Nguyễn Quang Lập
Nổi chìm một thị xã
Như thành phố Bôlônha của Ý,
Ôđexa của Nga, Conventry của Anh, thị xã Quảng Trị hơn hai mươi năm về
trước -
năm 1972 - được thế giới biết đến như một "thành phố tuẫn đạo". Đạo ở
đây là đạo lớn của đất trời non sông nước Việt bốn nghìn năm tích tụ,
đạo của
kiếp người khát sống tự do. Một thị xã chưa đầy sáu cây số vuông, một
thời đã
đưa ngực ra đỡ đạn cho Tổ Quốc, đã gánh chịu trên lưng mình một khối
lượng bom
đạn bằng bảy quả bom Hiroshima.
Suốt 81 ngày đêm, hơn hai vạn quân tinh nhuệ chính quyền Sài Gòn đã
không thể
nào kéo được lá cờ của họ lên trên Thành Cổ. Tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu đã
tăng ngân phiếu từ 100 ngàn đồng lên 500 ngàn đồng cho bất kỳ ai cắm
được lá cờ
lên đấy nhưng cũng phải bó tay. Mỹ đã triệu trung tướng tư lệnh
Frederick
Abrams - "Người hùng nước Mỹ" về nước và thay thế bằng tướng
Frederick Weyand, người được báo chí Mỹ cho là một cố vấn huyền
thoại... và là
một chuyên gia giỏi nhất nước Mỹ về Việt Nam". Vậy mà tướng Frederick
Weyand cũng không cách gì xoay được tình thế. Được thua trong trận
huyết chiến
ở Thành Cổ Quảng Trị có ý nghĩa to lớn trên bàn hội nghị Paris. Vậy nên
tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
cùng với hai tướng Khiêm và Viên tất bật ra tận Quân khu I để khảo sát
tình
hình rồi lui về họp suốt đêm với bốn tư lệnh quân khu, nháo nhác ra
Vũng Tàu
cùng với 20 tỉnh trưởng tính kế bày mưu, cũng không làm gì nổi. Chủ Mỹ
phải ra
tay. Họ khẩn cấp thành lập :"ủy ban hành động" do Kissinger đứng đầu.
Năm hàng không mẫu hạm: Kitty Hank, Constelltia, Oklahoma city, Midway
Saroya -
toàn những cái tên mới nghe đã sởn tóc gáy, đươc tập trung về biển Việt
Nam.
Cùng một lúc Mỹ đã huy động trên một ngàn máy bay, trong đó có 140 B52
và 60
chiến hạm, rốt cuộc cũng không làm gì xong. Thị xã Quảng Trị đã chiến
thắng, nó
hoàn toàn xứng đáng là "thành phố tuẫn đạo".
Tôi
kể vội vàng và sơ qua như vậy vì sợ có
người lại kêu: "Biết rồi khổ quá nói mãi!". Vâng, giờ tôi xin kể nỗi
truân chuyên của Thị Xã suốt 20 năm qua từ ngày Tổ Quốc thống nhất, có
thể ai
đó trong chúng ta chưa biết được chăng?...
Cuộc
tổng tiến công và nổi dậy thắng lợi
của tỉnh Quảng Trị và sau đó là cuộc tử thủ đẫm máu bảo vệ Thành Cổ
Quảng Trị
là một tập dượt vĩ đại để ba năm sau đó, năm1975, chúng ta tiến công
vào Sài
Gòn trong một cuộc hành quân thần tốc có một không hai trong lịch sử vệ
quốc,
có thể ví với cuộc hành quân thần tốc của Hoàng đế Quang Trung năm xưa.
Vì thế,
Quảng Trị chỉ còn gạch vụn và đất đỏ. Trường Bồ Đề, ngôi nhà còn lại
duy nhất
sau cuộc chiến cũng không còn nguyên vẹn, nó nham nhỡ vỡ nát, mang trên
mình
hàng ngàn vết đạn bom. Từ đó cỏ bắt đầu mọc. Cỏ mọc từ ngã ba sông
Thạch Hãn
tràn vào Thành Cổ, bò lây lan từ Nhan Biều đến Trí Bưu. Trên cỏ là cỏ
lau, như
rừng cổ xưa, trắng xóa. Hai mươi năm sau, khi tôi về ở men Thành Cổ, cỏ
vẫn mọc
xanh um thị xã như là một mảnh hoang sơ từ thủa hồng hoang rơi xuống
thời hiện
đại. Thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng rắn bò vào chuồng gà. Phía sau nhà tôi
là một
rừng cỏ lau lút đầu người. Đạo diễn Vương Đức về làm phim Cỏ lau đã nói
đùa:
"Chẳng cần lên rừng mới thấy cỏ lau, chỉ cần ra sau nhà ông là đủ."
