nqt  
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách
HOME

 Góc Sài Gòn




Mê Thảo và Gấu
Tản Mạn về Phim

Những Ngày Ở Sài Gòn


Tưởng Niệm Mai Thảo
SDH

"Tôi đã lầm mọi chuyện về Việt Nam... Tôi nghĩ người ở đó cay nghiệt, hóa ra dịu dàng; khó chịu, hoá ra chịu khó, chịu chơi..."
Michael Caine.


"Ngài" (Sir) Michael Caine lơ đãng đứng xếp hàng, chờ tới lượt mình, trong một tiệm ăn sáng đông khách tại Austin, Tex, cho tới khi một nữ tiếp viên nhà hàng nhận ra Ngài, vội vàng chạy tới, xếp cho Ngài một chiếc bàn rộng rãi nơi góc phòng, có mặt trời, và Ngài nghiêng mình qua người bạn ngồi cùng, thì thầm: "Đâu có ai thích thú, chuyện xếp hàng chờ tới lượt mình?"
Michael Caine đóng phim từ 1956, thuở Tom Hanks và Mel Gibson vừa mới ra đời, nhờ đóng phim mà được phong tặng tước vị "Ngài", nhưng chẳng "care" cái chuyện đứng xếp hàng. Và chẳng "care", cái chuyện phim của mình đóng bị thiên hạ ngâm tôm, không muốn đưa ra rạp chiếu.
Cuối năm vừa qua, Miramax Films đã quyết định hoãn trình làng Người Mỹ Trầm Lặng, phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Anh, Graham Greene, và rồi sau đó, quyết định "lén" đưa ra vào tháng Giêng 2003, tức là quá muộn để tranh giải Oscar, theo Michael Caine, đó là cách mà họ đối xử với những đứa con xấu (bad movies), ra đời không đúng lúc, hoặc không được lòng giới phê bình. "Tôi có ý nghĩ là Harvey Weinstein (đồng giám đốc hãng phim trên) có vài người bạn, và là những nhà phê bình phim, họ coi, và không ưa, và ông ta lạnh cẳng." Thế là tôi gọi điện thoại cho ông ta. "Này, bồ tèo, tớ cũng như là người trong nhà, hãy cố cho tớ một dịp may đi."
Câu chuyện của Greene, là về một anh chàng phóng viên "trung niên" người Anh bị một anh chàng thiện nguyện viên người Mẽo, (xưa gọi là cố vấn Huê Kỳ), "trẻ", có một bộ mã rất ư là ngây thơ, ẵm mất cô bồ người Việt, tại Sài Gòn, vào thời kỳ mà người Pháp sắp sửa cuốn gói chạy làng, và người Mỹ sẽ thay thế họ, trong một cuộc chiến mà sau này họ ưa gọi là cuộc chiến bẩn thỉu, và ông Kỳ mới đây cũng bắt chước họ gọi, cuộc chiến bẩn thỉu. Một cuốn phim dựa theo một cốt chuyện như thế làm sao có thể trình làng vào dịp 911, khi mà cả thế giới đành lòng đứng dưới lá cờ sao sọc, để chống lại "Trục Ma Quỉ"?
Nhưng sau đó, cuốn phim vẫn bị ngâm tôm cả một năm trời, và đó là điều làm Ngài Michael Caine không hiểu nổi.
"Tôi nói với Harvey, có chuyện gì cứ nói mẹ nó ra." Ngài Michael Caine cho biết. "Nếu cuốn phim đáng vứt vào thùng rác, tôi sẽ gặp bạn vào tháng Giêng này, để làm lễ mai táng nó. Ông ta nói, để ông ta suy nghĩ một tị, và sau đó, trả lời, OK, tụi mình có thể đem nó tới dự Hội Phim Toronto. Và chuyện là như vậy đấy.
Câu chuyện xẩy ra tiếp theo, là, sau khi được trình làng lần đầu tiên tại thành phố Toronto, Canada, vào tháng Chín, thiên hạ xúm nhau khen nức khen nở và tài tử chính của phim, chỉ trong vòng một đêm, trở thành một trong những tài tử được đưa ra đề nghị (nomination) ẵm giải Academy Award.
Phượng, tên một nhân vật trong phim gián điệp "Người Mỹ trầm lặng", bị một số báo chí Việt ngữ viết sai là Phương, trong khi chính tác giả đã giải thích ở trong truyện, đây là tên một loài chim quí, phượng hoàng.
"Phuong," I said – which means Phoenix, but nothing nowadays is fabulous and nothing rises from its ashes. "Phượng", tôi nói, "Phượng có nghĩa là Phượng hoàng, nhưng những ngày này chẳng có chi là huyền hoặc, và chẳng có gì tái sinh từ mớ tro than của loài chim đó": Câu văn như một "lời nguyền" cho một cuộc chiến sắp sửa tái diễn?
Nhưng nói cho cùng, chẳng có chi là huyền hoặc, về chuyện người Mỹ sẽ hất cẳng người Pháp, và cuộc chiến sẽ biến tất cả thành tro than, và chẳng có gì mọc lên từ đó.
Lời đề tặng ở trang đầu, là dành cho một nhân vật Phượng "có thể" có thật ở ngoài đời:
"René và Phượng thân mến, Tôi xin phép được tặng cuốn sách này cho các bạn, không chỉ để tưởng nhớ những buổi chiều hạnh phúc mà chúng ta đã cùng trải qua tại Sài Gòn, trong hơn năm năm qua, nhưng còn bởi vì tôi cảm thật hổ thẹn đã mượn căn hộ của các bạn, làm chỗ trú ngụ cho một nhân vật của tôi, và tên của bạn, Phượng, để độc giả dễ dàng theo dõi, bởi vì đây là một cái tên giản dị, đẹp, và dễ phát âm, so với những tên đàn bà khác, của đồng bào bạn. Cả hai bạn sẽ nhận ra một điều, tôi còn vay mượn thêm chút đỉnh, nhưng chắc chắn không phải từ phía Việt Nam. Pyle, Granger, Fowler, Vigot, Joe – những người này chẳng có chút dây mơ rễ má với cuộc đời của Sài Gòn hay Hà Nội, và Tướng Thế thì đã chết: bị bắn từ phía sau lưng, như người ta nói. Ngay cả những biến động thực sự xẩy ra, cũng đã được dàn dựng lại, ít ra là trong một trường hợp. Thí dụ như vụ nổ lớn gần khách sạn Continental, đã xẩy ra trước những vụ nổ do bom cài trên những chiếc xe đạp. Tôi chẳng cần phải đắn đo, về những thay đổi nho nhỏ như vậy. Đây là một câu chuyện tiểu thuyết, chứ không phải là một mẩu lịch sử, và tôi hy vọng câu chuyện về vài nhân vật giả tưởng sẽ mua vui cho đôi bạn được một vài trống canh, trong một đêm nóng nực của Sài Gòn."
Và đây là nhận xét của Fowler về đàn bà "Annamite", ngay ở đoạn mở đầu, khi anh ta đang chờ Pyle tại căn phòng của mình ở đường Catinat, rồi Phượng tới: "Ngủ với một người đàn bà Annamite là như ngủ với một con chim: họ líu lo và hát bên gối bạn." (To take an Annamite to bed with you is like taking a bird: they twitter and sing on your pillow).
Như lời giới thiệu ở trang bìa (nhà xuất bản Penguin): "Người Mỹ trầm lặng" là một bức chân dung đáng sợ về một sự ngây thơ nói chung chung. Trong lúc Quân đội Pháp tại bán đảo Đông Dương vật lộn với Việt Minh, ở hậu phương Sài Gòn, một người Mỹ trẻ, cao cả (high-minded) lo chuyện viện trợ kinh tế cho "Lực lượng thứ ba".
Cao cả, có thể như vậy chăng, khi người Mỹ thay chân người Pháp ở Việt Nam? Như nhân vật Fowler, người Anh, tức Ngài Michael Caine ở ngoài đời, nhận xét: "Tôi chưa từng gặp một người nào có những động cơ tốt đẹp hơn, [nếu nói] về những rối loạn mà anh ta đã gây ra." Và khi rối loạn tiếp theo rối loạn, máu đòi máu, tay ký giả già thấy thật khó mà đứng bên lề, như một quan sát viên. Nhưng những động cơ của Fowler thật đáng nghi, đối với cảnh sát, với chính anh ta, và với độc giả: bởi vì Pyle, "người Mỹ trầm lặng", đã "chôm" mất người tình của ký giả già.
"Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã không hề tin vào một cái gì trường cửu, tuy nhiên tôi lại ước vọng nó. Luôn luôn, tôi sợ mất hạnh phúc. Tháng này, năm sau, Phượng sẽ rời bỏ tôi…
-Tha lỗi cho tôi, vì đã đoạt cô Phượng của anh, giọng Pyle nói.
-Ô, tôi không biết nhẩy, nhưng thích ngắm nàng nhẩy.
Người ta luôn luôn nói về nàng, bằng ngôi thứ ba, như thể nàng không hề có ở đó. Đôi khi nàng có vẻ vô hình, như thanh bình."
Anh ký giả già nhận xét Pyle, người Mỹ trầm lặng, bằng những từ: "Tôi ngạc nhiên không biết hai người nói chuyện gì với nhau. Pyle thì rất hăm hở, và tôi đã đau khổ vì những bài thuyết trình của anh ta về Viễn Đông, mà vốn liếng của anh ta chỉ có chừng vài tháng, trong khi của tôi, hàng năm. Dân chủ lại là một đề tài hăm hở khác của anh – anh ta có những quan điểm thật quá khích về những gì Hoa Kỳ đang làm cho thế giới. Ngược lại, tuyệt vời thay, Phượng nàng chẳng biết gì hết: nếu Hitler được nhắc tới trong lúc trò chuyện, nàng sẽ ngắt lời, để hỏi, ông là ai ("Người Mỹ trầm lặng", trang 12, ấn bản Penguin)….

