*






Linh Nghiệm

Trần Huy Quang


 Thay  Lời Giới Thiệu

 ….. Cuối cùng tôi xin gợi ý các nhà học giả từng viết tiểu sử HCM – như Pierre Brocheux, như William J. Duiker, và những bạn khác đang có dự định ấy , hãy để chút thì giờ đọc và suy nghĩ về một bản tiểu sử HCM rất độc đáo, do một nhà văn trong nước VN  còn rất trẻ viết và được đăng công khai để bị cơ quan an ninh của chính quyền truy tìm để huỷ ngay 4 ngày sau đó, để rồi lại được dân tò mò tìm đọc nhiều hơn. Nó vẫn còn được dấu kín. Nó chỉ là bài báo báo nhỏ, với đầu đề: Linh nghiệm, chỉ vừa một ngàn từ, mà gói gọn cả một đời người HCM, nguồn gốc gia đình, tham vọng, ảo tưởng, sự mù quáng dai dẳng và kết quả xã hội của sự nghiệp con người ấy. Trần Huy Quang kể lại đã ôm ấp viết tác phẩm nhỏ bé ấy suốt hơn 10 năm, nghiền ngẫm, cân nhắc từng chữ, từng câu, từng hình ảnh, rồi tính toán mưu kế để nó vượt qua lớp lớp kiểm duyệt, chào đời trên tờ báo Văn Nghệ, cơ quan của Hội nhà văn chính thống, trong nỗi sung sướng cùng cực mà lo âu cũng vô hạn của tác giả, của bạn thân và vợ con anh .

              Tôi nghĩ bản ‘’tiểu sử‘’ HCM, bé hơn bàn tay này của một công dân VN loại 2, một nhà văn trẻ thông minh, là một bổ sung không thể thiếu cho những công trình đồ sộ như  của W.J.Duiker, tạo nên bức chân dung đầy đủ và trung thực -  phối hợp con mắt khách quan với cái nhìn chủ quan của người trong cuộc, của nhà sưu tầm tài liệu với người chịu trận, của người khảo cứu bằng lý trí lạnh lùng và người trái tim đập thình thịch khi sáng tác -  về nhân vật lịch sử HCM có nhiều tranh cãi  và vẫn còn không ít bí hiểm này. 

Hinh là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã từng làm quan nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên không mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy học ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở vùng sơn cước. Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất ở vùng chôn nhau cắt rốn cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết làm bằng hữu. Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ Hán, đọc Rút-Xô, Mông-tét-ski-ơ... bằng nhuyên bản, nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngoại. Ðạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng đường học vấn thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc dĩ mà thôi.

 Hàng ngày, Hinh sống như người nuốt phải quả chùy gai vào bụng, buốt nhói, nhăn nhó, bồn chồn, vừa ngồi đã đứng lên, mới ngủ đã vùng dậy, trán nhăn tối, mắt xa xăm. Như đang phải lòng một tiểu thư khuê các...

 Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột, không bao giờ để phí chí khí, sức lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn. Chiếm mười trái tim đàn bà đâu có gì khó nhưng một trái tim nhân loại thì phải vượt trùng dương. Hinh ngước cái nhìn mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tầu, tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi thiện hoặc hơi hướng của miền cực lạc để đưa về cho chúng sinh.

 Tháng ngày như sợi chỉ căng mà lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải mong một phút được quỳ dưới chân bậc chí thành và nói: "Ơn Người. Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con... Lũ chúng sinh con khao khát được gặp Người..."

 Thế rồi, như sự linh nghiệm của lời cầu nguyện cầu, một đêm giông tố bão bùng đất trời như trong cơn đau sinh nở, Hinh đã lên chín tầng thánh địa để được gặp đấng chí linh.

 Bắt đầu là một ngọn nến, ánh lửa dịu ấm, tỏa một quầng sáng hình nón. Vầng sáng ấy tỏa hào quang, tia hào quang không thẳng mà có hình gấp khúc. Cuối cùng, ở trung tâm vầng sáng ấy hiện ra khuôn mặt kiều diễm của cô gái tóc vàng. 

