Nào,
đâu thư viện Văn Hóa Bình Dân, Đa-Kao, nơi có câu lạc bộ...
Tạp chí Văn Học Pháp,
Magazine Littéraire, tháng Chạp 1996, là một số đặc biệt về thư viện,
nơi chứa
đựng ký ức của nhân loại cùng những bí mật của một thế giới mà con
người mơ ước
làm chủ. Như để thách đố triều đại tin học (informatique), và nỗi lo sợ
chữ viết
ngày càng biến mất, thay vào đó là chữ điện tử (electronic word), con
số những
thư viện lớn trên thế giới ngày càng gia tăng. Trước mắt là Thư Viện
Quốc Gia
Pháp, mở cửa vào ngày 20 tháng Chạp, 1996, với 4 tháp "Babel", biểu
tượng những cuốn sách đang mở ra, khởi đầu từ một ước mơ của tổng thống
Pháp.
F. Mitterrand, xây dựng một thư viện hoàn toàn mới, sau khi nhận báo
cáo về sự
"bão hòa" của thư viện Quốc gia Richelieu. Số
báo cũng giới thiệu với
độc giả những thư viện nổi tiếng trên thế giới, thư viện Vatican, thư
viện Đại
học Oxford, thư viện London, thư viện Quốc gia Nga... và những thư viện
đặc biệt
như thư viện "Hậu-hiện đại" của Umberto Eco, "thư viện như một
nhân vật tiểu thuyết", của những tác giả như Jorge Luis Borges, người
đã từng
tin tưởng "thiên đàng chỉ là một thư viện". Ông cũng đã từng là nhân
viên của "thiên đàng" trong 9 năm, với những đồng sự chỉ mê trò cá ngựa
và đá banh. Và một nữ độc giả đã bị xâm phạm tại nhà vệ sinh dành cho
nữ giới của
"thiên đàng".
Không riêng Borges, rất nhiều
nhà văn đã từng là nhân viên của thư viện, và cũng rất nhiều tác giả
chọn nơi
này làm khung cảnh, hoặc nơi chốn "mặc khải" cho nhân vật của họ.
Roquentin, trong Buồn Nôn (La Nausée) của Sartre, tới thư viện thành
phố
Bouville để tra cứu tài liệu viết một cuốn sách về cuộc đời hầu tước
Rollebon.
Anh gặp Autodidacte, một nhân vật đọc sách theo vần abc, cuối cùng bị
viên quản
thủ thư viện "cấm cửa", vì giở trò "ve vuốt" một em nhỏ.
"Tôi sẽ chẳng bao giờ đến
đây nữa", anh ta nói trong khi máu chẩy dài xuống áo và cổ. Roquentin
cũng
giã từ thiên đàng. Anh có cảm tưởng đã sống cạn đời mình với giấc mơ
nhân bản.
Anh cũng quá chán lịch sử, luận đề này nọ và cuối cùng được cứu vớt,
nhờ
"tiểu thuyết". Anh mơ tưởng sẽ viết một câu chuyện "như nó có thể
xẩy ra, đẹp, cứng như thép và sẽ làm mọi người hổ thẹn vì cuộc sống của
họ".
Một cuốn tiểu thuyết
"thời trung cổ, và hiện đại một cách khủng khiếp", "Tên của bông
hồng" của Emberto Eco, là tác phẩm của một nhà ký hiệu học. Trung tâm
của
cuốn tiểu thuyết là một thư viện, "édifice", mà những ký hiệu của nó
được dùng để viết lại Lịch sử, nơi mở ra những thư viện khác, giả
tưởng, tương
lai, không tưởng... Một tòa kiến trúc làm khiếp đảm, nhưng cũng là niềm
mê hoặc,
do vóc dáng phi-thời gian, không-hồi ức của nó. Thư viện còn là một
không gian
mê cung, "ký hiệu của mê cung của thế giới", với những tế bào hình
quạt,
ngoại trừ người thủ thư, người lạ bước vào là không thể trở ra.
"Và tôi tự hỏi người ta
có thể nói tới hiện tại và tương lai của những thư viện hiện có, bằng
cách vẽ
ra những kiểu mẫu thật là kỳ quặc", Eco đã từng tự hỏi như vậy, trong
một
bài viết, đẹp nhất trong số những bài viết về thư viện, "De
Bibliotheca".
Tác phẩm "Tên của bông
hồng" mang dấu ấn của Borges, và những giấc mơ hoang đường của ông, về
một
cuốn sách bằng cát (livre de sable), một trang là tất cả mà cũng là
chẳng có một
trang nào, bởi vì không đánh số, giở hoài không hết, và có khi chỉ có
một mặt.
Đối với ông, thư viện là vũ trụ, là thiên đàng của địa ngục, địa ngục
của thiên
đàng. Nhà văn, biến đổi đời mình thành những đường cong paraboles, có
thể lần
theo mê cung của cuốn sách, mê cung của mê cung. Ông trích dẫn Whitman:
Người
là một người và tất cả mọi người, là kẻ giữ lời hứa: sẽ viết một cuốn
sách của
mọi cuốn sách... "Tôi là ai?", Borges nói với chúng ta. Những giấc mơ
nào của tư tưởng có thể giản lược bóng tối và sự im lặng thành một biểu
hiện
đơn giản nhất của chúng? Những giấc mơ về thư viện, nơi tất cả lời nói
làm phát
sinh một dẫy vô hạn những sự kiện, những con hổ trong một "con hổ",
và nói "con hổ" cũng là nói "những con hươu, những con rùa mà nó
xé xác, cỏ nuôi hươu, đất là mẹ của cỏ, trời sinh ra đất..." (Borges,
L'Aleph).
Trong chúng ta, ai cũng từng
tới thư viện ít nhất là một lần. Tới để tham khảo là chủ yếu, nhưng đôi
khi vì
một lý do chẳng liên quan gì tới sách vở. Nơi hội ngộ của tất cả những
giấc mơ
của nhân loại cũng là nơi chốn tuyệt vời khi con người bụng đói, túi
rỗng, mấy
tháng chưa trả tiền nhà... Stumm, trong "Người không cá tính" của
Musil, khi đứng trước 3 triệu 5 trăm ngàn cuốn sách, muốn đọc hết phải
mất 10
ngàn năm, "đột nhiên chân nhũn ra, đột nhiên nhận ra sự hữu hạn, vô
tích sự,
và nỗi thất vọng của mình".
Sự hữu hạn, vô tích sự, nỗi
thất vọng... nào, đâu, con đường Trường Thi, Hà-nội, và bóng dáng một
chú bé chạy
vội chạy vàng tới thư viện Pháp, cho kịp giờ chiếu phim. Chỉ là những
phim thời
sự đen trắng của hãng Gaumont, vậy mà cũng có bữa phải lủi thủi ra về,
không phải
vì đến trễ, mà vì không được người gác cửa giơ ngón tay như cây đũa
thần vẫy vẫy...
nào, đâu, thư viện Gia Long, thư viện Văn Hóa Bình Dân, Đa-Kao, nơi có
câu lạc
bộ, có quán cà phê Làng Văn, đêm nào đang bữa tiệc bỏ ra về, chẳng thể
làm thơ,
và cũng chẳng bao giờ là thi sĩ, và Du Tử Lê khi đó chưa làm giùm hai
câu:
Em đi áo lụa mềm lưng phố
Có động lòng thương kẻ cuối đường...
Nguyễn Quốc Trụ