Sau hòa bình, cái tên Thị xã
Quảng Trị bỗng dưng biến mất. Nó biến đi một cách lạ lùng. Từ ngày nhập
tỉnh,
nhập huyện, nhập xã năm 1976, chẳng ai gọi đây là thị xã nữa. Nó là
vùng đất
không tên gọi. Không một văn bản nào ra quyết định xóa tên nó, chỉ vì
chính
quyền sở tại bỗng dưng không gọi nó nữa, vậy thôi .Đến nỗi bến xe An
Hòa, bến xe
tỉnh lị Bình Trị Thiên, trên tuyến đường Huế về Quảng Trị, trơ trẽn một
cái
biển đề: Huế - Hải Trí. Hải Trí là một xã ven Thành Cổ, cũng vừa có tên
sau
cuộc nhập tỉnh trớ trêu kia. Thị xã Quảng Trị bỗng biến mất trong cỏ,
và vì vậy
suốt hai mươi năm, nhiều người dân ở đây vẫn cay đắng gọi Thành Cổ là
Thành Cỏ.
Năm 1989, tôi và
anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đến
chơi nhà anh Lê Vũ Bằng, một cán bộ kỳ cựu của Quảng Trị. Khi nhắc đến
"Thành cổ anh hùng", anh Bằng khẽ thở dài, không nói gì. Anh Tường
nói rằng cần phải làm một việc gì đó để khôi phục Thành Cổ, một di tích
lịch sử
vô giá. Anh Bằng gật đầu nói:
-Có.
Có đấy. Có ba đợt kỷ niệm, vào những
năm1984,1985, 1987, các đơn vị từng chiến đấu ở Quảng Trị đã vào đây,
tất cả
đều đòi hỏi phải xây dựng một viện bảo tàng tại Thành Cổ. Mười một vị
tướng về
đây đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cỏ và gạch vỡ trong Thành
Cổ. Bộ
quốc phòng đã cho công binh vào rà mìn, chở theo 80 tấn xi măng, các tư
lệnh
Quân Đoàn I và Quân đoàn II đều về dự, và có kế hoạch đóng góp xây dựng
"một cái gì đó" cho Quảng Trị, Nhưng đùng một cái, tỉnh Bình Trị
Thiên ra quyết định đình chỉ tất cả. Lý do là Bộ văn hóa cấm đụng tới
khu Thành
Cổ này, đây là di tích xếp hạng A1 quốc gia, huyện không được nhúng tay
vào.
-Ai
quyết định đình chỉ? Tôi và anh Tường
cùng kêu lên.
Anh
Bằng nói:
-
Theo tôi biết là sáng kiến của nghành
Bảo tàng tỉnh, biến thành chủ trương của Bộ văn hóa và chủ tịch tỉnh
Bình Trị
Thiên lúc đó ra pháp lệnh.
Anh
Tường nhăn mặt hỏi:
-Thế Bộ và Tỉnh
đã đưa ra kế hoạch thế nào,
làm gì?
Anh
Bằng cười chua chát:
-Họ
chỉ có một kế hoạch, là im lặng suốt
mười mấy năm để mặc cho cỏ mọc.
Vậy thì cỏ mọc.
Cỏ hiện giờ đang trùm lên nhà
lao Quảng Trị, xây từ thời Pháp, dùng để giam tù cộng sản, nơi mà đồng
chí Lê
Duẩn đã từng bị cầm cố. Cả hàng chữ quyết liệt và lãng mạn tuyệt vời
của những
người tu cộng sản viết bằng sơn trên đá: "Hãy hát lên, anh em ơi!"
cũng bị cỏ phủi mờ, nay chẳng còn dấu tích.
Chiến tranh đã để
lại trong lòng đất Quảng Trị
hàng chục ngàn nhân mạng, hàng chục ngàn nhân mạng trên một diện tích
chưa đầy
sáu cây số vuông. Có thể nói bất kỳ một thước đất nào ở đây cũng chứa
đầy xương
người và đạn pháo. Cứ chiều chiều, thường là vào buổi cơm chiều, thỉnh
thoảng
lại có tiếng mìn nổ. Tiếng mìn do những người dân nghèo đào sắt vụn
chạm phải.
