*






Phan Huyền Thư

 

Chuyện của Chip

 

 

Có tiếng chuông điện thoại. Tôi liếc đồng hồ treo tường. Mười một giờ mười lăm. Mẹ tôi ngồi dậy hỏi đứa nào. Tôi bảo cái Hạnh đợi con ở Queenbee. Mẹ tôi bảo: "Ở nhà".

 

Tôi chui đầu vào chăn. Mẹ tôi hỏi: "Mày tính với thằng Cường thế nào?". "Con sẽ lấy nó". "Bao giờ?". "Bao giờ cảm thấy O.K.". "Thế thằng Quang?". "Con thích nó". "Mày định lằng nhằng đến bao giờ?". "Con không biết". "Nhỡ thằng Cường biết thì sao?". "Có lẽ biết rồi. Cùng lắm là out...". "Tao cấm...". "Mẹ ơi nghĩ làm gì cho mệt. Những chuyện mong manh ấy mình con giải quyết được rồi". "Không biết kiếp trước tao nợ nần gì mày...".

 

Chống chân xuống giường, Hạnh bảo: "Thay đồ". "Chờ cơm cạn tao hấp nốt cơm nguội rồi đi". "Bảy lăm". "Được hả?". "Ừ! Hôm qua có đứa xui tao con bảy sáu. May mà không đánh". "Bây giờ đi đâu?". "Ngồi yên rồi biết".

 

"Nếu bố mày biết mày vào Bar với tao thì sao?". "Tao không biết". "Sao còn đi?". "Cùng lắm là đòn. Tao không sợ đòn, chỉ sợ mẹ tao rên". "Giống tao quá. Mẹ mày có bảo kiếp trước nợ mày không?". Tôi và Hạnh, hai đứa chúng tôi là hai "chứng nhân lịch sử" về sự suy đồi đạo đức. Đạo đức có chuẩn mực không, hay là nó thay đổi theo thời cuộc. Ông tôi bảo: "Ngày xưa vì yêu bà mà tao bị khai trừ ra khỏi Đảng. Tao với bà mày ‘hủ hóa’ ra bố mày... Rồi ông quay sang duyệt tiếp tâm lý Mỹ, thể loại hai tư trên hai tư có tác dụng như keo con voi dính chặt ông vào ghế dưỡng già. Bố tôi đáp: "Thì con bị kỷ luật trước toàn trường với một tuần quét nhà vệ sinh vì tội nhìn mẹ cái Nhi trong giờ sinh hoạt Đoàn của Khoá chứ đâu". Nói rồi bố tôi liếc đồng hồ gọi điện thoại cho lái xe đến đón. (Hai sáu trên ba mươi ngày họp tại Nhà hàng). Mẹ tôi bảo: "Mày sướng quá hoá rồ. Mày không đọc báo à. Yêu đương lăng nhăng mất mạng như chơi. Gặp phải thằng liều thì phí cơm tao nuôi mày". Tôi lần bần đáp: "Con chẳng yêu thằng nào. Đàn ông bây giờ thằng làm ra mười nghìn tiêu trăm nghìn. Thằng làm ra tiền triệu thì tiêu từng nghìn. Thằng chẳng làm ra đồng nào thì trốn vào sách vở học hành. Toàn ngáp vặt với cãi nhau những vấn đề ngay cả Bill Clinton cũng không dám nghĩ". Bố tôi bảo: "Thế con Nhi nó si thằng nào quá, vác hết của nả cho giai bà có chịu không?". Mẹ tôi đay: "Việc gì phải mượn nó, của nả nhà này cũng có người đang khuân dần khuân mòn đi hộ rồi". Bố tôi dàn hòa: "Mấy con mẹ phệ hôm nay không rủ bà đến Câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển à?".