"Kính thưa..." Hinh bàng hoàng thốt lên. 

 "Không phải!" Cô gái mỉm cười độ lượng. "Tôi chỉ là sứ giả của đấng lập đạo. Anh có thỉnh cầu gì gấp lắm không? Người đang bận, việc lãnh đạo chỉ mới ở bước khởi đầu..."

 "Kính thưa, tôi là người của xứ sở nhọc nhằn tăm tối..." 

 "Thôi anh khỏi cần nói, chàng trai ạ, người xứ nhọc nhằn có khát khao ánh sáng thì việc hành đạo mới càng được dễ dàng. Ðây, anh cầm lấy, theo đạo thư này, anh sẽ tìm được chân lý". 

 Vị sứ giả trao cho Hinh đạo thư quý giá ấy rồi nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn như một cái chấm chính giữa vầng hào quang rồi biến mất giữa bao la. Hai tay đỡ cuốn sách trước trán, Hinh vẫn quỳ và thành kính đặt lên đó một cái hôn, rồi anh run run dở ra đọc.

"Hãy đi về phía Nam theo con đường một bên là cây và một bên là nước, cuối con đường có quán bia hơi và thịt chó. Ðừng nhìn vào chốn đam mê ấy và đi thật chậm. Dọc đường sẽ có người hỏi: "Có đi không?" thì đừng đi. Ðó cũng là người cần lao chứ không phải ma quỷ cám dỗ, nhưng phải đành từ chối. Ði tiếp, sẽ gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Bây giờ, anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất để "tìm cái này". Cứ thệ chỉ cần một lúc sau, anh sẽ có được một thiên hạ"

Hinh ấp cuốn đạo thư vào ngực, tức tưởi: "Trời ơi, bảo bối, bảo bối..." Hinh sung sướng hét toáng lên. Tiếng anh vang rất to trong đêm và lúc ấy Hinh mới biết mình vừa qua một giấc mơ. Nhưng trời ơi, tại sao những điều anh nung nấu trong tâm can bấy lâu nay lại được giải quyết trong mơ. Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa. Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi...
  
Sáng hôm sau, Hinh thành kính chuẩn bị lên đường. Quần áo tươm tất, mũ miện đàng hoàng. Trước nhà anh có một đại lộ chính Nam. Có lẽ đúng là con đường này nên anh dần bước ra đi. Một bên là cây và bên nước, hay một bên rừng một bên biển? Anh cứ đi, qua vài đoạn phố nữa thì anh thấy mình đi đúng con đường men theo cái hồ. Và giữa phố có hàng bia hơi thịt chó mà vài lần anh cũng đã bị cuốn vào đó. Ôi, sự linh nghiệm không sai một dấu phẩy. Ðường phố trong veo, lui cui dăm chiếc xe đạp chở kẹo bánh, than tổ ong đi bỏ mối cho các hàng nước vỉa hè, lọc cọc đôi chiếc xích lô cà tàng, đi tìm khách. Vài cô gái điếm vật vờ.

 "Có đi không?". Một cô gái điếm rủ rê. Hinh nhớ đến giấc mơ mà thấy lạnh xương sống, trong mơ cũng đúng ba chữ ấy. Ðến cuối phố, Hinh thấy một ki-ốt sách báo thật, chủ quán vừa mở cửa. Tại sao có sự kỳ diệu thế này? Khi tỉnh, anh nào biết chỗ này có một quán sách. Ði tiếp, gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt là vườn hoa nhỏ. Hinh liền rẽ trái, đi một đoạn qua các cửa hàng bách hóa đã thấy vườn hoa Mùa Xuân.

 Kẻ hành đạo không chần chừ đắn đo, đi tới giữa vườn hoa, lòng như ngây ngất hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa muốn trì xuống. Mắt Hinh hoa lên, đâu Thiên Thần, đâu Ðịa Thánh, không biết con đang đứng giữa thiên đàng hay mặt đất. Rồi anh chợt tỉnh lại... "Tìm cái này" là tìm cái gì, anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng tiên tri. 

