Đói
và Đất Bắc.
Nhà thơ Joseph
Brodsky sinh tháng Năm 1940 tại St. Petersburg.
Khi Đức quốc xã xâm lăng Nga-xô, ông được hơn một tuổi. Hơn một tuổi,
nhớ gì
được, nói chi nhớ được gì, nhưng đây là cuộc vây hãm dài nhất lịch sử
cận đại,
từ ngày 8 tháng Chín năm 1941 đến 27 tháng Giêng 1944. Cuộc vây hãm 900
ngày
thành cái tên của nó (thực sự chỉ có 872 ngày). Con số người dân thành
phố
chết, chỉ riêng trong năm 1942, là 650 ngàn người, phần lớn do đói,
bịnh và
pháo.
Ông kể, "Tôi còn
nhớ khá rõ cảnh tượng mẹ tôi đẩy chiếc xe, trên có một đứa bé là tôi,
qua những
con phố ngập tuyết. Chập tối, trên trời, những đợt sáng phòng không
quét qua
quét lại. Đó là tuổi thơ của tôi… Mẹ tôi đếm coi ai đã chết, ai còn
sống; có
người cứ thế lịm đi, ngay trên giường của mình. Những lần cha tôi từ
mặt trận
trở về, ba má tôi thường nói về những chuyện đó…"
Khi được hỏi, họ có
nói chuyện người ăn thịt người, thời gian thành phố bị vây hãm, ông trả
lời,
"Họ có nói. Lẽ tự nhiên."
Lẽ tự nhiên…
***
Năm
1954, khi rời đất
bắc, Gấu mang theo khá nhiều kỷ niệm về cái đói.
Nửa thế kỷ sau, trở
lại, lẫn trong những tình cảm xót xa, bùi ngùi của bà chị, là một số kỷ
niệm về
cái đói của bốn chị em mà bà vẫn còn giữ.
Mấy mảnh trấu trong
bình trà, ngày đoàn tụ?
Hay là bà chị sợ đứa
em đi quá xa, quá lâu, có thể quên mất mùi vị của một miền đất?
***
Bà chị nói:
"Em có còn nhớ,
một lần, mợ [mẹ] đi vắng, chị ở nhà thổi cơm bằng nồi đất, em ngồi bên
cạnh
bếp, chị đi đâu ra bên ngoài, rồi chị nghe em kêu, "Chị ơi, chị ơi, cái
nồi cơm nó nứt ra kìa….".
Hơn nửa thế kỷ, khi
trở về, đứa em mang theo câu trả lời: cái nồi đất nứt ra làm đôi vì
không chịu
nổi lượng gạo nở thành cơm mà nó chứa đựng. Sức chứa của nó nhỏ hơn, so
với cơn
đói của mấy chị em.
Một trong những lý do
đứa em vào Nam,
là để mang đi một phần cơn đói, như vậy những người thân yêu còn ở lại
có thể
chịu đựng được phần còn lại.
*****
2. Trái tim trong
thành phố
Em vẫn là của anh?
(Are you still mine? Unchained Melody)
Hãy hủy diệt, nàng
nói. (Marguerite Duras)
Trước hết, tôi không
phải là người sinh trưởng ở Hà Nội. Quê tôi ở Sơn Tây, cách xa Hà Nội
chừng
bẩy, tám chục cây số. Đối với một người dân miền Nam, khoảng cách đó
chỉ băng
quãng đường từ Sài Gòn xuống ngã ba Trung Lương, thời gian di chuyển
chừng trên
dưới một giờ đồng hồ. Nhưng ở xứ Bắc, cuộc kháng chiến chống Pháp bắt
đầu bằng
chính sách tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống; đường xá cầu
cống đều bị
huỷ diệt để ngăn chặn bước tiến của địch quân, nhà lầu bị triệt hạ
khiến cho
địch hết còn chỗ đóng quân hay đặt địa điểm quan sát, đặt súng lớn…
Quãng đường
Hà Nội - Sơn Tây do đó cũng chịu chung số phận.
Trong những năm chiến
tranh, đất Bắc bị phân hai, một vùng "địa phương" do Việt Minh chiếm
giữ, gồm những tỉnh thượng du Việt Bắc; một vùng "Tề" do Pháp và
chính quyền quốc gia kiểm soát, gồm những tỉnh thuộc đồng bắng sông
Hồng, trong
đó có vùng ven đê sông Hồng thuộc tỉnh Sơn Tây.
