên tám, đang học lớp Dự Bị, thì một bữa, ông bác đi xe ô tô về làng. Ông anh của ông vốn nhát, trông thấy "nó" – cái ô tô - là trốn biệt. Còn ông, nhờ bạo dạn, không những không sợ "nó" mà còn dõng dạc đọc một bài học, khi ông bác ra lệnh. Thế là ông bác gật gật cái đầu ra vẻ hài lòng, "Cháu có muốn ra Hà Nội học không?"
Ông bác sau đó lên xa đi, và đứa cháu "tò mò đi theo mùi khói xăng, theo dấu những vết xe mà lòng bắt đầu mơ tưởng những chân trời mới lạ..."
Lạ, lạ thật... bởi vì tôi cũng có những kỷ niệm tương tự như ông, về cảm giác lần đầu nhìn thấy cái xe hơi, và câu hỏi, "Cháu có muốn ra Hà Nội học không?" của tôi cũng xêm xẹm, tuy có khác vài chi tiết nho nhỏ. Người hỏi tôi, không phải là một ông bác, mà là một bà cô lấy chồng Pháp. Tuy bà cô tôi hỏi, nhưng chính ông Tây chồng bà mới là người biến câu hỏi thành một "hiện thực" lâu dài.
Sau đây là đoản văn viết về hình ảnh cái xe hơi xuất hiện lần đầu tiên trong đời một thằng nhỏ Bắc Kỳ. Bài hình như được viết cho một số báo Văn, đặc biệt về Hà Nội, sau in lại trong tập truyện đầu tay, "Những Ngày Ở Sài Sài Gòn", xuất bản tại Sài Gòn, năm 1970.

Trái tim trong thành phố

Trước hết, tôi không phải là người sinh trưởng tại Hà Nội. Quê tôi ở Sơn Tây, một tỉnh cách xa Hà Nội độ bảy tám chục cây số. Đối với một người miền Nam, khoảnh cách đó chỉ bằng quãng đường từ Sài Gòn đi ngã ba Trung Lương, thời gian di chuyển chừng trên dưới một tiếng đồng hồ. Nhưng ở Bắc, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu bằng chính sách tiêu thổ kháng chiến, đường xá cầu cống bị tiêu huỷ, quãng đường Hà Nội – Sơn Tây do đó cũng chịu chung số phận.
Làng tôi ở ven sông Hồng. Khoảng năm 1946 khi quân Pháp nhẩy dù xuống đồng bằng Sơn Tây sau đó thành lập chính quyền quốc gia, gia đình chúng tôi chạy tản cư xa dần sông Hồng, ngược lên vùng Việt Bắc. Ít lâu sau, chúng tôi tìm cách dinh tê. Về Tề, tôi theo học lớp Nhất trường tiểu học quận, và khi đậu tiểu học, tôi được ra Hà Nội học.
Muốn đi Hà Nội, từ làng tôi phải đi bộ dọc theo con đê, tới khi con đê gặp quốc lộ số một, nối liền Trung Hà, địa đầu của tỉnh Sơn, với tỉnh lỵ, rồi với Hà Nội. Do đường xấu, từ Sơn tới Hà Nội cũng phải mất một ngày trời.... Đối với tôi, những chiếc xe hàng cọc cạch từ từ bò trên con đường nhựa nham nhở kia, chẳng khác gì những con cua, khi tới gần nghe tiếng máy nổ, ngửi mùi xăng nhớt, những kinh ngạc, lạ lùng, bỡ ngỡ... làm thằng bé nhà quê quên đi những thú vui đồng nội...
Hà Nội như thế, đối với tôi, là kỷ niệm về một cây kem lạnh buốt răng, là hình ảnh hiệp sĩ bịt mặt Zorro, người rừng Tarzan...
Vào nam, tiếp tục học, ra trường, đi làm, cảm thấy nhớ Hà Nội như tuổi thơ vĩnh viễn qua đi, chẳng làm sao có lại. Những năm mới lớn luôn tìm cách trở lại Hà Nội không phải chỉ để thì thầm trong những lúc cô đơn, mơ mộng, mà còn là để viết trong những lá thư tình đầu tiên trong đời. Khi cảm thấy được yêu, có cảm tưởng như đã quên được rồi, Hà Nội, hoặc Hà Nội đã hiện thân ở nơi người yêu, "Anh yêu Em bởi vì anh yêu Hà Nội," ôi những cái "bởi vì" thật ngông cuồng và cũng thật đáng yêu của một thời trẻ dại...
Cách đây ít lâu, hồi còn độc thân, một bữa theo một người bạn về khách sạn ngủ. Phòng ngủ có gắn máy lạnh. Nửa đêm, chợt thức giấc, nghe tiếng máy lạnh chạy, trong khoảnh khắc, tôi bỗng có cảm giác lạnh giá như đang sống lại một ngày, và tiếng máy lạnh chạy rào rào kia chẳng khác gì tiếng gió bấc thổi ở nơi quê nhà.

NQT