 Vườn hoa nằm cạnh đại lộ, lúc này đang vắng hoe, chỉ thấy mấy ông già tập thể dục muộn, dăm chàng thanh niên đang đá bóng và một tốp học sinh cấp ba đi học sắp qua. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất..." Hinh vừa cúi lom khom, chăm chú tìm kiếm vừa lẩm bẩm đọc. Anh như bị thôi miên, không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ giáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và bước từng bước một chậm rãi.

 Những người đang qua đường lấy làm lạ.

 Bắt đầu là một nhóm học sinh cấp ba, mấy đứa con trai vốn hiếu kỳ, đi đến và tự hỏi không biết ông kia tìm cái gì nhỉ. Chúng không thể tự giải đáp được.

 "Anh ơi, anh tìm cái gì đấy?"

 Hinh mải mê không hề nhìn lên, chỉ buộc miệng trả lời:

 "Tìm cái này".

 Ðối với chúng, câu trả lời ấy làm ngứa ngáy chân tay. Nhất định cha này mất nhẫn, dây chuyền hay hạt xoàn gì đó thôi, chúng mình mà vớ được thì hay lắm. 

 Thế là cả bọn, cặp sách dồn lại một đống, nhẩy vào cuộc tìm kiếm. Khi cả một đám người bò ra sục sạo tìm kiếm thì sự lạ tăng lên hàng chục lần. Người đi qua vườn hoa không bao giờ hết, dân lang thang thất nghiệp, dân nhà quê bỏ ra thành phố kiếm cơm, đang đói rách, hy vọng với được một chút may mắn. Những người này đi đến và không thể không hỏi.

 Tìm cái gì đấy?"

 Lần này thì bọn trẻ con đã mau miệng trả lời:

 "Tìm cái này".

 Câu này đối với người lớn làm ngứa ngáy đầu óc. Thế là họ bỏ cả gồng gánh, xe cộ, nhẩy vào quảng trường.

 Rồi tiếp diễn...

 Bây giờ là dân xích lô ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dân cỏ điếm, đám bụi đời móc túi nghe tin cũng tìm đến. 

 "Tìm cái gì đấy?"

 "Tìm cái này".

 "Mả mẹ chúng nó, dấu như mèo dấu cứt. Nhất định là hạt xoàn rubi, có lẽ tối qua bọn đào đá đỏ qua đây đánh nhau, đổ ra một bị đá đỏ không chừng. Mẹ chúng nó, ông mà biết trước, ông rào lại, ông đuổi tất. Ê, ông kia, được một viên rồi ha. Bắt nộp phạt, chúng mày..."

 Cứ thế

 Và số người hy vọng có một chút no ấm bò lê trên vườn hoa để tìm vật báu, đến lúc này, đã đông như một đàn kiến. 

 Hinh chợt nhận ra tiếng ồn của đám đông và anh ngạc nhiên đứng lên nhìn họ, hóa ra thiên hạ đang bu lại xung quanh mình. "Một lúc sau, anh sẽ có được thiên hạ". Hinh sung sướng đến rơm rớm nước mắt và mãn nguyện ra về.

 Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước, thất vọng ra về trước. Người đến sau sau thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai biết, nhưng cứ hy vọng có chút ấm no mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn lắm để họ trở thành một dòng nước.

 Trưa.

 Rồi chiều.

Và... vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa Mùa Xuân. 

Trần Huy Quang
 

Phụ Lục:

 Về nhân vật Hồ Chí Minh 

(Bài viết nhân dọc sách của Pierre Brocheux và William J. Duiker) 

Bùi Tín

                Hồ Chí Minh là nhân vật của thế kỷ 20 được đông đảo người đương thời biết đến, cũng là nhân vật bị tranh cãi nhiều nhất, với những nhận định trái ngược nhau.
 