Hẳn nhiên sau đó là cái chết thảm thương của những người dân tội nghiệp
kia. Có
trên ba mươi buổi chiều tôi đã bỏ cơm, uống rượu thật say để quên đi
những thảm
khốc sau chiến tranh kia. Ấy là một chuyện. Chuyện khác cũng đau đớn
không kém,
là cứ hai nhà đào móng xây nhà thì thế nào cũng có một nhà đào được
xương
người. Có nhà đào móng xây nhà mình xong cũng gom đủ bảy bộ xương
người. Đất ở
đây đã biến chất, và dù biết có thể mắc bệnh truyền nhiễm, có thể chết
bất đắc
kỳ tử, dân ở đây cũng phải đào giếng lấy nước uống. Hệ thống nước máy
đã bị phá
hủy hoàn toàn sau chiến tranh. Hai mươi năm sau vẫn nguyên xi sự phá
hủy không
một ai tái thiết.
-Năm 1984 - Anh
Lê Vũ Bằng rầu rĩ kể cho chúng
tôi chuyện cũ - Hội Đồng Nhà Thờ Thế Giới có liên lạc với chính phủ ta,
đề nghị
viện trợ cho thị xã Quảng Trị 400.000 đô la dùng để trang bị hệ thống
cung cấp
nước cho thị xã, đổi lại, họ mong muốn có một đoàn sứ giả sang tới thăm
nhà thờ
La Vang để quan sát mức độ tàn phá của chiến tranh. Trung ương nhất
trí, huyện
Triệu Hải đã làm luận chứng khoa học, phân tích mẫu nước, thiết kế hệ
thống lọc
định dặt ở Tích Tường. Công trình đang tiến hành khả quan thì một lần
nữa, lệnh
của Tỉnh đưa ra: Phải đình chỉ ngay tức khắc. Đề án cấp nước bị bãi bỏ.
Cỏ đã mọc xanh
rờn như lãng quên và phi lý.
Ngay cả khi tách tỉnh, thị xã Quảng Trị được tái lập, người ta cũng
quên mất
nơi đây là tỉnh lỵ có từ thời Pháp - một chọn lựa nghiêm túc về nhân
hòa và địa
lợi - để kéo nhau ra Đông Hà, một vùng đồi núi trập trùng hì hục xây
tỉnh lỵ
mới, gây ra không ít bất bình trong nhân dân.
Trên cỏ là nước.
Mùa lũ sắp đến rồi. Bây giờ
tôi đang sống ven Hồ Gươm, nghĩ đến mùa lũ Quảng Trị còn giật mình đánh
thót.
Một trăm năm trước thị xã Quảng Trị không có lụt, đúng hơn là không có
những
trận lụt ghê gớm như năm 1983 cuốn trôi hàng trăm nóc nhà, không có
trận lụt
như năm 1984, cả thị xã gần như chìm hẳn trong nước. Không thể chối cãi
việc
làm con mương dẫn nước xuyên đồng Triệu Hải đã làm cho đồng đất Triệu
Hải liên
tục bội thu, Nhưng cũng vì thế dòng chảy sông Thạch Hãn bị đổi dòng và
bị nghẽn
lại. Vậy là lũ. Nước ngập mặt một vạn hai dân ở đây. Nhà nào nếu không
quét vôi
đi, ắt hẳn còn nguyên xi ngấn nước lũ vàng khè ở trên vách cửa, trên
xà, cả đến
gần nóc cũng có. Người dân ở đây sợ lũ còn hơn sợ giặc. Bởi vì giặc thì
có thể
cầm súng mà chống lại, còn với lũ thì vô phương. Năm 1989, tôi vinh dự
được bầu
vào Hội đồng nhân dân thị xã khóa I, khóa đầu tiên sau ngày Thị Xã được
tái
lập. Ngay kỳ họp đầu tiên đã bị bỏ dở vì lũ đến, toàn bộ Hội đồng táo
tác đi
chống lũ. Hai tuần sau mới họp lại và ra được một kiến nghị thống thiết
kêu gọi
hết Bộ này đến Bộ khác tìm mọi cách xóa lũ cho thị xã. Bốn năm sau mới
có hồi
âm, Bộ thủy lợi rót cho ít tiền làm hệ thống giảm lũ. Giảm chứ không
phải xóa.