Làng tôi ở ven sông
Hồng. Khoảng năm 1946, khi quân Pháp từ trên trời nhẩy dù xuống cánh
đồng làng
tôi, rồi sau đó thành lập chính quyền quốc gia, gia đình tôi chạy tản
cư vào
sâu phía trong, phía chân núi Ba Vì, nơi ngày xưa Đức Thánh Tản mang
người yêu
về để ở, lần lần chạy ngược lên Phú Thọ. Ít lâu sau, thấy quê nhà tạm
yên, gia
đình chúng tôi tìm cách "dinh tê", nghĩa là về Tề.
Về Tề, sau khi đậu
tiểu học, tôi được ra Hà Nội học tiếp…
Hà Nội như thế đối
với tôi một đứa trẻ nhà quê, kỷ niệm cây kem lạnh buốt răng lần đầu
được liếm
láp (kỷ niệm bừng sống lại, lần đọc Garcia-Marquez, khi ông mở ra "Trăm
Năm Cô Đơn" bằng cái cảnh pháp trường, và tử tội, trong những giờ phút
chờ
đợi hành quyết, đã nhớ lại cái cảm giác lạnh buốt lần đầu sờ tay vào
cục nước
đá…); những phim Tarzan, Zorro lần thứ nhất được xem (chung kỷ niệm với
nhà thơ
Nobel văn chương người Nga, Joseph Brodsky); những hồi chuông xe điện
cho tới
bây giờ thỉnh thoảng còn rộn ràng…
Vào
Nam, tiếp tục đi học, tốt nghiệp, đi làm, kiếm được tiền
nuôi thân, nuôi gia đình, bắt đầu nhớ Hà Nội, khi chợt nhận ra rằng đã
thực sự
mất nó, như tuổi thơ đã vĩnh viễn qua đi. Những năm mới lớn, còn nhiều
mơ mộng,
trí nhớ luôn tìm lại Hà Nội, cố tìm lại tuổi thơ không phải để thì thầm
sau
này, khi đã đứng bóng, mà là để kể cho một người khác, để viết trong
bức thư
tình đầu tiên trong đời. Khi cảm thấy được yêu, cảm thấy hạnh phúc có
thực, một
đôi lần có cảm tưởng chẳng cần tới Hà Nội, hoặc Hà Nội đã được hiện
thân ở nơi
người yêu. "Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà Nội" (ôi, những cái
"bởi vì" ngông cuồng, đáng yêu của một thời trẻ dại), hình như đã
viết như vậy, một lần nào đó ở trong thành phố Sài Gòn, trong một lá
thứ mầu,
chữ viết thật nắn nót, thật thật…
Càng về già, càng
nhận ra, không chỉ nhớ Hà Nội như hình ảnh đẹp của một thời đã mất, mà
còn nhớ
như một vết thương, hình ảnh kết tinh của cả một miền đất nghèo khổ
đang trở
nên cằn cỗi… Nhớ bãi cát nóng bỏng nơi làng cũ, và hình ảnh một người
đàn bà
trong làng, từ con chợ bên kia sông trở về, với gánh nặng oằn vai, chạy
lết
trên mặt cát, tới khi gan bàn chân hết còn chịu nổi, vứt tầu lá chuối
rồi đứng
lên trên, rồi lại lết chạy tiếp… Nhớ miếng cơm chín phần ngô hoặc
khoai, ngụm
cháo dọc khoai, ngứa cào cổ họng, chỉ muốn nôn ra, nhưng vẫn cố nuốt,
ngụm cháo
cám, tranh ăn cùng loài vật…
Cách đấy ít lâu, hồi
còn độc thân, một bữa đi chơi khuya, theo một người bạn về khách sạn
ngủ; phòng
ngủ gắn máy lạnh, nửa đêm chợt thức giấc, nghe tiếng máy lạnh chạy rào
rào, cảm
giác như đang sống trong mùa đông cũ, và tiếng rào rào kia đúng là
tiếng gió
bấc thổi ở nơi quê nhà…
Nguyễn Quốc Trụ
Ghi chú: Phần hai bài
viết đã được viết trước năm 1975, lần đầu xuất hiện trên báo Văn, tại
Sài Gòn;
sau được in lại trong Những Ngày Ở Sài Gòn, tập truyện, nhà xuất bản
Đêm Trắng,
Sài Gòn, 1970. Tác giả có sửa lại.
NQT