               Ở trong nước, mặc dầu Đảng CS đã thực hiện đổi mới và mở cửa, tệ sùng bái cá nhân Hồ Chí Minh vẫn còn được duy trì, nó còn được tô đậm hơn với sự đề cao «tư tưởng Hồ Chí Minh» nhằm củng cố tính chính đáng của đảng cộng sản hiện tại khi uy tín của đảng bị giảm sút nặng nề. Họ còn lệnh cho Phật Giáo quốc doanh phong ông làm "bồ tát‘’: Bồ Tát Hồ Chí Minh ! 

              Năm 2000 tôi đã có dịp viết về HCM trên tuần báo TIME trong số đặc biệt dành cho 100 nhân vật châu Á có ảnh hưởng nhiều nhất trong thế kỷ 20.Từ đó, tôi vẫn để nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tài liệu, đọc và suy nghĩ về HCM, nhằm giúp cho các bạn trẻ VN ở trong nước cũng như ở ngoài nước  hiểu rõ ,hiểu đúng nhân vật lịch sử này, với thái độ khoa học, công bằng, không bị tô hồng hay bôi đen  tùy theo động cơ chính trị hay nhu cầu tình cảm …

                Tôi đã chăm chú đọc cuốn HO CHI MINH của giáo sư sử học Pierre Brocheux ở Université Paris VII do Presses de Sciences Po xuất bản năm 2.000, dày 236 trang.

                Tôi đặc biệt đọc kỹ cuốn  HO CHI MINH – a  life , của nhà nghiên cứu Wiliam J. Duiker, 696 trang, 26 chương, đó còn là vì tác giả có nhã ý cho tôi xem trước bản thảo, nhưng tôi không kịp góp ý vì quá bận vào những năm trước 2.000. Tôi đã ngả mũ chào kính phục W.J.Duiker tháng 1/2001 khi gặp ông ở Paris, vì ông đã để công thu thập tài liệu về HCM suốt 30 năm, đi đi lại lại nhiều lần sang Paris, Luân đôn, Mạc tư khoa, Hồng Công, Bắc kinh…, gặp biết bao nhân vật, khui biết bao hồ sơ mật để viết nên cuốn tiểu sử đồ sộ, độc đáo, hấp dẫn ấy

                Thế nhưng,tôi muốn góp ý với tác giả W.J.Duiker về một điểm, chỉ về một điểm thôi !

                Nhưng tôi thận trọng. Thế là tôi để thêm hơn một năm trời - từ đầu năm 2001 đến giữa năm 2002 - chỉ để đọc lại toàn bộ 12 tập Hồ Chí Minh Toàn tập, do Nhà xuất bản chính trị Quốc gia ở Hà nội xuất bản năm 1994. Để cho việc góp ý của tôi có cơ sở vững chắc.

                Với bài này, tôi không chủ ý đề cập đến chuyện riêng tư của ông Hồ, cho dù chuyện này ở trong nước có rất nhiều người quan tâm, coi là chuyện lạ, giật gân; nhóm lãnh đạo, ngành tư tưởng, và ngành an ninh trong nước cũng rất lo sợ  về những chuyện riêng ấy, vì đã trót loan truyền rất đậm cái hình ảnh hiền triết, tu thân khổ hạnh của Bác, cúc cung tận tuỵ triệt để cho cách mạng, đến mức không có một bóng dáng phụ nữ nào trong đời riêng ! Vậy thì nay muốn dịch và in sách này ở trong nước ắt phải yêu cầu tác giả Duiker dẹp bỏ đi tất cả các mối quan hệ tình cảm có thật hay còn nghi vấn của «ông Thánh», chuyện ông cưới vợ Tàu ở Quảng Châu, ông mê cô đầm Pháp ở Paris, ông có người tình ở Nga, ông yêu cô đồng chí Minh Khai và sống chung như vợ chồng ở Moscou, chuyện ông có con riêng…; tác giả W.J.Duiker đã từ chối yêu cầu trên và trả lời: muốn dịch phải để nguyên.  Đối với riêng tôi, các chuyện về đời tư nói trên chẳng mấy quan trọng, nó còn cho thấy ông Hồ cũng là con người như mọi người. Có nhiều điều hệ trọng hơn nhiều .