"Nếu Hitler được nhắc tới...", liệu câu này, giống như một thai đố, bao trùm lên cuộc chiến "bẩn thỉu"?
                         
Nổ và chết tại Catinat, 1952. Nguyên mẫu Phượng [ngồi tít bên phải], ở ngoài đời.
"Thai đố", là được "gợi hứng" từ câu trả lời phỏng vấn của nhà đạo diễn điện ảnh Oliver Stone, tác giả một số phim nổi tiếng về Việt Nam, và cũng từng tham gia cuộc chiến tại đây, trên tờ Time số May 7, 2001: "Chuyện những người dân lành miền nam ở làng Thanh Phong bị giết hại, liên quan tới Thượng Nghị Sĩ Kerry, làm tôi nhớ rất nhiều tới những khó khăn của cuộc chiến, những hàm hồ của nó. Tôi đã ở trong những làng nơi người dân quê bị giết và bị lạm dụng. Giận dữ, sợ hãi, từ đó mà ra. Có những vụ hãm hiếp, đánh đập, và sát nhân. Tôi nghe được những câu chuyện [như vậy] từ những người thân cận với tôi. Bạn ở trong một vùng lửa đạn nóng bỏng. Một người dân làng tiến tới từ phía sau bạn, thí dụ như từ một đụn cát. Người đó đầu hàng, nhưng đôi khi, một kẻ nào đó nổ súng, và làm toi một mạng người.
Chuyện xẩy ra với Thượng Nghị Sĩ Kerry, đó là: liệu có tiếng súng bắn về hướng họ hay là không. Đây là câu chuyện (giống như trong phim) Địa Ngục Môn….". Đây là phim nổi tiếng của Nhật, câu chuyện về một cái chết của người chồng là một kiếm sĩ, qua lời kể của từng nhân vật liên quan. Mỗi người nói một cách, và cuối cùng chẳng biết đâu là sự thực.
Người viết làm quen với Greene những ngày học trung học, qua tác phẩm "Người thứ ba", câu chuyện về một người đàn ông truy tìm thủ phạm đã sát hại bạn thân của mình, rút cục khám phá ra, chính cái tay bạn thân của mình, đã dùng kế kim thuyền thoát xác, tức là giết địch thủ, rồi để lại giấy tờ của mình cho cái xác chết, và tiếp tục giết hàng triệu triệu trẻ em trên thế giới, qua trò sản xuất, và tung ra khắp thế giới, loại thuốc trụ sinh dởm…
Qua tin báo chí, viên tướng tình báo cộng sản, Phạm Xuân Ẩn, trước nằm vùng tại miền nam, có gặp gỡ phái đoàn quay phim, khi đang được quay tại Sài Gòn và cho biết, ông có chứng kiến vụ nổ bom trên, và cho biết thêm, ông biết nhà văn Graham Greene là gián điệp Anh. Điều này thế giới đều biết, vì Greene cũng chẳng giấu. Nhưng chi tiết trên chứng tỏ, Ẩn đã hoạt động gián điệp từ lâu. Và cái việc, vào giờ chót, ông ta đưa Trần Kim Tuyến, trùm mật vụ thời ông Diệm, lên máy bay ra nước ngoài, chứng tỏ một điều: hai người có thể đã hiểu rõ nhau từ khuya!