 

 Hạnh bảo tôi: "Tao định đi Úc". "Du học à?". "Mày đi với tao đi". "Sao? Chán à?". "Ừ, mỏi quá. Hai cụ nhà tao muốn tao wedding". "Thằng nào thế?". "À! Một thằng mới về Bộ Ngoại giao. Theo tao đoán có lẽ nó... gác cổng. Hôm qua nó đến nhà gặp tao: 'Hê-nô! Hao-A-diu'. Tao bảo: 'Canh thiu'. Nó trợn mắt không hiểu, tao nhắc lại: 'Canh thiu. Canh rau ngót'. Mặt nó đỏ gay. Tôi thắc mắc: 'Nhân tài nước Nam nhiều như lá mùa thu - rụng đâu hết?". "À! Thằng này có họ với xếp khá lắm. Nghe đâu mới học hết lớp bốn trường làng, đi Nga về, luyện tiếng Anh cấp tốc tại trung tâm... Thế mày có định đi Úc với tao không?". "Tao chưa biết. Dạo này tao có dễ thở hơn tí chút... Mày biết con Nga không?". Hạnh nghĩ ngợi: "Con Nga nào nhỉ?". "Con Nga điệu chứ còn con nào?". "Thằng cha giám đốc - bồ nó - có một vợ hai con ở Sài Gòn. Nó vác bụng rồi mà không cưới được...".

 

 Mẹ tôi luôn mồm bảo: "Nhìn con Nga mà thèm. Nết na là thế. Giản dị, sạch sẽ. Nó không nhiều bằng cấp như các cô mà nó đi làm công ty, lương một vé... ". Tôi đáp: "Mẹ ơi bây giờ đừng tin vào hình thức. Bọn giản dị, sạch sẽ: Sơ mi cắm thùng, tóc tết đuôi sam, ra vào viện C như đi chợ. Thư ký thì hôn nhau choét mồm với giám đốc. Lỗi tại không có kiến thức cả thôi. Xử lý thông tin lại chậm...” Mẹ tôi bảo : "Mày ra trước gương xem nào. Đầu tóc rối bù, áo quần vá chỗ này thêu chỗ nọ. Không rách cũng cố cào ra cho rách. Tao có để mày thiếu gì đâu mà mày ăn mặc như bêu riếu tao. Yêu đương thì chẳng rõ ràng gì sất". Tôi bảo: "Mẹ đừng bắt con phải giống ai. Đặc biệt là giống con Nga. Con sợ mẹ lại ân hận".

 

 Khi chuyện cái Nga vỡ lở. Tôi có một tuần an dưỡng, không phải nghe mẹ tôi ca ngợi nó. Nhưng một tuần sau mẹ tôi lại bảo: "Mày phải chọn lựa cẩn thận không lại giống cái Nga ...". Tôi van vỉ: "Mẹ ơi, mẹ thương con. Một mình con đánh vật với cuộc sống của con đã phờ người rồi. Ngày nào mẹ cũng khuấy tung lên với hàng vốc lời khuyên, với những chuyện không đâu... con chắc điên mất". "Kệ xác mày! Không biết kiếp trước tao nợ gì mày...". Tôi chống cằm: "Mẹ ơi ! Thế yêu mà không lấy có phải kiếp này nợ nhau không?". Mẹ tôi bảo: "Có lẽ đúng". Chết cha ! Chẳng lẽ kiếp sau Quang lại là con tôi à?

 

 Cơm nước xong. Mẹ tôi bày lễ bảo tắt đài rồi bắt đầu tụng kinh. Tôi thay quần áo ra ngoài. Cường đã đợi sẵn. Chúng tôi đi vào Thảo viên. Đèn tối mò. Căng mắt mới nhìn thấy lối đi. Gọi là "viên" mà lại giống chuồng ngựa. Một dãy san sát toàn ô ngăn gỗ. Đi qua nghe thấy lục đục... Cường gọi: "Hai cam vắt". Tôi đòi về. Cường bảo: "Trả lời anh câu này rồi anh cho về". "Câu gì?". "Lấy anh không?". Tôi gật đầu. Cường bảo: "Tốt. Về thôi".