                Pierre Brocheux trong cuốn HO CHI MINH, nhận xét về cuốn sách của Duiker rằng : l’historien américain a rassemblé une masse impressionnante de matériaux primaires, de travaux anciens aux plus récents, de toutes provenances : vietnamiennes, françaises, anglo-américaines, australiennes, chinoises et russes. Il a choisi de dérouler cette biographie en 26 chapitres d’une narrative history extrêmement dense. Cependant, récit événementiel et analyse sont entremêlés : toutefois, la profusion d’ informations  et d’ événements est telle que, parfois les arbres font perdre de vue la forêt ! (page 75) ; (quá nhiều tài liệu xen lẫn với quá nhiều sự kiện làm cho nhiều lúc cây cối che mất toàn cảnh của cánh rừng !). Tôi cho đây là một nhận định xác đáng.

               Toàn cảnh cánh rừng ra sao ? Đây chính là vấn đề cần làm rõ .

              Ông HCM là người lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, rồi của nước Công hoà XHCN VN, cũng là lãnh tụ cao nhất của Đảng CS - đảng duy nhất lãnh đạo,  từ năm 1945 đến năm 1969 (tròn 24 năm). Hành động, tư tưởng, tài năng của ông tất yếu để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc sống của xã hội, đất nước , về thành công cũng như về thất bại, về thành đạt cũng như về thiếu sót, mặt tích cực cũng như về mặt tiêu cực.

              Thành tựu nổi nhất, rõ nhất, đó là dành lại được nền độc lập dân tộc, xoá bỏ ách cai trị của phát xít Nhật, thực dân Pháp và chế độ phong kiến tay sai thực dân Pháp. Tuy nhiên vấn đề này còn có thể tranh cãi vì ông Hồ đã  (kể từ năm 1950) ngày càng dựa vào sự chi viện, ủng hộ về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính của 2 nước CS lớn nhất là Trung Quốc và Liên Xô, từ đó trực tiếp đưa VN gắn chặt vào phe XHCN do Quốc tế Cộng Sản lãnh đạo, do đó đối lập với thế giới dân chủ. Trong thành tựu nổi bật này, ông Hồ từ khi hoạt đông chính trị đã luôn nhằm vào mục tiêu dành độc lập; ông đã vào đảng CS Pháp khi thấy đảng này ủng hộ có chủ trương giải phóng các nước thuộc địa khỏi ách cai trị thực dân của các nước đế quốc; ông đã khóc vì xúc động khi khám phá ra trong  bài viết của Lènine có nói về thái độ đảng CS đấu tranh xoá bỏ chủ nghĩa thực dân; ông đã cùng các bạn VN  viết Bản án chủ nghĩa thực dân để đưa yêu sách này cho Hội Quốc liên ở Versailles ; ông đã dựng lên báo Paria ở Pháp, cùng với các bạn Guinée, Tunisie, Maroc, Ânđộ, Nam Dương … đấu tranh đòi độc lập cho các nước thuộc địa. Ông đã viết kịch Con rồng tre để lên án ông vua bù nhìn Khải Định khi ông này sang thăm Pháp. Ông đã vẽ nhiều tranh biếm hoạ đả kích bọn thực dân ngồi trên xe kéo do dân Annam nghèo khổ kéo, bọn cai đồn điền đánh đập phu cao – su…Trong các bài viết, tranh vẽ ấy bốc lên lòng căm thù bọn thực dân, đồng cảm với đồng bào và dân thuộc địa bị đày đoạ tủi nhục.

            Theo tôi, mặt yếu trong tư duy chính trị của ông, cái lỗ hổng đáng tiếc trong lập trường chính trị của ông  là sau khi dành lại nền độc lập rồi thì xây dựng đất nước theo mô hình nào? quản lý đất nước theo những nguyên tắc nào? Hầu như trong ngôn từ chính trị của ông, trong Toàn tập Hồ Chí Minh 12 quyển dày cộp, vắng bóng một loạt các từ của thời đại:  xã hội công dân (socìété civile);  bầu cử tự do, tranh cử; nền tư pháp công bằng, lấy luật pháp làm chuẩn; vị trí của cá nhân trong xã hội; quyền tư hữu của công dân được xã hội và luật pháp công nhận; tính bất khả xâm phạm về thân thể, về tài sản của cá thể, của tư nhân …

              Nói gọn lại, trong tư duy chính trị của ông Hồ, khái niệm tự do, dân chủ tuy có được đề cập đến không ít, nhưng nội hàm của 2 từ ấy chưa mang những nội dung phổ cập, đầy đủ, cần thiết, tiến bộ nhất. 