Gần mực thì đen, như người Việt nói. Theo nghĩa đó, đa số những ông ký giả, nhà văn thường có một "nghề tay trái": làm gián điệp. Phạm Xuân Ẩn, tướng cộng sản nằm vùng tại miền nam qua vai trò ký giả tờ Time, lại không được như Greene: ông không biết viết văn! Ông đành nhờ một "văn hữu", là Nguyễn Khải, viết giùm. Và Phạm Xuân Ẩn ở ngoài đời biến thành nhân vật Quân, ở trong Thời Gian Của Người. Nguyễn Khải, theo như người viết được biết, cũng là một chức sắc trong ngành công an. Ông đã từng viết về đạo Cao Đài, trong cuốn "Tường trình về một cái chết" (?), theo kiểu điều tra của "cớm" ("cop")! Phạm vi bài viết không cho phép phê bình tài viết văn của ông, nhưng rõ ràng kém so với Greene.
Simon Leys, tác giả cuốn Protée et Autres Essais, được giải thưởng Goncourt về tiểu luận của Tây (2001), cho rằng Greene thật tuyệt vời, khi mở ra, và đóng lại, một cuốn tiểu thuyết. Ai đã từng thử qua cái thú viết lách, chắc đều nhận ra, câu mở đầu thật quan trọng, và khó khăn vô cùng. Bạn cứ mở ra được, là viết được... một cuốn tiểu thuyết, hay nói một cách khiêm tốn, một cái truyện ngắn.
"Những người khác có thể làm thành một cuốn sách", Leys trích dẫn Gide, trong "Khung Của Hẹp", theo ý, bạn chỉ cần vớ được một câu thôi, ở trong một cuốn mà bạn đang cầm trên tay, là có thể mở ra một cuốn của riêng bạn. (Borges còn hào phóng hơn, khi cho rằng, chỉ cần đọc một câu của Shakespeare thôi, là bạn trở thành Shakespeare).
Leys kể, một lần lục lọi một tiệm sách, ông vớ được một cuốn của Chesterton mà ông chưa từng được hân hạnh rờ tay vô. Chỉ nội câu mở đầu, là ông vội vàng chạy tới quầy trả tiền, và sau đó, chạy vội ra khỏi cửa tiệm, rinh ngay cái kho tàng, là cuốn sách, về nhà. Câu đầu như thế này: "Cái giống người, mà hằng hà sa số họ, là độc giả của tôi"!
Đúng là một câu văn hiển hách, nhất là đối với những nhà văn mà độc giả chưa đếm hết mấy đầu ngón tay, dù đã kể cả bà xã và những đứa con thân thương của mình! Nhưng Leys tự hỏi, liệu có cuốn sách nào xứng đáng với một câu mở đầu như vậy, (nguyên văn: Liệu hai trăm trang của một cuốn tiểu thuyết vẫn còn run lên bần bật sau một cú đánh sấm sét như thế?)
Trở lại với Greene, không phải chỉ câu mở mà câu cuối, cũng tuyệt vời. Leys thí dụ cuốn Brighton Rock. Rose, nhân vật chính, là một cô gái ngây thơ (naive) và dịu dàng, mê thảm mê thương một tay găng tơ trẻ, nhận được món quà đầu tiên trong đời, từ người tình độc ác đó: một dĩa nhạc ba xu (loại dĩa nhựa ngày xưa), mà cô nghĩ, trong đó ghi lại những lời tỏ tình đắm đuối mà anh chàng dành cho cô, nhưng độc giả, chính anh ta (chính chúng ta), đã được tác giả bật mí, chỉ là những câu nói tục tĩu, dơ bẩn, nhắm vào cô gái đáng thương. Tay găng tơ bị giết. Rose, quá tuyệt vọng, trở về căn phòng của mình, với niềm an ủi, ít ra mình cũng còn giữ được tí kỷ niệm, là tiếng nói của chàng. Cuốn sách kết thúc bằng câu văn như vầy: "Nàng bước vội trong ánh mặt trời nhạt nhoà của một ngày tháng sáu, về với điều còn ghê tởm hơn cả sự ghê tởm."
Cách kết thúc truyện của Greene, như trong Brighton Rock, theo Leys, là để cho độc giả thở phào, không phải một, mà tới hai lần. Ông dùng thuật ngữ "fins à double détente", (tạm dịch: kết cục theo kiểu thư giãn kép), theo đó, kết thúc thực sự không nằm ở câu chót của cuốn sách, mà là ở đâu đó, vài giây sau, ở trong sự tưởng tượng của người đọc. Kỹ thuật này dành cho những cuốn tiểu thuyết - giống như một trái bom cực kỳ độc địa, một khi đã nổ ra, hậu quả thật là khủng khiếp nhưng không tức thời, mà là sau đó. Một thứ bom nổ chậm. Áp dụng "kỹ thuật" này vào thời điểm 1975, có thể nói hậu quả tức thời là miền nam, hậu quả tiếp theo, là cả nước đều khốn khổ khốn nạn vì nó.
Leys cho rằng, những nhà văn cưu mang trong lòng một viễn ảnh nội tâm, là những nhà văn số một. "Với họ, viết luôn luôn là một hoạt động khắc khoải, ám ảnh, và họ thực hiện nó, trong tình trạng giống như mù lòa, tuân theo sự dẫn dắt của vô thức. Viết là một tình trạng mở nồi hơi, xả xú báp, mở toang an toàn, nhờ vậy mà họ giữ được lẽ phải, lý trí. Và nếu họ không viết, thì họ nghẹt thở, và chết. Trường hợp của Greene, và của những nhà văn như Georges Simenon, Julien Greene – nhân cách của họ đều rất đỗi khác biệt – cho thấy rõ điều trên."
Tiểu thuyết của họ liên tục ám ảnh trí nhớ của chúng ta. Nhưng những gì chúng ta nhớ về chúng, không phải là những từ, những chữ, những câu văn kêu như chuông, mà là một hình ảnh hiện lên bức màn là trí tưởng tượng của chúng ta. Một giai thoại về ông cho thấy rõ điều này: Khi còn là một ký giả (một nhà điểm phim) tối tăm, chưa được người đời chiếu cố tới, trong lần đầu gặp nhà đạo diễn Alexander Korda, ông này hỏi Greene có cái gì (une idée) làm thành một chuyện phim (scénario), ông bèn đưa ra đoạn mở như sau: "Đó là một buổi sáng sớm, trên sân ga xe lửa Paddington số 1. Sân ga trống trơn, ngoại trừ một người đàn ông đứng đợi chuyến tầu chót từ xứ Galles tới. Những giọt máu từ phía trên, từ phía bên trong chiếc áo khoác của ông ta nhỏ xuống thành một vũng." "Vậy hả, rồi sao?" Rõ ràng là trí tưởng tượng, tính tò mò của tay sản xuất bị "cắn" trúng! "Thì còn nữa chứ", ông trả lời, nhưng chính ông cũng chưa biết, nó sẽ ra làm sao... "Câu chuyện cần phải gia giảm thêm, và làm cho nó thành hình...". Cuộc gặp gỡ đó đã tạo nên tình bạn giữa hai người, đưa đến việc thực hiện cuốn phim "Người Thứ Ba" phỏng theo tiểu thuyết của Greene.
Chúng ta chẳng hề biết, tiếp theo cái đoạn mở trên, về câu chuyện một kẻ lạ, đứng chờ chuyến tầu chót từ Galles, trên sân ga cô liêu, vào một buổi sáng, sớm ơi là sớm, nhưng cái hình ảnh đó, và những giọt máu thánh thót rơi xuống, và vũng máu đọng trên sân ga, cứ ám ảnh chúng ta hoài. Độc giả của Thanh Tâm Tuyền, thí dụ vậy, nếu đã từng đọc truyện ngắn Dọc Đường của ông, chắc chắn giữ mãi ở trong trí tưởng tượng của mình, hình ảnh một người đàn ông ôm bọc quần áo, lỡ độ đường, không nhà nào dám chứa, mà mỗi lần hỏa châu rọi sáng, in lên nền trời.
Nói đến viễn ảnh, là nói tới thời gian. Một thời gian chưa có, nhưng sẽ có. Đối lại với Giấc Đại Mộng của Marx, về một con người hoàn toàn trong một thế giới không còn giai cấp, chúng ta có "Viễn ảnh Nội Tâm", hay "Cơn Ác Mộng Riêng Tư" của Kafka. (G. Steiner tự hỏi: Tại sao một cơn ác mộng riêng tư của một cá nhân lại biến thành sự thực khủng khiếp cho cả một thế kỷ: thế kỷ 20, thế kỷ Lò Thiêu, thế kỷ Gulag?]
Nhưng thôi, hãy trở về với đàn cừu, hãy "khoanh vùng" vào một cõi văn chương, như Sartre đã làm, khi bàn về cuốn "Âm Thanh và Cuồng Nộ", và vấn đề Thời Tính trong tiểu thuyết của Faulkner:
"Đọc Âm Thanh và Cuồng Nộ, người ta đụng ngay phải những cái kỳ cục của kỹ thuật. Tại sao ông đập nát thời gian trong câu chuyện, và làm rối tung lên, những mẩu đoạn? Tại sao cái cửa sổ đầu tiên mở ra thế giới tiểu thuyết của ông, [Tại sao cái cửa sổ mở sang khu vườn Thúy], lại là ý thức của một tên khùng? [lại bị đóng chặt lại mãi mãi, chỉ vì một tên xưng xuất, là thằng bán tơ?]. Và ông trả lời: một kỹ thuật tiểu thuyết luôn qui về một siêu hình học của tiểu thuyết gia... và thật rõ như ban ngày, siêu hình học của Faulkner là một siêu hình học về thời gian. (Une technique romanesque renvoie toujours à là métaphysique du romancier... or il saute aux yeux que la métaphysique du Faulkner est la métaphysique du temps.).
Theo người viết, không chỉ với Faulkner không thôi, mà với đa số nhà văn, chỉ là một siêu hình học về thời gian. Nói một cách khác, viễn ảnh của nhà văn mới là quan trọng (hơn là kỹ thuật), và chính nó quyết định sự sống còn của tác phẩm. Trường hợp của Greene, hay của Orwell, chuyện họ làm gián điệp nằm trong viễn ảnh mà họ (cảm) thấy, về một thế giới không còn chủ nghĩa cộng sản. Viễn ảnh, hay tầm nhìn của những nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Khải... chẳng hạn, đều bị chặn đứng bởi một "tương lai gần", là chiến thắng miền nam.