Bởi vì muốn xóa phải có một món tiền ít nhất là 10 tỉ. Mười tỉ đồng chứ
không
phải bỡn. Thôi thì một vạn hai cư dân ở đây cứ chịu khó ngụp lặn trong
nước,
bao giờ có 10 tỉ đồng hẵng hay. Tôi là dân ngụ cư, lại chỉ sống với Thị
Xã
chừng bốn năm, nhưng hễ mùa lũ đến, thấy bà con ngồi trên thuyền cấp
cứu di tản
về ngôi nhà ba tầng duy nhất của thị xã để tránh lũ, nhớ đến mười tỉ
đồng, cứ
ước mong mình được xê-ri giải độc dắc, rồi chợt trong lòng mình dâng
lên một
điều gì đó như là oan ức và phi lý.
Bây giờ thị xã đã
có tên, cái tên có từ thời
Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc... bây giờ đã có. Mừng quá! Hệ thống nước uống
cho thị
xã đã khởi hành nhưng không biết năm nảo năm nào thì xong vì kinh phí
cứ từng
giọt nhỏ về. Thành Cổ đã được xây cất một tượng đài, ròng rã hai năm
vẫn chưa
xong vì kinh phí lúc có lúc không, nom chưa ra hình gì, chỉ chắc mẩm là
rất sâu
sắc! Điện đường đã có nhưng mỗi đêm thì đỏ ba tiếng vì thiếu tiền trả
cho Sở
điện lực. Tất cả chỉ vì thiếu tiền, thiếu đến nỗi ông chủ tịch thị xã
đi công
tác mà chánh văn phòng phải chạy đi ký nợ từng lít xăng. Mỗi năm tỉnh
chỉ rót
về một hai trăm triệu, chưa đủ chi tiêu văn phòng, trả lương cho cán bộ
đã sạch
túi.Túng thì tính. Hội đồng nhân dân thị xã làm một chuyện liều: thu
tiền đất
không nộp lên trên, lấy đó xây dựng cơ sở vật chất cho thị xã. Được đâu
chừng
ba tỉ, hí hửng xây nhà trẻ Hoa Mai, xây khu văn hóa đa chức năng, tu
sửa và
nâng cấp các trường tiểu học.Được ít lâu, Viện kiểm sát phát hiện ra
cái tội
"cố ý làm trái", đòi bỏ tù ông chủ tịch và kỷ luật toàn bộ thường vụ
Đảng ủy Thị Xã. May Tỉnh ủy Quảng Trị biết rõ mười mươi các ông này vì
dân mà
làm liều chứ không phải tham ô tham nhũng gì, bèn xử hòa bằng cách
khiển trách
Thị ủy, cách chức chủ tịch Thị xã. Thế là phải lắm. Phải lắm, nhưng vẫn
thấy
cay cay đầu sống mũi, cái buổi chiều anh Nguyễn Minh Chương, chủ tịch
Thị xã,
chia tay với Hội đồng nhân dân lên nhận nhiệm vụ ngồi chơi xơi nước
trên tỉnh.
Cũng buổi chiều ấy, anh Văn Hàn Thuyên phát bệnh ung thư, chết sau đó
một
tháng. Ngày xưa, ông bà ta không biết ung thư là cái gì, vẫn gọi đấy là
"cục uất".
Thị xã Quảng Trị
của tôi, xin mạo muội được
nhận mình là đứa con của Thị xã, dù bây giờ đã khởi sắc,vẫn chưa thoát
cơn chìm
nổi giữa lãng quên và phi lý. Thị xã Quảng Trị của tôi thừa đức hy
sinh, lòng
dũng cảm, trí thông minh để "rủ bùn đứng dậy sáng lòa" như bao nhiêu
vùng đất khác của Tổ Quốc, nhưng tuồng như đã không đứng dậy nổi sau
nhiều cố
gắng bất thành, chỉ đơn giản nó thiếu tiền, đúng hơn là nó thiếu một cơ
chế tạo
ra những đồng tiền lành mạnh cho nhân dân. Có lẽ vì thế cỏ vẫn phủ đầy
Thị xã
và bài hát "Cỏ non Thành Cổ" cứ một lần cất lên lại làm cho những ai
đau đáu với mảnh đất này không cầm được nước mắt.
Nguyễn Quang Lập
[Trích e_VHNT ]
Gủi TTH
Jennifer Tran