              Những khiếm khuyết và bất cập ấy giải thích đầy đủ những hạn chế của cuộc sống Việt nam, những thiếu vắng, bất cập về xã hội, văn hoá và nhân sinh của con người Việt nam, và cả những bi kịch, đau thương của người Việt nam trong cả một thời gian lịch sử dài, từ giữa thế kỷ trước đến tận bây giờ.

              Đó là một xã hội không còn thực dân và phong kiến, không còn toàn quyền, công sứ, không còn vua quan, lý trưởng và cường hào, nhưng lại là một xã hội đoàn ngũ hoá, gần như trại lính hoá, tinh thần tập thể ngự trị, rất ít chỗ cho tài năng và sáng kiến cá nhân được nảy nở và đua tài. Đó là một xã hội khép kín, gần như không có liên lạc, trao đi đổi lại với các xã hội láng giềng (người công dân thường hồi ấy không một ai có điện thoại riêng, hầu như không được tự do gửi thư ra nước ngoài, không ai được nói chuyện với người nước ngoài). Đó còn là một xã hội nghiêm khắc và khắc khổ, chỉ được ca ngợi lãnh tụ, đảng và nhà nước, chỉ được hát những bài hát quy định, chỉ được sáng tạo theo một lý luận, bút pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, đi trệch hướng chính thống thì lập tức bị huýt còi, bị trừng phạt, bị kiểm thảo, kể cả bị tù đày, xiềng xích không cần xét xử.

              Đó là một đất nước hầu như không có tự do công dân, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do bầu cử, theo tiêu chuẩn bình thường của thế giới đương đại; còn thấp kém hơn xã hội thuộc địa dưới thời Pháp thuộc, khi báo chí tư nhân được xuất bản, khi có toà án xử theo luật chứ không theo chỉ thị, mức án được định trước khi xét xử,  có luật sư tư và trường đại học luật khoa.  Ông Hồ không thể không biết rõ những khiếm khuyết và bất cập ấy nhưng ông  tỏ ra hoàn toàn yên lòng về nó. Chiến tranh không đủ được coi là lý do tạm thời cho những lỗ hổng ấy, vì hoàn cảnh miền Bắc có thời gian hoà bình và ổn  định khá rõ rệt, có đủ điều kiện để xây dựng một chế độ dân chủ pháp quyền tiến bộ, ngang tầm trung bình của thời đại.