Nói như vậy, có thể có người hỏi ngược lại, rằng người viết đã lấy hậu quả để chứng minh cho một vấn đề chỉ mới còn ở trong lý thuyết, theo kiểu châm ngôn của các cụ ngày xưa: gà gáy ban đêm là có cháy nhà, trong khi sự thực, do nhà cháy, gà tưởng trời sáng, nên mới gáy. Tuy nhiên, ở đây, người viết chỉ muốn "khoanh vùng" vào cái viễn ảnh nội tâm của một nhà văn. Leys cho rằng, có những nhà văn tìm thấy tia sáng sáng tạo khởi đầu ở trong những con chữ. Có những người khác, trong một hình ảnh, mà ông gọi là viễn ảnh nội tâm. Lấy trường hợp Dương Thu Hương chẳng hạn, ngay ngày đầu giải phóng miền nam, trong khi cả thế giới "hồ hởi" với những người cộng sản miền bắc, thì bà thốt lên: hỏng rồi! Một cách nào đó, bà đã nhìn ra tương lai của cả một đất nước, từ một viễn ảnh nội tâm.
Michael Caine, tuy đã ba lần được đề nghị giải Academy Award, như là diễn viên chính trong Alfire (1966), Sleuth (1972) và Educating Rita (1983), nhưng chưa từng được trao giải. Và ông cũng chẳng màng, như Rick Lyman, [tác giả bài viết trên tờ Nữu Ước Thời Báo, mà một số dữ kiện người viết bài này sử dụng] cho biết.
Tuy nhiên, ông nói với ông bạn Harvey, giám đốc hãng phim. "Hãy cho tớ một dịp may đi. Cậu biết đấy, năm nay tớ 69, già quá rồi, đâu còn nhiều dịp, và còn sức, để mà múa may nữa."
Khán giả ghiền xi nê tại miền nam trước 1975, nhất là lớp người như tôi, làm sao không biết tới Ngài Michael Caine cho được cơ chứ! Không chỉ vì ông đóng phim "hay", mà còn vì đề tài những phim ông đóng. Người viết còn nhớ, đã từng trải qua gần một buổi sáng, bên ly cà phê nguội ngắt vì mải nói chuyện, với một "ông bạn", cũng dân ghiền xi nê, và cũng ghiền những phim trinh thám, và cũng mê cách đóng trò điệp viên lù khù của Michael Caine. Ông bạn nhà văn đàn anh... Mai Thảo!