 

 Tôi về đến nhà thì bắt đầu Ô-sin. Nếu gặp cái Hạnh thế nào nó cũng bảo: "Mày học tập con Nga về trước chín giờ đấy à?". Cho mà xem. Nhưng tôi không gặp nó mà là Quang. Trông Quang có vẻ mệt mỏi. Quang hỏi tôi: "Người kia cũng yêu Nhi à?". Tôi gật đầu. Quang lại hỏi: "Thế Nhi có yêu anh không?". Tôi hỏi: "Quan trọng lắm không". Quang bảo: "Nhi không trả lời à?" . Tôi lí nhí: "Nhi thích anh lắm. Muốn gặp hàng ngày". Quang thở phào hỏi: "Thế Nhi có đồng ý là vợ anh không?". Tôi gật đầu. Quang bất ngờ "thơm" vào má tôi thì thầm: "Anh yêu Nhi phát điên". Tim tôi đập thình thịch.

 

 Nằm nghe nhạc mãi không ngủ được. Mẹ tôi về từ Câu lạc bộ khiêu vũ cổ điển. Nhìn mẹ tôi biết ngay vừa nhảy điệu Pasô "Chú ếch xanh" (bài kết truyền thống thuộc quyền sở hữu của Câu lạc bộ). Tôi kể chuyện buổi tối, mẹ tôi giãy nảy: "Sao mày dám...". Tôi trấn an: "Mum ơi, bọn đàn ông bây giờ nói chuyện cưới xin như không ấy mà. Nó hứa suông với con gái mẹ thế để con gái mẹ cứ cum cúp mà chờ đợi. Nó đã cưới ngay đâu mà lo. Yêu bây giờ mà không nhắc chuyện cưới thì có vẻ như không đứng đắn. Nhưng mà lấy nhau xong cặp bồ nhoè nhoẹt thì lại mốt". Bố tôi vừa về đến nhà tưởng tôi động chạm gì hỏi: "Nhi, mày vừa nói gì?". Tôi toe toét: "Oh! No. Daddy. How are you?"

 

 Tôi không biết cuộc sống của tôi bằng cách nào mà trôi đi nhanh thế. Mở mắt ra: "Hôm nay đã là một ngày mới". Nếu tính trung bình tuổi thọ là sáu mươi thì tôi chỉ còn có mười ba ngàn năm trăm lẻ năm lần thức dậy vào buổi sáng như hôm nay. Hôm nay. Một buổi sáng cuối thu. Mây xám. Mưa phùn. Gió. Nhìn qua khung cửa sổ những cành cây thưa lá líu ríu dụi vào nhau. Dưới đường người đi thưa thớt co ro trong những tấm áo mưa kín mít. Sống trên đời được hưởng là mấy cái mưa mà co ro kín mít ? Trễ nải không muốn ăn sáng, tôi thay đồ lao xuống đường chờ xe buýt đi học (tất nhiên là không mặc áo mưa). Ngày hôm nay sẽ là ngày cũ. Ngày mai mới là một ngày mới. Tôi quyết định sẽ gặp Cường và Quang đính chính lại sự thật, để kết thúc vở kịch "Cầu hôn". Ngày mai đã là ngày mới ! Tôi, Hạnh và các bạn nữa, còn bao nhiêu việc để làm, để sống. Nếu không, tôi sẽ không còn nhiều cơ hội nghe câu: "Không biết kiếp trước tao nợ nần gì mày" vào những lúc mẹ bất lực trước cái ngang ngạnh dở hơi của tôi (không khéo tôi lại dùng đúng câu ấy với con tôi sau này). Không! Phải khác đi. Phải thay đổi nhanh chóng lên. Năm hai nghìn đến rồi. Này, thế kỷ hai mươi mốt, ta đợi nhà ngươi! Có tiếng chuông đồng hồ báo thức. Tôi chồm dậy. Hoá ra tôi vừa lảm nhảm những điều trên là ở trong mơ. Ngoài trời sáng trong veo chẳng mưa cũng chẳng mấy xám. Nhưng mà tôi vẫn nghĩ như thế. Ai thấy không ổn cứ việc hỏi:

 

 "Chẳng biết kiếp trước tao có nợ nần gì mày không?".

 

  Phan Huyền Thư