              Ông Hồ biết rất rõ những bi kịch cá nhân bi đát của giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, tiến sỹ văn học và luật học từ nước Pháp về, Giáo sư, Viện trưởng Viên Đại học Hànội, Uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc bị tước mất mọi chức vụ, bị cấm cả dạy tư, chỉ vì dám lên tiếng phân tích những sai lầm của đảng CS trong Cải cách ruộng đất (ông phải bán sách quý theo cân cho người mua giấy vụn; nuôi một gà mái lấy trứng lần lượt cho vợ ốm, con gái gầy còm và bản thân suy sụp);  của giáo sư triết học Trần Đức Thảo từ Pháp trở về bị ra rìa vì ương bướng không phục tùng đảng; hơn 30 văn nghệ sỹ đòi tự do sáng tạo trong vụ Nhân văn Giải phẩm bị cải tạo lao động và xỉ nhục; rồi hơn 20 nhà chính trị (có cả 4 vị uỷ viên trung ương đảng), có cả tướng, đại tá, nhà văn, nhà báo…trong vụ án xét lại vu vơ; cho đến số phận phi lý của ông  Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của cụ Hồ từ hồi 1945, đi cùng cụ Hồ sang Pháp năm 1946, người đảng viên cộng sản gần ‘’Bác‘’ nhất, cùng chung một chi bộ đảng 20 năm liền, bị bắt, bị tù 8 năm không xét xử cũng vì cái tội vu vơ « xét lại » ; bà Phạm Thị Tề vợ ông, cũng đảng viên CS kỳ cựu, gửi nhiều thư cho ‘’Bác‘’ , xin gặp "Bác", chỉ cần ‘’Bác‘’ phán cho một lời để cứu một người từng phục vụ sát mình hơn 20 năm liền bị oan ức, vậy mà không một hồi âm ! ‘’Bác‘’ nhìn đi nơi khác, không chút bận tâm !  Cũng như khi ông Hoàng Quốc Việt năm 1953 ở Việt Bắc làm thí điểm Cải cách ruộng đất tại Thái Nguyên chạy đến gặp ‘’Bác‘’ xin can thiệp vì các cố vấn Tàu đòi xử bắn bà Nguyễn Thị Năm bị chụp mũ là địa chủ ác bá, dù bà có 3 con trai đi bộ đội, từng nuôi nhiều cán bộ CS thời bí mật…, ‘’Bác‘’ chỉ ừ ầm cho qua chuyện rồi câm tịt, bỏ mặc !

            Hèn gì, Học viện chính trị quốc gia ở Hà nội vốn là học viện Nguyễn Ái Quốc vẫn giải thích câu châm ngôn trứ danh của HCM : Không có gì quý hơn Độc lập Tự do, rằng theo truyền thống của châu Á ( ! ), ý của từ tự do là tự do chung của dân tộc, của đất nước, chứ không có nghĩa là tự do của cá nhân ! (tư do cá nhân là của phương Tây).
             Theo tôi, phải là người VN, từng sống dưới sự lãnh đạo của đảng, của lãnh tụ cao nhất, từng  ‘’subir ‘’ sự lãnh đạo ấy, chịu đựng nó bằng cuộc sống hàng ngày, rồi suốt cả đời, bằng máu thịt của mình, mới có thể cảm nhận và viết nên những nhận định chân thật nhất, sinh động nhất về cái gọi là tiểu sử Hồ Chí Minh.

             Những lỗ hổng đáng tiếc, những thiếu sót trầm trọng, những bất cập mang tính bi kịch trên đây mà cả xã hội VN gánh chịu trong nửa thế kỷ, nhà nghiên cứu công phu W.J.Duiker không tìm thấy trong các kho tư liệu hiếm, nhưng nó vẫn in đậm trong cuộc đời của triệu triệu con người VN. Một xã hội đến nay tự do tư tưởng, báo chí, ngôn luận vẫn còn là xa xỉ, xa vời, mang đậm nét gia tài tinh thần mà HCM để lại, để những người lãnh đạo hiện nay cố tình ôm giữ, nhằm cầm giữ toàn xã hội trong cái khung chật hẹp của một đảng duy nhất, một học thuyết duy nhất, một mô hình xã hội duy nhất. 

              Cần nhìn thật rõ cái lỗ hổng toang hoác ấy , để các nhà tư tưởng mới, thế hế lãnh đạo mới, lớp trí thức trẻ hiện tại hiểu trách nhiệm của mình là sắn tay áo phấn đấu đưa đất nước tiến lên ngang tầm với mức phát triển trung bình về chính trị của thế giới, chưa nói đến tầm cao hay đỉnh cao trí tuệ nào! Nếu muốn thoát cảnh chậm tiến nhất về cả kinh tế, đời sống và phát triển ở Đông Nam Á, châu Á và thế giới. 