Vào thập niên 1950, Michael Caine đã là một diễn viên điện ảnh, nhưng phải đợi tới phim "Hồ Sơ Ipcress", xuất hiện năm 1956, ông mới trở thành một diễn viên hàng đầu của Anh, một vị trí mà ông giữ mãi tới hai chục năm, với những phim nổi tiếng chẳng kém, như Đám Tang Của Tôi Tại Berlin... rồi sau đó, ông lu mờ dần, nhưng với khán giả miền nam, ông luôn luôn, và chỉ là tay điệp viên lù khù của Hồ Sơ Ipcress, và Đám Tang Của Tôi Tại Berlin.

Mai Thảo, tôi, và những khán giả ghiền xi nê tại sài Gòn những năm "đó đó", chúng tôi chỉ biết Hồ Sơ Ipcress qua cái tên tiếng Tây, là "Nguy Hiểm Tức Thời" (Danger Immédiat). Như tất cả những phim Mỹ, chúng tới miền nam Việt nam qua ngã Paris, nghĩa là đều nói tiếng Tây, đều có một cái tên Tây. Thí dụ những phim cao bồi mà khó ai có thể quên nổi như Shane, biến thành Người của những thung lũng mất tích, L’homme des vallées perdues, với anh chàng bồi lùn tịt Alan Ladd (?), High Noon: Còi xe lửa thét ba lần, với Gary Cooper – một trong những nhân vật người hùng đại diện cho nam tính của người Mẽo, còn có John Wayne, Humphrey Bogart... - và cô đào Grace Kelly, sau thành bà hoàng Monaco, và lẽ dĩ nhiên, làm sao quên nổi, bản nhạc "Do not forsake me, oh my darling" (lời Pháp, Et toi aussi, tu m’abandonnes: Cả em nữa, cũng bỏ anh sao?), với tiếng hát đầy chất người hùng chăn bò (cowboy), của Frankie Laine.

Nguy Hiểm Tức Thời, Đám Tang Của Tôi, hai phim nổi tiếng do Michael đóng, đều dựa trên tác phẩm của Len Deighton, một nhà văn chuyên viết truyện điệp viên người Anh, và đề tài của ông, là về cuộc chiến tranh lạnh. Ông nổi tiếng chẳng kém gì một nhà văn Ăng Lê cũng chuyên viết truyện điệp viên là John Le Carré và đó cũng là lý do tại sao Mai Thảo và tôi cùng mê.
Chúng tôi hay ngồi uống cà phê tại quán Cái Chùa ở đường Tự Do, Sài Gòn. Sở làm của tôi gần đấy. Mỗi buổi sáng, tôi phải ghé sở thật sớm, coi có việc gì dành riêng cho tôi, mà thường là không (bởi vì "ca chính" là vào buổi trưa), bởi vậy, liền sau đó, thay vì về nhà, tôi ghé quán Cái Chùa. Còn Mai Thảo, ghé gặp tôi, là để lấy bài cho tờ Vấn Đề, hoặc để kiếm một chỗ ngồi, viết vội cho xong mấy trang fơi ơ tông, cho một nhật báo, hoặc để chờ những ông bạn khác, của cả hai, sẽ lục tục tới sau đó.
Trong nhóm Sáng Tạo, Mai Thảo là người đi ra nước ngoài sớm nhất, tuy cũng trải qua hình như là ba niên, sống "chui", trong khi chờ "dịp may". Những người kia còn ở tù, hoặc ở trong trại cải tạo. Chi tiết về những ngày sống chui, đã nhiều người kể rồi, và dù không có người kể ra, những độc giả của ông cũng đoán ra được, từ cuộc sống chui của họ. Khi người viết ra được ngoài này, ông còn sống, nhưng không có dịp gặp lại. Những ngày trước 1975, tuy thường gặp, nhưng thật khó mà là bạn thân, một phần ông đã có địa vị trong giới viết văn, một phần do "ngần ngại", ở cả hai phía.
Có thể vì các bạn ông đều ở tù, rồi cả nước ở tù, cho nên những ngày đầu, ông "chống cộng thẳng thừng", nghe nói còn tuyên bố, không thèm đọc những gì từ phía những nhà văn cộng sản. Thái độ đó có thể còn là do hình ảnh vẫn còn đọng lại mãi trong ông, khi giã từ Hà Nội: "Phượng nhìn xuống Hà Nội, vực thẳm ở dưới đó." (Đêm Giã Từ Hà Nội).
Nhưng trong thâm tâm, ông không thể nào quên thành phố đó, tôi tin như vậy.
Tôi nhớ một lần, ngồi ở quán Cái Chùa, nhân nói chuyện di cư (nghĩa là tại sao rời bỏ Hà Nội), ông cho biết, "Thì mình tính, chỉ sau hai năm là tổng tuyển cử, là thống nhất, thế là đi, biết chắc một điều, lời được hai năm."
Ngẫm nghĩ một hồi, ông gật gù, "Vậy mà lời hơn nhiều".
Tuy nói "lời", nhưng nghe thật bùi ngùi.
Lần trở lại Hà Nội, tôi được một nữ thi sĩ kể cho nghe, về lần gặp Mai Thảo, nhân chuyến ghé thăm Tiểu Sài Gòn.
"Vừa nghe tiếng nói thốt lên, ông đang thiu thiu, ngồi nhỏm dậy, hỏi:
-"Ai đó?... Lâu lắm mới được nghe giọng Hà Nội".
Tờ The Guardian, trên lưới, số đề ngày 23 tháng 11, 2002, giới thiệu bài viết của Salman Rushdie, "Những Mảnh Tôi" (Divided Selves: Những Cái Tôi Bị Chia Cắt), bằng những dòng: một nước Ấn bị chia sẻ đã cắt gia đình của Salman Rushdie ra làm hai, và ông làm cho nó hết còn chia sẻ, bằng tác phẩm của cả cuộc đời của mình.
Qua trích đoạn bài viết trên Guardian, "cuốn sách quí giá nhất" mà ông có được, là tấm giấy thông hành. Nhưng vẫn theo ông, tấm giấy thông hành là "cái chó gì", nói cho cùng. Chỉ là một món đồ thông thường, tiện dụng.
Mai Thảo rời dất nước theo kiểu chui, nghĩa là chẳng có giấy thông hành. Cái tấm giấy thông hành đầu tiên của ông, chắc là để đi thăm bạn. Hình như ông có ghé Hồng Kông thăm trại tị nạn thì phải, vì có một bài viết của ông nhan đề "Hồng Kông ở dưới chân." Tôi chưa được đọc, nhưng cái tít làm tôi nhớ đến bài viết đầu tay – Đêm Giã Từ Hà Nội – và câu văn khởi nghiệp văn của ông – "Phượng nhìn xuống Hà Nội: vực thẳm ở dưới đó." Và tôi thử lập lại câu văn của ông:
"Phượng nhìn xuống Hồng Kông, những đứa con của Hà Nội bỏ chạy Hà Nội ở dưới đó."
Đột nhiên, tôi nhớ đến Phượng. Của Greene:
"Phượng có nghĩa là Phượng Hoàng, nhưng những ngày này chẳng có chi là huyền hoặc, và chẳng có gì tái sinh từ mớ tro than của loài chim đó."
***
-Ipcress, cái gì vậy cà? Nhân vật thần thoại Hy Lạp hả? Xếp hỏi tôi.
-Thưa đó là một cái tên viết tắt. Nôm na, nó có nghĩa là Tẩy Não.


Nhà phê bình văn học người Pháp, Marthe Robert cho rằng, có hai cách "làm thịt" người. Một cách, cứ tạm gọi bằng cái tên, làm thịt người theo kiểu Cam Bốt, giống như người ta thường nói, làm món vịt quay theo kiểu Bắc Kinh, thí dụ vậy – và một, theo kiểu... Việt Nam. Kiểu thứ nhất, theo bà, là kiểu của những tên đồ tể "hăm hở", kiểu thứ nhì, của những tay "nhẩn nha". Sau cùng, kiểu nhẩn nha thắng, nó làm thịt luôn cả những tên đồ tể "hăm hở".
[Nguyên văn: Nhận xét của tôi về tính "hăm hở" của những người Cam Bốt, và tính "nhẩn nha" của Việt Nam, đã được nghiệm chứng một cách thật là kinh khiếp. Chỉ là vấn đề thời gian: những kẻ "hăm hở" làm thịt thế giới của họ ngay lập tức, liền tù tì, trong khi những kẻ "nhẩn nha", nhẫn nại hơn, kiên trì hơn: từng tí, từng tí, họ làm thịt thế giới của họ, trong khi đợi làm sạch luôn cả những tên đồ tể "hăm hở"] (1)
Phải nhẩn nha lắm, mới có thể nhốt "thế giới của họ" hàng chục năm trời, trong những trại cải tạo, mà mục đích của nó, là tẩy não, phục hồi nhân phẩm cho những con người "không phải là con người": những tên ngụy.
Theo nhà văn người Anh chuyên viết chuyện điệp viên, Len Deighton, Tẩy Não, tên tiếng Anh của nó, và cũng là tên một cuốn tiểu thuyết điệp viên của ông, là : Ipcress.
Cho phép người viết giới thiệu sơ, về ông.
Sinh ngày 18 tháng Hai, 1929, tại London, Anh Quốc. Nhà văn, ký giả, nhà làm phim, và là người viết tiểu thuyết điệp viên hàng đầu. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên đưa ông lên đài danh vọng, là Hồ Sơ Ipcress (1962), thuật câu chuyện phản bội, thanh toán lẫn nhau, tại một cơ quan tình báo. Cuốn thứ nhì Đám Tang tại Bá Linh (1964) cũng nổi tiếng chẳng kém cuốn đầu. Hầu hết những tác phẩm của ông đều được quay thành phim. Ngoài ra, ông còn viết một số sách sử học, và sách dậy nấu ăn.
Ipcress mở ra bằng những câu thơ, lấy từ kịch Henry IV, của Shakespeare:
Tôi sẽ mở ra một cuốn sách bí mật
Và trong khi cái đầu của bạn như muốn nổ bung ra, vì giận dữ,
Tôi sẽ nói cho bạn biết nội dung sâu xa, và nguy hiểm của nó.