              Xin thông cảm cho người không còn trên đời này. Chớ nặng lời làm gì. Hãy cho người đã khuất yên nghỉ. HCM sinh từ cuối thế kỷ 19, khi chết, HCM chưa biết gì đến computơ cá nhân, đến điện thoại di động, đến toàn cầu hoá, đến kết thúc chiến tranh lạnh … Khi ở châu Âu từ 1911 đến 1923, HCM như chỉ có một ý nghĩ, một chủ định dành độc lập cho đất nước, không chú ý gì nhiều đến nền dân chủ nghị viện, đến một mô hình dân chủ nào đó, vì cho rằng giải được bài toán độc lập thì rồi mọi bài toán khác sẽ trôi chảy. Thế rồi cả cuộc đời còn lại ở ngoài nước, suốt từ 1923 đến 1942, 1943 là dưới trướng của Staline và của Mao Trạch Đông, mà HCM tôn thờ ngay là lãnh tụ vĩ đại ‘’Bác bảo đảm với các chú các cô rằng 2 vị này không bao giờ phạm sai lâm‘’ ( HCM : nói chuyện tại Đại hội ĐCS lần thứ II, tháng 1/1951). Các học giả nước ngoài viết tiểu sử HCM, nên tìm đọc cuốn ‘’Những kinh nghiệm tiến nhảy vọt của TQ» ký tên Trần Lực – một  bút danh của HCM - do nhà xuất bản Sự Thật của ĐCS in năm 1958, trong đó HCM ca ngợi hết lời những sáng tạo nấu thép trong sân nhà nông dân và đuổi chim bằng hò hét, trống kèn khắp cả nước Tàu để bảo vệ mùa màng, cũng như nhảy ương ca trên thảm lúa cao sản. Cái nhìn nhẹ dạ ngây ngô  hay sự đồng loã thêu dệt đối với nhà phù thuỷ Tàu họ Mao ? Thế là với niềm tin sắt đá như thế, HCM bê nguyên mô hình Liên Xô và Trung Quốc cộng sản vào để xây dựng miền Bắc, rồi cứ thế cho cả nước thống nhất !

             Cuối cùng tôi xin gợi ý các nhà học giả từng viết tiểu sử HCM – như Pierre Brocheux, như William J. Duiker, và những bạn khác đang có dự định ấy , hãy để chút thì giờ đọc và suy nghĩ về một bản tiểu sử HCM rất độc đáo, do một nhà văn trong nước VN  còn rất trẻ viết và được đăng công khai để bị cơ quan an ninh của chính quyền truy tìm để huỷ ngay 4 ngày sau đó, để rồi lại được dân tò mò tìm đọc nhiều hơn. Nó vẫn còn được dấu kín. Nó chỉ là bài báo báo nhỏ, với đầu đề: Linh nghiệm, chỉ vừa một ngàn từ, mà gói gọn cả một đời người HCM, nguồn gốc gia đình, tham vọng, ảo tưởng, sự mù quáng dai dẳng và kết quả xã hội của sự nghiệp con người ấy. Trần Huy Quang kể lại đã ôm ấp viết tác phẩm nhỏ bé ấy suốt hơn 10 năm, nghiền ngẫm, cân nhắc từng chữ, từng câu, từng hình ảnh, rồi tính toán mưu kế để nó vượt qua lớp lớp kiểm duyệt, chào đời trên tờ báo Văn Nghệ, cơ quan của Hội nhà văn chính thống, trong nỗi sung sướng cùng cực mà lo âu cũng vô hạn của tác giả, của bạn thân và vợ con anh .
 

             Tôi nghĩ bản ‘’tiểu sử‘’ HCM, bé hơn bàn tay này của một công dân VN loại 2, một nhà văn trẻ thông minh, là một bổ sung không thể thiếu cho những công trình đồ sộ như  của W.J.Duiker, tạo nên bức chân dung đầy đủ và trung thực -  phối hợp con mắt khách quan với cái nhìn chủ quan của người trong cuộc, của nhà sưu tầm tài liệu với người chịu trận, của người khảo cứu bằng lý trí lạnh lùng và người trái tim đập thình thịch khi sáng tác -  về nhân vật lịch sử HCM có nhiều tranh cãi  và vẫn còn không ít bí hiểm này. 

 Bùi Tín .

Paris, tháng 5/ 2003. 

[Trích Đàn Chim Việt: www.danchimviet.com]