Hai đứa, Mai Thảo và tôi, đã coi phim, trước khi coi truyện. Và chẳng hề biết đến cái tên Ipcress, ngoại trừ cái tên Nguy Hiểm Tức Thời. Thật khó mà hiểu được con đường đi, từ Ipcress tới Nguy Hiểm Tức Thời.
Nghe nói ở trong nước mới dựng phim Mê Thảo – Thời Vang Bóng, phỏng theo truyện Chùa Đàn của Nguyễn Tuân. Và đang có dư luận, khen cũng dữ mà chê cũng chẳng kém, về cuốn phim này. Trong một kỳ tới, người viết sẽ tản mạn về vấn đề chuyển thể, từ truyện qua phim, và ngược lại. Ở đây, chỉ xin lạm bàn về "cái đuôi" "Thời Vang Bóng" của phim. Chữ này cũng của Nguyễn Tuân, nhưng không phải nói về Mê Thảo, về Chùa Đàn, về Thị Trấn Ngày Mai, về Ngày Mai Ca Hát... mà về một cõi đã trở thành dĩ vãng, với những thú ăn chơi như Thả Thơ, Đánh Chữ, Uống Trà Tầu... Tôi không hiểu, đạo diễn Việt Linh của phim Mê Thảo, khi cho thêm cái đuôi, Thời Vang Bóng, vào trong tên phim, liệu bà muốn sử dụng "ẩn dụ", theo nghĩa, cái thế giới Cách Mạng, mà anh chàng Lãnh Út, chủ dất Mê Thảo, đã lao vào, rút cục cũng chỉ là "Thời Vang Bóng"?
"Tẩy Não"cũng nói về ngày mai ca hát, của những điệp viên, của "đạo quân thứ năm". Nên nhớ, Lãnh Út có thành tích là... một tên khủng bố, như trong Chùa Đàn cho thấy: "Tôi ngờ Lịnh có dính vào chuyện [chiếc tầu] Georges Philippar phát hoả, làm chết một nhà báo tâm huyết Albert Londres và suýt chết luôn một ông quan xứ ta đi đón một ông vua Bảo Đại về nước nhận ngôi. Tôi nhớ rằng nhiều lần Lịnh đã giảng kỹ cho tôi về các công tác phá hoại". Còn một chi tiết "rất ư là hiện tại" về Lịnh, nếu chúng ta để ý đến vai trò của tiền bạc trong mọi âm mưu khủng bố: "Lịnh có rất nhiều măng-đa." (Chùa Đàn, Nguyễn Tuân, Tuyển Tập I, trang 359, nhà xb Văn Học Hà Nội, ấn bản 2001).

Đạo diễn Việt Linh, như người viết được biết, là người miền nam, và đây là tác phẩm đắc ý, bà để ra rất nhiều năm tháng làm phim này. Một người miền nam mà nhất định làm một phim về Nguyễn Tuân, và về một xứ Mê Thảo, ở mãi tít miền bắc, cái đó cũng lạ.
Tại sao Mê Thảo?
Qua bài viết của Phạm Xuân Nguyên trên diễn đàn Talawas (talawas.org), khi phim được chiếu tại Tokyo (không biết trong nước đã được coi chưa), một khán giả Nhật đã hỏi Mê Thảo nghĩa là gì. Đây quả là một câu hỏi hắc búa theo tôi. Chúng ta tự hỏi, Việt Linh đã bỏ bao năm tháng vào cuốn phim, bà phải mê Chùa Đàn, và nói rộng ra, mê Nguyễn Tuân, "ông thầy phù thủy của chữ nghĩa", như vậy, khi đặt tên phim là Mê Thảo-Thời Vang Bóng, nó phải có một "ý nghĩa gì đó" chứ? Những cái tên là rất quan trọng. Đâu phải tự nhiên mà con bọ của Kafka tên là Samsa? Kẻ Xa Lạ (Camus), Meursault, Bếp Lửa (Thanh Tâm Tuyền), Tâm....
Vậy, Mê Thảo nghĩa là gì?
Theo tôi, Nguyễn Tuân phải là người đã từng đọc Marx, qua nhân vật Lịnh cho thấy ("Lịnh đang nghiền ngẫm bộ Kinh Dịch và đang xoay nó vào Biện Chứng Pháp Duy Vật". Chùa Đàn), như vậy, ông phải biết đến câu nói nổi danh của Marx: tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng. Thuốc phiện còn có tên là Mê Thảo, Mê Dược. Liệu đây là "message" của phim: Cách mạng là thuốc phiện của.... Lịnh, và những người như ông (những công dân, những "sĩ phu", của một miền đất đã một thời vang bóng)?

Nhân tiện đây, cũng xin nói thêm, Nguyễn Tuân là người đầu tiên đưa ra danh từ "cờ máu", như trong đoạn trích dẫn sau đây, từ truyện ngắn Lột Xác - qua ghi chú của nhà xuất bản, được viết năm 1945, và có tên là Vô Đề, sau đổi lại, (ai đổi lại?) - được in lại trong Tuyển Tập Nguyễn Tuân (nhà xb Văn Học, Hà Nội, ấn bản năm 2000):

"Ngoài đường, cuộc Cách Mệnh đang bước dài trên khắp ngả phố. Trên các cửa sổ mở, gió đời lùa cờ máu bay theo một chiều.... Cái luồng gió ban nãy thổi cờ máu, thổi mãi vào thịt non Nguyễn đang se dần lại...".

Sẵn trớn tại sao Mê Thảo: Tại sao Mưỡu Cuối?
Chùa Đàn của Nguyễn Tuân gồm ba phần: Dựng, Tâm Sự Của Nước Độc, và Mưỡu Cuối. Dựng là một thứ "intro", "ouverture", giới thiệu nhân vật, và mở ra cuộc gặp gỡ định mệnh, giữa "chữ" – giữa ông nhà văn, người kể chuyện, nhân vật xưng tôi: "Bị phát vãng lên đường ngược, ở một tỉnh phía tây Bắc Bộ vào những năm khủng bố thời Pháp thuộc ấy, tôi đã chú ý đến một người tù" – và "vật" – "vật" ở đây có thể hiểu như là danh từ tắt, để chỉ chủ nghĩa duy vật lịch sử qua nhân vật "đại diện" của nó: Lịnh, anh chàng trí thức tiểu tư sản, "ngộ" sau cái chết của một cái chết – cái chết của người vợ cưng, và cái chết của một người đầy tớ, và cũng là một tri kỷ muộn: chỉ sau khi Bá Nhỡ chết vì tiếng đàn, Lịnh mới đốt Mê Thảo, tửu phần, và đi theo Cách Mạng.

Cảm tình tri ngộ, Cô Tơ, sau khi Bá Nhỡ chết, đã xin lập am để thờ, và qui y Cửa Phật.

Mưỡu Cuối, kể cuộc gặp gỡ giữa nhân vật xưng tôi, và sư Tuệ Không, pháp danh của Cô Tơ, và khẳng định về một Ngày Mai Ca Hát không thể thiếu tiếng hát của một Cô Tơ: "Không Cô Tơ ấy phải sống – nghĩa là sư thầy cũng phải tái sinh ngay lại vào cuộc đời thực tại này. Không cần phải đợi cho tóc mọc lại, vì cần kíp lắm rồi.... Hãy vứt lại cái mõ, cầm ngay lấy đoạn trúc xưa mà hát lên một bài cho xứ sở rung thêm lên nữa với công cuộc đang sinh thành. Cô há chẳng thấy cuộc đời đang tưng bừng đi tới...".

Theo tôi, có ba cách đọc Chùa Đàn, với "chỉ một" độc giả của nó. Nói một cách khác, cấu trúc Chùa Đàn chính là câu thai đố mà con nhân sư đặt ra cho Oedipe, và vì giải được, Oedipe đã phải chịu lời nguyền của nó: giết cha, lấy mẹ, tự chọc mù mắt mình, đi lang thang trong sa mạc...
Con vật nào buổi sáng đi bốn chân, là độc giả của Chùa Đàn khi còn trẻ tuổi, hăm hở với giấc mơ làm lại lịch sử, thay đổi cuộc đời. Với một độc giả như vậy, đoạn cuối, là đoạn hay nhất, tuyệt nhất. Một Tâm Sự Của Nước Độc, một nhân vật thần thoại như thế, Lãnh Út, làm sao có thể kết thúc, bằng những tiếng gõ mõ tẻ nhạt của một sư thầy Tuệ Không?
Con vật nào buổi chiều đi ba chân: Một độc giả già, sẽ bỏ luôn cả phần đầu, và phần cuối, và chỉ giữ lại, phần giữa: Tâm Sự Của Nước Độc.

Như các bạn đã biết, con vật mà con nhân sư nói tới đó, là con người, khi còn nhỏ, bò, khi lớn, đi bằng hai chân, và về già, chống gậy.

Và cách đọc thứ ba, của Chùa Đàn là dành cho những độc giả, ở một nơi chốn không thể có tiếng hát, hoặc có tiếng hát, nhưng là thứ âm nhạc của những kẻ trầm luân, hát ở đáy địa ngục, nói theo Kafka.

Nguyễn Tuân là một người sành "mê thảo", ở ngoài đời. Một cách nào đó, những tác phẩm "ruột" của ông, đều được viết dưới ánh sáng của một ngọn đèn: Tàn Đèn Dầu Lạc, Chiếc Lư Đồng Mắt Cua.

Nhân vật Fowler cũng là một tay sành điệu trong nghề.

Greene cũng đã từng bị FBI theo dõi, vì hay vui chơi nơi bàn đèn, xóm điếm....

Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, một cách nào đó, là đệ tử của Nguyễn Tuân, và cũng không phải là không biết tới thú đi mây về gió.

Xuyên suốt những tản mạn trên đây, là sợi khói thuốc, nối kết tất cả....


Trong quá khứ một đời người, đã từng đam mê mớ chữ, và đã từng đọc đi đọc lại Chùa Đàn, Gấu cứ tiếc hùi hụi, giá mà đừng có Mưỡu Cuối. Cứ kể như là Trời Đất từ nay xa cách mãi, Cô Tơ chỉ còn một việc cầu kinh giải oan, cho chỉ một tri âm tri kỷ là Bá Nhỡ; Lãnh Út đi làm cách mạng, làm tên khủng bố, và cứ thế biệt tích giang hồ, chẳng ai thèm nhớ tới nữa; còn cái anh chàng kể chuyện, nhân vật xưng tôi, cứ lo việc kể chuyện, và độc giả của anh cứ tiếp tục đọc, hoặc tiếp tục bắt chước anh ta, và viết, và - "Những người khác có thể làm thành một cuốn sách" (Gide), chỉ cần một câu văn là mở ra cả một cuốn tiểu thuyết - "bạn đọc thân mến của tôi ơi", bạn có thể trở thành một trong những độc giả-tác giả, bởi vì câu văn mở đầu Chùa Đàn quả là một câu văn tiên tri, mở ra trước tiên là những trại tù ở miền bắc, và sau đó, nền văn học ở hải ngoại:

"Bị phát vãng lên đường ngược, ở một tỉnh phía tây Bắc Bộ vào những năm khủng bố [cải tạo]..."

Chỉ tới mãi sau này,"cùng với cả nước", Gấu mới hiểu được sự thừa thãi "có ích" của mưỡu cuối, của những "cần kíp lắm rồi, hãy vứt ngay cái mõ, hãy không kịp để cho mớ tóc mọc lại...".

Nhà thơ Auden đã có lần viết về chuyện thơ ca bị dùng làm trò phù thuỷ, "mắc mớ gì tới thi sĩ, ông ta/bà ta làm sao ngăn cấm được chuyện đó". Áp dụng nhận xét trên vào trường hợp Nguyễn Tuân, vào Mưỡu Cuối mới thấy, lịch sử "cà chớn", "đểu giả" thật: bởi vì, cứ giả sử như Cô Tơ phụ tình tri kỷ Bá Nhỡ, nhập thế trở lại, cầm lại cây đàn ma quái (chủ nghĩa Cộng Sản?), và, hát bài Nối Vòng Tay Lớn, rồi sau đó, xuống thuyền vượt biển, thì... tếu thật!

Còn nhớ, một lần, bên ly cà phê sữa, cái bánh croissant, nhâm nhi một buổi sáng Sài Gòn tại Quán Chùa, nhân nói tới Nguyễn Tuân, và những tác giả như Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo... ông anh nhà thơ gật gù cảm khái, tôi nhớ đại khái, như vầy: mấy ông ấy đã có thời may mắn "gặp" Nguyễn Tuân.

Sơ Dạ Hương

Chú thích:

(1): Ma remarque sur la "véhémence" des Cambodgiens et la "pondération" du Vietnam s’est trouvée entre-temps monstrueusement confirmée. C’était somme toute une affaire de temps: les "véhéments" exterminaient leur monde sur-le-champs, tandis que les "pondérés", plus patients, exterminaient le leur petit à petit, en attendant d’anéantir également les "véhéments" exterminateurs.
Marthe Robert: La Vérité Littéraire (Grasset, Livre de Poche, Collection biblio essais).